Nguy cơ bệnh sốt vàng tại Việt Nam  7/11/2016 3:40:50 PM

Sốt vàng là bệnh truyền nhiễm cấp tính nhóm A, tỷ lệ tử vong có thể lên tới 50%. Bệnh này do siêu vi trùng thuộc họ Flaviviridae gây ra và được truyền bởi muỗi Aedes

        Sốt vàng là bệnh truyền nhiễm cấp tính nhóm A, tỷ lệ tử vong có thể lên tới 50%. Bệnh này do siêu vi trùng thuộc họ Flaviviridae gây ra và được truyền bởi muỗi Aedes.  Đa số trường hợp, có các triệu chứng sốt, ớn lạnh, mất cảm giác thèm ăn, nôn, đau bắp cơ đặc biệt ở lưng, và nhức đầu. Triệu chứng thường giảm trong vòng năm ngày. Ở một số người trong vòng một ngày thuyên giảm, sốt tái phát, đau bụng, và tổn thương gan bắt đầu gây vàng da. Nếu tình trang này xảy ra thì nguy cơ chảy máu và bệnh về thận cũng tăng. Bệnh sốt vàng khó phân biệt được bệnh với bệnh khác, đặc biệt ở giai đoạn đầu. Bệnh phổ biến ở những vùng nhiệt đới của Nam Mỹ  châu Phi. Từ thập niên 1980, số ca sốt vàng không ngừng tăng.

Hiện đã có vắc xin an toàn và hiệu quả phòng chống bệnh sốt vàng và một số nước yêu cầu tiêm chủng cho người đi du lịch. Vắc xin sốt vàng có thể tạo miễn dịch bền vững suốt đời. 

Vi rút sốt vàng gây ra và lây lan qua vết đốt của muỗi cái cho người và bộ linh trưởng. Ở các thành phố, bệnh lan truyền chủ yếu qua muỗi thuộc loài Aedes aegypti.  Ở những vùng rừng rậm châu Phi còn thấy bệnh được truyền từ khỉ bởi vec tơ là Aedes africanus hay các loài muỗi Aedes khác.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bệnh sốt vàng hiện đang lưu hành tại hơn 40 nước, chủ yếu ở Trung Phi và Nam Mỹ. Hiện có khoảng gần một tỷ người sống ở vùng bệnh lưu hành, mỗi năm có khoảng 84.000-170.000 trường hợp mắc và 60.000 người tử vong do sốt vàng chủ yếu ở châu Phi khoảng 90%. WHO cũng đã xây dựng hướng dẫn đáp ứng với bệnh sốt vàng.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, ghi nhận dịch sốt vàng tại Angola có 3137 trường hợp nghi ngờ, 847 trường hợp bệnh xác định, 345 trường hợp tử vong. Ngoài ra dịch còn xảy ra ở một số quốc gia khác như Cộng hòa Congo 1044 trường hợp nghi ngờ, 61 trường hợp khẳng định, 45 trường hợp tử vong… Tại Trung Quốc cũng đã ghi nhận 11 trường hợp mắc bệnh sốt vàng xâm nhập, tất cả đều là các lao động trở về từ Angola.

Tại Việt Nam, chưa ghi nhận trường hợp sốt vàng nào, tuy nhiên những năm gần đây đã sử dụng vắc xin chủ yếu cho những người đi đến các nước có lưu hành sốt vàng: năm 2013 là 10400 liều, năm 2014 là 14320 liều, năm 2015 là 7302 liều và năm 2016 là 11000 liều.

Trong cuộc họp ngày 23 tháng 6 năm 2016 do Cục Y tế dự phòng tổ chức với sự tham gia của các chuyên gia từ các tổ chức: WHO, US_CDC, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Cục Quản lý khám chữa bệnh và một số đơn vị liên quan đã nhận định có nguy cơ bệnh sốt vàng sẽ xâm nhập vào Việt Nam bởi những lý do: Muỗi truyền vi rút bệnh sốt vàng sẵn có và phổ biến tại Việt Nam, mức độ giao lưu cao tới các vùng sốt vàng lưu hành tại châu Phi đặc biệt là các lao động Việt Nam từ châu Phi trở về và Việc tiêm vắc xin cho người đi lao động đi châu Phi chưa triệt để.

Biện pháp phòng ngừa nhiễm bệnh

         Cục Y tế dự phòng khuyến cáo: Tăng cường phòng chống muỗi truyền bệnh Aedes aegypti làm giảm mật độ và sử dụng các biện pháp phòng chống muỗi đốt. Tiêm vắc xin đầy đủ cho những người đi lao động ở châu Phi, châu Mỹ và những nơi có sốt vàng lưu hành ít nhất 10 ngày trước khi vào vùng dịch. Khi đến vùng đang lưu hành dịch phải thực hiện tốt các biện pháp phòng chống muỗi đốt theo hướng dẫn của nước sở tại. Hành khách từ các nước đang có dịch về Việt Nam nên chủ động theo dõi sức khỏe ít nhất 7 ngày sau khi trở về, nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời. Các địa phương cần giám sát chặt chẽ phát hiện bệnh và điều trị sớm đặc biệt là các địa phương có lao động từ Angola trở về như tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và các cửa khẩu quốc tế, các khu du lịch.

TS. Vũ Đức Chính
 

Thống kê truy cập

Đang online: 684

Số lượt truy cập: 22,455,596