1. ĐIỀU TRA TÌNH HÌNH SỐT RÉT TẠI VÙNG SỐT RÉT VỪA VÀ NHẸ CỦA TỈNH QUẢNG TRỊ NĂM 2009.
Hoàng Hà, Đinh Thị Hoà, Lê Thạnh, Bùi Hữu Núi, Trần Quang Tạo và CS.
Trung tâm Y tế dự phòng Quảng trị
Tóm tắt:
Một điều tra cắt ngang về Ký sinh trùng sốt rét và côn trùng truyền bệnh được tiến hành tại 3 xã của 2 huyện Gio Linh, Hải Lăng tỉnh Quảng Trị năn 2009 cho kết quả:
Theo phân vùng dịch tể 2003 các địa phương trên thuộc vùng II-III có chỉ định phòng chống véc tơ bằng tẩm màn. Qua 19 năm phòng chống sốt rét, hiện nay tình hình sốt rét của các xã này đã ổn định, trong 6 năm (2004-2009) không có ca sốt rét nội địa, điều tra 1.200 mẫu lam máu (0% ký sinh trùng sốt rét), điều tra côn trùng không có véc tơ có khả năng truyền bệnh sốt rét. Chúng tôi đã chỉ định ngừng các biện pháp tẩm màn hóa chất các xã này.
2. HỢP TÁC NGHIÊN CỨU BỆNH SỐT RÉT VÙNG BIÊN GIỚI GIỮA HAI TỈNH SAVANNAKHET (LÀO) VÀ QUẢNG TRỊ (VIỆT NAM)
Hoàng Hà1, Đinh Thị Hoà2, Lê Việt 2, Lê Thạnh, Bùi Hữu Núi1, Trung tâm PCSR tỉnh Savanakhet
1. Trung tâm YDDP Quảng Trị
2. Quân Y BBĐBP tỉnh;
3. TTYT Hướng Hoá
Tóm tắt
Một nghiên cứu phối hợp giữa TTYTDP Quảng trị (Việt Nam) và TTPCSR tỉnh Savanakhet (Lào) tại 3 xã trọng điểm sốt rét nặng giáp biên giới Việt-Lào: Thanh, Xy, Thuận của huyện Hướng Hoá và 14 thôn của tỉnh Savanakhet giáp với các xã trên
Tại Quảng Trị điều tra được tiến hành trên 1.825 người cho biết: Tỷ lệ hiện mắc sốt rét là 1,81%, có sự khác biệt về tỷ lệ mắc giữa các xã.
Tại Lào điều tra được tiến hành trên 1.285 người: Tỷ lệ hiện mắc sốt rét là 5,20%, có sự khác biệt về tỷ lệ mắc giữa các thôn, thôn có tỷ lệ KSTSR cao nhất là 24%, Mật độ An.minimus và An. dirus vào nhà đốt người ở phía Lào rất cao . Tỷ lệ hiểu biết về bệnh sốt rét của người dân cả 2 bên cao như nhau; có sự tham gia của cộng đồng vào phòng chống bệnh sốt rét tốt cả 2 bên .
Đề nghị cần phối hợp phòng chống SR cho cả 2 bên biên giới.
3. NHẬN THỨC VÀ THỰC HÀNH LIÊN QUAN ĐẾN PHÒNG CHỐNG SỐT RÉT TRONG CỘNG ĐỒNG NGƯỜI RAGLAI Ở KHU VỰC NAM TRUNG BỘ -VIỆT NAM
Nguyễn Xuân Xã1, Koen Peeters Grietens2, Ngô Đức Thắng1, Bá Nhất Trưởng3,Lê Xuân Hùng1, Umberto D'Alessandro2 và Annette Erhart2
1 Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng Trung Ương,
2. Viện Y học nhiệt đới Antwerp, Vương quốc Bỉ
3 Trung tâm PCSR tỉnh Ninh Thuận
Tóm tắt
Đặt vấn đề: Hơn hai thập kỷ qua mặc dù tỷ lệ mắc và tử vong do sốt rét giảm trong cả nước, tuy nhiên bệnh vẫn lây truyền dai dẳng ở khu vực rừng núi của các tỉnh khu vực Trung và Nam Trung bộ với số ca mắc chiếm 50%, trên 90% số ca SRAT và tử vong so với cả nước.
Phương pháp: Một nghiên cứu xã hội học kết hợp số liệu các lần điều tra cắt ngang tiến hành từ 2005 - 2006, nhằm đánh giá sự phơi nhiễm sốt rét liên quan đến việc sử dụng màn và nhận thức về nguy cơ mắc sốt rét của người dân địa phương, được thực hiện tại 10 xã khu vực rừng núi thuộc huyện Ninh Sơn và Bắc Ái, tỉnh Ninh Thuận, khu vực Nam-Trung bộ - Việt Nam.
Kết quả: Mặc dù biết muỗi là nguyên nhân gây sốt (84,2%), nhưng việc sử dụng màn trong thời gian ở rẫy của người dân tộc Raglai vẫn thấp. Trong mùa mưa, thời gian ở lại rẫy thường dài ngày để phục vụ cho việc trồng trọt, cũng là mùa truyền bệnh cao, tuy nhiên tỷ lệ sử dụng màn ở rẫy của người dân chỉ chiếm 52,9%, màn được sử dụng chủ yếu trong thời gian ở nhà (84,6%); trong khi có 20,6% số người không ngủ màn cả hai nơi. Tỷ lệ sử dụng màn thấp là do người dân không nhận thức được nguy cơ mắc sốt rét. Kết quả nghiên cứu cho thấy một số lý do: chỉ 15,6% biết nguy cơ mắc sốt rét trong rừng cao hơn ở làng; người dân địa phương chỉ biết một phần thời gian hoạt động đốt máu của Anopheles dirus ss và Anopheles minimus A; có 20,9% số người không biết nguyên nhân gây sốt kể cả khi được chẩn đoán mắc sốt rét.
Kết luận: Khống chế được sự lây truyền sốt rét trong cộng đồng người RagLai ở khu vực các tỉnh Nam - Trung bộ sẽ tiếp tục mang lại sự thành công của chương trình PCSR của Việt Nam. Các kết quả nghiên cứu cho thấy cần có cơ chế PCSR linh hoạt; điều đó sẽ góp phần làm giảm tỷ lệ mắc sốt rét tại địa phương và hạn chế đến mức độ tối thiểu nguy cơ lan truyền sốt rét đến các khu vực khác nơi không còn sốt rét lưu hành.
4. NGHIÊN CỨU HIỆU LỰC VÀ ĐỘC TÍNH CỦA DẠNG THÀNH PHẨM 10α-TRIFLUORO METHYL HYDROARTEMISININ (TFMHA) TRÊN THỰC NGHIỆM
Nguyễn Thị Minh Thu 1,Trương Văn Như 1, Nguyễn Trần Giáng Hương 2, Nông Thị Tiến1, Tạ Thị Tĩnh 1, Nguyễn Mạnh Hùng 1, Nguyễn Mai Hương 1,Nguyễn Kim Phượng 3, Bùi Thị Sáu1 và cs
1 Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, 2 Đại học Y Hà Nội, 3 Viện Dược liệu
Tóm tắt
Các nghiên cứu hiệu lực và độc tính trên thực nghiệm của viên nén và viên nang 10α-trifluoro methyl hydroartemisinin (TFMHA, nguyên liệu do Viện Hóa học công nghiệp sản xuất) được tiến hành từ năm 2008 - 2009 tại Viện Sốt rét - KST - CT Trung ương, Đại học Y Hà Nội và Viện Dược liệu.
Kết quả cho thấy, TFMHA có hiệu lực in vitro và in vivo tốt trên ký sinh trùng sốt rét cả chủng nhạy và kháng chloroquin, dạng viên nén TFMHA thể hiện tác dụng dược lý tương đương dạng nguyên liệu. TFMHA có độ độc trung bình, liều LD50 =959,8 (818,4 - 1001,2) mg/kg ở P = 0,05. TFMHA không gây ảnh hưởng đến các chức năng và hoạt động của các cơ quan: thể trạng, gan, thận, tim mạch và chức năng tạo máu của thỏ thực nghiệm ở các liều đường uống 6 và 18 mg/kg/ngày ´ 28 ngày. Với liều 50 mg/kg/ngày ´ 5 ngày, TFMHA không gây đột biến nhiễm sắc thể tủy xương và tinh hoàn của chuột nhắt trắng, không gây đột biến gen ở chuột bằng kỹ thuật Dominant lethal test. TFMHA không ảnh hưởng đến hoạt động thần kinh trung ương của chuột nhắt trắng ở các liều đường uống 50 và 100 mg/kg/ngày ´ 5 ngày (1 và 2 đợt) và chuột cống trắng ở các liều 25, 50, 75 và 100 mg/kg/ngày ´ các ngày nghiên cứu.
Từ khóa: TFMHA, hiệu lực in vitro, in vivo, độc tính cấp, độc tính bán trường diễn, độc tính đặc biệt.
5. NGHIÊN CỨU TÍNH ĐA HÌNH DI TRUYỀN QUẦN THỂ PLASMODIUM FALCIPARUM TẠI TỈNH QUẢNG TRỊ
Trương Văn Hạnh1, Lê Đức Đào1, Trịnh Đình Đạt2, Hồ Đình Trung1 Nguyễn Thị Thương1, Nguyễn Thị Huyền1
1 Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương
2Trường đại học Khoa học Tự nhiên- Đại học Quốc gia Hà Nội
Tóm tắt
Các dấu chuẩn được sử dụng trong nghiên cứu đa hình di truyền quần thể Plasmodium falciparum (P. falciparum) là những gen đa hình mã hóa 3 kháng nguyên bề mặt là protein bề mặt 1 (Merozoite Surface Protein 1 - MSP1); protein bề mặt 2( Merozoite Surface Protein 2 - MSP2) và protein giàu glutamate (Glutamate Rich Protein - GLURP). Những gen mã hóa protein này có tính đa hình di truyền cao. Độ dài của chúng khác nhau là do có chứa những trình tự lặp lại ngẫu nhiên khác nhau. Các phân lập ký sinh trùng sốt rét (KSTSR) khác nhau có thể khác nhau số lần lặp lại của các đơn vị lặp lại.
Phân tích 63 mẫu máu bệnh nhân nhiễm P. falciparum thu thập tại tỉnh Quảng Trị cho kết quả:
- Trên locus MSP1: Tỷ lệ dòng gen K1 chiếm 34,14% và có 12 biến thể alen; MAD20 chiếm 51,22% phân bố trong 14 biến thể alen và RO33 chiếm 14,64% và chỉ phát hiện được 1 biến thể alen có kích thước 157 đôi bazơ.
- Trên locus MSP2: tỷ lệ dòng gen IC chiếm 57,53% phân bố trong 12 biến thể alen và dòng gen FC chiếm 43,47% chứa 9 biến thể alen.
- Trên locus GLURP có 8 biến thể alen.
6. XÁC ĐỊNH CHỈ SỐ KHÁNG THỂ SỐT RÉT BẰNG KỸ THUẬT MIỄN DỊCH HÙYNH QUANG (IFA) TRONG CÁC VÙNG DỊCH TỄ SỐT RÉT Ở 2 TỈNH LAI CHÂU VÀ QUẢNG TRỊ
Đoàn Hạnh Nhân, Trần Thị Uyên, Lê Minh Đạo,Tạ Thị Tĩnh, Nguyễn văn Hường,
Võ Như Phương, Phạm Văn Trung, Nguyễn Vân Hồng.
Viện Sốt rét KST-CT TƯ
Tóm tắt.
- Tổng số 2471 người khám và xét nghiệm máu ở 4 vùng dịch tễ sốt rét tỉnh Lai Châu (2004) và 2019 người ở 5 vùng dịch tễ sốt rét ở tỉnh Quảng trị ( 2005) cho kết quả:
- Lai châu: Mức độ sốt rét rất thấp, ký sinh trùng có gặp mỗi vùng phát hiện 1 hoặc 2 KST, tỷ lệ có đáp ứng miễn dịch thấp:IFA(+) ở vùng 2 là 11,6%; vùng 3 là 1,7%, vùng 4 cao hơn (18%) và vùng 5 là 8,1%.
- Quảng Trị: Tình trạng sốt rét thấp, không phát hiện KST ở 4 vùng (từ vùng 1-4), tỷ lệ có đáp ứng miễn dịch cũng thấp từ vùng 1 đến 4 (0%;3,7% 7,6% và 8,1% theo thứ tự). Riêng huyện Hương Hóa biên giới Việt Lào là vùng sốt rét lưu hành nặng. Kết quả đã phản ảnh mức độ lan truyền sốt rét vần còn cao và dai dẵng, tỷ lệ đã hoặc đang bị sốt rét là 56% (n=2017). Tỷ lệ IFA(+) tăng dần theo nhóm tuổi: nhóm dưới 5 tuổi là 27%; từ 6-15:63% và nhóm trên 15 có tới 91%.
7. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU BỌ XÍT HÚT MÁU TRIATOMA Ở MỘT SỐ TỈNH MIỀN BẮC TRONG NĂM 2010-2011
Nguyễn Văn Châu, Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Thi Bích Liên, Trần Thị Loan
Viện Sốt rét KST-CT TƯ
Tóm tắt
Từ tháng 6 /2010- 11/2011, đã thu thập được 1190 cá thể bọ xít thuộc loài Triatoma rubrfasciata (De Geer, 1773), phân họ Triatominae Jeannel, 1919; họ Reduviidae Latreille, 1807 tại 11 tỉnh miến Bắc gồm: Hà Nội, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Nam Định, Thanh Hóa và Nghệ An. Số lượng cá thể bọ xít thu được năm 2011 ít hơn 2,6 lần so với năm 2010. Đã bắt được bọ xít Triatoma rubrfasciata từ tầng I đến tầng VI trong nhà ở tại Hà Nội. Bọ xít xuất hiện nhiều vào các tháng VI , VII, VIII, IX . Bọ xít hoạt động hút máu chủ yếu vào ban đêm (98,96%), chúng thường làm tổ trong các đống củi gỗ trên 0.5m3 để lâu ngày và trong đống củi thường có chuột lui tới. Bọ xít đốt người ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể, nhưng nhiều nhất ở tay, chân; vết đốt gây sưng, ngứa đôi khi có sốt. Không phát hiện được ký sinh trùng Tripanosoma cruzzi trong máu những người bị bọ xít đốt và máu trong dạ dày bọ xít Triatoma rubrfasciata.
8. NGHIÊN CỨU SINH THIẾT NANG DƯỚI DA-CƠ CHỤP MRI SỌ NÃO VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH ẤU TRÙNG SÁN LỢN TẠI VIỆN SỐT RÉT KST-CT TƯ TỪ 2007 ĐẾN 2010
Hồ Sỹ Triều, Nguyễn Văn Đề, Nguyễn Mạnh Hùng
Viện Sốt rét KST CT TƯ
Tóm tắt
Một theo dõi trên 179 bệnh nhân tại khoa khám bệnh chuyên ngành Viện Sốt rét Ký sinh trùng và côn trùng Trung ương từ năm 2007 đến năm 2010 cho kết quả:
- Chẩn đoán sinh thiết nang dưới da-cơ cho 51 bệnh nhân đến khám tại khoa khám bệnh chuyên ngành Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, có 47 bệnh nhân có nang ấu trùng sán lợn dưới da-cơ tỉ lệ 47/51 = 92,2%.
- Chup MRI sọ não cho 229 bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng (nhức đầu, động kinh, liệt nửa người, tê tay chân, nói khó, nhìn mờ, giảm thị lực, nang dưới da-cơ) phát hiện 211 bệnh nhân có dấu hiệu nang ấu trùng sán lợn trong và ngoài não chiếm tỉ lệ 211/229 = 92,1%.
- Kết quả điều trị nhóm 179 bệnh nhân nang ấu trùng sán lợn trong và ngoài não bằng có 98 bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh tỉ lệ 98/179 = 54,7%. Điều trị nhóm 47 bệnh nhân nang ấu trùng sán lợn dưới da-cơ có 39 bệnh nhân khỏi bệnh tỉ lệ 39/47 = 82,9%. Điều trị nhóm 3 bệnh nhân nang ấu trùng sán lợn ở mắt có 2 bệnh nhân khỏi bệnh tỉ lệ 2/3 = 66,7%.
9. QUA SÁU TRƯỜNG HỢP NHIỄM GIUN GNATHOSTOMA SP Ở MÔ DƯỚI DA TẠI BỆNH VIỆN BỆNH NHIỆT ĐỚI TP HỒ CHÍ MINH 2010
Trần Phủ Mạnh Siêu1, Lê Thị Cẩm Ly2
1. Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP. HCM, ĐT: 0983990477,
2. Bộ môn Ký sinh trùng- Khoa Y- Đại học Y Dược Cần Thơ
Tóm tắt
Bệnh do ấu trùng giun Gnathostoma sp gây ra cho người là bệnh khá phổ biến. Từ trước đến nay ở Việt nam đã có nhiều trường hợp lẻ tẻ được báo cáo. Trong năm 2010 tại bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM chúng tôi đã phát hiện sáu trường hợp bị áp xe di chuyển ngoài da do giun Gnathostoma sp ở nhiều vị trí trên cơ thể như mặt, cẳng chân và cẳng tay. Tất cả sáu bệnh nhân đều được khám và điều trị ở nhiều nơi mà không khỏi. Các bệnh nhân được chẩn đoán bằng kỹ thuật ELISA phát hiện kháng thể IgG kháng Gnathostoma sp, có 5 bệnh nhân đều có huyết thanh miễn dịch dương tính với Gnathostoma sp và tất cả 6 trường hợp đều đáp ứng tốt với điều trị đặc hiệu là albendazole 800 mg/ngày trong vòng 4 -6 tuần. Qua 6 trường hợp trên có thể thấy bệnh do giun Gnathostoma sp vẫn lưu hành trong cộng đồng dân cư tại TP. HCM, nguyên nhân hay gặp là ăn thủy sản nấu không kỹ. Biểu hiện lâm sàng là áp xe di chuyển ở mặt, ở cẳng chân, cẳng tay. Chẩn đoán bằng kỹ thuật huyết thanh chẩn đoán ELISA kết hợp với lâm sàng, đáp ứng tốt với điều trị bằng albendazole 800 mg/ngày trong vòng 4 -6 tuần.
10. ĐẶC ĐIỂM HÌNH THỂ TRỨNG VÀ CON SÁN LÁ SÁN LÁ LỚN TẠI TỈNH QUẢNG NGÃI
Nguyễn Thu Hương, Lê Xuân Hùng
Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Công trùng Trung ương
Tóm tắt
Nghiên cứu hình thái học trứng sán lá gan lớn và con sán trưởng thành đã được tiến hành tại huyện Tư Nghĩa và Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Mẫu trứng sán thu thập từ phân người bằng các phương pháp xét nghiệm phân. Con sán lá gan lớn trưởng thành thu từ gan trâu bò tại lò mổ.
Kết quả cho thấy, kích thước trứng Fasciola sp có độ dài trung bình là 152,5 ± 1,75 mm (100-180) x 79,39 ± 1,43 mm (50-110). Trong đó chiều dài cố định hơn chiều rộng. Hàm số f(x) = 0,6616x - 21,51 biểu diễn mối tương quan thuận giữa chiều rộng và chiều dài của trứng Fasciola sp với hệ số tương quan thấp r=0,6543. Kích thước trung bình chiều dài và chiều rộng thân con sán lá gan lớn trưởng thành là 30,9 + 5,42 mm (13,3 – 42,5) x 8,78 + 1,75 mm (2,8-11,6). Các số đo giác miệng và giác bụng về chiều dài và chiều rộng là 1,41 + 0,16 x 1,49 + 0,21 (µm) và 0,92 + 0,18 x 0,67 + 0,13 (µm). Hàm tương quan giữa chiều rộng và chiều dài thân sán được biểu diễn bằng hàm f(x)=0,2294 x + 1,705. Đây là mối tương quan thuận với hệ số tương quan thấp (r = 0,5076). Chẩn đoán hình thể trứng và con sán trưởng thành gợi ý quần thể Fasciola gigantica là loài gây bệnh trên người và trâu bò tại Quảng Ngãi. Tuy nhiên, vẫn cần có các nghiên cứu thẩm định gen để có kết luận tiếp theo. Trong những trường hợp còn nhiều hạn chế về chẩn đoán sinh học phân tử, với những đặc điểm hình thái vẫn có giá trị chẩn đoán nhất định.