Nhân 40 năm ngày nhà giáo Việt Nam tưởng nhớ về người Viện trưởng đầu tiên của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương và người Thầy trong lĩnh vực sốt rét, ký sinh trùng tại Việt Nam  11/18/2022 10:20:59 PM

Nhân 40 năm ngày nhà giáo VIỆT NAM tưởng nhớ về người Viện trưởng đầu tiên của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương và người Thầy trong lĩnh vực sốt rét, ký sinh trùng tại Việt Nam

Những ngày này, khi cả nước đang hân hoan hướng về kỉ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2022), Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương được vinh dự đón đoàn cán bộ từng tham gia đi B tại Trị Thiên Huế năm 1966-1967 trở lại thăm Viện và dâng hương cho người Viện trưởng – người Thầy đầu tiên – Giáo sư, Bác sĩ, Anh hùng, Liệt sĩ Đặng Văn Ngữ.

Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương và một số thành viên đoàn công tác của Viện đi B tại chiến trường Trị Thiên – Huế năm 1966-1967 (từ phải sang trái: ông Lương Gia Quế, bà Đinh Thị Oánh, bà Trần Thị Lịch; ông Đỗ Sĩ Hiển thứ tư từ trái sang và ông Nguyễn Văn Khoa thứ hai từ trái sang)  

Những người cán bộ nghiên cứu của Viện khi ấy đã có dịp được trở về Viện – nơi họ đã dành những năm tháng tuổi trẻ cho sự nghiệp nghiên cứu tìm ra các phương pháp điều trị sốt rét, ký sinh trùng tại Việt Nam. Cùng họ ôn lại những kỉ niệm, những giây phút cuối cùng của Thầy Đặng Văn Ngữ, tất cả đều trào dâng niềm xúc động. Những giọt nước mắt của những người học trò đi theo đoàn công tác cùng Giáo sư khi ấy tại chiến trường Trị Thiên – Huế sau 55 năm vẫn rơi. Những kí ức về Thầy luôn hiện hữu – đó là một nhân cách, một trí thức lớn, chân thành, giản dị, tận tâm và đặc biệt là tình cảm sâu nặng dành cho gia đình, quê hương Thừa Thiên – Huế và với đất nước. Cuộc đời Thầy đã tận hiến, đã hi sinh và rất thanh cao, mẫu mực. Trong tâm tưởng của các thế hệ đồng nghiệp, học trò Thầy là một nhà khoa học tài năng luôn khiêm nhường, bình dị, vô tư đặt lợi ích của nhân dân, tập thể lên trên hết thảy. Đến nay, những ý tưởng và tầm nhìn của Thầy ngay từ khi thành lập Viện Sốt rét vẫn còn nguyên vẹn giá trị.

Thầy đã hi sinh tại khu vực khốc liệt nhất của chiến trường Trị Thiên - Huế khi đang nghiên cứu về sốt rét, sau những đợt B52 rải thảm khốc liệt. Cùng nằm lại giữa rừng với Thầy còn có hai cán bộ của Viện là Liệt sĩ Phạm Thị Thành và Liệt sĩ Lê Thị Tuyên. Đó là những liệt sĩ đầu tiên trong số 9 liệt sĩ, cán bộ của Viện đã hi sinh và trong số16 liệt sĩ hi sinh khi đang phục vụ nghiên cứu về sốt rét ở giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Giáo sư, Bác sĩ, Anh hùng, Liệt sĩ Đặng Văn Ngữ (1910 – 1967)  

Ngày 20/11 năm nay, sự trở lại thăm Viện của những người đồng nghiệp, học trò cũ và đại diện gia đình như làm sống lại những giai đoạn lịch sử đầy cam go của Viện Sốt rét cách đây 55 năm. Thầy Đặng Văn Ngữ không còn nữa song những nhân chứng lịch sử thời kì ấy vẫn hướng về Thầy với những tình cảm xúc động nhất.


Viện trưởng Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương Hoàng Đình Cảnh
và con trai Giáo sư Đặng Văn Ngữ, NSND Đặng Nhật Minh

Thay mặt các thế hệ cán bộ đang tiếp nối sự nghiệp phòng chống sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng hôm nay xin thắp nén tâm nhang để tưởng nhớ Thầy – người Thầy của ngành ký sinh trùng và là Viện trưởng đầu tiên của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương.

Tri ân tưởng nhớ Thầy.

Trần Hồng Hạnh

 

Thống kê truy cập

Đang online: 37

Số lượt truy cập: 21,620,491