Rận bẹn, rận mu hay rận càng cua có tên khoa học Pthirius pubis (Linnaeus, 1758), thuộc họ Pthiridae, bộ chấy rận (Anoplura), lớp côn trùng (Insecta), ngành chân đốt (Arthropoda). Rận bẹn là loài côn trùng không cánh sống ký sinh hút máu trên người và động vật, cơ thể dẹt theo hướng lưng bụng, ngắn và rộng. Thân dài 1,5 - 2mm, rộng 1,2 – 1,8mm; độ dày cơ thể 0,1 - 0,2 mm.
a b
Hình 1. Rận bẹn Pthirius pubis (a) mặt lưng và (b) mặt bụng
Đầu của rận bẹn có một đôi mắt đơn, một đôi râu. Miệng kiểu chích hút ngắn. Ngực có ba đốt khó phân biệt, phát triển theo bề ngang. Chân to khỏe, vuốt phát triển, đặc biệt vuốt của đôi chân thứ hai và thứ ba. Các vuốt này bám chắc và cắm sâu vào da vật chủ. Bụng ngắn, gồm có 5 đốt. Trứng tương tự như trứng chấy, nhưng trơn và nhỏ hơn. Thiếu trùng tương tự con trưởng thành nhưng bé hơn và chưa có cơ quan sinh dục.
Rận bẹn là côn trùng biến thái không hoàn toàn, chu kỳ phát triển gồm 3 giai đoạn: trứng - thiếu trùng (thiếu trùng I, II, III) - trưởng thành. Suốt đời con cái đẻ khoảng 50 trứng. Trứng bám sát gốc lông và nở sau 7 - 8 ngày. Thiếu trùng chui vào gốc lông, nên khi tắm, kỳ cọ mạnh thiếu trùng không bị rơi.
Thường thấy rận bẹn ở lông vùng mu (nên có tên khoa học của loài là pubis). Nếu bị nhiễm nặng có thể phát tán đến các vùng lông khác trên cơ thể như lông ngực, lông đùi, lông nách, lông mi, lông mày và râu. Rận bẹn phát tán chủ yếu qua tiếp xúc như hoạt động tình dục hoặc các hoạt động tiếp xúc giữa con người và phổ biến nhất là giới trẻ.
Thiếu trùng có 3 tuổi (tuổi I-II-III) phát triển trong thời gian 13 – 17 ngày. Tuổi thọ con trưởng thành không quá một tháng. Thiếu trùng, con trưởng thành đực và cái đều hút máu. Ban ngày con người hoạt động thì rận bẹn thường nằm im, ít hoạt động. Ban đêm mọi hoạt động của con người đã ngừng và ngủ say (khoảng giữa đêm) rận bẹn mới bắt đầu hoạt động dữ dội, cào cấu da và hút máu gây ra ngứa ngáy khó chịu, làm cho ta mất ngủ và khó chịu. Khi ngứa buộc ta phải gãi, gãi nhiều gây xước da và bội nhiễm do sự xâm nhập của các loại vi khuẩn.
Theo Anderson và Chaney (2009) rận bẹn Pthirius pubis phân bố rộng khắp thế giới, ước tính 2-10% dân số thế giới bị nhiễm rận bẹn.
Ở Hà Nội, những năm gần đây đã có một số trường hợp bị rận bẹn đến điều trị tại Viện Sốt rét- Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương, cụ thể như sau:
Trường hợp thứ nhất: Vợ chồng anh Nguyễn Văn T 45 tuổi, phường Quang Trung, quận Hà Đông cho biết sau khi bị ngứa nhiều ngày ở vùng mu, vợ chồng đã đến bệnh viện Hà Đông được điều trị bằng nhiều loại thuốc ngoài da gần 6 tháng nhưng không khỏi, một hôm anh T gãi và đã bắt được hai con vật lạ nhỏ bé, thân mỏng như vảy da đầu, anh T được bác sĩ bệnh viện Hà Đông giới thiệu đưa mẫu vật đến Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương và đã được các chuyên gia hàng đầu về Côn trùng, ký sinh trùng xác định đó là rận bẹn có tên khoa học là Pthirius pubis. Anh T được hướng dẫn cách điều trị sau ba ngày đã khỏi hoàn toàn. Anh T đã tâm sự rằng, thật phiền toái vì cả vợ và chồng cùng bị ngứa mà không rõ nguyên nhân, vợ chồng đổ lỗi cho nhau mang bệnh gì ở đâu về, phàn nào ảnh hưởng đến tình cảm vợ chồng. Việc tìm ra rận bẹn là thủ phạm và điều trị thành công đã giải toả tâm lý cho gia đình chúng tôi.
Trường hợp thứ hai: Cháu Trần Văn A. 5 tuổi, Chương Mỹ Hà Nội, vào khoảng tháng 4/ 2012 bị rận bẹn ký sinh trên mi mắt, gây đau và ngứa khó chịu. Chúng tôi đã tìm thấy rận bện bám vào mi mắt và đã hướng dẫn mẹ cháu dùng panh kẹp bắt hết rận bẹn ký sinh trên mi mắt cho cháu, kết quả đã bắt được 20 con rận bẹn (cả thiếu trùng và con trưởng thành). Mẹ cháu cho biết trong gia đình ngoài cháu N không ai bị nhiễm rận bẹn.
Trường hợp thứ ba: Giữa tháng 4/2014, anh Trần Đình H. 19 tuổi, bộ đội đóng quân tại Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội cho biết cách 3 tuần thấy ngứa, không rõ nguyên nhân và đi khám tại bệnh viện Bạch Mai, được bệnh viện giới thiệu đến Viện Sốt rét-KST-CT TƯ. Anh H đã bắt được 2 con vật nhỏ bé đưa đến chúng tôi xác định đúng là rận bẹn. Sau khi được hướng dẫn và điều trị, 3 ngày sau anh H đã hết rận bẹn.
Như vậy ở Hà Nội đã xuất hiện rận bẹn rải rác tại một số địa phương, chúng có thể ký sinh ở cả người lớn và trẻ em. Đối với trẻ em lông mi, lông mày là nơi duy nhất để rận bẹn có thể ký sinh. Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng là Viện chuyên khoa đầu ngành nghiên cứu về các bệnh ký sinh trùng và côn trùng truyền bệnh, những trường hợp nghi bị nhiễm rận bẹn hoặc có gì còn băn khoăn về các vấn đề côn trùng, ký sinh trùng mọi người có thể liên hệ với các bác sĩ của Khoa Khám bệnh chuyên ngành của Viện bằng cách gọi đến số 04.3854.3857 – 04.3553.2925 để được tư vấn miễn phí và được điều trị hiệu quả./.
PGS.TS. Nguyễn Văn Châu