Một số điều cần biết về một số loài bọ chét và phòng chống trong giai đoạn chuyển mùa  4/22/2014 1:14:04 PM

Bọ chét sống ký sinh trên da vật chủ là các loài động vật có vú và chim để hút máu. Bọ chét là tác nhân truyền một số bệnh nhưng nguy hiểm nhất là bệnh dịch hạch.

                 Giai đoạn chuyển mùa từ xuân sàng hè cũng là giai đoạn có điều kiện thích hợp cho nhiều loài côn trùng phát triển trong đó có bọ chét. Bọ chét là tên gọi chung cho loại côn trùng nhỏ không có cánh thuộc bộ Siphonaptera, Latrei, 1825 (một số tài liệu khoa học dùng tên Aphaniptera). Bọ chét sống ký sinh trên da vật chủ là các loài động vật có vú và chim để hút máu. Bọ chét là tác nhân truyền một số bệnh nhưng nguy hiểm nhất là bệnh dịch hạch. Trong lịch sử, bệnh dịch hạch do trực khuẩn Yersinia pestis gây ra mà vật truyền bệnh là bọ chét chuột đã cướp đi sinh mệnh của một phần tư dân số châu Âu (khoảng 25 triệu người) được coi là một trong những đại dịch chết chóc nhất trong lịch sử nhân loại. Ngoài việc có thể là vật chủ trung gian truyền một số bệnh, các loài bọ chét chích đốt máu thường gây nên mối phiền hà cho con người như mẩn ngứa, khó chịu; nếu bị đốt nhiều có thể gây nên dị ứng và viêm da, những trường hợp phản ứng mạnh có thể thấy hiện tượng viêm tấy đỏ lan toả xung quanh hoặc do gãi ngứa gây bội nhiễm.

Cơ thể của bọ chét dẹp theo chiều hai bên, được chia làm ba phần: đầu, ngực, và bụng và có cấu trúc thích nghi với khả năng nhảy xa. Bọ chét có thể nhảy xa khoảng 30 cm gấp khoảng 200 lần chiều dài thân của chúng và có thể nhảy cao khoảng 20 cm gấp khoảng 130 lần chiều cao cơ thể.

Chu kỳ phát triển của bọ chét biến thái hoàn toàn trải qua 4 giai đoạn: trứng, ấu trùng, nhộng và trưởng thành. Bọ chét cái đẻ trứng trong các ổ trên cơ thể vật chủ hay chỗ ở của vật chủ có thể ở trong các đống rác, mùn đất, các kẽ nứt của sàn nhà hoặc tường nhà, khe hở của thảm trải nhà, hang động vật hoặc thậm chí cả tổ chim ... Một con bọ chét cái có thể chỉ giao phối một lần và đẻ 50 trứng một ngày trong quãng đời còn lại. Suốt cuộc đời một bọ chét cái đẻ khoảng trên 800 trứng.  Trứng có thể dính trên da, lông của vật chủ hoặc rơi xuống đất. Vì vậy, thường những vùng đất mà vật chủ trú ngụ là môi trường sống đầu tiên của trứng để phát triển thành ấu trùng bọ chét.

Tùy theo nhiệt độ và độ ẩm của môi trường, trứng sẽ nở từ 1 đến 10 ngày sau đó nở ra ấu trùng có bề ngoài khá giống sâu dài khoảng 2 mm, màu trắng, không có chân nhưng rất cơ động, cơ thể phủ đầy lông cứng, bộ phận miệng kiểu nhai. Trong giai đoạn này, ấu trùng không hút máu mà dinh dưỡng bằng cách ăn các tế bào da rơi rụng của ký chủ, phân bọ chét trưởng thành, và các sinh vật ký sinh khác sống trong đất. Sau khi ấu trùng trải qua 3 lần lột xác sẽ hóa kén phát triển thành nhộng và ẩn mình trong lớp đất xung quanh. Nhộng nằm trong kén được ngụy trang rất tốt vì có chất dính và nhanh chóng được các hạt bụi, các hạt cát mịn bao quanh, giai đoạn này kéo dài từ 1 tuần cho đến 6 tháng. Khi nhộng lột xác thành bọ chét, nó bước vào giai đoạn cuối là giai đoạn trưởng thành. Bọ chét trưởng thành dài từ 1 đến 4 mm tùy theo từng loài, có thân dẹt theo hai bên, không có cánh, chân phát triển mạnh để thực hiện được chuyển động nhảy và màu sắc của nó có thể thay đổi từ màu hơi nâu đến nâu đen tùy theo môi trường sống.

Bọ chét trưởng thành phát triển đầy đủ trong vòng từ 1 đến 2 tuần nhưng chỉ nở ra khỏi kén sau khi nhận được sự kích thích như sự rung động do di chuyển của vật chủ. Vòng đời của bọ chét khoảng 20 đến 35 ngày phụ thuộc vào nhiệt độ và độ ẩm của môi trường. Ở trong những ngôi nhà bỏ hoang, chúng có thể sống trong kén đến 1 năm. Người mới chuyển đến để ở trong căn nhà bỏ hoang có thể bị bọ chét đồng loạt nở từ nhộng tấn công với số lượng lớn. Trong điều kiện thuận lợi, thời gian từ trứng phát triển thành bọ chét trưởng thành kéo dài khoảng từ 2 đến 3 tuần.

Bọ chét trưởng thành có tập tính tránh ánh sáng, phần lớn thấy ẩn náu trong các đám lông tơ, lông vũ của động vật, ở giường ngủ, quần áo của con người... Nếu có điều kiện, bọ chét có thể chích đốt máu mọi lúc, cả ban ngày lẫn ban đêm. Khi có nhiều bọ chét chích đốt, có thể nhận biết được bằng sự xuất hiện dấu hiệu vết máu mà bọ chét không tiêu hóa hết được thải ra quần áo, giường chiếu... Hầu hết các loài bọ chét chích đốt máu một hoặc hai loài vật chủ, khi không có vật chủ ưa thích nó đốt người hoặc các động vật khác. Bọ chét trưởng thành có thể nhịn đói và sống được vài tháng.

Nhiệt độ thích hợp để bọ chét phát triển tốt nhất là khoảng 20-35 °C, độ ẩm 70- 85%. Bọ chét có thể sống đến một năm và tồn tại trong nhộng suốt 1 năm nếu điều kiện không thuận lợi. Ở môi trường trong nhà bọ chét sinh sản quanh năm, ngoài trời chỉ phát triển vào những tháng ấm. Ở miền Bắc nước ta thì bọ chét phát triển nhiều vào tháng 2 - 4 khi thời tiết chuyển từ mùa đông sang mùa xuân hè.

Việc hiểu biết về các loài bọ chét là rất quan trọng, giúp chúng ta nắm được sự phân bố của chúng, mật độ, khả năng gây bệnh và truyền bệnh của chúng. Trên thế giới có tới trên 2.200 loài bọ chét, trong đó có những loài thường gặp là:

Bọ chét chuột: Xenopsylla cheopis là một loài ký sinh trên các động vật gặm nhấm, chủ yếu là chuột, đóng vai trò là vector của bệnh dịch hạch và sốt phát ban chuột. Sự lan truyền bệnh xảy ra khi bọ chét hút máu động vật gặm nhấm, và sau đó hút máu người. Đầu tiên dịch hạch xảy ra ở các động vật hoang dại như chuột và các loài gậm nhấm khác. Con người có thể bị nhiễm bệnh dịch hạch do bọ chét hút máu động vật mắc dịch hạch và truyền trực khuẩn Yersinia pestis sang cho người qua vết đốt. Bọ chét chuột không có hàng răng lược ở hàm và ở ngực. Đặc điểm này được dùng để phân biệt với các loài bọ chét mèo, bọ chét chó và những loài bọ chét khác.

Bọ chét mèo: Trước đây chỉ có 1 loài, ngày nay đã xác định  là 2 loài: Ctenocephalides felis felisCtenocephalides felis orientis là những loài bọ chét phân bố rộng rãi và có số lượng quần thể đông đảo nhất trên thế giới và Việt Nam. Vật chủ chính của bọ chét mèo là mèo nhà, nhưng cũng lây nhiễm cho phần lớn các loài chó trên thế giới. Bọ chét mèo cũng có thể có chu trình sinh học trên các loài động vật ăn thịt khác và trên loài thú có túi VirginiaBọ chét mèo có thể lây truyền các loài ký sinh khác và lây nhiễm cho chó, mèo cũng như con người. Các vi khuẩn chính và bệnh lây nhiễm qua bọ chét mèo gồm Bartonella, sốt phát ban chuột, và apedermatitis. Ngoài ra, bọ chét mèo đã được tìm thấy mang Borrelia burgdorferi, tác nhân gây bệnh Lyme, tuy nhiên khả năng lan truyền bệnh này của bọ chét mèo hiện nay vẫn chưa rõ.

Bọ chét chó: Ctenocephalides canis  là loài chủ yếu sống ký sinh ở chó các nước ôn đới hiếm gặp ở Việt Nam.

Bọ chét người: Pulex irrtans ít quan trọng vì loài bọ chét này không thường xuyên lưu lại trên người sau khi chích đốt máu. Bọ chét người thường sống trong chuồng gia súc, gia cầm, ẩn náu vào các khe, kẽ, thảm trải nền nhà, chăn, màn, giường, chiếu... Loài bọ chét người cũng có thể có khả năng truyền bệnh từ người mắc bệnh sang người lành khi bị chích đốt máu.

Bọ chét chuột miền Bắc: Nosospsyllus fasciatus chủ yếu gặp ký sinh trên chuột ở vùng ôn đới, không gặp ở Việt Nam.

 


Hình 1 : Một số hình ảnh về bọ chét trưởng thành

Các biện pháp cơ bản phòng chống bọ chét

Có thể dùng một biện pháp hoặc phối hợp một số biện pháp để chống bọ chét, trong đó có cả biện pháp loại trừ vật chủ chính của bọ chét, sử dụng hóa chất để xua, diệt bọ chét hoặc vệ sinh môi trường loại bỏ nơi trú ngụ của bọ chét.

 Diệt chuột bằng các phương pháp bẫy, bả để giảm nguồn vật chủ ký sinh của bọ chét. Điều cần chú ý là nếu chuột chết hàng loạt sẽ làm cho nhiều bọ chét chuột rời vật chủ và đi tìm người để đốt thay thế và truyền dịch bệnh do đó cũng đồng thời cần các biện pháp diệt bọ chét.

Đối với các loài bọ chét đốt máu gây phiền hà có thể phòng chống, tự bảo vệ bằng các loại hóa chất xua côn trùng bôi ngoài da, vệ sinh nhà cửa, môi trường sống sạch sẽ; dùng các hoại hóa chất diệt côn trùng kết hợp. Đối với loài bọ chét truyền bệnh dịch hạch và sốt phát ban, có thể thực hiện biện pháp phun hóa chất diệt côn trùng vào nơi sống của chuột để diệt bọ chét chuột.

Tự bảo vệ cá nhân bằng những biện pháp vệ sinh đơn giản như  quét dọn, cọ rửa sàn nhà và giữ nhà sạch sẽ hoặc bằng máy hút bụi cũng có tác dụng loại bỏ bọ chét, trứng, ấu trùng và kén của nó. Dùng chất xua như DEET bôi vào da và quần áo có thể ngăn cản sự tấn công của bọ chét nhưng các chất xua bôi trên da chỉ có tác dụng một vài giờ. Dùng hóa chất diệt côn trùng trong trường hợp nhiễm bọ chét nặng, có thể phòng chống bằng phun hóa chất diệt côn trùng vào các khe, kẽ, góc phòng nơi có mặt bọ chét và ấu trùng. Cũng có thể dùng hóa chất xử lý quần áo và lông động vật. Các bình xịt hoặc xông hơi của các hóa chất diệt côn trùng tác dụng nhanh diệt bọ chét trực tiếp và tiện lợi cho việc sử dụng nhưng hiệu quả không cao. Tuy nhiên, tác dụng của hóa chất diệt ngắn và bọ chét có thể lại tái xuất hiện khi các ổ kén lại nở lứa mới.

 Đối với bọ chét chó và mèo có thể dùng hóa chất, phun, tẩm, gội vào lông của chúng nhưng hết sức cẩn thận không sẽ gây ngộ độc cho chó, mèo. Việc phòng chống cần được lặp lại nếu thấy bọ chét nhiễm lại. Nguồn gây nhiễm lại là những nơi mà động vật hoặc con người ngủ hoặc tiếp xúc nhiều như giường, chiếu, chăn, màn, củi… Nếu có thể nên đốt đi hoặc giặt bằng nước xà phòng nóng hoặc tẩm hóa chất vào vải lót ổ cho chó, mèo. Có thể dùng máy hút bụi để hút bụi trong đó có nhộng và ấu trùng bọ chét, và sau đó dùng hóa chất diệt côn trùng để phun tồn lưu nhà cửa. Vì kén của bọ chét ít nhạy cảm với hóa chất hơn ấu trùng và con trưởng thành, nên việc phun nhắc lại 2 tuần 1 lần trong khoảng thời gian 2 tháng là cần thiết để đảm bảo tất cả bọ chét mới nở đều bị diệt. Đối với bọ chét người không thường xuyên lưu lại trên người sau khi đốt máu ban ngày chúng ẩn vào các khe, kẽ, thảm, chăn, màn, giường, chiếu … cần phải thường xuyên quét dọn nhà cửa, đặc biệt là các phòng ngủ, có thể ngăn cản được sự nhiễm bọ chét với số lượng lớn. Việc phòng chống hiệu quả nhất là phun hóa chất vào đệm, các khe, kẽ ở sàn và giường. Chăn, màn, quần áo, đệm, chiếu cần được giặt sạch. 

Một số loại hóa chất diệt côn trùng sử dụng phun tồn lưu có hiệu quả chống bọ chét như Diazenon, Lambdacyhalothrin, Deltamethrin, Alphacypermethrin... Tuy nhiên, việc xử lý các ổ bọ chét không đơn giản, nhất là các khu vực dân cư đông đúc ở đô thị nhà cửa chật chội cần hạn chế các tác dụng không mong muốn của các hóa chất gây ra cho người và vật nuôi. Tốt nhất không nên tự mua hóa chất xử lý mà nên mời những người có chuyên môn phòng chống côn trùng để xử lý triệt để và đảm bảo an toàn.


TS. Vũ Đức Chính

Trưởng khoa Côn trùng,
Viện Sốt rét-Ký sinh trùng- Côn trùng Trung ương.
 
 
 

Thống kê truy cập

Đang online: 364

Số lượt truy cập: 22,749,230