Nằm trong chương trình hợp tác nghiên cứu bệnh sốt rét lan truyền giữa khỉ và người, sáng 6/3, tại Nha Trang, Ủy ban Y tế Việt Nam – Hà Lan đã phối hợp với Trung tâm phòng chống sốt rét tỉnh Khánh Hòa, Hội Hỗ trợ phát triển khoa học Nhật Bản và Viện Nghiên cứu Nhân loại và Tự nhiên Nhật Bảntổ chức Hội thảo quốc tế chuyên đề "Sốt rét trong rừng: từ khỉ sang người"
Hội thảo lần này tập hợp các bác sĩ, các nhà nghiên cứu sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng, các nhà nhân loại học và các chuyên gia nghiên cứu về loài khỉ để cùng thảo luận về các vấn đề có liên quan đến phát hiện sốt rét từ khỉ sang người.

Theo báo cáo của Ủy ban Y tế Việt Nam – Hà Lan,lâu nay, mọi người chỉ biết sốt rét lây truyền từ người sang người, tuy nhiên theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thế giới thì sốt rét có thể truyền từ động vật hoang dã, trong đó đầu tiên phải kể đến là loài khỉ. Năm 2009, ở nước ta phát hiện 3 ca sốt rét bởi ký sinh trùng của khỉ. Tại tỉnh Khánh Hòa, người ta phát hiện ra rằng sốt rét khỉ truyền sang người là do một loài muỗi thường mang ký sinh trùng sốt rét của khỉ truyền sang người.Vào tháng 7/2008, các nhà nghiên cứu về bệnh sốt rét ở Khánh Hòa cũng đã bắt được con muỗi đầu tiên mang ký sinh trùng gây bệnh sốt rét của khỉ.
Tại hội thảo, các chuyên gia nghiên cứu trong và ngoài nước đã trao đổi các kết quả nghiên cứu về lĩnh vực dịch tễ sốt rét, các loài muỗi và các yếu tố môi trường có liên quan tới sự lây nhiễm ký sinh trùng sốt rét từ khỉ sang người. Buổi hội thảo cũng mang đến cơ hội hợp tác mới và hiệu quả liên quan đến các lĩnh vực này trong tương lai./.
Nguồn ktv.org.vn