Tập huấn cảnh giác dược cho cán bộ y tế của chương trình phòng chống sốt rét  9/24/2013 1:23:34 PM

Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương (NIMPE), phối hợp với Trường Đại học Dược Hà Nội, đã tổ chức thành công lớp tập huấn Cảnh giác dược cho cán bộ y tế của chương trình phòng chống sốt rét.

         Trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ hệ thống Y tế”, hợp phần 2.1 “Tăng cường các hoạt động cảnh giác dược” do Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS, Lao và Sốt rét tài trợ, từ ngày 17 đến 19/7/2013, tại Khách sạn Perfect (số 1 Thanh Bình, Phường Mộ Lao, Hà Đông, Hà Nội), Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương (NIMPE), phối hợp với Trường Đại học Dược Hà Nội, đã tổ chức thành công lớp tập huấn Cảnh giác dược cho cán bộ y tế của chương trình phòng chống sốt rét.


Tập huấn Cảnh giác dược cho cán bộ y tế của chương trình phòng chống sốt rét

           Bốn mươi học viên tham dự lớp tập huấn là đại diện của Sở Y tế, Trung tâm Phòng chống sốt rét, Bệnh viện đa khoa các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, đại diện của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương. Đến dự khai mạc lớp tập huấn có: PGS.TS. Hồ Đình Trung, Phó Viện trưởng, Phó Bí thư Đảng ủy Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương (NIMPE), TS. Nguyễn Hoàng Anh, Phó giám đốc Trung tâm Quốc gia thông tin thuốc và các phản ứng bất lợi của thuốc (DI&ADR), Lãnh đạo các Khoa, Phòng chức năng và chuyên môn của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, các giảng viên, trợ giảng của NIMPE và Đại học Dược Hà Nội/Trung tâm DI&ADR.

          Phát biểu trong lễ khai mạc, PGS. TS. Hồ Đình Trung đã nhấn mạnh tầm quan trọng của cảnh giác dược nói chung và cảnh giác dược trong phòng chống sốt rét nói riêng, đồng thời khẳng định hoạt động này cần được triển khai sâu rộng trong chương trình. Tiếp theo, TS. Nguyễn Hoàng Anh đã biểu dương những nỗ lực của Tổ Tư vấn các hoạt động cảnh giác dược NIMPE trong việc xúc tiến triển khai các hoạt động hợp tác với Đại học Dược Hà Nội từ năm 2012. TS. Nguyễn Hoàng Anh cũng hy vọng sau lớp tập huấn này, các học viên có thể truyền tải những kiến thức và kỹ năng cơ bản nhằm phát hiện, xử trí, báo cáo và dự phòng phản ứng bất lợi của thuốc điều trị sốt rét cho các cán bộ y tế tại đơn vị mình.

Sau lễ khai mạc là nội dung khóa tập huấn. Các học viên được trang bị những kiến thức và kỹ năng như:

1. Cảnh giác dược trong Chương trình phòng chống sốt rét, hướng dẫn báo cáo phản ứng có hại trong điều trị sốt rét (Giảng viên: TS. Nguyễn Hoàng Anh, Trung tâm DI&ADR).

2. Triển khai hoạt động cảnh giác dược trong phòng chống sốt rét tại Việt Nam (Giảng viên: TS. Nguyễn Thị Minh Thu, NIMPE).

3. Sử dụng thuốc trong điều trị sốt rét (Giảng viên: PGS. TS. Tạ Thị Tĩnh, NIMPE).

4. Theo dõi, phát hiện, xử trí và dự phòng phản ứng có hại của thuốc trong điều trị sốt rét (Giảng viên: TS. Nguyễn Thị Minh Thu, NIMPE).

5. Thảo luận chia sẻ thực hành Cảnh giác Dược tại các cơ sở điều trị (Giảng viên: TS. Nguyễn Thị Minh Thu, NIMPE).

6. Thực hành ca lâm sàng sử dụng thuốc trong điều trị sốt rét (Giảng viên: PGS. TS. Tạ Thị Tĩnh, NIMPE).

7. Thực hành điền biểu mẫu báo cáo theo dõi phản ứng có hại của thuốc trong điều trị sốt rét (Giảng viên: TS. Nguyễn Hoàng Anh, Trung tâm DI&ADR).

         Học viên đã có 2 giờ thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm thực hành cảnh giác dược tại các cơ sở điều trị (cụ thể là tại các bệnh viện đa khoa tỉnh). Trong buổi thảo luận này, chị Bùi Thị Tâm, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên chia sẻ: việc thực hành cảnh giác dược ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên đã được tiến hành từ lâu, tất cả các khoa điều trị của bệnh viện đều có sổ theo dõi phản ứng bất lợi của thuốc (Adverse drug reactions - ADR) và thứ sáu hàng tuần đều có giao ban về việc sử dụng thuốc trên bệnh nhân. Với các trường hợp xuất hiện ADR, người báo cáo có thể là điều dưỡng, bác sĩ hoặc dược sĩ lâm sàng. Sau đó, BS. Tâm cũng nêu ví dụ 2 trường hợp dị ứng với Amlor và Prednisolon tại bệnh viện, phát hiện và cách xử trí.

         Dược sĩ Lê Chí Thành, Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu cũng chia sẻ: các bác sĩ và điều dưỡng đều có tâm lý chung là ngại báo cáo ADR của thuốc, một phần vì họ rất bận, phần khác là do sợ bị quy trách nhiệm. Do đó, các báo cáo ADR của thuốc còn ít. Hiện tại, ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu đã có phần mềm quản lý, theo dõi việc sử dụng thuốc. Các mẫu báo cáo ADR của thuốc đều được tải từ trang web của trường Đại học Dược Hà Nội và các báo cáo cũng được gửi trực tuyến từ trang web này. Dược sĩ Thành cũng nêu ví dụ về 2 trường hợp dị ứng với Cefixim được đưa vào viện và cách điều trị.

         Theo chị Nguyễn Thị Mai, dược sĩ tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam, việc theo dõi ADR trên bệnh nhân đã được triển khai tại bệnh viện từ năm 2007 và đến năm 2009 thì đi vào nề nếp và bài bản hơn sau khi các cán bộ được tập huấn về theo dõi, phát hiện, xử trí và báo cáo ADR của thuốc. Việc theo dõi ADR được đưa vào chỉ tiêu đánh giá thi đua và hàng tuần đều có buổi giao ban với các chủ đề ADR của thuốc lồng ghép với hoạt động dược lâm sàng. Về công tác báo cáo ADR: hầu hết các ca xuất hiện ADR của thuốc đều do bệnh nhân sử dụng thuốc ở ngoài viện, sau đó phải nhập viện do bị dị ứng thuốc, được điều trị tại viện; còn trường hợp sử dụng thuốc tại bệnh viện mà bị ADR thì sẽ được báo cáo ngay với tổ Dược lâm sàng để cùng xem xét và giải quyết. Ngoài việc xử trí và báo cáo, các mẫu thuốc đã dùng trên bệnh nhân cũng được đưa đi kiểm tra, đánh giá chất lượng trước khi kết luận về nguyên nhân gây ra ADR. Tất cả các khoa, phòng đều có sổ theo dõi và mẫu báo cáo ADR. Mỗi ca ADR đều được làm 2 bản báo cáo, trong đó 01 bản lưu lại khoa và một bản gửi cho khoa Dược bệnh viện để tập hợp và gửi tới Trung tâm DI&ADR. Các báo cáo ADR gửi tới Trung tâm DI&ADR đều được Trung tâm phản hồi lại và có hướng dẫn cụ thể những gì phía bệnh viện còn vướng mắc.

        Dược sĩ Lê Thị Mỹ Hạnh cho biết, ở bệnh viện đa khoa tỉnh Nghệ An, công tác dược lâm sàng tương đối tốt, các khoa - phòng đều được kiểm tra việc sử dụng thuốc trên bệnh nhân và dược sĩ cùng bác sĩ luận bệnh án. Mẫu báo cáo ADR được phát cho tất cả các khoa của bệnh viện. Người báo cáo ADR có thể là bác sĩ, điều dưỡng hoặc dược sĩ. Mỗi báo cáo ADR được gửi đồng thời cho Sở y tế tỉnh và Trung tâm DI&ADR Quốc gia. Tỷ lệ ADR gặp nhiều ở các thuốc kháng sinh, đặc biệt các cephalosporin thế hệ III, thuốc cản quang,… Chưa thấy báo cáo ADR của thuốc sốt rét.

        Dược sĩ Trần Lê Thu, khoa Dược, bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa cũng cho biết, báo cáo ADR được phổ biến toàn viện và các khoa phòng đều có sổ theo dõi ADR riêng.

       Sau giờ thảo luận, các học viên đã có 2 giờ thực hành các ca lâm sàng, nghiên cứu từng ca bệnh cụ thể có ADR, 4 giờ thực hành điền mẫu báo cáo ADR chung và mẫu ADR của thuốc sốt rét.

          Kết quả tập huấn (được đánh giá qua bài trắc nghiệm về kiến thức của học viên trước và sau tập huấn) cho thấy: kiến thức về cảnh giác dược của học viên được nâng lên nhiều sau khóa tập huấn. Trước tập huấn: 16 học viên điển dưới trung bình, 34 học viên điểm trung bình (5-6), không học viên nào đạt khá, giỏi. Sau tập huấn: có 1 học viên điểm trung bình, 23 học viên điểm khá, và 16 học viên đạt điểm giỏi. Nhiều học viên tâm sự, đây là lần đầu tiên họ nghe đến khái niệm “cảnh giác dược”, những gì họ thu được từ khóa tập huấn rất bổ ích và lý thú.

          Trong lễ bế mạc lớp tập huấn, PGS. TS. Hồ Đình Trung đã đánh giá cao những kết quả mà các học viên thu được và hy vọng các học viên có thể áp dụng những kiến thức và kỹ năng đã học trong công tác tại cơ sở cũng như có thể truyền tải chúng cho các đồng nghiệp. Bốn mươi học viên đã được trao chứng chỉ cuối khóa tập huấn.

 
         Dưới đây là một số hình ảnh trong buổi lễ trao chứng chỉ tốt nghiệp.


PGS. TS Hồ Đình Trung, Phó Viện trưởng NIMPE trao chứng chỉ cho các học viên Tỉnh Điện Biên

TS. Nguyễn Hoàng Anh, Phó Giám đốc Trung tâm DI&ADR Quốc gia
trao chứng chỉ cho các học viên tỉnh Thanh Hóa

TS. Bùi Quang Phúc, trưởng Khoa Nghiên cứu điều trị sốt rét NIMPE trao chứng chỉ
cho các học viên của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội và NIMPE

TS. Nguyễn Thị Minh Thu

 

Thống kê truy cập

Đang online: 260

Số lượt truy cập: 21,581,236