Tìm hiểu về muỗi lắc (Chironomus)  7/14/2020 4:02:42 PM

Muỗi lắc (Chironomus) thuộc họ Chironomidae, phân bộ râu ngắn Nematocera, lớp côn trùng (Insecta), ngành chân đốt (Arthropoda).

 

Muỗi lắc (Chironomus) thuộc họ Chironomidae, phân bộ râu ngắn Nematocera, lớp côn trùng (Insecta), ngành chân đốt (Arthropoda). Muỗi lắc có khoảng hơn 10.000 loài, phân bố trên toàn thế giới. Chúng có thể sống được cả ở những nơi có điều kiện sống khắc nghiệt mà các loài côn trùng khác không thể sống được. Do tập tính sống thành đàn nên muỗi lắc có vai trò lớn trong chuỗi thức ăn, ấu trùng muỗi lắc của nhiều loài có màu đỏ tươi là thức ăn chính cho nhiều loài cá. Muỗi lắc trông giống muỗi nhưng không có khả năng hút máu, ngoài ra do tập tính rung lắc khi đậu nên thường gọi là muỗi lắc. Vòng đời của chúng trải qua 4 giai đoạn; Trứng, ấu trùng, nhộng và con trưởng thành.

Hình 1: Vòng đời của muỗi lắc Chironomus spp

Đặc điểm của muỗi lắc

Trứng

Trứng thường được đẻ vào lúc hoàng hôn hoặc ban đêm thành một khối, khối có dạng hình cầu đến hình trụ. Số lượng trứng giữa các loài cũng khác nhau. Cách đẻ tùy theo từng loài có loài khối trứng được thả xuống mặt nước, một số loài khác khối trứng được gắn vào giá thể nổi trên mặt nước hoặc bờ của thủy vực. Khối trứng được hình thành do vỏ trứng phồng lên có tác dụng chống khô. Sau 4 ngày trứng nở thành ấu trùng tuổi I. Mỗi khối trứng trung bình chứa khoảng 50 – 70 trứng. Trong điều kiện nhiệt đới, trứng sẽ nở trong vòng 24 – 48 giờ.

Ấu trùng

Ấu trùng muỗi lắc có dạng hình trụ trải qua 4 lần lột xác để thành quăng; ấu trùng tuổi I dài không quá 1mm, ấu trùng tuổi IV dài 10-15mm. Cơ thể chia làm 3 phần; phần đầu mang các phần phụ miệng, phần ngực chia làm 3 đốt; đốt ngực trước mang một đôi chân, phần bụng gồm 9 đốt, đốt bụng cuối mang một đôi chân đẩy có móc và lông cứng. Ấu trùng sống ở đáy bùn có nhiều chất hữu cơ, chúng dùng chất dịch từ tuyến nước bọt kết các hạt bùn thành ống và sống trong đó, phần đầu nhô ra ngoài tìm thức ăn là những mảnh chất hữu cơ đang phân hủy. Khi không bắt mồi, thân ấu trùng thực hiện những động tác hình sóng để đảo nước quanh thân, làm tăng hàm lượng dưỡng khí, ấu trùng muỗi lắc có màu đỏ tươi, giàu hemoglobin – huyết sắc tố giúp nó hấp thụ oxi trong điều kiện của đáy bùn.

Hình 2: Ấu trùng của muỗi lắc Chironomus spp có huyết sắc tố

Nhộng

Nhộng có chiều dài từ 1,5mm đến 20mm, hình dấu phẩy, màu sắc thay đổi từ màu sáng cho đến màu nâu sẫm, cơ thể chia làm ba phần: Đầu, ngực, bụng. Ngực trước có sừng là cơ qua hô hấp. Nhộng có hai dạng: Dạng di chuyển tự do và dạng nhộng nằm trong vỏ nhộng.  Nhộng di chuyển tự do có ống hô hấp thông với khí quản, khi bơi nhộng dùng mái chèo bằng lông ở đốt bụng cuối. Nhộng sống trong vỏ có ống hô hấp nhưng không thông với khí quản. Sau 2 ngày hoặc hơn nhộng nổi lên mặt nước và vũ hóa thành con trưởng thành.

Hình 3: Nhộng của Chironomus spp

Con trưởng thành

Con trưởng thành có chiều dài 1- 10 mm, thân mềm và mảnh, cánh không có vảy, cánh phát triển. Tuy nhiên ở một số loài cánh thoái hóa, con đực râu rậm dạng chổi lông, con cái râu thưa, cả con đực và con cái đều có ngực phình to. Đa số muỗi lắc hút mật hoa và dịch ngọt .Thời gian sống của con trưởng thành dài nhất là 1 – 2  ngày. Sau 3 – 5 ngày con trưởng thành thuần thục và đẻ trứng.

Hình 4: Con trưởng thành Chironomus spp

Vai trò Chironomus spp.

            Ấu trùng muỗi lắc được sử dụng để đánh giá sự ô nhiễm của môi trường với hóa chất. Ngoài ra chúng còn được sử dụng làm thức ăn cho nhiều loài cá. Vai trò truyền bệnh của muỗi lắc chưa được nghiên cứu. Tại Việt Nam có rất ít thông tin, tài liệu nghiên cứu về chúng.           


Môi trường sống của muỗi lắc (Chironomus)

Ấu trùng muỗi lắc được tìm thấy ở hầu hết các môi trường thủy sinh và bán thủy sinh bao gồm: hốc cây, thảm thực vật thối rửa, đất bùn, nước thải, ao, hồ, sông, suối, các thùng chứa nước nhân tạo thậm chí cũng có thể gặp ở các bể nước sinh hoạt do không đậy kín nắp bể đã tạo cơ hội cho con trưởng thành tìm đến đẻ trứng hoặc do trứng theo nguồn nước máy vào bể. Ấu trùng của muỗi lắc có màu đỏ tươi nên người ta thường nhầm lẫn chúng với giun. Con trưởng thành sống gần nơi có ngồn nước thuận tiện cho việc đẻ trứng.

Tài liệu tham khảo

1. Đỗ Văn Tứ, Lê Hùng Anh (2011), “Hiện trạng khu hệ động vật đáy cỡ lớn ở Hồ Tây, Hà Nội”, Hội nghị khoa học toàn quốc về sinh thái và tài nguyên sinh vật lần thứ 4, Nhà xuất bản Nông Nghệp, Hà Nội, tr436.

2. Armitage P.D, Cranston P.S, Pinder L.C.V, The Chironomidae, Springer – Sciense + Business Media, B.V, 1995.

3.Sang Woo Jung, Van Vinh Nguyen, Quang Huy Nguyen, Yeon Jae Bae (2007), “Aquatic insect faunas and communities of a mountain stream in Sapa Highland, Northern Vietnam, The Japanese Society of Limnology 2008.


ThS. Nguyễn Văn Đạt - Khoa Côn trùng

Thống kê truy cập

Đang online: 64

Số lượt truy cập: 22,853,405