Việt Nam có khả năng xét nghiệm 10 loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm  10/29/2015 1:02:33 PM

300 nghiên cứu viên của Việt Nam đã được tham gia đào tạo nâng cao năng lực xét nghiệm 10 loại tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như bệnh than, bệnh dại, bệnh cúm, bệnh sởi, ebola... trong dự án hợp tác y tế giữa JICA và các cơ quan y tế Việt Nam.

 Ngày 28/10, tại Hà Nội, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đã tổ chức một Hội thảo quốc tế nhằm chia sẻ kinh nghiệm an toàn sinh học, thuộc khuôn khổ Dự án Hợp tác Kỹ thuật của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) về “Nâng cao năng lực đảm bảo an toàn sinh học và xét nghiệm tác nhân gây bệnh nguy hiểm cho mạng lưới phòng xét nghiệm tại Việt Nam”.

Tham dự hội thảo có lãnh đạo Bộ Y tế, đại diện JICA tại Việt Nam, cùng 100 nghiên cứu viên, kỹ thuật viên đến từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, Bộ Y tế Lào và Campuchia, Viện các Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, các viện Pasteur và 10 trung tâm y tế dự phòng của Việt Nam.

Tại Hội thảo, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương - đối tác Việt Nam chính của Dự án- trình bày những thành quả của Dự án trong việc nâng cao năng lực về xét nghiệm 10 loại tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như bệnh than, bệnh dại, bệnh cúm, bệnh sởi, ebola. Với sự hỗ trợ của các chuyên gia Nhật Bản, không chỉ năng lực xét nghiệm của các nghiên cứu viên Việt nam được nâng cao, mà hệ thống các phòngxét nghiệm cũng được quản lý tốt hơn nhờ áp dụng các quy trình kỹ thuật chuẩn và hiệu chuẩn thiết bị định kỳ. Khoảng 300 nghiên cứu viên, kỹ thuật viên đã được đào tạo nâng cao năng lực xét nghiệm, trong đó 28 người đã được đào tạo tại Nhật Bản. Tháng 10/2015, lần đầu tiên, bảy nghiên cứu viên của Việt Nam đã được đào tạo xét nghiệm vi rút Ebola.

Cũng trong hội thảo này, các chuyên gia Lào và Campuchia đã chia sẻ kinh nghiệm về an toàn sinh học của mỗi nước. Hội thảo mở ra cơ hội hợp tác trong tương lai giữa Việt Nam với các tổ chức quốc tế và các nước trong khu vực trong lĩnh vực an toàn sinh học.

Dự án Hợp tác Kỹ thuật này của JICA được thực hiện từ tháng 2/2011 đến tháng 2/2016, với mục tiêu nâng cao năng lực kiểm soát các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tại Việt Nam.

Trước đó, một Dự án viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản thực hiện tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương từ năm 2006-2008 đã giúp xây dựng hệ thống phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp 2 và cấp 3, đạt chuẩn của WHO. Nhờ các phòng xét nghiệm này, hiện Việt Nam không còn phải gửi mẫu xét nghiệm ra nước ngoài để phục vụ chẩn đoán xác định bệnh nữa.

Các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như SARS, cúm gia cầm tuýp A/H5N1, H1N1, HIV/AIDS, dại, viêm não Nhật Bản, sốt xuất huyết, than, tả, thương hàn… đang xảy ra tại nhiều nơi trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, và diễn biến ngày càng phức tạp. Để kiểm soát các bệnh dịch truyền nhiễm, cần có một hệ thống phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn, hoạt động tốt để tiến hành các xét nghiệm chẩn đoán, nghiên cứu các tác nhân gây bệnh và tiến triển của bệnh dịch.

Nguồn: suckhoedoisong.vn

Thống kê truy cập

Đang online: 417

Số lượt truy cập: 22,024,513