Fact sheet N°366
Updated May 2015
Tại http://www.who.int/mediacentre/factsheets/fs366/en/
Thông tin Chính
- Nhiễm giun truyền qua đất do một số loài giun tròn ký sinh gây ra.
- Truyền qua trứng có trong phân người, sau đó nhiễm vào đất ở những nơi có điều kiện vệ sinh kém.
- Trên toàn thế giới có khoảng 2 tỷ người bị nhiễm bệnh giun truyền qua đất.
- Trẻ em nhiễm bệnh bị giảm phát triển về thể chất, dinh dưỡng và năng lực nhận thức.
- Phòng chống bệnh giun truyền qua đất được dựa trên:
+ Tẩy giun định kỳ để loại trừ giun gây bệnh
+ Giáo dục sức khỏe để phòng tránh tái nhiễm
+ Cải thiện điều kiện vệ sinh để giảm tình trạng đất bị nhiễm trứng giun gây bệnh.
- Sử dụng các loại thuốc an toàn và hiệu quả hiện có để phòng chống nhiễm giun.
Nhiễm giun truyền qua đất (Soil-transmitted helminth infections) là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến nhất trên toàn thế giới và ảnh hưởng lớn đến những dân nghèo và những cộng đồng kém phát triển. Chúng được truyền qua trứng có mặt trong phân người do đó làm ô nhiễm đất ở những nơi vệ sinh kém. Các loài chính gây bệnh cho người là giun đũa (Ascaris lumbricoides), giun tóc (Trichuris trichiura) và giun móc giun mỏ (Necator americanus và Ancylostoma duodenale).
Sự phân bố bệnh trên toàn cầu và tỷ lệ mắc
Hơn 1,5 tỷ người tức là khoảng 24% dân số trên toàn thế giới bị nhiễm giun truyền qua đất. Bệnh được phân bố rộng ở khắp khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới với số lượng lớn nhất xảy ra ở vùng cận sa mạc Sahara châu Phi, châu Mỹ, Trung Quốc và Đông Nam Á.
Hơn 270 triệu trẻ em trước tuổi đến trường và hơn 600 triệu trẻ em trong độ tuổi đến trường sống ở những nơi mà các ký sinh trùng này lan truyền mạnh mẽ, và cần điều trị và can thiệp dự phòng.
Lan truyền
Giun truyền qua đất được truyền qua trứng có trong phân của người bị nhiễm bệnh. Giun trưởng thành sinh sống trong ruột người, chúng có thể đẻ hàng ngàn trứng mỗi ngày. Ở những khu vực tình trạng vệ sinh kém, trứng giun gây ô nhiễm đất. Điều này có thể xảy ra theo nhiều cách:
- Trứng bám vào rau quả được đưa vào đường tiêu hóa khi con người ăn rau quả không được rửa sạch và nấu chín kỹ;
- Trứng xâm nhập vào đường tiêu hóa từ các nguồn nước bị ô nhiễm;
- Trẻ em bị nhiễm bệnh khi chơi ở nơi đất bị nhiễm trứng giun và sau đó cho tay vào miệng mà không rửa sạch trước đó.
Ngoài ra, trứng giun móc/mỏ phát triển trong đất thành ấu trùng trưởng thành thành, một dạng có thể chủ động xâm nhập vào da. Người bị nhiễm giun móc chủ yếu do đi chân trần trên nền đất bị ô nhiễm trứng giun. Bệnh không lan truyền trực tiếp từ người này sang người khác, hoặc nhiễm bệnh từ phân tươi, bởi vì trứng ở trong phân cần khoảng thời gian ba tuần để nở thành giun trưởng thành trong đất trước khi chúng lây nhiễm. Vì những con giun này không nhân lên trong vật chủ người, nên tái nhiễm xảy ra khi người tiếp xúc với các giai đoạn trứng có khả năng lây nhiễm trong môi trường.
Tỷ lệ mắc bệnh và triệu chứng
Tỷ lệ mắc bệnh có liên quan đến số lượng giun ký sinh tại đó. Người nhiễm nhẹ thường không có triệu chứng. Những người nhiễm nặng hơn có thể xuất hiện một loạt các triệu chứng bao gồm các biểu hiện về tiêu hóa (tiêu chảy, đau bụng), khó chịu và suy nhược, và suy giảm sự phát triển nhận thức và thể chất. Giun móc gây mất máu đường ruột mãn tính có thể dẫn đến thiếu máu.
Ảnh hưởng Dinh dưỡng
Giun truyền qua đất làm suy giảm tình trạng dinh dưỡng của những người bị nhiễm bệnh theo nhiều cách khác nhau.
- Giun hấp thu các mô của vật chủ bao gồm máu, dẫn hậu quả người mất sắt và protein.
- Giun làm giảm hấp thụ dinh dưỡng. Ngoài ra, giun đũa có khả năng lấy vitamin A ở ruột.
- Một số giun truyền qua đất cũng gây biếng ăn và do đó giảm hấp thụ dinh dưỡng và độ khỏe mạnh về thể chất. Đặc biệt, giun tóc T. trichiura có thể gây ra tiêu chảy và bệnh lỵ.
Sự suy giảm dinh dưỡng do giun truyền qua đất được xem là một tác động nghiêm trọng đến sự tăng trưởng và phát triển thể chất.
Chiến lược phòng chống của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)
Năm 2001, các đại biểu tại Hội đồng Y tế Thế giới đã nhất trí thông qua nghị quyết (WHA54.19) kêu gọi các nước đang có bệnh lưu hành phải bắt đầu giải quyết bệnh giun sán một cách nghiêm túc, cụ thể là bệnh sán máng và bệnh giun truyền qua đất.
Chiến lược phòng chống nhiễm giun truyền qua đất là kiểm soát tỷ lệ mắc bệnh thông qua điều trị định kỳ cho người dân sống trong vùng lưu hành bệnh. Những người có nguy cơ nhiễm giun truyền qua đất là:
- Trẻ em trước tuổi đi học;
- Trẻ em trong độ tuổi đi học;
- Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (bao gồm cả phụ nữ đang cho con bú và phụ nữ mang thai trong ba tháng giữa và ba tháng cuối thai kỳ);
- Người trưởng thành làm việc trong môi trường nguy cơ cao như công nhân chè hay thợ mỏ.
WHO khuyến cáo điều trị bằng thuốc định kỳ (tẩy giun) cho tất cả những đối tượng nguy cơ sống trong vùng lưu hành bệnh mà không cần chẩn đoán xét nghiệm trước đó. Điều trị nên được tiến hành mỗi năm một lần khi tỷ lệ nhiễm giun truyền qua đất trong cộng đồng là trên 20% và 2 lần một năm khi tỷ lệ nhiễm giun truyền qua đất trong cộng đồng là trên 50%. Can thiệp này làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và giảm được gánh nặng do giun gây ra. Ngoài ra:
- Giáo dục sức khỏe và vệ sinh làm giảm sự lan truyền và giảm tái nhiễm bằng cách khuyến khích các hành vi lành mạnh; và
- Cung cấp điều kiện vệ sinh đầy đủ cũng rất quan trọng nhưng không phải lúc nào cũng khả thi do nguồn lực hạn chế.
Kiểm soát tỷ lệ mắc bệnh nhằm mục đích làm giảm cường độ lây nhiễm và bảo vệ các cá nhân bị nhiễm bệnh khỏi mắc bệnh thông qua điều trị định kỳ cho quần thể dân số có nguy cơ.
Tẩy giun định kỳ có thể dễ dàng kết hợp với Ngày sức khỏe trẻ em hoặc các chương trình bổ sung vi chất và dinh dưỡng cho trẻ em mẫu giáo, hoặc lồng ghép với các chương trình y tế học đường. Năm 2011, hơn 368 triệu trẻ em ở độ tuổi đi học được điều trị bằng thuốc sổ giun tại các quốc gia lưu hành bệnh, tương ứng với 42% số trẻ em có nguy cơ.
Trường học là địa điểm đặc biệt thuận lợi cho các hoạt động tẩy giun, vì chúng cho phép cung cấp dễ dàng các hợp phần giáo dục sức khỏe và vệ sinh như tuyên truyền rửa tay và cải thiện tình trạng vệ sinh.
Các thuốc được WHO khuyến cáo
Các loại thuốc được WHO khuyến cáo sử dụng – Albendazol 400 mg và Mebendazole 500 mg - có hiệu quả, rẻ tiền và dễ sử dụng bởi nhân viên/đối tượng không thuộc ngành y tế (ví dụ như giáo viên). Các thuốc này, đã trải qua quá trình thử nghiệm an toàn trên qui mô lớn và đã được sử dụng rộng rãi cho hàng triệu người với ít tác dụng ngoại ý muốn hoặc không đáng kể.
Cả albendazol và mebendazol đều được WHO trợ cấp miễn phí thông qua Bộ Y tế các nước đến tất cả những nước có bệnh lưu hành để điều trị cho trẻ em ở độ tuổi đến trường.
Mục tiêu toàn cầu
Mục tiêu toàn cầu là loại trừ các bệnh do giun truyền qua đất ở trẻ em vào năm 2020. Điều này được thực hiện bằng cách thường xuyên điều trị cho ít nhất 75% số trẻ em ở các vùng lưu hành bệnh.
Bùi Trang
Biên dịch từ: http://www.who.int/mediacentre/factsheets/fs366/en/