Ea Sol là một xã của huyện Ea H’leo tỉnh Đắk Lắk. Xã nằm về phía Đông huyện, cách trung tâm huyện 18 km theo đường tỉnh lộ 15, Vị trí của xã nằm trong khoảng tọa độ địa lý từ 13°12'39" đến 13°22'27" vĩ độ bắc và từ 108°11'42" đến 108°25'14" kinh độ Đông. Phía Bắc giáp tỉnh Gia Lai. Phía Nam giáp xã Ea Hiao, huyện Ea H’leo. Phía Đông giáp tỉnh Gia Lai. Phía Tây giáp xã Ea Hleo, xã Ea Ral và xã Dlê Yang, huyện Ea H’leo. Diện tích 234km2. Gồm 22 thôn/buôn. Easol nằm trong vùng sốt rét lưu hành nặng của huyện EaH’leo, theo phân vùng dịch tễ và can thiệp 2009, dân số nguy cơ sốt rét: 12.073. Sinh cảnh chủ yếu là núi đồi thấp và rừng savan. An.minimus và An.dirus là 2 véc tơ truyền bệnh chính có mặt tại đây.
Sinh địa cảnh Buôn Cham, xã Ea Sol huyện Ea H'leo tỉnh Đắk Lắk
Tình hình sốt rét trên địa bàn xã còn phức tạp, công tác quản lý bệnh nhân sốt rét và ký sinh trùng sốt rét gặp nhiều khó khăn. Trạm y tế nằm ở trung tâm xã Easol, các thôn cách trạm trung bình khoảng 4km, có thôn/ buôn cách xa trạm khoảng 10km (Buôn Cham). Trạm Y tế xã Easol được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận xã chuẩn quốc gia về y tế cơ sở năm 2010. Tổng số cán bộ nhân viên tại trạm y tế xã: 05, Trong đó bác sĩ: 01; Y sĩ: 01; Nữ hộ sinh: 01: Điều dưỡng; 01; Dược sĩ trung học : 01; Tổng số y tế thôn buôn: 22/22.
Được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của các cấp lãnh đạo, Trung tâm phòng chống sốt rét Đắk Lắk, trực tiếp là Trung tâm y tế huyện Ea H’leo. Mặc dù có rất nhiều khó khăn về chủ quan và khách quan nhưng cho tới thời điểm hiện tại các hoạt động phòng chống sốt rét (PCSR) được hoạt động đầy đủ, hiệu quả, và đến được với đồng bào, không để xảy ra tử vong do sốt rét, mạng lưới PCSR cho người dân được chú trọng, hiệu quả của chương trình ngày càng được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, do có nhiều thay đổi về mặt tự nhiên, xã hội, diện tích rừng bị thu hẹp, sự biến đổi khí hậu, môi trường, sinh thái, thiên tai, lũ lụt, cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn, vì cuộc sống mưu sinh, người dân ngày càng phải tiến sâu vào rừng để khai thác lâm sản, sự thay đổi hành vi này một phần làm cho tình hình sốt rét trở nên phức tạp hơn.
Trong 7 tháng của năm 2013 xã Easol không có dịch, không có tử vong do sốt rét, Bệnh nhân sốt rét (BNSR) so với cùng kỳ năm 2012 tăng từ 6 ca lên 32 ca, ký sinh trùng sốt rét (KSTSR) tăng từ 1 lên 31, số bệnh nhân nhiễm P.vivax tăng từ 2 lên 22, nhiễm phối hợp tăng từ 0 lên 8. Qua điều tra hồi cứu bệnh nhân sốt rét của 7 tháng năm 2013 tại xã, cho thấy vấn đề điều trị cho bệnh nhân nhiễm P.vivax đơn thuần và nhiễm phối hợp tại xã gặp nhiều khó khăn do bệnh nhân sốt rét được phát thuốc về nhà nhưng không uống thuốc đủ liều chiếm tỷ lệ cao (62,5%), việc triển khai công tác phòng chống véc tơ cho những đối tượng ngủ rẫy gặp khó khăn, tỷ lệ ngủ rẫy sử dụng màn chỉ chiếm 70%, biện pháp nằm màn tẩm hóa chất áp dụng khó đem lại hiệu quả cao, cấu trúc nhà rẫy và nhà ở qua quan sát (định tính) còn sơ sài, nhiều khe hở, việc phun hóa chất diệt muỗi cũng ít hiệu quả.
Nhà rẫy Buôn Cham xã Easol huyện Ea H'leo tỉnh Đắk Lắk
Đặc điểm khí hậu ở Easol
Ea Sol nói riêng và khu vực Ea H’Leo nói chung nằm trong vùng khí hậu Tây Nguyên, chịu ảnh hưởng nhiều của khí hậu Tây Trường Sơn. Nhiệt độ trung bình năm từ 19 - 220C, nền nhiệt độ của toàn vùng đồng đều. Chênh lệch nhiệt độ giữa các tháng trong năm không lớn, chỉ khoảng từ 5 - 60C, nhiệt độ trung bình thấp nhất thường là vào tháng 12, 1; nhiệt độ trung bình cao nhất thường vào tháng 4, 5.
Độ ẩm không khí: Độ ẩm không khí tương đối trung bình nhiều năm dao động từ 84 - 85%, theo quy luật tăng theo độ cao. Độ ẩm không khí tương đối trung bình tháng thấp nhất xảy ra vào các tháng 2 - 4, cao nhất là vào các tháng 8 - 11. Độ ẩm trung bình này là điều kiện thích hợp cho muỗi sốt rét phát triển ở khu vực này.
Mưa : mùa mưa thường bắt đầu vào tháng 5 và kết thúc vào tháng 10, trùng với thời gian hoạt động của gió mùa Tây Nam, lượng mưa chiếm xấp xỉ 85% lượng mưa của cả năm. Mùa khô kéo dài 6 tháng, từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, chỉ có những cơn mưa nhỏ rải rác vào khoảng thời gian đầu và cuối, lượng mưa thấp nhưng cũng đủ tạo ổ nước thích hợp cho muỗi An.dirus đẻ. Vào mùa mưa, mưa to thường làm trôi ổ bọ gậy An.minimus nhưng lại tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi An.dirus phát triển.
Lượng mưa, nhiệt độ BNSR/1000 dân số chung
Số liệu khí tượng nguồn Trạm EaH'leo, Trạm Buôn Hồ năm 2012
Biểu đồ liên quan giữa khí hậu, thời tiết và BNSR
Phân tích sự liên quan giữa tình hình sốt rét với khí hậu cho thấy tình BNSR tăng vào cuối mùa mưa (tháng 9 đến tháng 10) và đầu mùa khô (tháng 11 tháng 12). Các yếu tố về lượng mưa, nhiệt độ, độ ẩm trong xã rất thích hợp cho sự tồn tại và phát triển của véc tơ sốt rét, bệnh sốt rét trong xã bắt đầu tăng vào cuối mùa mưa, đặc biệt chỉ có 1 đỉnh vào cuối mùa mưa và đầu mùa khô, đây cũng là thời điểm mà người dân trong xã có nhiều hoạt động tiếp xúc với muỗi truyền bệnh, cuối mùa mưa vào khoảng tháng 11, tháng 12 là mùa hái cà phê, khi mùa mưa kết thúc người dân bắt đầu đi tưới cây tiêu tại các nương rẫy trong xã. Trong thời gian sắp tới, khi mùa mưa kết thúc nếu không áp dụng các biện pháp can thiệp kịp thời, bệnh nhân sốt rét ở trong xã có thể sẽ gia tăng, đặc biệt vào tháng 12 năm 2013 và tháng 1 năm 2014.
ThS. Đinh Sơn Hà
Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương