Sốt rét ngoại lai từ Angola và những khuyến cáo  7/1/2016 3:33:24 PM

Angola nằm trong khu vực có bệnh sốt rét lưu hành khá nghiêm trọng, hàng năm số người mắc sốt rét và tử vong do sốt rét được báo cáo chiếm tỷ lệ cao trên toàn cầu

  Những năm gần đây, Angola tái thiết đất nước sau nhiều năm nội chiến đã thu hút một số lượng lao động đông đảo từ các nước, trong đó có Việt Nam. Lao động Việt Nam sang làm việc tại Angola cũng gia tăng trong những năm cuối của thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21.

Angola nằm trong khu vực có bệnh sốt rét lưu hành khá nghiêm trọng, hàng năm số người mắc sốt rét và tử vong do sốt rét được báo cáo chiếm tỷ lệ cao trên toàn cầu, theo báo cáo của WHO năm 2014 Angola có 2.298.979 bệnh nhân sốt rét, 5.714 trường hợp tử vong do sốt rét. Tại đây muỗi truyền bệnh sốt rét chính là An. Gambiae có đặc điểm phân bố cả thành thị và nông thôn, thời gian hút máu cả ngày và đêm, ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum có xuất hiện gen đột biến kháng thuốc gây trở ngại cho việc điều trị và bệnh nhân dễ tiến triển thành ác tính dẫn đến tử vong.

Người lao động Việt Nam sang làm việc tại Angola có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng sốt rét cao bởi vì họ chưa biết nhiều về tình hình dịch bệnh nơi đây, thiếu hiểu biết về các biện pháp phòng chống sốt rét như ngủ màn, uống thuốc phòng khi đi vào vùng sốt rét lây truyền, tìm kiếm dịch vụ y tế khi bị bệnh, không đủ kinh phí điều trị (2.000-5.000 USD/ngày điều trị tại cơ sở y tế tư nhân) và chủ quan không biết mình bị bệnh sốt rét.

Theo “Báo cáo tổng kết công tác phòng chống sốt rét năm 2015 của Viện Sốt rét KST-CT TƯ” ghi nhận tổng số KSTSR từ Châu Phi về Việt Nam là 210 trường hợp trong đó Nghệ An (129 KST từ Angola) chiếm 61,42% và Hà Tĩnh (61 KST từ Angola) chiếm 29,04%.

Theo thống kê, báo cáo tình hình sốt rét 5 tháng đầu năm 2016 của Viện Sốt rét KST-CT TƯ đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong do sốt rét tại TP. Hồ Chí Minh do sốt rét ngoại lai từ Angola về. Ký sinh trùng sốt rét Angola chiếm 9,48% (220/2.319) và tập trung tại Nghệ An (141) chiếm 64,09%, Hà Tĩnh (58) chiếm 26,36%. Những bệnh nhân mắc sốt rét ngoại lai sau khi trở về Việt Nam nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, tính mạng, kinh tế của người bệnh và đặc biệt đây là các ổ bệnh tiềm tàng có thể lây truyền ra cộng đồng, ảnh hưởng đến kết quả của chương trình Quốc gia phòng chống sốt rét. Ngoài ra những trường hợp bệnh nhân không đến cơ sở y tế công, những trường hợp mắc, tử vong ngoài nước thì không được hệ thống phòng chống sốt rét ghi nhận và thống kê. Trong 3 tháng đầu năm 2016 Đại sứ quán Việt Nam tại Angola đã ghi nhận 13 trường hợp người Việt Nam tử vong do sốt rét ác tính.

Trước tình hình sốt rét diễn biến phức tạp từ Châu Phi nói chung, Angola nói riêng, người dân khi đến lao động, du lịch tại khu vực này cần:

1.      Ngủ màn, tốt nhất là màn được tẩm thuốc xua diệt muỗi;

2.      Sử dụng kem, thuốc xua diệt muỗi;

3.      Khi bị sốt, bệnh sốt rét phải đến ngay cơ sở y tế để khám, xét nghiệm, điều trị;

4.      Phải uống thuốc sốt rét đủ liều theo hướng dẫn của thầy thuốc.

PGS.TS. Trần Thanh Dương, BS. Phùng Xuân Hách

Thống kê truy cập

Đang online: 373

Số lượt truy cập: 22,749,239