Đẻ thường, sản phụ cũng vào BV Phụ sản T.Ư trong khi trạm y tế xã phường, nhà hộ sinh “thừa sức” đỡ đẻ; cảm cúm xoàng với triệu chứng ho hắng bình thường người bệnh cũng cất công vào BV tuyến trên…
Công bằng mà nói, điều trị ở đâu là quyền của bệnh nhân song “do quy chế phân tuyến khám chữa bệnh chưa nghiêm khiến bệnh nhân tự ý vượt tuyến như hiện nay là lỗi của Bộ Y tế”- Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận trong chuyến thị sát tình trạng quá tải BV tại các tỉnh phía Nam hồi cuối tháng 11 vừa qua. Chính điều này khiến quá tải BV ngày càng trở thành căn bệnh trầm kha, càng giảm tải lại càng… quá tải.
Tuyến dưới thưa thớt, tuyến trên gồng mình
Ngay từ khi mang thai mấy tháng đầu, chị Lê Thị Diệp, trú tại Nguyễn Khánh Toàn (Hà Nội) đã đăng ký khám định kỳ tại BV Phụ sản T.Ư. Chị cho biết, do là con đầu lòng nên cả gia đình đều muốn chị đến khám tại nơi đầu ngành, sinh con cũng tại BV này luôn. Thế nhưng, cứ mỗi lần đến khám thai là một lần mệt nhọc phờ phạc vì bên cạnh chị Diệp còn hàng trăm chị em khác bụng bầu vượt mặt chen nhau xếp hàng.
Thống kê cho thấy có khoảng 80% số thai phụ vào BV Phụ sản T.Ư là đẻ thường không cần những kỹ thuật phức tạp. Trong khi đó, tại trạm y tế phường, các nhà hộ sinh (NHS) trên địa bàn TP. Hà Nội thì “vắng như chùa Đanh”. Hà Nội hiện có 4 NHS: NHS A ở Ngô Quyền, NHS B ở Lò Đúc, NHS Hàng Bún và NHS Đống Đa dù được đầu tư khá khang trang nhưng số lượng bệnh nhân đến các điểm này chỉ đếm trên đầu ngón tay, có khi một ngày chưa chắc có nổi một ca để đỡ đẻ.
Khi được hỏi, đa số các sản phụ lo lắng cho rằng, nếu đi đẻ ở NHS chẳng may có gì bất trắc thì chuyển viện liệu có kịp? Cho nên, lựa chọn các BV sản vốn đã có thương hiệu sẽ phần nào giải tỏa được tâm lý người bệnh, dù có phải bon chen đến mấy.
Anh Trần Thành Nam đưa người nhà đi khám tim mạch tại BV Bạch Mai nói: “Ai chả muốn khám bệnh gần nhà lại đỡ tốn kém chi phí đi lại, ăn ở. Nhưng nói thật khám ở BV dưới quê tôi không yên tâm chút nào…”.
Trước thực trạng này, TS. Lý Ngọc Kính, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế y tế VN, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, quá tải BV tồn tại từ lâu nhưng càng ngày tình trạng này càng thêm trầm trọng hơn. Một số BV tuyến dưới thiếu các chuyên khoa ung thư, tim mạch, nhi, chấn thương chỉnh hình… nên bệnh nhân phải lên tuyến trên điều trị. Song không phải BV nào cũng trong tình trạng quá tải thực sự. Có trường hợp người bệnh đổ xô vượt tuyến điều trị trong khi tình trạng bệnh tật chưa đến mức ấy dẫn đến quá tải “ảo”.
TS. Kính nói thêm: “Tâm lý người bệnh bao giờ cũng muốn chọn nơi gần nhà nhất rồi mới tính đến chất lượng. Nhưng nếu chất lượng y tế cơ sở không đầy đủ thì buộc lòng bệnh nhân phải vượt tuyến điều trị nên mới xảy ra tình trạng tuyến dưới thưa thớt, tuyến trên gồng mình như vậy”.
Lúng túng giảm tải
Vấn đề giảm tải trong ngành y đã được đặt ra từ rất lâu song cho đến nay, BV vẫn quá tải, bệnh nhân chịu khổ. Qua các nhiệm kỳ Bộ trưởng, Bộ Y tế vẫn chưa cải thiện được tình hình, đến nỗi trong đợt thị sát tình trạng quá tải vừa qua, chính Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phải thốt lên rằng “Tôi đã đi hết các nước Đông Nam Á nhưng chưa nơi nào có tình trạng quá tải BV như nước ta khi bệnh nhân phải nằm dưới đất, dưới gầm giường”. Thật chua xót!
Tuy nhiên, giải pháp Bộ Y tế đưa ra hiện nay mới chỉ là kê thêm giường, tăng giờ làm, giảm ngày điều trị… song nhiều chuyên gia cho rằng, muốn giải quyết gốc rễ vấn đề cần nhiều giải pháp đồng bộ chứ không chỉ các biện pháp mang tính tình thế như hiện nay.
TS. Kính nhận định, chúng ta không thể bắt người bệnh khám ở đây, cấm họ điều trị ở nơi khác. Người dân có quyền khám chữa bệnh ở nơi nào họ cho là tốt. Vì vậy, Nhà nước chỉ có thể tập trung đầu tư hạ tầng, nâng cao cơ sở vật chất, trang thiết bị cho tuyến dưới... để người bệnh có niềm tin vào y tế cơ sở; tập trung đầu tư mở rộng các chuyên khoa ung bướu, sản, nhi vốn đã quá tải chứ không nên mở rộng dàn trải, tràn lan. Đồng thời, phải điều chỉnh cơ chế chính sách để chống lại tình trạng quá tải “ảo” tại các BV.
Thực tế cho thấy, một số BV không muốn giảm tải vì sẽ làm giảm nguồn thu. Theo TS. Kính, Bộ Y tế cần phân tuyến kỹ thuật và danh mục khám chữa bệnh thật rõ ràng cho các tuyến. Nếu tuyến trên nhận làm những kỹ thuật thông thường mà tuyến dưới có thể đảm trách thì cũng chỉ được trả phí như tuyến dưới, không được trả cao hơn. Bên cạnh đó, cơ chế giá của các tuyến cần chênh lệch thật cao để người bệnh phải cân nhắc trong việc khám chữa bệnh ở đâu.
Tuy nhiên, nói về tình trạng quá tải BV, một bác sĩ nhận định, quá tải BV như một khối u, chúng ta chỉ có thể giải quyết dần dần cắt bỏ cái nhân trong khối u đó chứ chưa thể chắc như đinh đóng cột rằng bao nhiêu năm nữa sẽ hết quá tải BV. Trong tương lai 10 năm tới đây chỉ có thể cơ bản đưa khám chữa bệnh vào quỹ đạo ổn định, còn giảm tải BV thì cần phải lộ trình khá dài.
Và như vậy, bài toán giảm tải BV chưa biết đến bao giờ!.
Theo Lao Động