Điểm tin văn bản Pháp Luật  12/9/2015 3:12:57 PM

 Thông báo chính thức về Lịch nghỉ Lễ, Tết năm 2016

Bộ LĐTBXH vừa có Thông báo 4659/TB-BLĐTBXH về lịch nghỉ Lễ, Tết năm 2016 đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.
- Tết Âm lịch Bính Thân được nghỉ từ ngày 28 tháng Chạp năm Ất Mùi đến Mùng 07 tháng Giêng năm Bính Thân (tức từ ngày 06 – 14/02/2016).
- Các dịp nghỉ Lễ khác thực hiện theo đúng quy định của 
Bộ luật Lao động.
- Các cơ quan, đơn vị không thực hiện lịch nghỉ cố định 02 ngày Thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần thì căn cứ vào chương trình, kế hoạch cụ thể của đơn vị để bố trí lịch nghỉ cho phù hợp, đúng pháp luật.
- Các cơ quan, đơn vị bố trí trực hợp lý để giải quyết công việc trong đợt nghỉ Tết, bảo đảm phục vụ tốt yêu cầu của nhân dân.

Danh mục vi chất dinh dưỡng

Thông báo 4659/TB-BLĐTBXH được ban hành vào ngày 13/11/2015. Bộ Y tế vừa ban hành danh mục vi chất dinh dưỡng sử dụng trong thực phẩm kèm theo Thông tư 44/2015/TT-BYT.

Theo đó:
- Quy định danh mục vitamin, chất khoáng và yêu cầu về quản lý đối với vi chất dinh dưỡng sử dụng để bổ sung, tăng cường vào thực phẩm.
- Vitamin gồm: Vitamin A, Vitamin D, Vitamin E, Vitamin K, Vitamin B1, Vitamin B2, Niacin (Vitamin B3), Acid pantothenic (Vitamin B5), Vitamin B6, Acid folic (Vitamin B9), Vitamin B12, Biotin, Vitamin C.
- Các chất khoáng gồm: Calci (Ca), Magnesi (Mg), Sắt (Fe), Đồng (Cu), Iod(I), Kẽm (Zn), Mangan (Mn), Natri (Na), Kali (K), Selen (Se), Crom (Cr III), Molypden (Mo VI), Flor (F), Bo (B), Silic (Si).
Thông tư 44/2015/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/3/2016.
Vi chất dinh dưỡng và sản phẩm thực phẩm sử dụng vi chất dinh dưỡng đã được cấp Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định trước ngày 01/3/2016 được tiếp tục sử dụng đến hết thời hạn hiệu lực ghi trong Giấy Tiếp nhận hoặc Giấy Xác nhận

Các trường hợp khám bệnh, chữa bệnh đúng tuyến BHYT

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 40/2015/TT-BYT Quy định đăng ký khám bệnh, chữa bệnh (KBCB) bảo hiểm y tế (BHYT) ban đầu và chuyển tuyến KBCB BHYT.

Theo đó, các trường hợp được xác định là đúng tuyến KBCB BHYT là:
- Thẻ BHYT đăng ký KBCB ban đầu tại cơ sở tuyến xã, phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền KBCB tại các cơ sở khác tương đương trong cùng địa bàn tỉnh;
- Thẻ BHYT đăng ký KBCB ban đầu tại cơ sở tuyến xã chuyển tuyến đến bệnh viện huyện;
- Thẻ BHYT được bệnh viện tuyến huyện chuyển tuyến đến tuyến tỉnh tại các cơ sở cùng hạng hoặc hạng thấp hơn; 
- Trường hợp cấp cứu;
- Trường hợp người bệnh được chuyển tuyến mà phát hiện hoặc phát sinh bệnh khác ngoài bệnh đã ghi trên giấy chuyển tuyến, thì cơ sở KBCB nơi tiếp nhận thực hiện việc KBCB trong phạm vi chuyên môn;
- Người tham gia BHYT đi công tác, học tập, làm việc lưu động hoặc tạm trú dưới 12 tháng tại địa phương khác thì được KBCB tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa phương đó tương đương với các cơ sở ban đầu ghi trên thẻ BHYT. 
Thông tư 
40/2015/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/01/2016.

Nghị định 122/2015/NĐ-CP về lương tối thiểu vùng 2016

Theo Nghị định 122/2015/NĐ-CP thì mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với doanh nghiệp kể từ ngày 01/01/2016 như sau:

- Vùng I: 3.500.000 đồng/tháng (tăng 400.000 đồng so với năm 2015).
- Vùng II: 3.100.000 đồng/tháng (tăng 350.000 đồng so với năm 2015).

- Vùng III: 2.700.000 đồng/tháng (tăng 300.000 đồng so với năm 2015).
- Vùng IV: 2.400.000 đồng/tháng (tăng 250.000 đồng so với năm 2015).
Địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng từ ngày 01/01/2016 được quy định tại Phụ lục ban hành kèm Nghị định này.
Nghị định 
122/2015/NĐ-CP thay thế Nghị định 103/2014/NĐ-CP .

Mức lương cơ sở từ năm 2016

Từ ngày 01/05/2016, mức lương cơ sở sẽ là 1.210.000 đồng/tháng.

Đây là nội dung quan trọng được đề cập tại Nghị quyết về dự toán Ngân sách nhà nước năm 2016 (vừa được Quốc hội thông qua vào ngày 11/11/2015).
Theo đó, đối tượng được tăng lương là: cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và hội có tính chất đặc thù ở Trung ương, ở cấp tỉnh, ở cấp huyện, ở cấp xã và lực lượng vũ trang.
Hiện hành, mức lương cơ sở là 1.150.000 đồng/tháng (được quy định tại Nghị định
66/2013/NĐ-CP của Chính phủ).
Như vậy, trong thời gian tới Chính phủ sẽ ban hành Nghị định mới để hiện thực hóa quy định tăng lương nêu trên.

Quy định mới về tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc

Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa ban hành Quyết định 959/QĐ-BHXH quy định về quản lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế.

Quyết định đã quy định mới về mức tiền lương tháng đóng BHXH, theo đó đối với Người lao động thực hiện chế độ tiền lương do đơn vị quyết định thì mức tiền lương tháng đóng BHXH là tiền lương ghi trong Hợp đồng lao động, cụ thể như sau:
- Từ 01/01/2016, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương và phụ cấp lương theo quy định pháp luật về lao động;

- Từ 01/01/2018, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định pháp luật về lao động.
Quy định trước đây chỉ là đóng BHXH trên mức tiền lương, tiền công hàng tháng ghi trên Hợp đồng lao động mà không quy định rõ đóng thêm các khoản phụ cấp lương hay khoản bổ sung khác.

Quyết định 959/QĐ-BHXH có hiệu lực từ ngày 01/12/2015 và thay thế Quyết định1111/QĐ-BHXH năm 2011, bãi bỏ Điều 1 Quyết định số 1018/QĐ-BHXH năm 2014.

Sửa đổi quy định về quản lý biên chế công chức
Nghị định 
110/2015/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 21/2010/NĐ-CP về quản lý biên chế công chức về những nội dung sau:
- Hồ sơ điều chỉnh biên chế công chức.
- Trách nhiệm của Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập.
- Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
- Trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 15/12/2015.

Quy định mới về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo

Theo Thông tư liên tịch 29/2015/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH, thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo, gồm:

- Thời gian làm việc được xếp lương theo một trong các ngạch hoặc chức danh của các chuyên ngành hải quan, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm, dự trữ quốc gia, kiểm tra Đảng;
- Thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên trong quân đội, công an, cơ yếu;

- Thời gian làm việc được tính hưởng thâm niên ở ngành, nghề khác (nếu có).
Ngoài ra, Thông tư liên tịch này còn sửa đổi quy định về đối tượng và phạm vi áp dụng chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 1 Thông tư liên tịch 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH .


Thông tư liên tịch 29/2015/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH sẽ có hiệu lực từ ngày 04/01/2016.

Quy định mới về mã số ghi trên thẻ bảo hiểm y tế
Từ ngày 01/01/2016, Quyết định
 1351/QĐ-BHXH về mã số ghi trên thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) bắt đầu có hiệu lực thi hành và thay thế Quyết định 1314/QĐ-BHXH .
Theo đó, mã số ghi trên thẻ BHYT có một số thay đổi như sau:
- Mã thẻ BHYT gồm 15 ký tự, được chia thành 04 ô: 
Ô thứ nhất là mã đối tượng tham gia BHYT.
Ô thứ 2 là mức hưởng BHYT.
Ô thứ 3 là mã tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi phát hành thẻ BHYT.
Ô thứ 4 là số định danh cá nhân của người tham gia BHXH, BHYT quy định tại Quyết định
 1263/QĐ-BHXH năm 2014.
- Mã nơi đối tượng sinh sống, gồm 02 ký tự ký hiệu vừa bằng chữ vừa bằng số, trong đó:
Đối tượng có ký hiệu là QN, CA, CY đang công tác hoặc cư trú (thường trú hoặc tạm trú) thường xuyên tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn hoặc xã đảo, huyện đảo, được ghi mã nơi đối tượng sinh sống tương ứng với ký hiệu K1, K2, K3 tại Quyết định này.
Hướng dẫn vay vốn hỗ trợ tạo việc làm
Từ ngày 31/12/2015, Thông tư 45/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Nghị định61/2015/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm bắt đầu có hiệu lực thi hành.
Theo đó, hồ sơ vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đối với người lao động bao gồm:
- Giấy đề nghị vay vốn quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 28 Nghị định 
61/2015/NĐ-CPđược thực hiện theo Mẫu số 01a và Mẫu số 01b ban hành kèm theo Thông tư này.
- Bản sao giấy tờ chứng minh người lao động thuộc đối tượng ưu tiên quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 12 Luật Việc làm được hướng dẫn như sau:
+ Đối với người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn là bản sao chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu hoặc thẻ căn cước công dân.
+ Đối với người khuyết tật là bản sao giấy xác nhận khuyết tật do Ủy ban nhân dân cấp xã cấp.
Các quy định về hồ sơ vay vốn có hiệu lực từ ngày 01/9/2015.

Hướng dẫn ghi sổ kế toán thuế XNK
Theo Thông tư 174/2015/TT-BTC có hiệu lực từ 01/01/2016, việc ghi sổ kế toán (SKT) thuế xuất nhập khẩu (XNK) quy định như sau:
- Đơn vị KT phải căn cứ vào chứng từ KT để ghi SKT. 
Việc ghi SKT phải kịp thời, rõ ràng và đầy đủ theo các nội dung của từng SKT. 
Thông tin, số liệu phản ánh trên SKT phải chính xác, trung thực, đúng với chứng từ KT.
- SKT được ghi theo trình tự thời gian phát sinh các nghiệp vụ. 
Việc cập nhật, ghi vào SKT, vào cơ sở dữ liệu KT thuế XNK phải căn cứ vào chứng từ KT, phải được kiểm tra tính chính xác của các nghiệp vụ phát sinh.
- Nghiêm cấm ghi SKT mọi thông tin không có chứng từ KT. 
Những người có liên quan phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, đảm bảo phản ánh đầy đủ, kịp thời, trung thực, liên tục, có hệ thống toàn bộ nghiệp vụ liên quan đến quản lý thuế, thu khác với hàng hóa XNK các thông tin đã cập nhật.
Xem thêm tại Thông tư 
174/2015/TT-BTC .

Nâng mức chuẩn hộ nghèo từ 01/01/2016
Quyết định 59/2015/QĐ-TTg về chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020 sẽ có hiệu lực từ ngày 05/01/2016.
Theo đó, từ ngày 01/01/2016, nâng mức chuẩn nghèo, chuẩn cận nghèo đối với tiêu chí về thu nhập như sau:
- Ở khu vực nông thôn:
+ Chuẩn nghèo: nâng từ 400.000/đồng/người/tháng lên 700.000 đồng/người/tháng.
+ Chuẩn cận nghèo: nâng từ 401.000 đồng đến 520.000 đồng/người/tháng lên 1.000.000 đồng/người/tháng.
- Ở khu vực thành thị: 
+ Chuẩn nghèo: nâng từ 500.000 đồng/người/tháng lên 900.000 đồng/người/tháng.
+ Chuẩn cận nghèo: nâng từ 501.000 đồng đến 650.000 đồng/người/tháng lên 1.300.000 đồng/người/tháng.
Ngoài tiêu chí về thu nhập để đánh giá chuẩn nghèo, chuẩn cận nghèo còn tiêu chí về mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản gồm: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh và thông tin.
Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản gồm: 
+ Tiếp cận dịch vụ y tế.
+ Bảo hiểm y tế.
+ Trình độ giáo dục của người lớn.
+ Tình trạng đi học của trẻ em.
+ Chất lượng nhà ở…

Xử lý tiền đặt cọc trong bán đấu giá cổ phần theo lô
Ngày 19/11/2015, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành Quy chế mẫu về bán đấu giá cổ phần theo lô tại Sở Giao dịch Chứng khoán (Sở GDCK) kèm theo Quyết định999/QĐ-UBCK .
Theo đó, việc xử lý tiền đặt cọc được thực hiện như sau: 
- Trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc phiên đấu giá, Sở GDCK hoàn trả tiền đặt cọc cho nhà đầu tư (NĐT) tham dự đấu giá hợp lệ nhưng không mua được cổ phần, ngoại trừ NĐT tham gia chào bán cạnh tranh;
- Trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc cuộc chào bán cạnh tranh, Sở GDCK hoàn trả tiền cho NĐT tham gia chào bán hợp lệ nhưng không mua được cổ phần;
- Đối với NĐT tham gia đấu giá được quyền mua cổ phần theo kết quả đấu giá thì khoản tiền đặt cọc được trừ vào tổng số tiền phải trả;
- Đối với các khoản tiền đặt cọc không phải hoàn trả lại cho NĐT vi phạm quy chế đấu giá quy định tại Khoản 1 Điều 21 Quy chế này được Sở GDCK chuyển về tài khoản phong tỏa của Đại diện chủ sở hữu để xử lý theo quy định.
Quyết định
 999/QĐ-UBCK có hiệu lực kể từ ngày ký.

Mức ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư
Từ ngày 27/12/2015, Nghị định 118/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật đầu tư có hiệu lực và thay thế Nghị định 108/2006/NĐ-CP .
Theo đó, nhà đầu tư (NĐT) phải ký quỹ khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư trừ các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 27 Nghị định này. Đơn cử như:
- NĐT trúng đấu giá quyền sử dụng (QSD) đất được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.
- NĐT trúng đấu thầu thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất theo quy định pháp luật về đấu thầu.
- NĐT được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trên cơ sở nhận chuyển nhượng QSD đất, tài sản gắn liền với đất của người sử dụng đất khác...
Mức ký quỹ được tính bằng tỷ lệ % trên vốn đầu tư của dự án đầu tư theo nguyên tắc lũy tiến từng phần như sau:
- Mức ký quỹ là 3% với phần vốn đến 300 tỷ đồng.
- Mức ký quỹ là 2% với phần vốn trên 300 tỷ đồng đến 1.000 tỷ đồng.
- Mức ký quỹ là 1% với phần vốn trên 1.000 tỷ đồng.

Nguồn: Internet

Thống kê truy cập

Đang online: 121

Số lượt truy cập: 22,022,045