Gia tăng dịch bệnh mùa hè: Không thể không lo  5/14/2014 4:42:19 PM

Ngoài dịch sởi vẫn đang“nóng” với 139 ca tử vong và nặng xin về có liên quan đến sởi, các bệnh tay-chân-miệng (TCM), sốt xuất huyết đều cũng ghi nhận tử vong

 Ngoài dịch sởi vẫn đang“nóng” với 139 ca tử vong và nặng xin về có liên quan đến sởi, các bệnh tay-chân-miệng (TCM), sốt xuất huyết đều cũng ghi nhận tử vong. Cùng với đó, các dịch bệnh khác như viêm não virut, thủy đậu... đều có nguy cơ bùng phát thành dịch trong mùa hè. Tình trạng này đã khiến các chuyên gia về dịch tễ cho rằng “không thể không lo” với dịch bệnh mùa hè...

Căng thẳng TCM, sốt xuất huyết phía Nam

Báo cáo tại buổi làm việc giữa Bộ Y tế với Sở Y tế TP.HCM về tình hình nhiều dịch bệnh diễn ra chiều ngày 12/5, đại diện Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết, số ca mắc bệnh TCM nhập viện tại các bệnh viện trên địa bàn tính từ đầu năm đến nay là 3.373 ca, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn cả số ca sởi nhập viện cùng kỳ năm nay (gần 1.600 ca). “Bệnh TCM đang bước vào giai đoạn đỉnh dịch đầu tiên của năm 2014”, BS. Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM nhận định.

Tuyên truyền phòng chống sốt xuất huyết. Ảnh: Trần Minh

Tuyên truyền phòng chống sốt xuất huyết. Ảnh: Trần Minh

Theo BS. Lê Bích Liên - PGĐ BV Nhi đồng 1, số ca TCM đã tăng đều qua các tháng 2, 3, 4. Số ca TCM nhập viện tại BV qua 4 tháng đầu năm là hơn 2.000 ca, cao hơn cả số ca sởi nhập viện tại đây. BS. Liên lo lắng, hiện tại, bệnh sởi và thủy đậu vẫn ở mức cao; trong khi đó, TCM đang tăng, sốt xuất huyết thì dự báo sẽ tăng trong tháng 5 hoặc đầu tháng 6 khi mùa mưa đến. Đặc biệt, cả bệnh sởi và TCM biến chứng nặng đều gây tổn thương phổi, suy hô hấp, trẻ phải được dùng máy thở. Vì vậy, BV Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 đã đề xuất tăng cường thêm 8 máy thở, 30 monitor theo dõi và máy chụp Xquang tại giường để phục vụ điều trị.

Trong khi đó, BS. Trịnh Hữu Tùng - Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp - BV Nhi đồng 2 cũng cho biết, số lượng bệnh nhân TCM đang tăng nhanh. Số ca TCM điều trị tại BV trong tháng 4 cao gấp gần 2 lần so với tháng 3 (tháng 4 là 478 ca, tháng 3 là 257 ca). Chỉ tính từ ngày 1 - 11/5, BV đã điều trị nội trú cho 194 trẻ bị TCM.

Về vấn đề này, BS. Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM khẳng định, ngành y tế TP. Hồ Chí Minh vẫn đang kiểm soát được dịch bệnh. Giữa tháng 5 sẽ tiêm vét vaccin sởi cho trẻ dưới 10 tuổi, đồng thời vẫn duy trì tiêm chủng theo lịch tại các trạm y tế.

Miền Bắc: Vào mùa bệnh viêm não Nhật Bản

Trong khi nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát ở miền Nam, tại miền Bắc bắt đầu vào mùa của bệnh viêm não virut (viêm não Nhật Bản). Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, năm nay có 191 trường hợp mắc và 3 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2013, số người mắc đã tăng 9% và còn tăng nữa. Hiện bệnh viêm não virut đã có vaccin phòng bệnh, ngành y tế khuyến cáo người dân nên tiêm phòng đầy đủ để đẩy lùi nguy cơ nhiễm bệnh. Bệnh dại cũng là bệnh đặc biệt cần lưu ý. Từ đầu năm tới nay, đã có 15 người chết vì bệnh dại tại 10 tỉnh, thành phố, chủ yếu là ở các tỉnh miền núi phía Bắc. “Vào mùa dịch năm trước có 100 người chết vì bệnh dại. Người đã mắc bệnh dại là chắc 100% chết”, ông Phu nhấn mạnh. Do vậy, thực hiện tiêm vaccin phòng dại đầy đủ trên đàn chó là cách phòng chống bệnh dại tốt nhất.

Cũng liên quan đến tình hình dịch bệnh, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tính đến hết ngày 12/5, Saudi Arabia đã có thêm 6 trường hợp nhiễm mới và 5 ca tử vong do virut gây hội chứng viêm hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS-CoV), nâng tổng số ca nhiễm bệnh tại đây lên 491 người, trong đó có 147 ca tử vong. Số mắc và tử vong tăng nhanh khiến Tổ chức Y tế Thế giới và các quốc gia hết sức lo ngại vì diễn biến khó lường của bệnh MERS-CoV. PGS.TS. Trần Đắc Phu nhấn mạnh, việc chúng ta phải quan tâm tới MERS-CoV vì virut MERS-CoV gây ra bệnh viêm đường hô hấp cấp tính nặng ở phần lớn các bệnh nhân bị nhiễm virut này và 50% tử vong, trong khi virut lây truyền từ người sang người và có thể lan truyền ra nhiều quốc gia. Theo ông Phu, những lo lắng về hội chứng viêm đường hô hấp ở Trung Đông do virut MERS-CoV đến Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở vì số lượng lớn người Việt Nam xuất khẩu lao động tại khu vực Trung Đông khi trở về có thể mang theo mầm bệnh. Đồng thời, ngay cả ở khu vực Đông Nam Á, Malaysia và Philippines đã ghi nhận các trường hợp mắc virut Corana sau khi trở về từ khu vực Trung Đông. Hiện, Bộ Y tế đã chỉ đạo tăng cường giám sát, lấy mẫu các trường hợp nghi ngờ để phát hiện sớm ca bệnh; tăng cường giám sát y tế tại các cửa khẩu, đặc biệt là các trường hợp trở về từ vùng dịch.

Nguồn : www.suckhoedoisong.vn

Thống kê truy cập

Đang online: 399

Số lượt truy cập: 23,426,054