Ảnh minh họa
Tuy nhiên ở vùng sâu vùng xa nơi mạng lưới y tế cơ sở còn yếu và thiếu, đặc biệt có những nơi chưa có y tế thôn bản, tình hình sốt rét vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các trọng điểm sốt rét ở khu vực Miền Trung – Tây Nguyên. Theo đánh giá kết quả phòng chống sốt rét Việt Nam giai đoạn 2006 – 2010, trong số 132 huyện trọng điểm được Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống sốt rét Việt Nam hỗ trợ có 1.215 thôn bản chưa có nhân viên y tế (chiếm tỷ lệ 7,4%). Chiến lược quốc gia phòng chống và loại trừ sốt rét giai đoạn 2011 – 2020 và định hướng đến năm 2030 đặt ra mục tiêu đến năm 2015 đảm bảo trên 95% số thôn (bản, ấp) có cán bộ y tế thôn hoạt động phòng chống sốt rét. Việc củng cố mạng lưới và tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ chuyên trách phòng chống và loại trừ sốt rét cũng được thể hiện rõ trong Nghị quyết số 05/NQ – CP của Thủ tướng Chính phủ ngày 13 tháng 1 năm 2014 về việc đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc trong lĩnh vực y tế.
Duy trì thành quả phòng chống sốt rét một cách bền vững, đặc biệt là ở những vùng trình độ chuyên môn về phòng chống sốt rét của y tế thôn bản còn yếu kém, bên cạnh việc tiếp tục nâng cao chất lượng các biện pháp chuyên môn kỹ thuật, cần phải nâng cao chất lượng về phòng chống sốt rét cho nhân viên y tế thôn bản. Ngày 10/9/2010, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 39/2010/TT-BYT quy định về tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ của nhân viên y tế thôn, ấp, bản, buôn, làng, phum, sóc (gọi chung là thôn, bản). Theo thông tư này nhân y tế thôn bản phải có trình độ chuyên môn về y từ sơ cấp trở lên hoặc đã hoàn thành khóa đào tạo có thời gian từ 3 tháng trở lên theo khung chương trình đào tạo nhân viên y tế thôn, bản của Bộ Y tế. Trong chương trình phòng chống sốt rét, nhân viên y tế thôn bản được trang bị những kiến thức chuyên môn cơ bản và cần thiết về phòng chống sốt rét với các nội dung sau:
1. Nguyên nhân, tác hại và cách phòng chống bệnh sốt rét;
2. Phương pháp và kỹ năng truyền thông phòng chống sốt rét;
3. Cách lấy lam và làm xét nghiệm bằng que thử tìm ký sinh trùng sốt rét;
4. Phát hiện và xử trí bệnh nhân sốt rét ở thôn/bản;
5. Theo dõi tình hình sốt rét, các hoạt động phòng chống sốt rét và nguy cơ xảy dịch.
Sau khi được đào tạo, trở về địa phương, nhân viên y tế thôn bản sẽ là những hạt nhân tích cực tuyên truyền nguyên nhân, tác hại và vận động nhân dân tham gia các biện pháp phòng chống sốt rét, bên cạnh đó họ còn phát hiện sớm và điều trị cho những bệnh nhân sốt rét thường, xử trí bước đầu và chuyển gấp lên tuyến trên những trường hợp sốt rét nặng và sốt rét ác tính, theo dõi quản lý các ca bệnh sốt rét, phối hợp với y tế tuyến trên thực hiện công tác phun, tẩm hóa chất phòng chống sốt rét, cũng như thống kê, phát hiện sớm nguy cơ dịch và báo cáo đầy đủ về công tác phòng chống sốt rét lên trạm y tế xã. Như vậy, vai trò của nhân viên y tế thôn bản trong phòng chống sốt rét là rất quan trọng, mặt khác do địa bàn vùng sốt rét lưu hành nặng phần lớn ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn nhất là mùa mưa lũ, cán bộ y tế còn thiếu, có nhiều bản ở xa, cán bộ y tế không đến được, thì y tế thôn bản là người địa phương càng phải phát huy vai trò của mình để người dân dễ dàng tiếp cận với dịch vụ phòng chống sốt rét.
Trước đây chế độ chính sách cho y tế thôn bản còn hạn chế, chưa có tính chất động viên khích lệ, từ ngày 1/5/2013, đội ngũ nhân viên y tế thôn bản đã chính thức được hưởng chế độ phụ cấp mức 0,3 và 0,5 so với mức lương tối thiểu chung theo quy định của Nhà nước và trợ cấp thêm hàng tháng từ các nguồn kinh phí hợp pháp khác, điều này cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền và ngành y tế. Tuy nhiên cần có các chính sách, chế độ phù hợp, thích đáng hơn nữa nhằm động viên, khuyến khích người làm công tác y tế nói chung và phòng chống sốt rét nói riêng, đặc biệt ở xã, thôn.
ThS. Đinh Sơn Hà
Khoa Dịch tễ sốt rét, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương