Kiến ba khoang và cách phòng tránh  11/5/2014 9:40:01 AM

Kiến ba khoang thuộc họ Cánh cụt (Staphylinidae), bộ Cánh cứng (Coleoptera), lớp Côn trùng (Insecta), ngành Chân đốt (Arthropoda).

 Kiến ba khoang thuộc họ Cánh cụt (Staphylinidae), bộ Cánh cứng (Coleoptera), lớp Côn trùng (Insecta), ngành Chân đốt (Arthropoda).  Trên thế giới đã phát hiện được hơn 46.000 loài, 3.200 giống, 31 phân họ, trong đó 2/3 số loài sống ở vùng nhiệt đới. Các loài trong giống Paederus thường gặp nhất, chúng trông giống kiến, nên dân gian thường gọi là kiến khoang, kiến lác, kiến gạo, kiến cong đít...

1. Đặc điểm của kiến ba khoang

Cơ thể dài 10 – 20 mm, gần hình trụ thon, có các khoang màu nâu đỏ và đen. Đầu màu đen, có hai mắt, một đôi râu gồm 12 đốt gần bằng nhau, một đôi kìm chắc khỏe để bắt mồi, miệng kiểu nghiền (Hình 1). 

http://dalieu.vn/images/stories/doan_cb/web-v1/web-v1/Image/tintuc/Chia%20se%20chuyen%20mon%20cung%20dong%20nghiep/VDTX%20kien%20khoang/pe.jpg http://www.zin.ru/animalia/coleoptera/images/me_smi/Paederus_littoralis_ms.jpg     IMG_6435
    a                           b                 c                                   d

 Hình 1. Kiến ba khoang Paederus

a. Đàn kiến      b. Mặt lưng     c. Mặt bụng     d. Cánh màng của kiến

Ngực kiến có 3 đốt, mang 3 đôi chân và 2 đôi cánh; đôi cánh cứng, ngắn cụt ở ngoài, đôi cánh lụa dài gập lại trong cánh cứng, khi bay đôi cánh lụa vươn ra. Bụng kiến gồm 10 đốt, khớp nối giữa đầu, ngực, bụng rất linh hoạt cho nên chúng có thể cong mình lên hay uốn sang hai bên.

Kiến khoang sinh sản quanh năm, chủ yếu vào mùa mưa, khi thời tiết nóng ẩm. Vòng đời của chúng gồm các giai đoạn: trứng - ấu trùng - nhộng - trưởng thành. Kiến đẻ trứng rời rạc từng quả trên đất mùn.

Ấu trùng và trưởng thành của kiến đều ăn các côn trùng khác bé nhỏ hơn. Do vậy, nó đóng vai trò quan trọng trong đấu tranh sinh học để phòng chống một số côn trùng nơi ruộng lúa (paddy pests) và góp phần cân bằng sinh học trong thiên nhiên. Cho nên người ta xếp chúng vào loại côn trùng có lợi.

Kiến khoang Paederus là loại côn trùng vùng nhiệt đới, khí hậu nóng ẩm. Chúng thường sống ở ven ruộng, trong đống rơm rạ ngoài đồng, bãi cỏ, gần vùng nước, ruộng rau, trong những nơi đang xây dựng dở dang. Chúng thường ẩn náu và sinh sản trong các đống thực vật mục nát có nhiều chất mùn như rơm rạ, cỏ mục, cành cây, dưới đống gạch đá... Ta  có thể thấy kiến ba khoang ở quanh bóng đèn trong các buồng làm việc, buồng ngủ ở ký túc xá, bệnh viện, trường học cạnh đồng ruộng, đồng cỏ, đầm, hồ...

2. Tác hại của kiến ba khoang

Gây viêm da do kiến khoang Paederus: Nhiều nơi trên thế giới đã ghi nhận viêm da do kiến khoang gây ra như ở vùng Volga (Nga), Okinawa (Nhật Bản, 1966), vùng bắc Úc (1996), Trung Phi (1993)…

Việt Nam, năm 1960 đã phát hiện vụ dịch viêm da phỏng nước gồm 31 bệnh nhân được cho là viêm da đồng cỏ nhưng có thể là do viêm da do Paederus (theo Nguyễn Sĩ Quốc và cs.). Năm 1960-1963, phát hiện bệnh này ở 5 đơn vị khác nhau, tỷ lệ mắc bệnh 6,6 - 13,1% (theo Nguyễn Xuân Hiền và cs.).

Tại Viện Da liễu Trung ương, bệnh nhân bị viêm da do côn trùng vào các tháng 7, 8, 9, 10 hàng năm đã gia tăng, trùng với mùa phát triển của kiến ba khoang.

Năm 2006, hàng trăm sinh viên ở ký túc xá trường Cao đẳng Sư phạm mẫu giáo Trung ương 3 (thành phố Hồ Chí Minh) phải đi khám bệnh vì bị viêm da dị ứng, kết quả xác định tổn thương da hàng loạt là do Paederus.

Kiến khoang không đốt người vì phần phụ miệng kiểu nghiền và đuôi không có bộ phận chích hút, nhưng trong cơ thể côn trùng này có chứa độc tố (trừ cánh); khi bị dập nát, độc tố trong cơ thể kiến dây lên da gây hiện tượng phồng rát viêm da.

Người ta đã chiết xuất từ loài kiến khoang Paederus fuscipes chất pederine (độc gấp 12 lần nọc độc rắn hổ mang) có thể gây cháy, bỏng da giống như chất cantharidin của sâu ban miêu và chất phospho ở con giời leo.


http://t2.gstatic.com/images?q=tbn:ANd9GcRPwgH2CZIo8xe2KhdnU_mbvM3mFkLrqj0p1e5XySyVTPDNAWYP

Công thức hóa học của pederin  (C24H43O9N), chiết xuất từ                    Paederus (Pfeifer, 2001)

        http://t3.gstatic.com/images?q=tbn:ANd9GcR7j76vXYkPirlQVl_a86w_7ffV6NSqEgJ0F7ULpbZhZY3SnHbF          

Hình 2. Tổn thương do chất độc pederin của kiến ba khoang

          Vào mùa mưa, ban đêm kiến ba khoang theo ánh đèn bay vào buồng làm việc, buồng ngủ, buồng tắm. Người làm việc, ngủ, tắm dưới ánh đèn bị côn trùng này rơi lên cổ, mặt, phần hở thân mình... vô tình dơ tay quệt, đập làm dập côn trùng có chứa chất pederin xiết lên da, hoặc côn trùng bám vào khăn mặt rơi vào bồn rửa, nên khi rửa mặt xát phải côn trùng lên da và gây viêm da phỏng nước. Ban đầu bệnh nhân thấy hơi ngứa rát, sau 6 – 12 giờ thành một đám hơi phù nề, đỏ cộm thành vệt, trên đó nổi những mụn nước to nhỏ không đều 1 – 5 mm, 1 – 3 ngày sau thành phỏng nước, phỏng mủ, cảm giác đau, rát càng tăng. Có thể kèm theo ngây ngấy sốt, khó chịu, nổi hạch, đau vùng cổ, nách, bẹn tương ứng với tổn thương. Nếu tổn thương ở gần mắt có thể sưng húp cả 2 mắt, 2 – 3 ngày mới đỡ, ở bẹn có thể nổi hạch bẹn, sưng đau, đi lại khó. Về xét nghiệm không có biến đổi gì đặc biệt. Trừ một số trường hợp tổn thương phỏng mủ rộng, sưng đau, sốt, bạch cầu có thể cao. Hình ảnh tổ chức học chỉ là viêm da không đặc hiệu. Cần phân biệt với viêm da do nguyên nhân khác như: hoá chất, zona, viêm da tiếp xúc do lá cây... (Lê Hồng Doanh, 2012).

3. Phòng chống kiến ba khoang

Khi làm việc dưới ánh đèn, tránh phản xạ quệt tay khi có cảm giác côn trùng rơi vào cổ, mặt (khó thực hiện, vì đây là phản xạ...). Buổi tối khi tắm rửa chú ý giũ mạnh khăn mặt trước khi dùng.

Vệ sinh môi trường, xung quanh nơi ở, gom xác cây mục, cỏ khô đem đốt để xua đuổi côn trùng, do tính ưa ánh sáng đèn nên có thể áp dụng đèn huỳnh quang để ngoài cửa để dẫn dụ và tiêu diệt, hốt dọn đem đốt; để các chậu nước dưới bóng đèn để kiến lao vào khi thấy bóng sáng đèn dưới nước.

Nếu nhiều kiến ba khoang cần phun hóa chất diệt: chlorpyrifos + deltamethrin, hiệu quả sau 24 – 48 giờ.

Điều trị (theo Viện Da liễu Trung ương):

Khi bắt đầu thấy rát ở một vùng da có thể rửa vùng đó bằng nước muối, xà phòng... để ngăn không nổi thành phỏng nước, phỏng mủ.

Dùng các dung dịch dịu da, sát khuẩn nhẹ như dung dịch Jarish, oxýt kẽm, mỡ kháng sinh.

Nếu mủ nhiều, đau có thể dùng kháng sinh chung, kháng Histamin tổng hợp, thuốc giảm đau có thể dùng corticoid bôi hoặc đường toàn thân.

Trường hợp nặng cần đến các cơ sở Y tế để điều trị.

 

PGS. TS. Nguyễn Văn Châu

Viện Sốt rét - Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương

Email: vanchaunimpe@yahoo.com

Thống kê truy cập

Đang online: 11

Số lượt truy cập: 22,748,877