Điểm báo điện tử ngày 07/3/2016  3/8/2016 11:31:08 AM

Cả gia đình 4 người cùng nhập viện vì sốt xuất huyết; Đẩy nhanh tiến độ xây dựng bệnh viện để giảm quá tải; Cục trưởng Y tế dự phòng nói cách tránh mắc viêm não mô cầu; Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc tổ chức phẫu thuật chỉnh hình từ thiện...

 Đẩy nhanh tiến độ xây dựng bệnh viện để giảm quá tải

Sáng ngày 6/3, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng Bí thư Thành ủy TP. HCM Đinh La Thăng đã đi kiểm tra tiến độ dự án BV Nhi đồng TP HCM...

Sáng ngày 6/3, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng Bí thư Thành ủy TP. HCM Đinh La Thăng đã đi kiểm tra tiến độ dự án BV Nhi đồng TP HCM, thăm Bệnh viện quận Bình Tân, Trạm y tế Phường Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân), Khu Y tế kỹ thuật cao Hoa Lâm và Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình (quận 5).

Kiểm tra tiến độ dự án xây dựng BV Nhi đồng TP tại xã Tân Kiên, Bình Chánh, ông Đinh La Thăng sốt ruột khi dự án thi công còn chậm. Dự án được xây dựng khởi công xây dựng từ tháng 12 năm 2014 với quy mô 1.000 giường bệnh, tổng mức đầu tư gần 4.500 tỷ đồng. Theo dự kiến, bệnh viện sẽ hoàn thành vùa đi vào sử dụng vào cuối năm 2016, sau 2 năm thi công. Phần thô của dự án có quy mô 8 tầng nổi và một tầng hầm sẽ được bàn giao vào tháng 6 năm 2016.

Theo báo cáo của ông Huỳnh Văn Biết, Phó giám đốc Sở Y tế, kiêm trưởng ban quản lý dự án, việc mua sắm trang thiết bị cho phần ruột của dự án bao gồm các máy móc hiện đại phục vụ chẩn đoán, điều trị được phê duyệt với 14 gói thầu. Hiện nay, đã triển khai được 4 gói thầu, dự kiến trang thiết bị sẽ được đưa về nước trong tháng tới.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định: “So với các công trình y tế trọng điểm tại TPHCM và các tỉnh thành khác trên cả nước thì dự án bệnh viện Nhi Đồng thành phố là dự án được xây dựng với tốc độ nhanh.”

Tuy nhiên, Bí thư Đinh La Thăng cho rằng Dự án cần được triển khai xây dựng nhanh hơn để giảm quá tải. Đầu tư trang thiết bị cần phải triển khai đồng bộ với việc xây lắp công trình, không nên làm từng khâu một mà cần phải thực hiện đồng bộ hóa theo hình thức cuốn chiếu. Nếu không thực hiện vượt tiến độ đề ra thì cần tập trung làm cho xong cho kịp tiến độ.

Ban quản lý giám sát, cần lên lại chi tiết tiến độ công trình, khẩn nhập khẩu thiết bị quy trình chạy thử đào tạo nhân viên y tế để vận hành. Cồn tác quá chậm, phải siết lại phê duyệt lại các tiến độ tổ chức giao ban hàng ngày hàng tuần trên công trình đôn đốc sát tiến độ.

Bệnh viện Nhi đồng TP được thiết kế với 939 giường bệnh, gồm một tầng hầm, khối cận lâm sàng 3 tầng với chiều cao 23m, khu nội trú 8 tầng với chiều cao 43,6m và các công trình phụ gồm khu lây nhiễm, khu chứa rác, khu xử lý nước thải, trạm khí y tế, trạm biến áp, các nhà bảo vệ, nhà chứa ôxy lỏng, quy mô từ một đến 3 tầng.

Tổng diện tích xây dựng của dự án gần 125.000m2. Theo hợp đồng, dự án được xây dựng trong vòng 18 tháng (đến 6/6/2016 xong). Tuy nhiên tiến độ thực tế kiểm tra sáng nay cho thấy khó có thể hoàn thành theo hợp đồng, nhà thầu vẫn đang xây thô, rất nhiều hạng mục chưa xong.

Đến thăm Bệnh viện quận Bình Tân, Bệnh viện Chấn Thương Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng Chỉnh hình Bí thư Đinh La Thăng đã đến động viên, thăm hỏi các bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện.

Bí thư Đinh La Thăng trực tiếp hỏi thăm thân nhân của bệnh nhi và bệnh nhân đang nằm điều trị và được biết các bác sĩ, y tá ở đây chăm sóc tận tình, chu đáo với một thái độ ân cần. Bí thư đánh giá những cố gắng của các y bác sĩ trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân và mong muốn trong thời gian tới, các bệnh viện tiếp tục nâng cao tinh thần thái phục vụ người bệnh.

Chiều 6/3, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng sẽ tiếp tục có buổi làm việc tại UBND TP.HCM.

Cứ khi dân cần, vaccine lại "cháy"

http://anninhthudo.vn/khoe-dep/cu-khi-dan-can-vaccine-lai-chay/664778.antd

Diễn biến “nóng hầm hập” của dịch bệnh viêm màng não do não mô cầu đang khiến không ít người dân hoang mang, lo lắng khi chỉ trong 1 tuần Hà Nội liên tiếp ghi nhận 2 ca bệnh đầu tiên, trong khi trước đó vài ngày tại Hải Dương cũng ghi nhận 1 ca tử vong.

Câu hỏi được đặt ra là: Liệu dịch bệnh viêm màng nào do não mô cầu có thực sự nguy hiểm đến mức dân chúng phải hoảng loạn, hoang mang? Tại sao hễ dịch bệnh diễn biến phức tạp thì vaccine phòng bệnh lại hết? Phải chăng ngành Y tế quá thụ động? Rồi trách nhiệm của người dân đến đâu trong việc chủ động phòng, chống dịch bệnh cho mình và cộng đồng?...

Thứ nhất, không thể không lo lắng bởi viêm màng não do não mô cầu là một loại bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm, lây truyền qua đường hô hấp và có thể gây tử vong chỉ trong 1 ngày kể từ khi phát bệnh. Thế nhưng như lời người đứng đầu ngành Y tế dự phòng Hà Nội khuyến cáo, người dân cần chủ động chứ không nên quá lo lắng, hoang mang. Thực tế, trong 5 năm trở lại đây, năm nào trên địa bàn Hà Nội cũng có người mắc não mô cầu song năm nhiều nhất chỉ ghi nhận 6 ca, còn năm ít nhất là… 1 ca, không có ổ dịch bùng phát.

Về câu hỏi thứ hai, rõ ràng ngành Y tế không thể phủ nhận trách nhiệm của mình. Trên thực tế không phải bây giờ tình trạng khan hiếm vaccine phòng não mô cầu mới diễn ra mà nó đã kéo dài nhiều tháng nay, chính xác là từ tháng 10-2015.

Có thể ngoài loại vaccine phòng viêm màng não do não mô cầu AC (của Pháp) đã hết hàng thì một số điểm tiêm chủng ở Hà Nội vẫn còn loại vaccine thứ hai phòng não mô cầu là vaccine BC (của Cuba), song ai cũng biết vaccine phòng não mô cầu AC mới là loại được người dân ưu tiên lựa chọn hơn. Ngành Y tế đã lên kế hoạch phòng bệnh từ đầu năm, đã liên tục khuyến cáo người dân đi tiêm vaccine phòng bệnh nhưng vaccine lại không đáp ứng đủ, để khan hiếm vaccine kéo dài, đó là sự bị động, thậm chí là sự tắc trách, thiếu trách nhiệm của những người được giao nhiệm vụ.

Cuối cùng, nói đi cũng phải nói lại, không thể đổ hết lỗi cho ngành Y tế khi câu chuyện hết vaccine không hoàn toàn là lỗi của họ. Lý do, vaccine phòng não mô cầu là vaccine dịch vụ, mà cung ứng vaccine dịch vụ thì theo cung - cầu, phụ thuộc vào các nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà nhập khẩu, còn Bộ Y tế chỉ đóng vai trò quản lý, định hướng.

Hơn nữa, bộ phân không nhỏ người dân vẫn có tâm lý chủ quan, chỉ đưa con em đi tiêm chủng khi có dịch bệnh, thậm chí khi thấy nhiều người đi tiêm thì cũng theo phong trào, nên tình trạng khan hiếm vaccine cục bộ khó tránh khỏi. Thiết nghĩ, trong phòng chống dịch bệnh, sự chủ động, quyết liệt của các cơ quan chức năng cùng việc chủ động, nâng cao ý thức phòng bệnh của mỗi người dân là yếu tố quyết định.

Giá dịch vụ tăng, chất lượng khám chữa bệnh có tăng?

http://www.ngaynay.vn/gia-dich-vu-tang-chat-luong-kham-chua-benh-co-tang-p213417.html

Tâm thư của một người dân gửi bác Y tế về việc tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh.

Kính gửi bác Y tế,

Giữa lúc bác đang bộn bề công việc như thế, chẳng biết lá thư nhỏ nhoi của một người dân bình thường có đến tay bác được không. Nhưng niềm hi vọng thì nên nắm giữ chứ buông tay ra thì biết bám víu vào đâu?

Nên tôi quyết định ngồi đây, gõ bức “tâm tình” này cho bác thay vì hòa vào dòng người đang xôn xao ngoài kia với quyết định tăng giá dịch vụ y tế đã có hiệu lực từ ngày 1/3.

Trong khi giá xăng đang đà giảm cùng lộ trình tăng lương tối thiểu vào tháng 5/2016 chưa kịp làm người ta mừng vui thì bác đã dội nguyên một gáo nước lạnh vào người dân chúng tôi khi chi phí khám chữa bệnh tăng vọt theo thế “nhảy cóc” chứ chẳng thèm “leo thang từng bậc”.

Đương nhiên, những người thuộc giới “thượng lưu” sẽ chọn các phòng khám dịch vụ hoặc sang hơn là đáp máy bay ra nước ngoài chữa bệnh. Người nghèo lại không bị ảnh hưởng gì nhiều với con số 30-50% ấy bởi họ sẽ được miễn phí hoàn toàn.

Từ ngày 1/3, giá dịch vụ y tế sẽ tăng từ 2 đến 5 lần. Ảnh: Internet.

Còn những người không giàu, chẳng nghèo như chúng tôi thì lo sốt vó lên vì lương thì tăng từng tí mà giá khám chữa bệnh lại tăng đột biến. Giờ đây đúng là tôi chẳng dám ước gì, chỉ dám ước đừng bao giờ phải vào bệnh viện.

Rất nhiều câu hỏi được đặt ra cho Bộ Y tế, trong đó, phổ biến nhất là: “Chi phí dịch vụ y tế tăng có kéo theo chất lượng khám chữa bệnh không?”. Câu trả lời đương nhiên sẽ là: “Tất nhiên rồi, tăng chứ!”

Nhưng tôi lo lắm, lo đó chỉ là lời “trót lưỡi đầu môi”. Bởi giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời. Những góc khuất vẫn tồn tại lâu nay trong nhành y khó mà thay đổi được.

Đầu tiên phải kể đến qui trình “chờ lâu, khám nhanh”. Đó thật sự là một cực hình đối với người bệnh. Người đi khám BHYT luôn chuẩn bị sẵn tâm thế chờ đợi: Chờ nộp tiền và thẻ BHYT, chờ lấy số thứ tự khám, chờ gọi tên, chờ xét nghiệm, chờ lấy kết quả xét nghiệm, chờ nhập dữ liệu và nhận sổ, chờ nộp sổ lấy thuốc,…

Người không bệnh chờ đúng quy trình còn muốn đổ bệnh. Huống gì là người đã mang bệnh trong người.

Tuy nhiên, đáp lại công sức đợi chờ, chầu chực ấy là một cách khám “siêu nhanh” của một số bác sĩ, chẩn đoán bệnh và kê đơn chưa đầy một phút. Người bệnh còn chưa kịp khai báo triệu chứng, trình bày thắc mắc thì đã bị “đuổi” ra để người tiếp theo vào.

Cứ thế người ta dần mất lòng tin và uể oải nghĩ đến các đợt khám BHYT. Nhưng chúng tôi vẫn phải chấp nhận sống chung với cảnh chen chúc, đợi chờ ấy thôi bởi làm gì có lựa chọn khác. 

Mà cũng chẳng trách được các bác sĩ. Số lượng bệnh nhân luôn quá tải, mỗi bàn khám tiếp nhận từ 80-100 người bệnh mỗi ngày. Không khám nhanh thì bao giờ mới giải quyết hết số người đang ủ rũ ngoài kia. Nhưng giá như các bác quan tâm hơn một tí, khám kĩ hơn một tí, nhẹ nhàng hơn một tí để lòng chúng tôi yên tâm thì tốt biết bao nhiêu!

Thêm vào đó là danh mục thuốc mà BHYT cấp phát cho bệnh nhân luôn có sự hạn chế cả về số lượng (thậm chí chất lượng). Đôi khi, muốn mua thuốc đúng bệnh, dùng thuốc đúng ý, chúng tôi đều phải bỏ thêm tiền túi ra !

Hai điều trên chỉ là một phần nhỏ trong muôn mặt bất cập khi khám chữa bệnh bằng BHYT. Để tiến tới BHYT tự nguyện toàn dân, thiết nghĩ các bác cần phải hành động ngay để dẹp bớt cảnh đợi chờ, giảm bớt sự quá tải và tăng chất lượng khám chữa bệnh cho người dân chúng tôi.

Chi phí khám chữa bệnh dù có cao thế nào thì người dân chúng tôi vẫn phải chấp nhận. Chỉ là mong muốn, khao khát một điều: Cái bắt tay của giá dịch vụ y tế và chất lượng khám chữa bệnh phải thực chất!

“Lượng” đã tăng vọt nhanh chóng như vậy thì “chất” cũng phải dần tịnh tiến đi lên chứ!

Kính bác!

Một người dân bình thường

60 phút cứu người đột quỵ phục hồi hoàn toàn

http://infonet.vn/60-phut-cuu-nguoi-dot-quy-phuc-hoi-hoan-toan-post192737.info

Nếu trước kia, người đột quỵ thường để lại di chứng nặng nề thì nay họ có thể trở về cuộc sống bình thường.

Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đang cấp cứu cho bệnh nhân đột quỵ Chạy đua thời gian cứu bệnh nhân đột quỵ

Trao đổi về điều kỳ diệu này, PGS.TS Lê Văn Trường, Chủ nhiệm khoa Can thiệp tim mạch, Bệnh viện TƯQĐ 108 cho biết:  Đột quỵ là tình trạng não bị tổn thương do bệnh của mạch máu não hoặc bệnh tim làm tắc mạch.

Điều đáng lo ngại là, do áp lực của cuộc sống, bệnh gia tăng ngày càng nhiều thậm chí gặp ở cả người trẻ dưới 30 tuổi. Bệnh thường xảy ra đột ngột với các triệu chứng: tê bì hoặc yếu nửa người, nửa mặt; ý thức u ám, lẫn lộn; mất thị lực một bên hoặc cả hai bên mắt; đi lại khó khăn….

PGS Trường cũng nhấn mạnh, đột quỵ não là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ ba (sau bệnh tim mạch và ung thư), cướp đi sinh mạng của gần 11.000 người/năm. Để cứu bệnh nhân đột quỵ não là chạy đua với thời gian của các bác sĩ và người nhà bệnh nhân.

“Với bệnh nhân đột quỵ, cần luôn luôn ghi nhớ: thời gian là não (các nơ-ron thần kinh trong bộ não của chúng ta quý giá như thế nào thì thời gian lúc này quý như thế). Bởi mỗi phút qua đi là hàng triệu tế bào não của bệnh nhân bị chết hoặc đe dọa sự sống do thiếu oxy” – GS Trường nói.

Nhận rõ được điều quan trọng này, bệnh viện TW Quân đội 108 đã thành lập một nhóm làm việc cấp cứu đột quỵ não gồm 4 chuyên khoa cấp cứu, chẩn đoán hình ảnh, đột quỵ và can thiệp mạch thần kinh hoạt động 24/7. Thông thường trong vòng 1-1,5 giờ, bệnh nhân  không chỉ được cấp cứu, xét nghiệm, chẩn đoán, mà còn được can thiệp xử lý xong đoạn mạch bị tắc để tái lưu thông máu não.

Được biết, sau 2 tháng thành lập nhóm cấp cứu đột quỵ, Bệnh viện TW QĐ 108 đã tiếp nhận và xử lý cấp cứu cho 20 bệnh nhân từ Hà Nội và các tỉnh lân cận. Trong số này phải kể đến bệnh nhân Nguyễn Thị N. 45 tuổi (Hải Dương) bị bệnh van tim đột ngột liệt nửa người trái, ý thức chậm chạp và kích thích vật vã do thiếu oxy não.

Ngay lập tức gia đình đưa bệnh nhân đến bệnh viện TƯQĐ 108 Hà Nội cấp cứu, đồng thời gọi điện thông báo tình hình bệnh nhân. Sau 2 giờ di chuyển tới nơi, bệnh nhân lập tức được  nhóm cấp cứu xử lý cấp tốc.

“Bệnh nhân được xác định chẩn đoán là đột quỵ nhồi máu não cấp giai đoạn sớm do cục máu đông di chuyển từ tim lên não làm tắc động mạch cảnh bên phải. Bệnh nhân được can thiệp nội mạch kịp thời sau 30 phút nhập viện và sau 45 phút cục máu đông trong lòng động mạch não được hút ra, các dấu hiệu liệt và tê bì nửa người trái của bệnh nhân biến mất ngay trên bàn can thiệp mạch, vận động và cảm giác phục hồi hoàn toàn sau 6 giờ”- PGS Trường nói.

PGS.TS. Lê Văn Trường nhấn mạnh, kết quả điều trị đột quỵ não phần lớn  nhờ sự nhận thức của gia đình bệnh nhân trong việc kịp thời đưa bệnh nhân đi cấp cứu.

“Trong cấp cứu điều trị đột quỵ nhồi máu não thường có câu, “thời gian là não” - có nghĩa mất thời gian là mất não. Thời gian điều trị có hiệu quả đối với bệnh nhân đột quỵ trong 6 giờ đồng hồ đầu tiên sau đột quỵ, tuy nhiên kết quả sẽ giảm dần từ giờ thứ 1 đến giờ thứ 6.

Trong 1 - 3 giờ đầu: bệnh nhân phục hồi trở về với cuộc sống bình thường đạt tỷ lệ cao; từ 4 - 6 giờ: bệnh nhân được cứu sống nhưng để lại di chứng nặng: liệt, khó nói, khó nuốt, đau đớn, không tự vận động được…. Còn từ 6 - 8 giờ: tỷ lệ rất nhỏ có cơ hội sống” – PGS Trường nhấn mạnh/

Tuy nhiên, PGS Trường cũng ái ngại khi trên thực tế, không phải người dân nào cũng nhận thức đầy đủ biểu hiện của đột quỵ, chính vì vậy, sự chậm trễ trong cấp cứu đã khiến nhiều bệnh nhân bỏ lỡ cơ hội sống, hoặc để lại di chứng nặng nề ảnh hưởng đến sức khỏe đời sống.

Ví như mới đây, khoa tiếp nhận một bệnh nhân đột quỵ tắc mạch máu não chuyển từ tuyến dưới lên. Sau khoảng 4 giờ đồng hồ cấp cứu ở tuyến dưới không hiệu quả, cùng các thủ tục chuyển tuyến phức tạp khiến bệnh nhân chỉ còn cơ hội giữ lại sự sống nhưng rất khó phục hồi tàn phế.

PGS. TS. Lê Văn Trường nhấn mạnh, điều trị đột quỵ luôn là điều trị tối khẩn cấp. Việc điều trị sớm sẽ giúp bệnh nhân trở về cuộc sống đời thường sau 7 – 30 ngày mà không bị di chứng tàn phế.

Cục trưởng Y tế dự phòng nói cách tránh mắc viêm não mô cầu

http://vtc.vn/cuc-truong-y-te-du-phong-noi-cach-tranh-mac-viem-nao-mo-cau.321.597693.htm

Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế Trần  Đắc Phu mách cách cách tránh mắc viêm não mô cầu, căn bệnh nguy hiểm có thể gây tử vong trong vòng 24 giờ sau khi có biểu hiện bệnh.

Từ đầu năm 2016 tới nay, cả nước đã xuất hiện 7 ca nhiễm viêm não mô cầu, trong đó có 1 trường hợp tử vong.

Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, để phòng bệnh viêm não, màng não do não mô cầu, người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.

Tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ là một giải pháp tốt để chủ động ngừa bệnh. Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Bệnh viêm não, màng não do não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Neisseria meningtidis gây nên. Vi khuẩn não mô cầu có nhiều type và thường hay gặp nhất là type A, B và C. 

Ổ chứa vi khuẩn não mô cầu trong tự nhiên là ở người, do vậy nguồn lây bệnh chủ yếu là bệnh nhân và người lành mang vi khuẩn. Bệnh lây qua đường hô hấp do hít phải các giọt bắn của dịch tiết hô hấp có chứa mầm bệnh.

Mọi người đều có cảm nhiễm với vi khuẩn não mô cầu, nhóm tuổi nguy cơ mắc bệnh cao nhất là lứa tuổi trẻ và cũng ở nhóm tuổi này có số người lành mang vi khuẩn nhiều nhất.

Bệnh xuất hiện đột ngột với triệu chứng: Sốt cao, đau đầu dữ dội, nôn, cứng gáy, mệt mỏi, có thể có đau họng, chấm hay mảng xuất huyết, ban xuất huyết hình sao hoặc có thể có mụn nước.

Bệnh viêm não, màng não do não mô cầu lưu hành ở mọi nơi trên thế giới. Bệnh thường tản phát và có thể gây dịch. Tại Việt Nam, bệnh viêm não, màng não do não mô cầu nhóm A lưu hành ở nhiều nơi, trước kia có thể gây thành dịch, tuy nhiên hiện nay bệnh chỉ xuất hiện rải rác trong năm.

Trước kia, bệnh dễ gây thành dịch lớn và có số ca nhiễm bệnh và tử vong cao. Tuy nhiên, hiện nay số nhiễm bệnh đã giảm đi rất nhiều.

Theo số liệu thống kê tính từ năm 2011 tới nay, cả nước có 610 ca nhiễm bệnh và năm có số người mắc bệnh cao nhất là năm 2011 với 272 ca nhiễm viêm não mô cầu. Từ năm 2012, số ca nhiễm bệnh viêm não mô cầu cũng như các ca tử vong do bệnh đã giảm dần.

Trước đó, Thạc sĩ, bác sỹ Nguyễn Trung Cấp, khoa Cấp cứu (BV Bệnh nhiệt đới Trung ương) cho biết, khoa tiếp nhận trường hợp bệnh nhân 30 tuổi (Thụy Phương, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nghi viêm màng não và kết quả xét nghiệm đã khẳng định bệnh nhân mắc não mô cầu nguy hiểm.

Theo tiền sử bệnh án, ngày 27/2 bệnh nhân này bắt đầu có biểu hiện sốt, đau đầu, nôn và buồn nôn. Khoảng 22 giờ ngày 28/2/2016, bệnh nhân đột ngột có biểu hiện mệt mỏi, sốt cao (40 độ C), đau đầu, đau bụng, buồn nôn và nôn, có lúc không tỉnh táo. Đến 3 giờ ngày 29/2/2016, bệnh nhân được đưa vào viện đa khoa huyện Đông Anh khám và được chẩn đoán viêm màng não và chuyển Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương lúc 6 giờ ngày 29/2/2016.

Sau đó vài ngày, Bệnh viện các bệnh Nhệt đới TW tiếp nhận bệnh nhân thứ 2 mắc não mô cầu. Bệnh nhân làm việc trong công trường xây dựng ở quận Hai Bà Trưng và sinh sống tại Cấn Thượng, Cấn Hữu, Quốc Oai, Hà Nội.

Bác sỹ Cấp cho biết phòng viêm não mô cầu khó vì mầm bệnh ở rất nhiều người. Bình thường, vi khuẩn này nằm ở hầu họng của rất nhiều người, khi có động lực nó sẽ chuyển thành viêm não mô cầu có thể do sức đề kháng của người bệnh hoặc gặp một điều kiện nào đó, vi khuẩn đó sẽ tăng động lực của mình.

Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do hít phải những giọt nhỏ dịch tiết mũi họng của người nhiễm bệnh và có thể bùng phát thành dịch.

Các tiếp xúc hàng ngày như hôn, dùng chung dụng cụ, ly tách, tiếp xúc với nhiều người như sống trong các khu tập thể, khu cắm trại... đều có thể dẫn đến lây truyền bệnh.

Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc tổ chức phẫu thuật chỉnh hình từ thiện

http://laodongthudo.vn/benh-vien-da-khoa-hong-ngoc-to-chuc-phau-thuat-chinh-hinh-tu-thien-33920.html

Sáng ngày 5/3, tại Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc tổ chức khai mạc chương trình phẫu thuật chỉnh hình từ thiện mang tên “Chắp cánh ước mơ 2016”.

Chương trình mong muốn đem lại cho các bệnh nhân một diện mạo hoàn thiện hơn, để họ có một cuộc sống bình thường, khoẻ mạnh. Chương trình ưu tiên cho các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Trong khuôn khổ chương trình, diễn ra hội thảo trao đổi chuyên môn giữa các bác sĩ bệnh viện Hồng Ngọc và các chuyên gia đến từ Hoa Kỳ. Tại đây, các bác sĩ hai bên sẽ tham gia thăm khám, trao đổi phác đồ theo dõi, điều trị cho từng trường hợp dị tật như: dị tật vùng đầu, mặt, cổ, khuyết thiếu tai, hở môi, hở hàm ếch, dị tật tay, cánh tay và dị tật vùng bụng ngực. Các bệnh nhân sẽ được khám lâm sàng và xem xét kết quả nếu đầy đủ khả năng và phù hợp sẽ được phẫu thuật.

Bác sĩ Joseph Mark Rosen (thứ 2 bên trái) hiện đang giảng dạy tại Đại học y Geisel (Dartmouth) đang khám và tư vấn cho bệnh nhân.

Chương trình tiến hành thăm khám và phẫu thuật gần 60 ca tại chính cơ sở của bệnh viện Hồng Ngọc cho các trường hợp dị tật đã hoàn thiện hồ sơ và đủ điều kiện làm giải phẫu. Sau đó, bệnh viện Hồng Ngọc sẽ tiếp tục chăm sóc hồi sức sau phẫu thuật tuỳ theo từng ca bệnh (từ 01 đến 02 tháng).

Chương trình đã thu hút rất đông các em nhỏ bị dị tật bẩm sinh đến đăng ký để được phẫu thuật từ thiện.

Với mong muốn, thông qua mỗi chương trình phẫu thuật từ thiện, bệnh viện sẽ xây dựng nên một kênh chuyên biệt luôn sẵn sàng tiếp nhận thông tin về các trường hợp khó khăn đồng thời không ngừng tìm kiếm các giải pháp, các nhà hảo tâm, đơn vị tài trợ, đối tác… cùng góp sức giúp nâng cao sức khoẻ cộng đồng, xây dựng “làn sóng” thiện nguyện trên toàn quốc.

Chương trình kéo dài từ ngày 05/03/2016 đến ngày 19/03/2016.

http://laodong.com.vn/xa-hoi/toan-the-gioi-co-32-trieu-tre-em-bi-mat-thinh-luc-525395.bld

Theo số liệu thống kê từ tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện có hơn 5% dân số thế giới, khoảng 360 triệu người bị mất thính lực, trong đó có 32 triệu trẻ em.

Tuy nhiên, khoảng một nửa trong số các trường hợp mất thính lực có thể dễ dàng ngăn ngừa được và những người khác có thể được điều trị thông qua chẩn đoán sớm và can thiệp thích hợp.

Mất thính lực gây ra các tác hại cho sức khỏe thể chất, tinh thần, giáo dục và việc làm, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Nguyên nhân chính gây mất thính lực có thể do di truyền, biến chứng khi sinh, bệnh nhiễm trùng, nhiễm khuẩn tai mạn tính, tác dụng phụ của thuốc, tiếp xúc với tiếng ồn quá lớn hoặc lão thính.

Tại Việt Nam có khoảng 1,3 triệu trẻ em khuyết tật, trong đó, trẻ khiếm thính chiếm trên 12%. Trẻ em khiếm thính hiện nay có thể nghe, phát triển được ngôn ngữ nói nhờ có sự giúp đỡ của các phương tiện trợ thính. Tuy nhiên, để giúp trẻ có thể vượt qua thiệt thòi này rất cần sự quan tâm của cha mẹ, cộng đồng để trẻ em khiếm thính phát triển hòa nhập với xã hội, có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Hết vắc-xin phòng viêm não mô cầu: Người dân không nên hoang mang

http://danviet.vn/tin-tuc/het-vac-xin-phong-viem-nao-mo-cau-nguoi-dan-khong-nen-hoang-mang-665271.html

Hà Nội đã xuất hiện ca viêm não mô cầu thứ 2 trong khi vắc-xin dịch vụ phòng viêm não mô cầu lại đang cạn kiệt.

Khó bùng phát thành dịch 

Theo tin từ Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư, hai bệnh nhân viêm não mô cầu của Hà Nội đang điều trị tại bệnh viện đã có sức khoẻ ổn định, dù vẫn đang trong phòng cách ly nhưng đã tỉnh táo, nói chuyện được. Hai bệnh nhân đều là nam giới, nhập viện trong vòng 1 tuần qua, một bệnh nhân là nam, 24 tuổi (trú tại huyện Quốc Oai, Hà Nội) và 1 người 30 tuổi (trú tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Hai bệnh nhân đều có triệu chứng sốt, đau đầu, buồn nôn và nôn, có bệnh nhân bị hôn mê. Khi đi khám đều được chẩn đoán viêm màng não, xét nghiệm cho thấy các bệnh nhân bị viêm màng não do vi khuẩn viêm não mô cầu.

TS Nguyễn Nhật Cảm – Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội cho biết, ngay sau khi được Bệnh viện báo về ca bệnh, ngành y tế đã kịp thời khoanh vùng các đối tượng có tiếp xúc với bệnh nhân viêm não mô cầu để theo dõi và uống thuốc dự phòng nên không xuất hiện ca thứ 2 ở cùng 1 ổ dịch. “Viêm não mô cầu không có gì mới, mỗi năm đều lẻ tẻ mắc vài ca. Nguy cơ bệnh bùng phát thành dịch là rất thấp. Tính từ năm 2011-2015, Hà Nội có 15 ca viêm não mô cầu trong đó 5 ca tử vong” – ông Cảm cho biết.

Theo ông Cảm, 10% dân số có mang vi khuẩn não mô cầu (tên khoa học là Neisseria meningitidis) trong vùng họng, mũi mà không phát bệnh, không có triệu chứng gì. Tuy nhiên, thi thoảng 1 ca phát bệnh với các triệu chứng sốt cao, đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn. Có người xuất hiện ban hoại tử dưới da. 2/3 số các mắc bệnh viêm não mô cầu bị viêm màng não, 1/3 ca nhiễm trùng máu  Tỷ lệ tử vong có thể đến 15% các trường hợp mắc bệnh. Và chỉ khi phát bệnh thì vi khuẩn mới có khả năng lây truyền bệnh sang người khác. Tỷ lệ mắc bệnh khoảng 4/1000 người tiếp xúc. “Tỷ lệ người khoẻ mang vi khuẩn não mô cầu lớn, việc phát bệnh rất đột ngột nên khó phòng ngừa, dự đoán. Tuy nhiên người dân không nên hoang mang vì các ca mắc thường lẻ tẻ, chưa ghi nhận ổ dịch lớn.

Còn TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hàng năm, viêm não mô cầu vẫn diễn ra rải rác ở nhiều địa phương. Từ năm 2011-2015 ghi nhận 610 ca mắc, trong đó có 25 ca tử vong. Năm 2015 có 102 ca mắc, 4 ca tử vong. Riêng 2 tháng đầu năm 2016 có 6 ca trong đó có 1 ca tử vong tại Hải Dương. “Số ca mắc viêm não mô cầu không nhiều nhưng tỷ lệ tử vong cao hoặc để lại di chứng nặng nề. Khả năng lây bệnh lại rất lớn do đó ngành y tế luôn coi viêm não mô cầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phải theo dõi chặt chẽ và khoanh vùng, giám sát ngay khi có ca bệnh được phát hiện” – TS Phu cho biết.

Theo TS Phu, bệnh viêm não mô cầu có thể được phòng ngừa bằng vắc-xin, tuy nhiên, loại vắc-xin này chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng mà chỉ tiêm ở các điểm tiêm chủng dịch vụ. Hiện có 2 loại vắc-xin phòng chủng viêm não mô cầu chủng A, C (của Pháp, dành tiêm cho trẻ từ 24 tháng tuổi trở lên và người lớn) và vắc-xin phòng chủng viêm não mô cầu B, C (của Cuba dành tiêm cho trẻ từ 6-10 tuổi).

Theo các nghiên cứu, tại Việt Nam, vắc-xin phòng não mô cầu chủng A, C được khuyến khích tiêm nhiều hơn vì týp A thường gặp tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện loại vắc-xin phòng viêm não mô cầu chủng A, C của Pháp đang hết. “Vắc-xin viêm não mô cầu A,C chỉ tạm thời hết cho chưa có đợt cung cấp hàng mới. Dự kiến đến tháng 4.2016 sẽ có đợt vắc-xin mới” – TS Phu cho biết.

Ông Nguyễn Nhật Cảm cũng thừa nhận, nhiều điểm tiêm chủng ở Hà Nội đã hết vắc xin phòng viêm não mô cầu A, C của Pháp. Hiện chỉ còn vắc-xin của Cuba dành tiêm cho trẻ 6-10 tuổi, còn loại của Pháp tiêm cho trẻ từ 2 tuổi trở lên đang hết.

Tại điểm tiêm Trung tâm dịch vụ khoa học kỹ thuật và y tế dự phòng (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương), trong danh sách các vắc xin tiêm, vắc xin ngừa não mô cầu A, C cũng đã báo hết. Một cán bộ phụ trách điểm tiêm cho biết, vắc-xin chủng A, C đã hết từ cuối tháng 11.2015 vì chưa có đợt cung cấp hàng mới. Dự kiến đến tháng 4.2016 mới có lại.

“Người dân không nên hoang mang mà cần thực hiện theo chỉ dẫn của cán bộ y tế. Biện pháp phòng nhiều bệnh truyền nhiễm chính là thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng bằng nước muối hoặc dung dịch diệt khuẩn, không tiếp xúc gần với người bị sốt, ho, buồn nôn, nếu cần thì đeo khẩu trang. Đồng thời, khi có các biểu hiện sốt cao, đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn thì cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị” – TS Phu cho biết.

Đưa bác sĩ trung ương về địa phương khám chữa bệnh

http://nld.com.vn/suc-khoe/dua-bac-si-trung-uong-ve-dia-phuong-kham-chua-benh-20160306195446069.htm

Ngày 6-3 tại Vĩnh Phúc, Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế đã ra quân chuyển giao kỹ thuật tim mạch và khai trương phòng khám tim mạch tại Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc với sự hỗ trợ của các bác sĩ BV Tim Hà Nội.

Phòng khám tim mạch có sự tham gia của các bác sĩ 2 BV sẽ thực hiện khám lâm sàng, siêu âm tim, chẩn đoán bệnh tim bẩm sinh và cấp phát thuốc điều trị. Phòng khám được trang bị nhiều kỹ thuật hiện đại sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân địa phương được hưởng lợi từ nguồn nhân lực chất lượng cao của các chuyên gia BV Tim Hà Nội như: giảm chi phí đi lại, vận chuyển và tái khám định kỳ đối với bệnh nhân phải điều trị lâu dài.

Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, thời gian qua, các BV tuyến trung ương đã chuyển giao hơn 700 kỹ thuật cho gần 8.000 nhân viên y tế tại các BV vệ tinh. Việc thực hiện chuyển giao và tiếp nhận những kỹ thuật can thiệp tim mạch đầu tiên tại BV Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc là hiện thực hóa Đề án BV vệ tinh, đưa được các chuyên gia tim mạch cùng những kỹ thuật cao, hiện đại về phục vụ người dân địa phương.

Tại buổi lễ, PGS-TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc BV Tim Hà Nội, và ê-kíp phẫu thuật đã trực tiếp hướng dẫn các bác sĩ BV Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc vận hành máy tạo nhịp tim cho bệnh nhân.

Hai bác sĩ vừa mổ vừa hiến máu cứu sống bệnh nhân

http://plo.vn/suc-khoe/hai-bac-si-vua-mo-vua-hien-mau-cuu-song-benh-nhan-615810.html

Tối 6-3, VOV dẫn thông tin trên. Theo đó, chiều 4-3, khoa Chấn thương BV Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh đã tiếp nhận bệnh nhân Trần Thị Khiêm (87 tuổi) trú xã Cẩm Hà, Cẩm Xuyên bị gãy phức tạp liên mấu chuyển cổ xương đùi.

Trong quá trình mổ, các bác sĩ thấy máu ở xương xốp chảy nhiều nên tiến hành làm xét nghiệm huyết học. Kết quả cho thấy bệnh nhân bị thiếu máu nặng. Tuy nhiên, kho máu của bệnh viện đã hết máu thuộc nhóm B giống bệnh nhân, đồng thời làm xét nghiệm máu người nhà của bệnh nhân nhưng không ai thuộc nhóm B.

Trước tình hình nguy cấp, BS Nguyễn Minh Tuấn - khoa Chấn thương, trưởng kíp mổ, nhận thấy nếu bệnh nhân không được truyền máu kịp thời thì nguy hiểm đến tính mạng. Bác Tuấn đã gọi điện thoại cho BS Đặng Văn Bình cùng khoa đến. Cả hai bác sĩ đã cho 500 ml máu để kịp thời truyền bổ sung cho bệnh nhân. Sau ca mổ, bệnh nhân Khiêm đã tạm thời ổn định.

Hơn 3.000 liều vắc xin sẽ đăng ký trực tuyến vào ngày 8/3

http://dantri.com.vn/suc-khoe/hon-3-000-lieu-vac-xin-se-dang-ky-truc-tuyen-vao-ngay-8-3-20160306080813666.htm

Trung tâm dịch vụ KHKT & Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh Dịch tễ TƯ sẽ tổ chức đăng ký tiêm đợt 3 Pentaxim trực tuyến trên các website vào ngày 8/3 tới. Theo đó sẽ có 3.080 liều vắc xin dành cho trẻ 2 tháng tuổi đến ≤ 24 tháng tuổi.

Đối tượng đăng ký tiêm vắc xin Pentaxim là tất cả các trẻ đủ 2 tháng tuổi đến 24 tháng tuổi - tính đến ngày tiêm (trẻ sinh trong khoảng từ ngày 10/03/2014 đến 31/01/2016, chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc xin 5 trong 1).

Để tiêm chủng tại TT Dịch vụ KHKT & Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ (131 Lò Đúc), phụ huynh đăng ký trực tuyến qua địa chỉ website duy nhất: tiemvacxin.vn.

Đăng ký tiêm chủng vắc xin Pentaxim trên đều bắt đầu từ 9h ngày 8/3/2016.

Dưới đây là hướng dẫn chi tiết cách đăng ký tiêm vắc xin Pentaxim qua web tiemvacxin.vn:

Truy cập website www.tiemvacxin.vn

Bước 1: Điền đầy đủ thông tin đăng ký tại các mục (1); (2); (3); (4); (5); (6) sau đó Click chuột vào ô “Sang bước 2”

Sau khi click chuột vào “Sang bước 2” màn hình hiển thị như sau

Bước 2: Chọn ngày tiêm

- Chọn ngày tiêm phù hợp với tuổi của trẻ. Nếu hết phiếu đăng ký, hệ thống sẽ tự động ẩn lựa chọn.

- Tích vào ô “Tôi đã đọc và đồng ý với các điều khoản của Trung Tâm”

- Click chuột vào ô “Đăng ký” để hoàn tất

Sau khi đăng ký thành công hệ thống sẽ gửi email xác nhận có mã số đăng ký:

Những trường hợp đăng ký thành công sẽ được niêm yết công khai tại các địa chỉ website của từng đơn vị và khi đưa con đi tiêm, phụ huynh cần mang theo phiếu hẹn, giấy khai sinh/giấy chứng sinh của trẻ và chứng minh thư/hộ chiếu của người đăng ký tiêm.

Thời gian tiêm vắc xin Pentaxim tại 131 Lò Đúc là từ ngày 10/3/2016 cho đến ngày 31/3/2016. Mỗi ngày được chia làm 2 buổi tiêm, buổi sáng từ 8h - 11h30, buổi chiều từ 13h30 - 17h. Số lượng tiêm chủng tối đa 70 trẻ/ngày.

Phụ huynh có thể xem thêm hướng dẫn đăng ký của Viện Vệ sinh dịch tễ tại nihe.org.vn; yteduphong.com.vn và facebook.com/ytdp131loduc.

Bí thư Thăng: "Tôi nhớ mãi cảnh bệnh nhân bò từ gầm giường ra chào Bộ trưởng"

http://dantri.com.vn/xa-hoi/bi-thu-thang-toi-nho-mai-canh-benh-nhan-bo-tu-gam-giuong-ra-chao-bo-truong-20160306161318236.htm

“Nếu mang tiến độ dự án ra để so sánh với thực trạng bệnh nhân trên địa bàn thành phố phải nằm 3 - 4 người mỗi giường thì không thể xem dự án là nhanh được. Tôi còn nhớ mãi hình ảnh bệnh nhân bò từ gầm giường qua chân Bộ trưởng Kim Tiến để ra chào chị. Không thể để tình trạng bết bát như vậy tiếp diễn nữa, quá khổ cho dân rồi”.

"Cần cấp ngay vốn, chuyển thiết bị về bằng máy bay để giải quyết ngay quá tải" - Đó là nội dung chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng tại cuộc làm việc với Bộ Y tế và các ban ngành liên quan về dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố tại xã Tân Kiên và xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh. Đây là dự án được khởi công xây dựng từ tháng 12/2014 với quy mô 1.000 giường bệnh, tổng mức đầu tư gần 4.500 tỷ đồng.

Theo dự kiến, bệnh viện sẽ hoàn thành và đi vào sử dụng vào cuối năm 2016, sau 2 năm thi công. Phần thô của dự án có quy mô 8 tầng nổi và một tầng hầm, sẽ được bàn giao vào tháng 6/2016.

Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định: “So với các công trình y tế trọng điểm tại TPHCM và các tỉnh thành khác trên cả nước thì dự án Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố là dự án được xây dựng với tốc độ nhanh.”

Tuy nhiên, Bí thư Đinh La Thăng đã xin phép được cắt lời Bộ trưởng Kim Tiến, ông cho rằng: “Nếu mang tiến độ dự án ra để so sánh với thực trạng bệnh nhân trên địa bàn thành phố phải nằm 3 - 4 người mỗi giường thì không thể xem dự án là nhanh được. Tôi còn nhớ mãi hình ảnh bệnh nhân bò từ gầm giường qua chân Bộ trưởng Kim Tiến để ra chào chị. Không thể để tình trạng bết bát như vậy tiếp diễn nữa, quá khổ cho dân rồi”.

Đại diện chủ thầu dự án cho biết, phần xây thô Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố là hơn 1.000 tỷ, đến nay, chủ đầu tư đã bỏ ra nguồn vốn lên đến 900 tỷ đồng nhưng mới chỉ tạm ứng được hơn 450 tỷ, điều đó đang gây khó khăn cho việc mua sắm vật tư, trang thiết bị phục vụ công trình.

Theo báo cáo từ ông Huỳnh Văn Biết, Phó giám đốc Sở Y tế kiêm Trưởng ban quản lý dự án, việc mua sắm trang thiết bị cho phần ruột của dự án bao gồm các máy móc hiện đại phục vụ chẩn đoán, điều trị được phê duyệt với 14 gói thầu. Hiện nay, đã triển khai được 4 gói thầu, dự kiến trang thiết bị sẽ được đưa về nước trong tháng tới.

Sau báo cáo của ông Huỳnh Văn Biết, Bí thư Đinh La Thăng phê bình: “Các đồng chí làm ăn như vậy là quá chậm, thiếu khoa học. Dự án đầu tư trang thiết bị cần phải triển khai đồng bộ với việc xây lắp công trình, không nên làm từng khâu một mà cần phải thực hiện đồng bộ hóa theo hình thức cuốn chiếu. Nếu phần thô xây dựng xong mà trang thiết bị chưa mua sắm thì lấy gì mà phục vụ người bệnh.”

Công trình bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố còn ngổn ngang, trong khi phần thô phải bàn giao vào ngày 30/6

Công trình bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố còn ngổn ngang, trong khi phần thô phải bàn giao vào ngày 30/6

Phân tích của Bí thư Thành ủy chỉ ra: “Cái cần nhất bây giờ là bệnh viện phải đưa vào hoạt động càng sớm càng tốt bởi tình trạng quá tải đã rất kinh khủng, người dân đang trông chờ, dõi theo và hy vọng vào chất lượng phục vụ của từng công trình y tế. Nếu không thực hiện vượt tiến độ đề ra thì cần tập trung làm cho xong để kịp tiến độ, công trình phải hoàn tất trong thời gian 18 tháng, đến nay đã 13 tháng xây dựng nhiều hạng mục còn dang dở thế này là không ổn”.

Cũng theo ông Đinh La Thăng: “Thiết bị y tế đã được duyệt trong 14 gói thầu thì cần triển khai mua sắm ngay, khi phần vỏ xong thì phần ruột cũng phải xong, nhưng thực tế thì các vị đang làm quá chậm. Đề nghị Sở Y tế là chủ đầu tư dự án cấp ngay vốn cho nhà thầu, tạo điều kiện để họ hoàn thành nhiệm vụ. Việc mua sắm trang thiết bị phải xúc tiến nhanh, thiết bị nhẹ thì phải vận chuyển băng máy bay, thiết bị nặng đi bằng đường biển, đường bộ, 14 gói phải đồng thời triển khai ngay”.

Bí thư Đinh La Thăng thẳng thắn yêu cầu các bên liên quan: “Ban quản lý giám sát dự án cần lên lại chi tiết tiến độ công trình, khẩn cấp nhập khẩu thiết bị, tiến hành quy trình chạy thử và đào tạo nhân viên y tế để vận hành. Phải siết lại việc tổ chức giao ban hàng ngày hàng tuần trên công trình đôn đốc sát tiến độ.

Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn, muốn có tiến độ nhanh phải có tiền nhưng phải đặc biệt chú ý chất lượng công trình. Để thực hiện nhanh được, đề nghị chủ đầu tư nhắc ban quản lý tạm ứng cho nhà thầu. Nếu nhà thầu đã được cấp vốn đầy đủ nhưng không thực hiện đúng tiến độ bàn giao công trình vào ngày 30/6 thì sẽ bị phạt gấp 3 lần số tiền được tạm ứng”.

Cả gia đình 4 người cùng nhập viện vì sốt xuất huyết

http://dantri.com.vn/suc-khoe/ca-gia-dinh-4-nguoi-cung-nhap-vien-vi-sot-xuat-huyet-20160306092021061.htm

Tính 2 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh có trên 400 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH) - tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2015. Có trường hợp cả gia đình mắc bệnh phải nhập viện điều trị. Hiện ngành y tết Đồng Tháp giám sát, triển khai nhiều biện pháp phòng chống bệnh SXH.

Tháng 2/2016, toàn tỉnh có trên 400 trường hợp mắc SXH (tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2015), tuy nhiên không có trường hợp nào tử vong. Các huyện thị có số mắc SXH cao là TP Cao Lãnh, huyện Tháp Mười, huyện Cao Lãnh và TP Sa Đéc.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Ấn, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Đồng Tháp cho biết, mặc dù bệnh SXH đang có chiều hướng giảm nhưng vẫn còn ở mức cao.

Từ đầu năm 2016 đến nay, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Đồng Tháp đã tiếp nhận trên 350 trường hợp nhập viện điều trị bệnh SXH, tăng 5,5 lần so cùng kỳ năm 2016. Có ngày bệnh nhân nhập viện đông không đủ giường bệnh nên phải tạm nằm điều trị tại hành lang của Khoa Nhiễm bệnh viện.

Tại BVĐK huyện Cao Lãnh, 2 tháng đầu năm nay, bệnh viện đã tiếp nhận điều trị cho 100 ca mắc SXH, số chuyển viện lên tuyến trên là 16 ca (trong đó có những ca không nặng nhưng tự xin chuyển). Tại Khoa Nhi (BVĐK huyện Cao Lãnh), hôm PV đến mặc dù không có bệnh nhân nằm điều trị ngoài hành lang nhưng hầu hết giường bệnh trong phòng đều có bệnh nhân mắc SXH nằm điều trị từ 1 đến 5 ngày.

Suốt 3 ngày chăm sóc những người thân mắc bệnh SXH, Chị Phạm Thị Hồng, ngụ ấp 3, xã Bình Hàng Trung cho biết, mặc dù rất mệt mỏi nhưng chị và người thân lo cho 3 người em, cháu mình đang điều trị SXH và 1 cháu đang điều trị nghi do SXH (cả 4 người trong gia đình). Chị Hồng chia sẻ: “Tôi đang làm ăn ở xa, nghe nói cả gia đình em tôi bị bệnh tôi tức tốc về xem thế nào và tiện bề chăm sóc. Có ngày tôi vừa nuôi em ở BVĐK Đồng Tháp, vừa lấy xe chạy về BVĐK huyện Cao Lãnh nuôi em và cháu cũng nằm điều trị SXH ở đây”.

Nói về nguyên nhân bị SXH, em P.A.H., đang điều trị tại BVĐK huyện Cao Lãnh cho rằng có thể em bị muỗi cắn vì xung quanh nhà em muỗi rất nhiều. Dù được điều trị 3 ngày nhưng bác sĩ cho biết H. vẫn còn đang sốt cao.

Bác sĩ Lê Văn Diễn, Phó Giám đốc BVĐK huyện Cao Lãnh cho biết, 2 tháng nay, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 2 bệnh nhân mới, trước đó có nhiều ngày liên tục bệnh viện không tiếp nhận bệnh nhân mắc SXH. Bên cạnh phần nhiều bệnh nhân nhập viện sớm nhưng vẫn có một số trường hợp điều trị phòng khám tư không khỏi mới nhập viện, lúc đó bệnh tình trở nặng. Có trường hợp bệnh nhân bệnh nặng như sốc, tái sốc, biến chứng xuất huyết nhiều, xuất huyết có tổn thương gan, thận phải chuyển viện. Ngoài trẻ em, bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều trường hợp người lớn mắc SXH. Bác sĩ Diễn khuyên, bệnh nhân sốt cao đột ngột và không hạ sốt, hoặc cho uống thuốc hạ sốt nhưng sốt lại và có các triệu chứng lừ đừ, đau bụng, nôn ói thì hãy nghi đó là triệu chứng SXH và người thân nên đưa người nhà đến bệnh viện khám bệnh, làm các xét nghiệm.

Tập trung phòng chống bệnh SXH

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Có, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cao Lãnh, từ đầu năm 2016 đến nay tại huyện Cao Lãnh có 164 ca mắc SXH, trong đó có 14 ca nặng. Hiện tại có 18/18 xã, thị trấn đều có ca mắc bệnh SXH. Xã có ca mắc cao gồm: Bình Thạnh (20 ca), Bình Hàng Trung (19 ca), Phong Mỹ (18 ca), Ba Sao (14 ca), TT Mỹ Thọ (10 ca). Trung tâm đã tham mưu với lãnh đạo trong việc phối hợp với các ngành, các cấp và đơn vị liên quan tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tuyên truyền trực tiếp đến hộ gia đình diệt lăng quăng. Ngoài công tác giám sát, xử lý ổ dịch, Trung tâm đang đẩy mạnh tuyên truyền cho viên chức trạm y tế, nhân viên y tế ấp, nhân viên sức khỏe cộng đồng trực tiếp hướng dẫn người dân diệt lăng quăng, phòng chống bệnh SXH tại cộng đồng; trạm y tế tổ chức phát đĩa hình, tư vấn khi bệnh nhân đến khám bệnh, lồng ghép các cuộc họp nhóm trực tiếp tuyên truyền.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Ấn, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Đồng Tháp cho biết ở Đồng Tháp SXH xảy ra quanh năm, mùa khô sẽ giảm hơn mùa mưa. Năm nay ở thời điểm mùa khô, tuy bệnh đang chiều hướng giảm nhưng số mắc vẫn ở mức cao hơn cùng kỳ hai năm vừa qua. Có nhiều nguyên nhân liên quan đến việc SXH năm nay còn cao ở ngay mùa khô, nhưng nguyên nhân chính là đến chu kỳ dịch: năm 2014 đột biến bệnh giảm mạnh, làm cho số người chưa có miễn dịch SXH tăng cao, năm 2015 số mắc cao hơn 2014, năm 2016 bệnh đang trên đà tăng, dự báo sẽ cao hơn 2015, do vậy công tác phòng chống SXH phải thực hiện quyết liệt.

Mỗi gia đình cần chủ động các biện pháp phòng chống bệnh SXH, như diệt lăng quăng, đổ bỏ các vật dụng chứa nước không xài, phát hoang bụi rặm... để không còn chỗ cho muỗi sinh sống.

Mỗi gia đình cần chủ động các biện pháp phòng chống bệnh SXH, như diệt lăng quăng, đổ bỏ các vật dụng chứa nước không xài, phát hoang bụi rặm... để không còn chỗ cho muỗi sinh sống.

Theo bác sĩ Ấn, SXH là do muỗi truyền, muốn phòng bệnh SXH phải diệt muỗi, diệt lăng quăng, tránh muỗi đốt bằng nhiều biện pháp, không có biện pháp gì khác mà có hiệu quả hơn. Để kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa dịch bệnh SXH, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đang và tiếp tục giám sát chặt chẽ số ca bệnh, giám sát muỗi, lăng quăng, giám sát virus gây bệnh để dự báo, dự đoán các điểm nóng, xử lý kịp thời; xử lý từng ổ dịch nhanh gọn kịp thời tránh lây lan rộng; xử lý các điểm nóng bằng phun xịt diện rộng hóa chất diệt muỗi. Tuy nhiên, biện pháp căn cơ nhất vẫn là vận động nhân dân diệt muỗi, diệt lăng quăng.

Hiện đang là mùa khô, tuy nhiên vẫn xảy ra nhiều trường hợp mắc SXH, do vậy ngoài các biện pháp phòng chống bệnh SXH của cơ quan chức năng thì chính bản thân mỗi người dân cần chủ động phát hoang bụi rặm, đổ bỏ các vật dụng chưa nước không xài, diệt lăng quăng, đặc biệt là giăng màn khi ngủ…

Về cách chăm sóc trẻ bị bệnh SXH, Bác sĩ Ngô Thị Kiều Nga - Trưởng Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp cho biết:  Có 5 dấu hiệu trẻ trở nặng, người nhà cần nhận biết sớm để đưa con đến bệnh viện ngay khi thấy các biểu hiện như lừ đừ, li bì hoặc bứt rứt, ói nhiều, đau bụng nhiều, xuất huyết, tay chân mát, lạnh. Chỉ cần có 1 trong 5 dấu hiệu trên thì phải đưa đến bệnh viện gần nhất.Điều trị SXH là sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình bệnh nhân và thầy thuốc, trong đó vai trò của người chăm sóc trực tiếp các cháu nói chung, của người thân nói riêng là hết sức quan trọng, góp phần bảo vệ sức khoẻ của các cháu một cách tốt nhất.

 

Thống kê truy cập

Đang online: 127

Số lượt truy cập: 22,020,674