Chương trình “Sức khỏe Việt Nam”: Vì mục tiêu phát triển bền vững  2/26/2019 11:34:19 AM

Ngày hội của ngành y - Ngày Thầy thuốc Việt Nam năm 2019 trở nên đặc biệt hơn khi lễ phát động Chương trình “Sức khỏe Việt Nam” được diễn ra nhằm kêu gọi mỗi người dân hãy thực hiện chăm sóc sức khỏe của mình ngày một tốt hơn, kêu gọi các cấp, các ngành cùng đồng hành với ngành y tế thực hiện sứ mệnh nhân văn, cao cả: Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

"Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe”, đó là một câu trong bài “Sức khỏe và thể dục” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo Cứu quốc ngày 27/3/1946. Thấm nhuần tư tưởng của Bác, để triển khai thành công những mục tiêu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, chất lượng dân số trong tình hình mới của Nghị quyết số 20 và 21, Bộ Y tế đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình “Sức khỏe Việt Nam” nhằm xây dựng môi trường hỗ trợ, tăng cường năng lực cho mỗi người dân; thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe toàn diện để nâng cao sức khỏe, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người Việt Nam.


Bộ Y tế là cơ quan đầu tiên tiến hành tập thể dục tập thể giữa giờ.
 

Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, để hiện thực hóa Nghị quyết Trung ương 20, 21 về bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân và dân số trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1092 ngày 12/9/2018 mang tên chương trình “Sức khỏe Việt Nam” bởi sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội, là mục tiêu của phát triển bền vững, đồng thời cũng là nhân tố quyết định để đạt được sự phát triển bền vững ở Việt Nam.

“Sức khỏe Việt Nam” đưa ra những chính sách và những chương trình hành động cụ thể để làm sao người Việt Nam được khỏe mạnh, bao gồm chương trình giáo dục để nâng cao chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng ngừa và phát hiện sớm các bệnh mà hiện nay đang là nguyên nhân chính gây tử vong, để chất lượng cuộc sống tốt hơn, đảm bảo thể chất, trí tuệ phát triển hơn và tuổi thọ của người dân Việt Nam cao hơn.

Cũng theo Bộ trưởng, mục đích của chương trình là chăm sóc sức khỏe của hơn 90 triệu người dân Việt Nam, làm cho mỗi người Việt Nam khỏe hơn, như Bác Hồ đã nói: “Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe”.

Chương trình “Sức khỏe Việt Nam” đề ra các nhiệm vụ và giải pháp để tập trung thực hiện 28 chỉ tiêu của 11 lĩnh vực sức khỏe ưu tiên gồm: dinh dưỡng hợp lý; vận động thể lực; chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh; phòng chống tác hại của thuốc lá, rượu bia; vệ sinh môi trường; an toàn thực phẩm; phát hiện sớm và quản lý bệnh không lây nhiễm (là nguyên nhân tử vong chủ yếu như bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mạn tính); chăm sóc, quản lý sức khỏe người dân; sức khỏe người cao tuổi; sức khỏe người lao động.

“Đây là một chương trình tổng thể được triển khai trên quy mô toàn quốc nhằm huy động, phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp, các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức xã hội cùng xây dựng môi trường hỗ trợ, huy động sự tham gia của người dân và cộng đồng, thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe toàn diện để nâng cao sức khỏe, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người Việt Nam” - Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.




Chăm sóc sức khỏe cho người dân
 

Tập thể dục - tăng cường thể lực, phòng chống bệnh tật, nâng cao sức khỏe

Một trong những hoạt động để triển khai chương trình “Sức khỏe Việt Nam” là tập thể dục, nâng cao thể lực, từ đó góp phần phòng chống bệnh tật, nhất là với những người làm công tác văn phòng tại các công sở. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ từ đầu năm 2019, Bộ Y tế là cơ quan công sở đầu tiên ở Việt Nam bắt đầu tiến hành tập thể dục giữa giờ họp. Điều này được đánh giá là rất tốt trong việc nâng cao sức khỏe, phòng các bệnh không lây nhiễm liên quan đến lối sống, vận động.

Cũng theo Bộ trưởng, một trong bốn yếu tố làm tăng nguy cơ của bệnh tật, nguyên nhân của 84% số ca tử vong trên thế giới là kém vận động, cho nên đơn giản nhất hiện nay là phát động cho người dân tăng cường vận động thể lực.

Từ trước chúng ta đã có phong trào tập thể dục buổi sáng, tập thể dục giữa giờ, tuy nhiên gần đây điều đó chưa được phát triển, vì thế Bộ Y tế muốn phát động mạnh mẽ trong nhân dân đặc biệt những người lao động làm việc trong công sở và tập trung trước là ngành y tế và tất cả viên chức có điều kiện. Thực chất, tập thể dục giữa giờ rất cần thiết đối với mọi người nói chung và đặc biệt đối với người làm văn phòng, công sở vì ngồi rất nhiều và tư thế làm việc như vậy rất ảnh hưởng đến thị lực, đau mỏi vai gáy và hệ tiêu hóa, cũng như sự lưu thông của hệ thống miễn dịch của cơ thể.

“Những bài tập này chúng tôi dựa vào những bài mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo ngồi cũng tập được, đứng cũng tập được, trong phòng, trong hội trường, trong không gian nào cũng có thể tập được. Nên thực hiện 2 lần/ngày để có tính khả thi và thiết thực. Chúng tôi cảm thấy sau 3 - 5 phút tập thể dục, con người sảng khoái, đỡ mỏi mệt và chắc chắn sẽ giảm rất nhiều nguy cơ thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm và các bệnh mỏi gối, thần kinh và bệnh tiêu hóa, tăng cường sức đề kháng cơ thể” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cho biết thêm, ngay trong các kỳ họp của WHO, các đại biểu cũng đứng lên tập nhiều bài, nhún nhảy tại chỗ chỉ khoảng 3 phút nhưng vô cùng thoải mái. Thời gian chỉ hơn 3 phút rất đơn giản có nhạc kèm theo giúp cơ thể tăng sức đề kháng, sảng khoái.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng bày tỏ mong muốn, Bộ Y tế và ngành y tế sẽ làm tiên phong, sau đó mong rằng các ngành khác và nhân dân có thể vận dụng để tập ở mọi nơi mọi lúc bởi Việt Nam được đánh giá là một trong những nước lười vận động nhất.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành y tế cũng thẳng thắn bày tỏ, để thực hiện chương trình “Sức khỏe Việt Nam”, Bộ Y tế mong muốn UBND các tỉnh, thành phố cần đưa các chỉ tiêu của Chương trình Sức khỏe Việt Nam vào trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời trực tiếp chỉ đạo các cấp, các ngành tại địa phương triển khai thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu của chương trình.

Đồng thời, Bộ Y tế cũng kêu gọi mỗi người dân cần thực hiện và duy trì những hành vi, lối sống lành mạnh có lợi cho sức khỏe để tự bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội. Cụ thể, cần thường xuyên rửa tay với xà phòng, tăng cường vận động, đi bộ, đi xe đạp, tập thể dục, thể thao. Không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu, bia. Có chế độ ăn uống hợp lý, giảm ăn muối, giảm đường, ăn nhiều rau xanh, trái cây.

“Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân cần đi khám sức khỏe định kỳ, đối với người bình thường đo huyết áp ít nhất 6 tháng một lần để phát hiện sớm tăng huyết áp, đo đường máu ít nhất 1 năm một lần để phát hiện sớm bệnh đái tháo đường. Khi có ho, khò khè, khó thở cần đi khám ngay để phát hiện sớm hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Mỗi người dân hãy chủ động bảo vệ, tăng cường sức khỏe của mình, “mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe” - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

Huấn luyện viên Park Hang-seo được Bộ Y tế mời làm Đại sứ Chương trình “Sức khỏe Việt Nam”

TS. Trương Đình Bắc - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, theo gợi ý của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, Bộ Y tế đã gửi thư mời đến Huấn luyện viên Park Hang-seo làm Đại sứ thiện chí của chương trình “Sức khỏe Việt Nam”.
Chương trình “Sức khỏe Việt Nam” diễn ra vào ngày 27/2 sẽ được kết nối trực tuyến với điểm cầu 63 tỉnh, thành phố và hơn 700 điểm cầu quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh. Tại đầu cầu Trung ương (Hà Nội) có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức quốc tế, các cơ quan truyền thông, thông tin đại chúng. Tại điểm cầu các tỉnh, thành phố có sự tham dự của lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, các ban, ngành và cơ quan, đơn vị tại địa phương. Tại buổi lễ phát động sẽ diễn ra hoạt động đo huyết áp, xét nghiệm nhanh đường máu, đo chức năng hô hấp, tư vấn sức khỏe cho các đại biểu tham dự tại 31 điểm cầu. Các đại biểu tham dự lễ phát động sẽ cùng tập bài thể dục giữa giờ theo mẫu được phát trực tuyến.

Trong lễ phát động, các đại biểu tại mỗi điểm cầu tham gia đoàn diễu hành trên các tuyến đường chính, mang theo cờ, phướn có thông điệp sức khỏe. Hoạt động diễu hành cổ động loa đọc thông điệp phát thanh.

Dự kiến, ông Park Hang-seo sẽ có bài phát biểu trong lễ phát động chương trình “Sức khỏe Việt Nam”, chia sẻ những thông tin hữu ích cho người dân về vai trò của việc rèn luyện thể lực, chế độ ăn với phát triển thể lực nói chung và với tập luyện thể thao, bóng đá nói riêng.



Nguồn: Bộ Y tế

 

Thống kê truy cập

Đang online: 385

Số lượt truy cập: 21,368,803