Là một nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều loại bệnh bị lãng quên trong đó các bệnh giun chỉ bạch huyết, mắt hột và đặc biệt là các bệnh giun sán ký sinh. Trong những năm qua, chương trình phòng chống và loại trừ bệnh Giun chỉ bạch huyết và bệnh Mắt hột đã thu được những thành công nhất định làm cơ sở cho việc tiến hành loại trừ các bệnh này vào năm 2014-2016. Bên cạnh đó các bệnh giun truyền qua đất và bệnh sán truyền qua thức ăn đã và đang nổi lên là một vấn đề sức khỏe tại cộng đồng. Ước tính có khoảng 67 triệu người trong số 86 triệu người dân Việt Nam ở 53 trên tổng số 63 tỉnh thành sống trong vùng dịch tễ của bệnh giun truyền qua đất, khoảng 500.000 người có nguy cơ nhiễm bệnh sán lá gan nhỏ, từ 3.000-4.000 người nhiễm sán lá gan lớn và hàng trăm người nhiễm bệnh sán dây/ấu trùng sán lợn. Đây là những bệnh có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân, từ trẻ em, phụ nữ độ tuổi sinh sản, phụ nữ mang thai đến những người già. Điều đặc biệt là những bệnh này hiện vẫn tồn tại và phân bố rộng rãi trong cộng đồng, nhất là những vùng khó khăn.
Trong 2 ngày 8-9/9/2011, tại Hà Nội, trong chương trình hợp tác với Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), được sự đồng ý của Bộ Y tế Việt Nam, Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương, Bệnh viện mắt Trung ương đã tổ chức cuộc họp các nhà tài trợ cho dự án loại trừ bệnh giun chỉ bạch huyết, bệnh mắt hột và phòng chống giun sán giai đoạn 2011-2015.
PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì hội nghị, tham gia hội nghị còn có lãnh đạo cục Y tế Dự phòng, Đại diện Vụ Kế hoạch và Tài chính, Bộ Y tế. Đại diện Vụ hợp tác quốc tế, Cục quản lý khám chữa bệnh, Cục quản lý môi trường, Cục vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ Y tế, Viện SR-KST-CT Quy Nhơn và Thành Phố Hồ Chí Minh.
Đơn vị tổ chức tổ chức hội nghị gồm :
Nguyễn Mạnh Hùng Viện trưởng Viện Sốt rét-KST-CT TƯ và các chuyên viên của Viện
PGS.TS. Nguyễn Như Hơn Giám đốc bệnh viện Mắt TƯ và các chuyên viên .
Các tổ chức quốc tế tham dự gồm:
Ngài David Shear, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam và các đại biểu cơ quan đại sứ
Bà Marci Van Dyken đại diện USAID tại Washington.
Trưởng đại diện và chuyên viên của tổ chức USAID Vietnam
TS. Babatunde Olowokure, đại diện Tổ chức y tế thế giới tại Việt Nam và chuyên gia của WHO của Việt Nam và WHO khu vực Tây Thái Bình Dương.
Các nhà tài trợ tham gia hội nghị có TS. Vincent Dewitt, đại diện Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Đại diện các tổ chức FHI, Alive&Thrive, FIT for school, FHF, HKI, ICEE, CBM, World Vision Australia, và World Vision Viet Nam.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên nhấn mạnh, mặc dù đã được Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới và các tổ chức quốc tế hỗ trợ, quan tâm tới công tác phòng chống nhưng tình hình bệnh giun sán ký sinh vẫn diễn biến phức tạp, tác hại của bệnh đối với sức khỏe và đời sống nhân dân, nhất là trẻ em và phụ nữ rất lớn. Nguyên nhân của tình trạng trên là do triệu chứng, nguy cơ của bệnh không như nhiều bệnh truyền nhiễm cấp tính khác nên chưa được cộng đồng quan tâm đúng mức.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên, Đại sứ Mỹ David Shear và các đại biểu tham dự cuộc họp
Qua cuộc họp, Bộ Y tế cũng kêu gọi các nguồn đầu tư từ chính phủ, các tổ chức quốc tế hỗ trợ và tài trợ cho công tác phòng chống các bệnh nhiệt đới bị lãng quên trong đó chú trọng vào việc thanh toán bệnh giun chỉ bạch huyết và bệnh mắt hột. Tham dự cuộc họp, thay mặt các tổ chức quốc tế, Ngài đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam- David Shear hoan nghênh thành công của Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong công tác phòng chống và tiến tới loại trừ bệnh giun chỉ bạch huyết, bệnh mắt hột trong những năm 2014-2016, bên cạnh đó làm giảm mạnh tỷ lệ mắc, giảm cường độ nhiễm và giảm gánh nặng bệnh tật do bệnh giun sán gây nên qua những nỗ lực phối hợp phòng chống lây lan và điều trị những người mắc bệnh và qua việc cải thiện các tiêu chuẩn sinh hoạt nói chung. Đồng thời, Chính phủ Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ Bộ Y tế trong quá trình Việt Nam chuẩn bị tiến hành những bước cuối cùng để khẳng định việc thanh toán bệnh giun chỉ bạch huyết, hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân giun chỉ bạch huyết và mắt hột. Thêm vào đó các bệnh giun truyền qua đất và bệnh sán truyền qua thức ăn vẫn là các vấn đề lớn về y tế công cộng cần phải được phòng chống, giám sát. USAID sẽ hỗ trợ một số hoạt động tăng cường năng lực về phối hợp ứng phó, hỗ trợ hoạt động điều tra, đánh giá trọng điểm và một số hoạt động phòng chống bệnh giun sán,. Ngài đại sứ cũng bày tỏ lời cảm ơn tới Bộ Y tế Việt Nam, đặc biệt là Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương (NIMPE) đã phối hợp với USAID tổ chức thành công cuộc họp này.
Từ thành công của các chương trình y tế quốc gia trong những năm qua cho thấy các bài học kinh nghiệm quan trọng trong thanh toán các bệnh dịch nói chung, đó là nếu có cam kết chính trị mạnh mẽ và sự tham gia tích cực của toàn bộ hệ thống chính trị, xã hội hoá công tác phòng bệnh, hoàn thiện hệ thống y tế vững mạnh, đủ năng lực và có sự đầu tư hiệu quả về tài chính và kỹ thuật của các tổ chức quốc tế về hỗ trợ và giúp đỡ nhiều hơn cho hoạt động phòng chống các bệnh bị lãng quên nói chung và đặc biệt là công tác loại trừ bệnh giun chỉ bạch huyết, bệnh mắt hột và phòng chống các bệnh giun sán ký sinh, có thể khẳng định hàng triệu người dân Việt Nam sẽ tránh được nguy cơ mắc các bệnh này.
ThS. Đỗ Trung Dũng
Viện Sốt rét-KST-CT TƯ