Danh sách các bài báo đăng trên tạp chí PCSR số 01 năm 2012  7/4/2012 2:16:33 PM

1. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM DỊCH TỄ SỐT RÉT TẠI HUYỆN HƯỚNG HÓA TỈNH QUẢNG TRỊ GIAI ĐOẠN 2006-2010

Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Mạnh Hùng

Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương

Tóm tắt
Một nghiên cứu hồi cứu về một số đặc điểm dịch tễ sốt rét và các biện pháp PCSR giai đoạn 2006-2010 được tiến hành tại huyện Hướng Hóa, một huyện biên giới Việt-Lào thuộc vùng sốt rét lưu hành nặng của tỉnh Quảng Trị. Kết quả nghiên cứu cho thấy:
Tổng số bệnh nhân sốt rét và số ký ‎sinh trùng sốt rét năm 2010 so với năm 2006 giảm  48,5% và 22,8%,  tỷ lệ mắc sốt rét hàng năm tại điểm nghiên cứu còn ở mức cao từ 9,9 đến 22,5/1.000 dân; thành phần ký sinh trùng sốt rét tại điểm nghiên cứu có 2 loài P.falciparum và P.vivax, trong đó P.falciparum luôn chiếm tỷ lệ trên 88%.
Tại điểm nghiên cứu có mặt cả 2 loài muỗi truyền bệnh chính là An.minimus và An.dirus. Tỷ lệ mắc sốt rét  phân bố rất khác nhau giữa các xã trong huyện, các xã có biên giới với tỉnh Savannakhet của Lào có mức mắc sốt rét cao hơn  so với các xã không có biên giới.
Diễn biến số bệnh nhân sốt rét tại huyện theo mùa rõ rệt với số bệnh nhân tăng cao từ tháng 6 đến tháng 10 tương ứng với mùa mưa hàng năm.
Hàng năm bệnh nhân sốt rét là người Lào sang khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế của huyện Hướng Hóa chiếm trên 16% tổng số bệnh nhân sốt rét tại huyện. 

Download bản full tại đây
 
2. THỰC TRẠNG SỐT RÉT VÀ CÁC HÀNH VI LIÊN QUAN ĐẾN PHÒNG CHỐNG SỐT RÉT TRONG CỘNG ĐỒNG NGƯỜI DÂN TỘC GIA RAI TẠI BA THÔN BIÊN GIỚI VIỆT NAM-CAMPUCHIA CỦA HUYỆN ĐỨC CƠ – GIA LAI

Nguyễn Xuân Xã1, Koen Peeters2, Annette Erhart2, Nguyễn Đức Thao1, Nguyễn Ngọc Thanh1, Phan Gia Công3, Nguyễn Ngọc Lợi3, Ngô Đức Thắng1, Lê Xuân Hùng1, Nguyễn Mạnh Hùng1, Alexandro D’ Umberto2, Marcooseman 2 và cộng sự

1Viện Sốt rét KST-CT TƯ

2Viện Y học Nhiệt đới Bỉ

3 Trung tâm PCSR tỉnh Gia Lai

 
Tóm tắt 
 
Giới thiệu: Mặc dù, công tác phòng chống sốt rét đạt được thành công giảm mắc và giảm chết do sốt rét trên phạm vi cả nước trong hai thập kỷ qua. Nhưng tình trạng lây nhiễm sốt rét vẫn dai dẳng ở các khu vực rừng núi và biên giới. Đối tượng mắc sốt rét chủ yếu là các nhóm dân tộc thiểu số, người dân di cư tự do. Vì công việc của họ thường có liên quan với rừng, rẫy khu vực có môi trường và sinh cảnh thuận lợi của các loài muỗi sốt rét. Hơn nữa, do điều kiện kinh tế nghèo, tập quán lạc hậu, cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế ít đã tác động sâu sắc đến kiến thức và thực hành PCSR, làm cho tình trạng lây nhiễm sốt rét kéo dài. Nghiên cứu nhằm: đánh giá một số đặc điểm dịch tễ và thực trạng sốt rét trong cộng đồng người dân tộc thiểu số Gia-Rai ở 3 thôn biên giới Việt nam-Campuchia, thuộc huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai.
Phương pháp: Nghiên cứu cắt ngang thực hiện tại 3 làng dân tộc thiểu số Gia Rai khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia, huyện Đức Cơ. Lấy lam máu, test chẩn đoán nhanh và phỏng vấn hộ gia đình. Nhập số liệu bằng Epi-Infor.6.04 và phân tích bằng Stata 10.0
Kết quả: Phần lớn số ca nhiễm KSTSR đều không biểu hiện triệu chứng lâm sàng (80%); Các yếu tố nguy cơ chính liên quan đến làm việc ở rừng, rẫy, tỷ lệ nhiễm cao tập trung ở độ ≥ 15 (60%), nhóm dân tộc Gia –Rai (3,83%) và đặc biệt ngủ rẫy theo mùa vụ (7,95%). Điều kiện kinh tế thấp, nam giới và sử dụng màn không đúng cũng là nguy cơ cao với nhiễm sốt rét. Mặc dù, tỷ lệ hiện mắc sốt rét của những người qua lại biên giới thăm thân, làm rẫy rất thấp nhưng những đối tượng này vẫn được cho là có nguy cơ phơi nhiễm cao.
Bàn luận: Phần lớn số ca nhiễm KSTSR đều không biểu hiện triệu chứng lâm sàng (80%); tỷ lệ mắc sốt rét tập trung cao nhất ở độ tuổi ≥ 15, đối tượng có nguy cơ mắc sốt rét cao chủ yếu là người dân tộc Gia Rai, công việc liên quan với làm rẫy, ngủ rẫy, rừng, qua lại biên giới làm rẫy, công nhân nông trường cao su và sử dụng màn. Mặc dù, những người có quan hệ họ hàng bên Campuchia có tỷ lệ sốt rét thấp, nhưng những đối tượng này vẫn tiềm ẩn nguy cơ mắc sốt rét.
Kết luận và khuyến nghị: Sốt rét chiếm tỷ lệ cao chủ yếu trong nhóm dân tộc Gia Rai ở lứa tuổi lao động và có liên quan với làm rẫy, rừng, ngủ rẫy, công nhân cao su và sủ dụng màn. Hầu hết các ca mắc không biểu hiện triệu chứng và lây truyền tại chỗ, qua lai biên giới làm rẫy và thăm thân họ hàng là đối tượng tiềm ẩn nguy cơ mắc sốt rét cao; điều kiện nhà ở có liên quân chặt chẽ với sốt rét. Cần tăng cường biện pháp truyền thông giáo dục sức khỏe cho người dân, võng gắn lưới tẩm hóa chất có thể là biện pháp hỗ trợ hiệu quả, góp phần giảm mắc sốt rét cho người dân địa phương.

3. ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG ĐIỂM KÍNH HIẾN VI  TẠI 3 TỈNH SƠN LA, LAI CHÂU VÀ ĐIỆN BIÊN.

Nguyễn Thị Hồng Phúc1, Bùi Hửu Toàn2, Nguyễn Văn Đối3, Lê Thị Hường4

      1.       Viện Sốt rét KST-CT TƯ
1.       Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Sơn La
2.       Sở Y tế Lai Châu
3.       Trung tâm PCSR Điện Biên

Tóm tắt
Một điều tra ngang về thực trạng các điểm kính hiển vi xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét được thực hiện tại 30 điểm kính của 3 tỉnh Sơn La, Điện biên và Lai châu  năm 2010 nhằm mục tiêu đánh giá thực trạng hoạt động và tìm biện pháp nâng cao năng lực hoạt động của các điểm kính hiển vi  cho kết quả:
Có 37% xét nghiệm viên có độ tuổi trên 50  là những đối tượng cần có nguồn nhân lực thay thế, số XNV có trình độ trung cấp chiếm tỷ lệ rất cao 68,4.
Kính hiển vi vẫn hoạt động tốt, có 11,9 % kính hiển vi bị hỏng, mờ. Các điểm kính xã thiếu hóa chất xét nghiệm.
Kiểm tra trình độ xét nghiệm viên ở tuyến huyện và xã số lam soi sai cao (63,2%), ở tuyến xã cao nhất (65,8%), đặc biệt có 20,5% số lam khi soi là lam dương nhưng trả lời kết quả âm tính. 

4. HIỆU LỰC CỦA ARTERAKIN TRÊN BỆNH NHÂN SỐT RÉT DO P.FALCIPARUM CHƯA BIẾN CHỨNG TẠI QUẢNG TRỊ VÀ ĐĂKNÔNG NĂM 2008 – 2009.

Nguyễn Xuân Hùng1,  Tạ Thị Tĩnh2, Bùi Quang Phúc2 và CS.

1.       Đại học Y Hà Nội

2.       Viện sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung Ương. 

Tóm tắt:

Thử nghiệm in vivo 28 ngày (WHO) để đánh giá hiệu lực điều trị Dihydroartemisinin – Piperaquin (Arterakin) phác đồ 3 ngày đã được tiến hành tại tỉnh Đăk Nông và Quảng Trị từ năm 2008  – 2010. Số liệu từ 124 bệnh nhân điều trị Arterakin đã cho thấy: Arterakin vẫn có hiệu lực cao trong điều trị sốt rét do P.falciparum  tại  các điểm nghiên cứu,  với tỷ lệ  điều trị khỏi 100% ( có 2 ca xuất hiện lại ký sinh trùng sốt rét (KSTSR) vào ngày D21 và 28 đều là tái nhiễm sau phân tích  PCR). Thời gian cắt sốt trung bình  là 1,31 ngày và thời gian cắt ký sinh trùng trung bình là 1,52 ngày. Tỷ lệ sạch ký sinh trùng ở ngày D3 là 100% tại Quảng Trị, và 94,2% tại Đăk Nông. 

5. ĐIỀU TRA  KHÁNG CHLOROQUIN CỦA P.FALCIPARUM BẰNG KỸ THUẬT PCR TẠI HAI TỈNH  QUẢNG TRỊ VÀ ĐĂKNÔNG NĂM 2008-2009.

Nguyễn Xuân Hùng1, Tạ Thị Tĩnh2,  Nguyễn Mạnh Hùng2,  Lê Đức Đào2.

1.                   Đại học Y Hà Nội

2.    Viện sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung Ương. 

Tóm tắt:

Để xác định tình hình kháng của P.falciparum với chloroquin tại khu vực có tỷ lệ P.falciparum kháng thuốc cao. Chúng tôi tiến hành xác định tỷ lệ  P.falciparum kháng chloroquin bằng kĩ thuật PCR  tại hai tỉnh Quảng Trị và Đăk Nông trong thời gian từ 2008 - 2009. Kỹ thuật nested PCR được áp dụng để tiến hành  xác định đột biến điểm 76 trên gen Pfcrt kháng chloroquin. Kết quả cho thấy tỉ lệ phân lập P.falciparum kháng chloroquin là 78,2% chung cho cả hai điểm, trong đó Quảng Trị là 75,4%  và Đăk Nông là 81,4%.  Tỷ lệ P.falciparum kháng Chloroquin ở nhóm 5-15 tuổi là 88,6%, nhóm trên 15 tuổi là  76,3% và 66,6% ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi không khác nhau. 

6. NGHIÊN CỨU CƠ CẤU KÝ SINH TRÙNG SỐT RÉT TẠI NINH THUẬN BẰNG KỸ THUẬT PCR (2009-2010)
 
 
Lê Đức Đào1, Trương Văn Hạnh1, Nakazawa2 S., Maeno3 Y., Trần Văn Cư4
Nguyễn Thị Thương1, Nguyễn Thị Thu Huyền1, Nguyễn Thị Trà1, Kawai5 S. Vũ Quyết Thắng . 

1Viện Sốt rét, KST-CT TƯ

2 Trường đại học tổng hợp Nagoya, Viện Y học nhiệt đới,  Nhật Bản

3 Trường đại học Y khoa Fujita, Nagoya, Nhật Bản

4Trung tâm phòng chống sốt rét, Ký sinh trùng, Côn trùng Ninh Thuận

5 Trường đại học Y khoa Dokkyo, Nhật bản

 
 
Tóm tắt:
Chúng tôi đã áp dụng kỹ thuật phản ứng chuỗi polymerase (PCR)  để khảo sát thành phần, cơ cấu  loài ký sinh trùng sốt rét (KSTSR) trên người ở tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2009-2010. Các đôi mồi được sử dụng là mồi đặc hiệu đối với 4 loài KSTSR người: P.falciparum, P.vivax, P.malariae và P.ovale và mồi xác định P. knowlesi. Đoạn ADN khuôn đặc thù cho từng loài là gen ghi mã 18 đơn vị nhỏ ARN ribosome (18ssu-rRNA). Kết quả cho thấy có sự tồn tại của 3 loài KSTSR người là P.falciparum chiếm 63,12%, P.vivax chiếm 29,79%, P.malariae chiếm 4,96% và P. knowlesi chiếm 2,12%  ký sinh trên người.
 
7. ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ PHÒNG CHỐNG SỐT RÉT CỦA VÕNG CÓ BỌC VÕNG LÀ MÀN TẨM HÓA CHẤT TỒN LƯU LÂU TẠI MỘT SỐ ĐỊA PHƯƠNG Ở ĐẮK LẮK

Hồ  Đình Trung và CS

Viện Sốt rét-KST-CT TƯ 

 
Tóm tắt
Khảo nghiệm đánh giá hiệu quả phòng chống sốt rét (PCSR) cho người ngủ rừng, ngủ rẫy của võng có bọc võng làm bằng màn Permanet 2.0 (VBVP) và sự chấp nhận của cộng đồng đối với biện pháp này được tiến hành tại xã Ea Sô, huyện Ea Kar, Đắc Lắk, từ tháng 6/2006 đến tháng 5/2007. Sử dụng VBVP đã làm giảm tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng sốt rét (KST SR) ở người ngủ rừng, ngủ rẫy: Sau 4 tháng sử dụng, tỷ lệ KST SR ở nhóm can thiệp là 0,51% so với 4,44% trước can thiệp (P<0,001), và ở nhóm đối chứng là 1,48% so với 3,11% trước can thiệp (P=0,1). Sau can thiệp 7 tháng, tỷ lệ KST SR ở nhóm can thiệp là 0,24%, đối chứng là 0,5%, đều giảm có ý nghĩa so với trước can thiệp, nhưng tỷ lệ KST SR ở nhóm can thiệp giảm 18 lần còn nhóm chứng chỉ giảm 6 lần. Tỷ lệ SR lâm sàng ở hai nhóm trước can thiệp tương đương nhau, khoảng 2%. Bốn tháng sau can thiệp, tỷ lệ SR lâm sàng tăng ở cả hai nhóm, nhưng nhóm can thiệp tăng 4 lần, còn ở nhóm đối chứng tăng 8 lần. VBVP được đa số người tham gia khảo nghiệm chấp nhận với tỷ lệ ngủ trong VBVP từ 72% - 87%. Thử sinh học trên bọc võng Permanet chưa giặt, đã sử dụng 7 tháng ngoài thực địa, tỷ lệ chết của muỗi An.dirus chủng phòng thí nghiệm là  94,0%. Kết quả khảo nghiệm cho thấy VBVP là công cụ tiềm năng cần được đánh giá thêm để sử dụng trong PCSR trên diện rộng cho những đối tượng thích hợp.
 
8. NGHIÊN CỨU THỰC TRẠNG NHIỄM SÁN DÂY TẠI  HAI XÃ THUỘC HUYỆN TÂN SƠN, TỈNH PHÚ THỌ

 Hà Viết Viên, Nguyễn Mạnh Hùng, Đặng Thị Cẩm Thạch, Lê Khánh Thuận,

Đỗ Trung Dũng, Nguyễn Thị Hợp, Trương Hửu Hoài và CS

Viện sốt rét KST-CT TƯ 

Tóm tắt:
Điều tra 775 người  trên 15 tuổi bằng phương pháp phỏng vấn trực tiếp theo bộ câu hỏi kết hợp thu mẫu đốt sán, thu mẫu phân để xét nghiệm bằng kỹ thuật Kato- Katz tại hai xã Thu Ngạc và Long Cốc, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ năm 2009-2010. Kết quả cho thấy tỷ lệ nhiễm sán dây chung ở cộng đồng dân cư hai xã là 8,65%. Tỷ lệ chung thấy trứng sán  trong phân là 5,16%. Tỷ lệ nhiễm sán dây chung ở nam giới là: 12,68%, ở nữ giới là 2,32%. Triệu chứng chính của bệnh sán dây là thấy đốt sán trong phân 94,03%, đốt sán tự ra hậu môn 89,55%, phân nát 92,54%, sôi bụng 91,05%. Điều trị bệnh sán dây  bằng Praziquantel liều 20mg/kg cân nặng  1 lần duy nhất, tỷ lệ khỏi bệnh sau 2 tháng là  95,52%
 
9. ĐÁNH GIÁ SỰ LAN TRUYỀN BỆNH GIUN CHỈ BẠCH HUYẾT TIẾN TỚI LOẠI TRỪ BỆNH TẠI VIỆT NAM 

Vũ Thị Lâm Bình1, Trần Xuân Trường1, Nguyễn Hồng Hải1, Bùi Văn Tuấn2, Nguyễn Văn Chương 2 , Đỗ Trung Dũng1 và cs

1. Khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét- Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương

2. Viện Sốt rét- Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn 

Tóm tắt
Từ tháng 12 năm 2010 đến tháng 3 năm 2011 chúng tôi đã tiến hành điều tra tỷ lệ nhiễm giun chỉ bạch huyết (GCBH) cho trẻ từ 6-7 tuổi tại 6 huyện thuộc 4 tỉnh nằm trong dự án Loại trừ giun chỉ bạch huyết quốc gia. Tại 2 huyện miền Bắc, nơi lưu hành loài GCBH Brugia malayi (tỷ lệ nhiễm năm 2003 là 0,2%) , đã xét nghiệm máu cho 2.041 trẻ bằng phương pháp lấy lam máu ban đêm không phát hiện trường hợp nào nhiễm ấu trùng GCBH. Tại 4 huyện miền Trung nơi lưu hành loài giun chỉ Wuchereria bancrofti (tỷ lệ nhiễm năm 2003 là 1,7%), xét nghiệm cho 3.455 trẻ test nhanh ICT phát hiện 1 trường hợp dương tính (tỷ lệ 0,1%). Trên cơ sở kết quả điều tra sau 5 vòng điều trị toàn dân cho thấy tỷ lệ nhiễm giun chỉ bạch huyết đã giảm mạnh. Theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam sẽ tiến hành thêm một số hoạt động đánh giá để tiến tới thông báo loại trừ bệnh GCBH .

10. ĐIỀU TRA KIẾN THỨC VÀ THỰC HÀNH PHÒNG CHỐNG SỐT XUẤT HUYẾT DENGUE CỦA NGƯỜI DÂN TẠI THÔN CÔNG AN XÃ HOÀNG VĂN THỤ, HUYỆN CHƯƠNG MỸ, HÀ NỘI

Lưu Thị Kim Oanh1, Nguyễn Thị Nga2, Lê Thị Vân2, Nguyễn Duy Khiêm2,

Trần Văn Dũng2, Vũ Thị Phương2, Nguyễn Thị Phương Yến2, Ma Thúy My2

1   Viện Sốt rét KST-CT TƯ

2  Đại học Y tế Công Cộng

Tóm tắt
Mục tiêu: Chúng tôi tiến hành đề tài này với mục tiêu đánh giá thực trạng kiến thức, thực hành các biện pháp phòng chống Sốt xuất huyết Dengue của người dân thôn Công An, xã Hoàng Văn Thụ và đề xuất giải pháp thích hợp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động phòng chống Sốt xuất huyết Dengue.
Phương pháp nghiên cứu: Đề tài của chúng tôi sử dụng thiết kế nghiên cứu cắt ngang mô tả với phương pháp thu thập số liệu là phỏng vấn trực tiếp người tham gia, đồng thời quan sát cộng đồng về thực hành phòng chống SXHD. Cỡ mẫu điều tra là 106 hộ gia đình, được chọn theo phương pháp ngẫu nhiên hệ thống.
Kết quả: Kết quả điều tra hộ gia đình cho thấy, trong 106 hộ gia đình có 33 hộ có kiến thức chung đúng về phòng chống SXHD (Chiếm 31%). Tỷ lệ thực hành chung đúng rất thấp, chỉ có 19 hộ thực hành chung đúng (chiếm 17,9%). Kết quả bảng kiểm vệ sinh nhà cửa và dụng cụ chứa nước cho thấy tỷ lệ các hộ không đạt rất cao, có 96.2% hộ gia đình có hố nước đọng quanh nhà. Ngoài ra, kết quả bảng kiểm cho thấy 90% số hộ gia đình không sử dụng các dụng cụ diệt muỗi.
Kết luận: Tỷ lệ người dân có kiến thức đúng và thực hành tốt tại thôn Công An rất thấp. Vì vậy, địa phương cần triển khai nhiều hoạt động phòng chống SXHD và lồng ghép hoạt động phòng chống SXHD với các chương trình khác tại cộng đồng để người dân hưởng ứng.
 
11. XÁC ĐỊNH MỨC NHẠY CẢM VỚI HOÁ CHẤT DIỆT CÔN TRÙNG CỦA NOPHELES MINIMUS CHỦNG PHÒNG THÍ NGHIỆM VÀ THỰC ĐỊA TỈNH HOÀ BÌNH BẰNG PHƯƠNG PHÁP THỬ SINH HỌC VÀ HOÁ SINH (GIAI  ĐOẠN 2009-2011).

Đào Minh Trang, Hồ Đình Trung

Viện Sốt rét-KST-CT TƯ

Tóm tắt :
Nghiên cứu tiến hành từ năm 2009 đến năm 2011 với 5 quần thể Anopheles minimus hoang dại thu thập tại thực địa tỉnh Hòa Bình, và 2 chủng An.minimus nuôi trong nhà nuôi côn trùng. Trong số 5 quần thể An.minimus hoang dại có 4 quần thể nhạy cảm với Lambda-cyhalothrin (tỷ lệ muỗi chết 98%) và Alpha-cypermthrin (tỷ lệ muỗi chết 100%), một quần thể nhạy cảm với Alpha-cypermethrin (tỷ lệ muỗi chết 100%) và có khả năng kháng với Lambda-cyhalothrin (tỷ lệ muỗi chết 96%). Hầu hết các quần thể nghiên cứu đều có tỷ lệ chết trong thử sinh học ở thế hệ F1 thấp hơn so với muỗi hoang dại tại thực địa. Chỉ có quần thể An. minimus Ráy (Văn Sơn, Lạc Sơn, Hòa Bình) có tỷ lệ chết trong thử sinh học ở muỗi hoang dại và muỗi F1 tương đương nhau (98% - 100%). An. minimus Hòa Sơn (chủng phòng thí nghiệm) kháng với hai hóa chất trong hai lần thử (tỷ lệ muỗi chết trong lần thử thứ nhất là 62%, lần thử thứ hai là 74%). An. minimus Quyết Chiến (chủng phòng thí nghiệm) nhạy với hai hóa chất thử (tỷ lệ chết 99-100%) trong thử sinh học năm 2009, có khả năng kháng với hai hóa chất thử trong năm 2010 (tỷ lệ muỗi chết 82-85%). Hoạt tính enzym esterase và monooxygenase có xu hướng tăng ở các quần thể có tỷ lệ muỗi chết thấp hơn trong thử sinh học, thể hiện rõ ở muỗi F1.
 

Thống kê truy cập

Đang online: 126

Số lượt truy cập: 22,755,436