Thu thập các số liệu trong điều tra dịch tễ sốt rét.  7/16/2011 9:28:17 PM

Thu thập số liệu trong điều tra dịch tễ (nói chung) và dịch tễ sốt rét là một phần cơ bản quan trọng của các cuộc điều tra. Chất lượng của các dữ kiện thu nhập được phụ thuộc vào chất lượng của bộ câu hỏi (Questionair) mà từ đó có khả năng vận dụng các kết quả điều tra. Việc thiết kế bộ câu hỏi chỉ được tiến hành khi một số bước đã được hoàn thành như xác định mục tiêu nghiên cứu, các chỉ số (Variables) dự định nghiên cứu và các phương pháp tiến hành nghiên cứu.

Các cuộc điều tra dịch tễ dùng bộ câu hỏi nhằm thu thập các thông tin:

-          Lĩnh vực cá nhân của mỗi người, mỗi hộ gia đình hay một nhóm người như chiều cao, cân nặng, tuổi, giới, nghề nghiệp …vv.

-          Lĩnh vực môi trường của họ như nhà, môi trường lao động

-          Lĩnh vực về các, hành vi và ứng sử của họ đối với hiện tượng

-          Các xét đoán chủ quan của họ bao gồm:

.       Quan điểm về một hiện tượng hay một vấn đề. 

.       Thái độ của họ về các yếu tố môi trường, bệnh tật, chủ chương chính sách tác động đến họ.

-          Các mức độ hiểu biết của họ về một hiện tượng, một vấn đề xảy ra.

1.       Các nguyên lý cơ bản của việc thiết kế bộ câu hỏi.

Về cơ bản một bộ câu hỏi gồm 4 phần chính:

-          Chỉ dẫn liên quan đến việc bắt đầu và kết thúc cuộc phỏng vấn.

-          Lý lịch tóm tắt của người được phỏng vấn.

-          Chỉ dẫn cho điều tra viên và nội dung liên quan.

-          Phần nội dung chính của phỏng vấn.

+ Bắt đầu và kết thúc cuộc phỏng vấn.

Đây là một kỹ năng quan trọng để tạo niềm tin, thân thiện của người tham gia phỏng vấn với điều tra viên.

Thường được bắt đầu bằng sự giới thiệu của điều tra viên về tầm quan trọng và mục đích của cuộc phỏng vấn để tạo không khí thân thiện giưẵ người phỏng vấn và đối tượng được phỏng vấn. Cùng đó người điều tra giới thiệu bản chấp nhận tham gia của người được phỏng vấn (Consent form) bao gồm việc đảm bảo quyền lợi và các thông tin về đời tư của họ được tôn trọng và giữ kín. Người phỏng vấn cần xác định trước thời gian dự định phỏng vấn.

Cuối cuộc phỏng vấn ngoài lời cám ơn điều tra viên cần nhắc lại lợi ích khoa học của nghiên cứu mà người được phỏng vấn tham gia và có sự đảm bảo bí mật tuyệt đối các thông tin đã thu thập.

+ Xác định lý lịch tóm tắt của người được phỏng vấn.

Tên và mã số của người được phỏng vấn.

Để đảm bảo mỗi cá nhân hay hộ gia đình không trùng lập mã số cần đủ số lượng ký tự  tuỳ thuộc vào độ lớn của mẫu điều tra và không gian điều tra.

Ví dụ: cuộc điều tra trong phạm vị một huyện, mã cá nhân sẽ bao gồm số của xã, số hộ và số cá nhân

                                 !__!__!__!__!__!

                         Số nơi ở      Số cá nhân.

Các thông tin về phần lý lịch theo thứ tự tiếp: năm sinh (tuổi), giới, nơi cư trú

Các câu hỏi được đánh số thứ tự.

+ Các chỉ dẫn cho điều tra viên và nội dung chỉ điểm.

Các chỉ dẫn này có mục đích là hướng dẫn cách tiến hành cho điều tra viên. Ví dụ ở điểm nào đó trong phần câu hỏi điều tra viên cần phải nhấn mạnh hoặc cần kèm theo một danh mục chú thích.

Nội dung chủ đề chỉ điểm mà điều tra viên phải đọc, ngăn cách các phần khác nhau của bản câu hỏi có mục đích:

-          Giới thiệu chủ đề mới được đề cập.

-          Sắp xếp các phần tạm ngừng để điều tra viên tạm nghỉ.

+ Bản câu hỏi chính thức.

Là nội dung chính của các câu hỏi nêu ra cần thu thập đủ các thông tin để đạt được các mục tiêu của nghiên cứu.

Các câu hỏi cũng được đánh số thứ tự lần lượt.

2.       Các bước soạn bộ câu hỏi.

  Có 10 bước cần phải có trong soạn câu hỏi:

1.Viết một cách chính xác các mục tiêu nghiên cứu chủ yếu.

2. Lập danh mục các chỉ số có liên quan trực tiếp đến chủ đề nghiên cứu.

3. Lập kế hoạch phân tích mà nghiên cứu mong muốn.

4. Xác định các phần chính của bộ câu hỏi.

5. Trong mỗi phần, biên soạn các câu hỏi cho phép thu đủ các thông tin cần lấy.

6. Kiểm tra mỗi câu hỏi soạn ra có đáp ứng được mục tiêu của nghiên cứu không. Loại bỏ các câu hỏi thừa.

7. Kiểm tra danh mục mỗi câu hỏi được giữ lại xem chúng có cho phép thu đủ tất cả các thông tin cần thiết để điền vào phần kế hoạch phân tích không.

8. Kiểm tra xem mỗi câu hỏi có sáng sủa, đơn giản, và hợp lý không (ngữ pháp, tu từ).

9. Bảo đảm trình tự các câu hỏi là logic và cuộc phỏng vấn không mất nhiều thời gian.

10. Thử nghiệm bản câu hỏi và sửa chữa cho phù hợp về nội dung và ngôn ngữ phù hợp với nhóm đối tượng điều tra.

Các loại câu hỏi thông dụng

+ Câu hỏi mở

Dạng câu hỏi này không có gợi ý và người được phỏng vấn “tự tạo ra” câu trả lời.

Ưu điểm: Nó cho phép người trả lời tự do hơn vì vậy cho phép làm sáng tỏ vị trí của họ. Nó không ảnh hưởng đến người phỏng phỏng vấn, vì vậy các thông tin sẽ thành thực hơn. Thường dạng này được dùng trong điều tra ban đầu để từ đó xây dựng các câu hỏi đóng.

Nhược điểm: Người trả lời phải tổng hợp (phụ thuộc vào học vấn) vì vậy các trả lời không đầy đủ và khác nhau làm cho việc mã hoá các thông tin khó khăn.

+ Câu hỏi đóng

Các câu trả lời loại các câu hỏi dạng này được lựa chọn đã có sẵn. Các trả lời này trong một chừng mực có thể triệt tiêu nhau.

Có nhiều loại câu hỏi đóng phụ thuộc vào các dạng câu trả lời  và có thể chia ra:

-          Câu hỏi đóng với trả lời nhiều cấp (theo thang điểm)

-          Câu hỏi đóng với trả lời không nhiều cấp

-          Câu hỏi đóng với trả lời nhị nguyên.

       Câu hỏi đóng nhiều cấp

Người được phỏng vấn phải đặt mình trên các nấc thang mức độ.  Các mức độ sẽ được mã hoá mang tính định lượng.  Các mức này phải được định nghĩa rõ ràng và người phỏng vấn phải nhớ để đặt câu hỏi phù hợp.

Ví dụ: Anh (chị) có thường xuyên nằm màn không? các các mức độ:

-          Thường xuyên

-          Thường nằm màn

-          Thỉnh thoảng nằm màn

-          Không nằm màn

Dạng này cũng có thể áp dụng cho cả nghiên cứu về thái độ, kiến thức và hành vi của đối tượng.

Ưu điểm: Nó cho phép tạo ra các biến số thống kê được dễ dàng, xác định được cường độ của các biến cố và như vậy nó có thể chuyển từ một biến số định tính sang định lượng (phương pháp lượng hoá).

Nhược điểm: Nó có thể là nguy cơ bỏ qua các hình thái quan trọng không được nêu ra, hơn nữa việc chia thang bậc có thể làm cho câu trả lời không đứng ở một thang nào (Trung vị).

       Câu hỏi đóng không nhiều cấp

Dạng câu hỏi này cho phép người trả lời chọn một câu phù hợp với tình huống của họ

Ví dụ: Lần bị sốt rét vừa qua anh chị  làm gì?

1. Tự mua thuốc sốt rét về điều trị

2. Đi đến khám và chữa bệnh  tại thầy thuốc tư

3. Đi khám và điều trị tại y tế nhà nước

4. Chữa đông y

5. Không làm gì cả

Ưu điểm: Người được hỏi có sự lựa chọn rộng rãi, nhiều khái niệm đã được nêu ra

Nhược điểm: Người được hỏi khi trả lời phải lựa chọn nhiều ý kiến mà chỉ được chọn một ý duy nhất.

       Câu hỏi đóng với câu trả lời nhị nguyên

Dạng câu hỏi thường được dùng trong các nghiên cứu nguy cơ, người trả lời chỉ được chọn một, các trả lời triệt tiêu nhau dưới dạng có hoặc không.

Ví dụ: Tối qua anh (chị) có ngủ màn không?

1.      

2.       Không

Ưu diểm: Nó buộc người trả lời phải có sự lựa chọn dứt khoát. Điều này sẽ bổ ích trong các câu hỏi được xem là chủ yếu.

Nhược điểm: Lựa chọn có, không là một thu gọn nếu không cẩn thận có thể bỏ qua các giá trị trung gian khác.

       Câu hỏi đóng với nhiều lựa chọn

Dạng câu hỏi này được dùng trong các điều tra về hiểu biết và các hành vi xảy ra trong thời gian dài nó có thể mỗi một trả lời trở thành một câu hỏi đóng dạng nhị nguyên.

Ví dụ: Khi trong nhà có người bị sốt rét anh chị làm gì ?

1.       Tự mua thuốc điều trị.

2. Đi đến khám và chữa bệnh  tại thầy thuốc tư

3. Đi khám và điều trị tại y tế nhà nước

4. Chữa đông y

5. Không làm gì cả

Ưu điểm: Người trả lời có thể có nhiều khả năng lựa chọn theo suy nghĩ và hành vi họ đã thể hiện trước đó.

Nhược điểm: Thông tin thu được sẽ khó phân tích nếu khi thiết kế bộ form nhập số liệu không có kinh nghiệm.

+ Câu hỏi nửa mở

Đôi khi người ta gọi chúng là câu hỏi “quán cà phê”. Đó là một sự thoả hiệp. Một số câu trả lời được đưa sẵn ra cho người được phỏng vấn, một số câu trả lời do tự  họ nêu ra.

Ví dụ: Có những biện pháp giúp đỡ người già mà bạn muốn ưu tiên tận dụng?

1. Bữa ăn mang đến tận nhà

2. Giúp việc nội trợ

3. Nhà ở tạm trú

4. Các biện pháp khác (yêu cầu bạn xác định).

Ưu điểm: Dạng này cho phép xét đoán tính xác đáng của câu hỏi đóng. Nếu đa số người được phỏng vấn có câu trả lời “các biện pháp khác” như thế  câu hỏi đóng là không đầy đủ.

Nhược điểm: Thực ra câu trả lời “các biện pháp khác” ít được người phỏng vấn trả lời. Đa số người được hỏi chỉ dựa vào các câu trả lời sẵn.

Các nguyên tắc cần tôn trọng trong việc soạn thảo bộ câu hỏi.

+ Biên soạn các câu hỏi.

-          Các câu hỏi nêu ra phải ngắn gọn và chính xác.

-          Sử dụng các từ đơn giản thường dùng, phù hợp cho từng quần thể mục tiêu. Không dùng các thuật ngữ chuyên môn.

-          Tránh các từ nhập nhằng, nước đôi.

-          Tránh dùng các câu thể phủ định.

-          Mỗi lần chỉ đặt một câu hỏi. Tách rời từng câu hỏi.

-          Biên soạn sao câu hỏi không kèm gợi ý.

-          Phần để trả lời đủ rộng và được định dạng sẵn phù hợp với giá trị trả lời.

-          Tránh gây nên phản ứng và uy tín, đưa người được phỏng vấn trả lời sai lệch.

+ Trình tự các câu hỏi.

-          Sử dụng một trình tự logic.

-          Đi từ đơn giản đến phức tạp các câu hỏi chung đến câu hỏi cá nhân.

-          Tránh đưa ra một loạt các câu hỏi mở nhằm kiểm tra kiến thức. Đây là điều dễ kích thích tính tự ti của người trả lời, điều đó nhằm tránh sự từ chối trả lời của họ.

Lên trang bộ câu hỏi.

Lên trang một bộ câu hỏi sẽ  tạo sử dụng dễ dàng cho điều tra viên.

Khi hướng dẫn cho các điều tra viên sẽ dễ dàng hơn để họ tiếp thu.

Giảm tối thiểu sai sót khi sao chép.

Hạn chế tối đa bỏ quên câu hỏi của điều tra viên.

Khi mã hoá sẽ dễ dàng.

Một vài điều cần tôn trọng:

-          Tách riêng rõ ràng các phần khác nhau của bộ câu hỏi.

-          Tách riêng từng câu hỏi.

-          Dự kiến các ô đủ rộng để ghi trả lời.

-          Dự kiến đủ chổ để ghi trả lời câu hỏi mở.

-          Không để nội dung một câu hỏi nằm trong 2 trang.

-          Đánh số các câu hỏi.

-          Sử dụng mã các câu trả lời.

Thử nghiệm bộ câu hỏi.

Đây là bước bắt buộc trong thiết kế bộ câu hỏi. Trước khi điều tra chính thức phải tiến hành kiểm tra trên thực địa (Pre-test). Với thử nghiệm thực địa giúp chúng ta có được:

-          Đảm bảo là các câu hỏi chủ yếu nhằm đạt được các mục tiêu đã đặt ra và các câu trả lời đủ để điền vào dự kiến  kết quả phân tích.

-          Đảm bảo có thể thu thập mọi yếu tố xác minh lý lịch của người được hỏi.

-          Kiểm tra tính sáng sủa của câu hỏi.

-          Kiểm tra từ ngữ sử dụng có phù hợp với quần thể nghiên cứu.

-          Đảm bảo các qui tắc mã hoá được giải thích rõ ràng.

-          Thử nghiệm bộ câu hỏi bắt buộc phải tiến hành trên quần thể có thể so sánh được với quần thể nghiên cứu.

Một vài điều lưu tâm.

-          Tránh việc đóng đè lên nội dung câu hỏi.

-          Sử dụng giấy có độ dai.

-         Dùng các tuí bọc riêng cho các câu hỏi đã dùng và chưa dùng.

-          Sử dụng bút chì trong việc điền các thông tin của câu hỏi.

-          Không bao giờ chỉ có một người soạn bộ câu hỏi. Cần có sự tham gia của các thành viên của nhóm nghiên cứu, các chuyên viên thuộc lĩnh vực nghiên cứu, những người chịu trách nhiệm khai thác về mặt tin học và thống kê.

Một vài kỹ năng thu thập.

-          Quan hệ quần chúng.

Một cuộc điều tra cần quan tâm là giảm tối đa người từ chối, điều đó có thể làm hỏng tính đại diện của mẫu.

Cải thiện trong lĩnh vực giao tiếp là một kỹ năng quan trọng có thể sẽ làm thay đổi của thái độ, hành vi các đối tượng.

Việc sử dụng  uy tiến của các nhà chức trách là việc nên làm  trong điều tra. Nên có người uy tiến của nhóm dân điều tra đi cùng và họ là một cầu nối hửu hiệu giữa điều tra viên và người được phỏng vấn.

Việc sử dụng các thông dịch viên tiếng địa phương luôn được đề cập trong các điều tra các nhóm dân tộc ít người.

-          Chuẩn bị cuộc điều tra.

Những người tổ chức điều ra không nên bằng lòng với việc chuẩn bị trên giấy thậm chí cả rút thăm. Cần phải có cuộc thăm thực địa.

-          Chuẩn bị tư liệu để giao cho điều tra viên.

+ Các bản câu hỏi được xếp trong các bọc và có thể tách riêng những bản đã dùng và chưa dùng.

+ Có bản chỉ dẫn nhắc nhở điều tra viên cách ứng xử trong những trường hợp đặc biệt.

+ Có một bản đồ của khu vực định điều tra.

+ Điều tra viên có một phiếu tổng hợp, trong đó ghi tên người được phỏng vấn, địa chỉ và số thứ tự của hồ sơ tương ứng. Điều này cho phép kiểm tra chất lượng của điều tra viên khi cần.

-          Thứ tự các nhà điều tra.

-          Cách ứng xử khi có người từ chối hay vắng mặt.

-          Kiểm tra chất lượng công việc của điều tra viên.

 

Trịnh Đình Tường

Khoa Dịch tễ sốt rét - NIMPE

Thống kê truy cập

Đang online: 8

Số lượt truy cập: 22,752,729