Thứ trưởng Bộ Y tế kiểm tra công tác sẵn sàng ứng phó với bệnh do Virut Zika tại tỉnh Bình Thuận  3/28/2016 9:22:12 AM

Ngày 24/3/2016, Đoàn công tác Bộ Y tế do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long làm trưởng đoàn, tiếp tục làm việc và kiểm tra công tác sẵn sàng ứng phó với bệnh do virut Zika tại tỉnh Bình Thuận (nơi du khách người Úc có lưu trú).

Ngày 24/3/2016, Đoàn công tác Bộ Y tế do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long làm trưởng đoàn, tiếp tục làm việc và kiểm tra công tác sẵn sàng ứng phó với bệnh do virut Zika tại tỉnh Bình Thuận (nơi du khách người Úc có lưu trú).


Đoàn công tác của Bộ Y tế làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận

 

Tại buổi làm việc Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị: các cơ sở y tế tại Bình Thuận cần nâng cao mức độ cảnh báo, mức độ phòng chống dịch, chuyển mức độ phòng chống dịch từ cấp độ 1 lên cấp độ 2 và tăng cường triển khai các hoạt động phòng chống dịch. Bên cạnh đó các đơn vị liên quan, phối hợp với ngành y tế tăng cường công tác tuyên truyền tới người dân cần chủ động phòng chống, khi có các biểu hiện của triệu chứng cúm, dấu hiệu chỉ điểm của Zika phải đến ngay cơ sở khám chữa bệnh lấy mẫu máu để gửi viện Pasteur Nha Trang. Ngoài ra cần tăng cường phát huy công tác giám sát tại cộng đồng đặc biệt là nơi cư trú của du khách như các khu du lịch, resot, nhà hàng, khách sạn ...để phát hiện sớm. 

Thứ trưởng cũng đề nghị UBND tỉnh tuyên truyền tới người dân không ngừng tăng cường các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng bọ gậy tại khu vực cũng như trong cộng đồng dân cư và triển khai tất cả các biện pháp phòng chống dịch bệnh zika tương tự như phòng chống sốt xuất huyết. Tuy nhiên cũng tránh để người dân hoang mang lo sợ quá mức về dịch bệnh do virut zika gây lên... 

Đối với các Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, Pasteur Nha Trang, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long chỉ đạo các viện cần hỗ trợ các địa phương nơi du khách người Úc này đã từng đến để tăng cường lấy mẫu, mở rộng diện giám sát các trường hợp nghi ngờ để xét nghiệm và xác định sẵn sàng thuốc, vật tư, sinh phẩm để đảm bảo việc giám sát, xử lý khi phát hiện ổ dịch Zika. 

Trước đó đoàn công tác của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đã đi kiểm tra trực tiếp các biện pháp triển khai phòng chống dịch tại Phòng khám đa khoa khu vực Mũi Né, BV Đa Khoa tỉnh Bình Thuận.

 

Theo thông báo ngày 22/3/2016 của Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế (IHR) của Việt Nam nhận được thông tin từ Cơ quan đầu mối Điều lệ Y tế quốc tế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo tại Australia (Úc) đã xác định một trường hợp nhiễm vi rút Zika sau khi trở về từ Việt Nam. Trường hợp này đến Việt Nam từ ngày 26/02/2016 và xuất cảnh về Úc ngày 06/3/2016; đến ngày 08/3/2016 có biểu hiện triệu chứng nhiễm vi rút Zika như sốt, phát ban, đau đầu, đau cơ, viêm kết mạc, buồn nôn. Trong thời gian ở Việt Nam, trường hợp này đã đi đến TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Khánh Hòa và Bình Thuận. 

Bệnh do vi rút Zika lây truyền chủ yếu qua muỗi đốt, không lây qua tiếp xúc hoặc qua đường hô hấp. Cục Y tế dự phòng khuyến cáo biện pháp tốt nhất để phòng chống bệnh do vi rút Zika là phòng chống muỗi đốt bằng những hoạt động thiết thực, đơn giản như: mặc quần áo dài tay, nằm ngủ mắc màn, sử dụng kem xoa chống muỗĩ

Bên cạnh đó, mỗi hộ gia đình cần chủ động diệt lăng quăng/bọ gậy bằng những hoạt động định kỳ hàng tuần như: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, lật úp các dụng cụ không chứa nước, thay nước bình hoa/bình bông, bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn, loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá,... và tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

 
Đoàn công tác làm việc tại Bệnh viện TP. Phan Thiêt


Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế

 

Thống kê truy cập

Đang online: 3

Số lượt truy cập: 22,018,838