Các chỉ tiêu Quốc hội giao cho ngành Y tế giai đoạn 2016 - 2020 đều đạt và vượt  9/29/2020 2:52:01 PM

Đây là thông tin được GS.TS Nguyễn Thanh Long- Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo tại phiên họp và cho ý kiến về tình hình thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, giai đoạn 2016-2020 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020

 

Đây là thông tin được GS.TS Nguyễn Thanh Long- Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo tại phiên họp và cho ý kiến về tình hình thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, giai đoạn 2016-2020 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020; dự kiến đề xuất các kế hoạch, chỉ tiêu kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách năm 2021, giai đoạn 2021-2025 thuộc lĩnh vực y tế - dân số của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội chiều ngày 28/9 

Thực hiện quyết liệt, bài bản, sáng tạo để kiềm chế, kiểm soát dịch COVID-19

Báo cáo tại Phiên họp, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, các chỉ tiêu Quốc hội giao cho ngành Y tế năm 2020 và giai đoạn 2016 - 2020 đều đạt và vượt kế hoạch. Cụ thể:
- Số giường bệnh trên vạn dân ước thực hiện 28,0, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao tại Nghị quyết 85/2019/QH13; vượt chỉ tiêu Quốc hội giao tại Nghị quyết 142/2016/QH13 (đến năm 2020 là 26,5);

- Tỷ lệ dân số tham gia BHYT ước thực hiện 90,7%, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao tại Nghị quyết 85/2019/QH13; vượt chỉ tiêu Quốc hội giao tại Nghị quyết 142/2016/QH13 (đến năm 2020 trên 80,0%);
- Đạt/vượt các chỉ tiêu năm 2020 Chính phủ giao tại Nghị quyết 01/NQ-CP.

Bên cạnh đó, công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân đạt được nhiều kết quả. Hệ thống pháp luật tiếp tục được hoàn thiện. Tổ chức bộ máy, hệ thống các cơ sở y tế công lập địa phương được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả (thành lập được các CDC tại các địa phương). Số cơ sở y tế tư nhân ngày càng tăng. Y tế cơ sở được tiếp tục củng cố, hoạt động được đổi mới. 


Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo tại phiên làm việc của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội sáng ngày 28/9

Thực hiện quyết liệt, bài bản, sáng tạo để kiềm chế, kiểm soát dịch COVID-19. Chủ động phòng, chống dịch bệnh bạch hầu, sốt xuất huyết và các bệnh truyền nhiễm khác, không để xảy ra "dịch chồng dịch".

Quản lý bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng bước đầu được triển khai, an toàn thực phẩm, môi trường y tế, kiểm soát các yếu tố nguy cơ đối với sức khoẻ có kết quả tích cực. Chất lượng dân số từng bước cải thiện, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, hạn chế tai biến sản khoa, giảm tử vong bà mẹ và trẻ em. Năng lực, chất lượng khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người bệnh được nâng lên.

Tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến trung ương và tuyến cuối có sự cải thiện. Cơ chế hoạt động, tài chính, giá dịch vụ của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập được đổi mới, nhiều bệnh viện công lập đã tự chủ được tài chính. Sản xuất thuốc, vắc xin, trang thiết bị y tế có nhiều tiến bộ, cơ bản đáp ứng nhu cầu thuốc có chất lượng với giá hợp lý. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý y tế, khám bệnh, chữa bệnh, quản lý sức khoẻ người dân.

Công khai minh bạch giá thuốc, bước đầu công khai giá trang thiết bị, vật tư y tế. Thực hiện bước đầu đổi mới đào tạo nguồn nhân lực y tế. Xây dựng và thực hiện các chuẩn năng lực đào tạo, quy định về đào tạo chuyên khoa đặc thù, thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia.

Giai đoạn 2016 - 2020, ngân sách nhà nước chi cho y tế năm sau cao hơn năm trước, tổng chi ngân sách nhà nước ước tính từ 95.455 tỷ đồng năm 2016 tăng lên 124.755 tỷ đồng vào năm 2020. Ngân sách nhà nước đã được ưu tiên cho đầu tư phát triển các lĩnh vực, các vùng, khu vực khó thu hút được nguồn xã hội hóa.

Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đạt được nhiều kết quả. Hệ thống pháp luật tiếp tục được hoàn thiện

Đổi mới cơ chế hoạt động và cơ chế tài chính thúc đẩy y tế cơ sở phát triển,  nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu

Thảo luận tại phiên họp, cơ bản đồng tình với Báo cáo của Bộ Y tế, các đại biểu đã chỉ rõ một số vấn đề cần quan tâm, khắc phục trong thời gian tới. Theo đó, điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực và khả năng cung ứng dịch vụ tại y tế cơ sở, nhất là trạm y tế xã chưa đồng đều ở các địa phương.

Nhân lực ngành Y tế phân bố không đồng đều giữa các vùng, tuyến y tế; giữa điều trị và dự phòng; chưa có chính sách thỏa đáng để thu hút nhân lực y tế tại vùng sâu, vùng xa. Việc thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm bộc lộ một số hạn chế.

Việc đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đã đem lại nhiều kết quả tích cực, song cơ chế hợp tác công – tư chưa toàn diện; hình thức liên doanh, liên kết tài sản chưa đa dạng, chủ yếu là trang thiết bị y tế; giá dịch vụ y tế chưa kết cấu đủ chi phí gây ra những khó khăn nhất định khi thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực y tế....

Các đại biểu cũng đề nghị Bộ Y tế tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về dược và trang thiết bị y tế; đặc biệt trong công tác đấu thầu, mua sắm; nghiên cứu xây dựng chính sách phân bổ nhân lực y tế nhằm đáp ứng yêu cầu hoạt động của ngành một cách toàn diện; đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao…

Ngoài ra, Bộ Y tế đổi mới cơ chế hoạt động và cơ chế tài chính nhằm thúc đẩy y tế cơ sở phát triển, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế cùng các bộ, ngành liên quan khẩn trương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với các dự án y tế để đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm tiến độ các dự án, trong đó, chú trọng dự án cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức.

Trước đó, cũng tại phiên họp toàn thể của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, sáng 28/9, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết điều này khi trình bày Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS)
Trong hơn 10 năm qua, Việt Nam liên tục đạt 3 giảm: Giảm số người mới nhiễm HIV, giảm số chuyển sang AIDS và giảm số tử vong liên quan đến HIV/AIDS; kiểm soát tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,3%.

Theo đánh giá của UNAIDS, từ năm 2000 đến nay, Việt Nam đã dự phòng cho khoảng 400.000 người không bị lây nhiễm HIV và 150.000 người không bị tử vong do AIDS.

“Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia cùng với Anh, Đức, Thuỵ Sĩ có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới với tỷ lệ người nhiễm HIV được điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt 96%, góp phần giảm lây nhiễm HIV trong cộng đồng” – ông Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

 

Nguồn: suckhoedoisong.vn

Thống kê truy cập

Đang online: 477

Số lượt truy cập: 21,524,785