Theo các nhà nghiên cứu thuộc đại học trên, nếu chúng ta rời nhà để đi làm vào buổi sáng với chiếc dạ dày trống rỗng thì có nguy cơ tăng lượng mỡ bao quanh dạ dày cũng như tăng lượng cholesterol trong máu và đây là những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới các bệnh về tim mạch.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy rằng những người ăn sáng thất thường có lượng insulin trong máu cao hơn những người ăn sáng đều đặn. Lượng insulin trong máu cao là một dấu hiệu của chứng bệnh đái tháo đường.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành theo dõi thói quen ăn sáng của 2.184 trẻ em trong độ tuổi 9-15 vào năm 1985, trong thời gian hơn 20 năm. Trong thời gian này, các nhà khoa học tiến hành phân tích kết quả kiểm tra sức khoẻ của những người tình nguyện và so sánh với thói quen ăn uống của họ.
Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng tỷ lệ mắc bệnh tim mạch ở những người ăn sáng thất thường cao hơn so với những người thường xuyên ăn sáng. Những người mắc bệnh tim mạch thường ở độ tuổi trưởng thành.
Nguyên nhân ăn sáng không đều đặn làm tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch được các nhà khoa học giải thích là do những người không ăn sáng thường có xu hướng ăn vặt các đồ ngọt và ít vận động hơn vì họ thường xuyên cảm thấy uể oải.
Các nhà khoa học cũng cảnh báo rằng thói quen ăn sáng không thường xuyên của bố mẹ và những người lớn có thể ảnh hưởng tới trẻ em vì thói quen này sẽ được trẻ học hỏi, tiếp thu khi lớn lên. Vì thế, các chuyên gia sức khoẻ khuyên bạn nên dành một chút thời gian ăn sáng cùng gia đình trước khi ra khỏi nhà.
Các nhà khoa học cho rằng, một trong những lí do có thể là do các bạn trẻ ưa chuộng các bữa ăn nhẹ với những thực phẩm nhiều đường hơn và lười tập thể dục trong khi lượng chất xơ, vitamin và khoáng chất hấp thu vào cơ thể cũng thấp hơn.
Chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu Catherine Collins cho biết, thiếu bữa ăn sáng là một “điểm mốc” cho một lối sống không lành mạnh hoặc lối sống hỗn loạn.
Theo Huyetap.net