Xua muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết bằng hóa chất  12/10/2013 1:13:31 PM

Một trong những biện pháp phòng chống sốt xuất huyết khá cơ động, rẻ tiền, dễ sử dụng nhưng cũng mang lại nhiều hiệu quả đó là dùng các loại hóa chất với tác dụng xua muỗi đốt máu. Đây là phương pháp phòng hộ cá nhân giúp cho cá nhân hay tập thể nhỏ tự bảo vệ khỏi bị muỗi đốt, hạn chế sự tiếp xúc giữa muỗi và người để truyền bệnh.

Dùng hóa chất xua muỗi là một trong những phương pháp khá phổ biến để phòng chống muỗi và các loại côn trùng khác đốt máu để truyền bệnh, trong đó có muỗi sốt xuất huyết. Hóa chất này được xoa trực tiếp trên da, quần áo, hay các vật dụng khác như màn ngủ, lưới chống muỗi.

Trong một số điều kiện, người sử dụng hóa chất xua muỗi có thể được bảo vệ hoàn toàn, trong khi đó một số trường hợp khác thì sự bảo vệ lại bị hạn chế. Người làm việc hoặc lao động trong thời tiết nóng cần xoa hóa chất xua muỗi trên da nhiều lần vì hóa chất dễ bị mất nhanh do đổ mồ hôi nhiều. Với thời gian tác dụng ngắn nên hóa chất xua muỗi nên được sử dụng vào khoảng thời gian muỗi bắt đầu có hoạt động đốt máu người. Do đặc điểm muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết thường đốt máu người vào ban ngày nên hóa chất xua phải sử dụng ngay cả ban ngày.


Phun thuốc diệt muỗi tại hộ gia đình.

Phun thuốc diệt muỗi tại hộ gia đình.

Cách dùng hóa chất xua muỗi

Hóa chất xua muỗi rất có giá trị để phòng tránh muỗi đốt trong các trường hợp không thể thực hiện các phương pháp bảo vệ khác như màn chống muỗi, hương muỗi... do phải làm việc, lao động vào ban ngày ở những vị trí không có điều kiện bảo vệ phòng muỗi đốt. Khách du lịch thường ưa thích dùng các loại hóa chất xua muỗi để phòng ngừa muỗi đốt vì tiện dụng, dễ dàng mang theo, có thể sử dụng ở bất kỳ đâu và bất cứ lúc nào. Hóa chất xua muỗi có thể đóng vai trò quan trọng nếu phối hợp với các biện pháp khác để phòng tránh muỗi đốt như ngủ trong màn chống muỗi kể cả ban ngày cũng như đêm, hương muỗi...

Hóa chất xua muỗi phải được xoa khắp chỗ da hở, đặc biệt là ở cổ, cổ tay, mắt cá chân... Không được xoa lên vùng quanh mắt hoặc niêm mạc mũi, miệng. Nếu dùng dạng phun, không được phun vào mặt mà chỉ được phun vào tay và sau đó xoa vào các phần nhạy cảm hơn ở mặt. Nếu phát hiện thấy có phản ứng dị ứng với hóa chất, cần hỏi ngay ý kiến của bác sĩ; đồng thời xem những hướng dẫn ở vỏ bình phun hoặc vỏ đóng gói hóa chất để xử trí. Trước khi sử dụng, có thể thăm dò cơ địa nhạy cảm, kiểm tra các phản ứng có hại của hóa chất bằng cách áp một lượng nhỏ hóa chất lên mu bàn tay để theo dõi.

Các loại hóa chất xua muỗi

Hóa chất có tác dụng xua muỗi gồm có các loại tự nhiên hoặc truyền thống và các loại hóa chất hiện đại dùng ngoài da.

Hóa chất xua tự nhiên hoặc truyền thống đã được con người sử dụng từ rất lâu bằng cách đốt khói xua muỗi, đồng thời có thể làm tăng tác dụng của khói khi đốt theo đó gỗ thơm có nhựa hay một số các cây có tinh dầu.

Các hóa chất xua muỗi hiện đại dùng ngoài da được tìm ra theo sự phát triển của khoa học với nhiều loại hóa chất tổng hợp đã sản xuất có tác dụng kéo dài, không độc hại có thể chấp nhận được như các mỹ phẩm. Với sự phát minh ra chất DEET (N,N-diethyl-3-toluamide) là một loại hóa chất không màu, có tính chất nhờn như dầu, hơi có mùi và hiện nay hóa chất này vẫn được xem là loại sản phẩm tốt nhất có thể xua được muỗi, các loài côn trùng như ve, dĩn...; đồng thời chúng cũng có thời gian tác dụng lâu dài hơn các loại hóa chất xua côn trùng khác. Ngoài ra, hóa chất DEET còn có hiệu lực xua đối với cả loài vắt hút máu. Sản phẩm DEET nguyên chất có dạng lỏng với dung dịch từ 5 - 90%. Để làm cho hóa chất thuận tiện hơn khi sử dụng và hấp dẫn muỗi khi xoa, các nhà sản xuất thường pha chế thành các dạng nước xoa, kem xoa, chất bọt, nến đặc... và đóng vào bình nhỏ có nén áp suất. Hóa chất xua thường được pha với một chất nền là dầu hoặc cồn và một chất có mùi thơm dễ chịu. Hỗn hợp này được dùng để phun, xoa lên những vùng da hở. Ở một số hỗn hợp, chất nền được dùng là chất dầu, silicon, polyme... để làm giảm độ bốc hơi của hóa chất xua muỗi; do đó có thể kéo dài tác dụng. Trong một vài sản phẩm có chứa DEET, tác dụng xua có thể kéo dài lên đến 12 giờ nhưng trung bình thường là từ 4 - 6 giờ. Nhược điểm của một số sản phẩm nhằm mục đích kéo dài tác dụng xua là có cảm giác dính khi xoa lên da; thực tế không thấy cảm giác dính này khi sử dụng dung dịch hóa chất pha với cồn ethanol. Tình trạng dị ứng hoặc phản ứng nghiêm trọng đối với hóa chất như nổi ban đỏ không đáng kể. Hợp chất được xem là an toàn đối với người lớn trừ các trường hợp sử dụng lâu ngày với nồng độ cao. Khi dùng cho trẻ em là đối tượng có nhạy cảm, các nhà khoa học khuyến cáo nên cho trẻ mặc áo quần kín và xoa hóa chất lên quần áo hơn là xoa trực tiếp lên da của trẻ. Chú ý khi sử dụng một số dụng cụ bằng chất nhựa như bút viết, mặt kính đồng hồ đeo tay, gọng kính đeo mắt, nệm xe hơi và các diện tích quét sơn... thì sự tiếp xúc với hóa chất xoa trên da có thể làm hư hại vật dụng. Các nhà khoa học ở Ấn Độ cho rằng, hóa chất DEPA (N,N-diethyl phenyl acetamid) sử dụng làm chất xua muỗi cũng có tác dụng như hóa chất DEET.

Thực tiễn cho thấy, dầu sả thường được dân gian hay dùng để xua muỗi vì dễ kiếm, không đắt tiền và một số người cảm thấy mùi dầu sả dễ chịu hơn các loại sản phẩm hóa chất khác. Một số hóa chất không được phổ biến dùng để xua muỗi là DMP (dimethylphtalat) và các hợp chất carboxy. Trong các sản phẩm bán trên thị trường, nếu những chất này được pha hóa chất DEET với mục đích phối hợp nhiều chất xua muỗi khác nhau có thể có tác dụng hiệu quả đối với muỗi và nhiều loại côn trùng khác hơn là chỉ dùng một loại hóa chất xua đơn thuần.

BS. Nguyễn Trâm Anh
Nguồn Suckhoedoisong.vn

Thống kê truy cập

Đang online: 35

Số lượt truy cập: 22,853,464