Mắc giun xoắn, dễ chẩn đoán nhầm  3/27/2012 9:53:00 AM

Thời gian qua, thông tin về 6 người dân ở huyện Mường Lát, Thanh Hóa do ăn thịt lợn chưa được nấu chín phải nhập viện với các biểu hiện như đau cơ, sốt cao, phù… đã gây xôn xao dư luận. Sau khi được các bác sĩ thăm khám và tiến hành làm các xét nghiệm, kết luận 6 người dân này đều bị nhiễm giun xoắn – một loại giun có mặt trong các món ăn vốn được nhiều người ưa thích như tiết canh, nem chạo, nem thính.

Để làm rõ hơn vấn đề này, ban biên tập website xin trích dẫn cuộc phỏng vấn của phóng viên báo SK&ĐS đối với PGS.TS. Nguyễn Văn Đề, Chủ nhiệm bộ môn Ký sinh trùng, Đại học Y Hà Nội, người đã có hơn 30 năm nghiên cứu về ký sinh trùng.

PV: Thưa ông, thông tin về 6 người dân ở huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa phải nhập viện do ăn thịt lợn chưa được nấu chín đã gây xôn xao dư luận. Được biết, ông đã được Bệnh viện Các bệnh nhiệt đới Quốc gia mời thăm khám các bệnh nhân này khi họ chuyển viện ra Hà Nội, ông có thể nói gì về căn bệnh họ mắc phải?
 PGS.TS. Nguyễn Văn Đề.
PGS.TS. Nguyễn Văn Đề: 6 bệnh nhân ở huyện Mường Lát, có 4 người hiện đang điều trị tại Bệnh viện Các bệnh nhiệt đới Quốc gia, 2 người điều trị ở Khoa Lây, BV Bạch Mai đều có các biểu hiện ban đầu khi nhập viện ở tuyến dưới là sốt cao, đau cơ, phù mặt hoặc chân, đi lại khó khăn… Tiến hành làm xét nghiệm Elisa đều dương tính với kháng nguyên giun xoắn (tại Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương).
 
Người nhà bệnh nhân đều cho biết, trước khi nhập viện họ đều cùng ăn món nem thính (người dân tộc thường gọi là món “lạp”). Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, một đoàn công tác bao gồm Viện Sốt rét-KST-CT TW và Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương đã lên công tác tại huyện Mường Lát. Điều tra dịch tễ, đoàn công tác đã ghi nhận ngoài 6 bệnh nhân phải nhập viện điều trị còn có 18 người dương tính với kháng nguyên giun xoắn, 27 người nữa có các triệu chứng ban đầu buộc phải theo dõi sát sao.
 
Điều lo lắng cho chúng tôi là y tế cơ sở khi tiếp nhận bệnh nhân ban đầu đều chưa nhận định được căn bệnh có tên gọi bệnh nhiễm giun xoắn mà lại rất dễ nhầm bệnh xoắn khuẩn. Từ việc không xác định được bệnh sẽ dẫn đến phác đồ điều trị sai.

PV: Được biết, đây không phải là lần đầu tiên ở nước ta xuất hiện bệnh nhân nhiễm giun xoắn?

PGS.TS. Nguyễn Văn Đề: Đúng vậy, từ năm 1970, ở huyện Mù Cang Chải, Yên Bái đã ghi nhận 26 người mắc, trong đó có 4 người tử vong cũng đều do ăn lợn bị nhiễm bệnh. Thịt của một con lợn nái 50kg đã đẻ nhiều lứa và nuôi được 8 năm tại địa phương, mỗi gam thịt chứa 879 ấu trùng giun xoắn. Một con lợn khác được nuôi 7 năm tại địa phương, có 70 ấu trùng giun xoắn trong 1 gam thịt.
 
Rồi tiếp đó đến huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, cuối năm 2001 đầu năm 2002, 22 người mắc, có 2 người tử vong. Cũng tại huyện Tuần Giáo năm 2004, trong đám ma của 1 bệnh nhân giun xoắn (bệnh nhân này bị bệnh trong vụ dịch 2002) đã có 20 người ăn thịt lợn sống (món lạp) đều bị nhiễm giun xoắn. Năm 2008, ở huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La, 22 người mắc bệnh giun xoắn và có 2 trường hợp tử vong.
 
Tỷ lệ mắc bệnh cao nhất ở nhóm 31-50 tuổi và bệnh nhân hầu hết là nam giới vì những đối tượng này ăn thịt nhiễm bệnh, còn khả năng nhiễm bệnh với tất cả mọi người nếu ăn phải thịt có mầm bệnh. Từ những trường hợp này, chúng tôi đều xác định người dân ở các khu vực kể trên sau khi giết mổ lợn tự nuôi được thả rông đã không chế biến chín thịt mà đều sơ chế làm món lạp hay món nướng có nguy cơ nhiễm giun xoắn.

PV: Ông có thể cho biết cơ chế nhiễm bệnh giun xoắn?

PGS.TS. Nguyễn Văn Đề: Khi người ăn phải thịt bị nhiễm ấu trùng giun xoắn chưa được nấu chín, ấu trùng giun xoắn được giải phóng khỏi kén tại dạ dày, sau 1-2 giờ, ấu trùng di chuyển tới ruột non. Tại đây, sau 24 giờ, ấu trùng phát triển thành giun trưởng thành và xâm nhập vào niêm mạc ruột. Vào ngày thứ 4-5 và kéo dài từ 10-30 ngày, giun cái đẻ ấu trùng trong các bạch mạch. Ấu trùng theo hệ bạch mạch tới tim phải, phổi rồi tới tim trái và tới cơ vân, cơ hoành, lưỡi... phát triển thành kén ở đó.
 
Khi nhiễm giun xoắn, bệnh nhân thường có sốt cao, đau cơ, phù mặt nhất là ở hai mi mắt... Nặng có thể xảy ra một số biến chứng vào tuần thứ 3 - 4 như viêm cơ, viêm phổi, viêm não làm bệnh nhân có thể tử vong. Tùy theo mức độ nhiễm, tỷ lệ tử vong khoảng 6 - 30%, có trường hợp tử vong trong vòng 1 - 2 tuần. Bệnh nhân được điều trị qua khỏi vẫn còn thấy đau các cơ và bứt rứt trong nhiều tháng sau đó.

PV: Việc nuôi gia súc thả rông là tập quán lâu đời và rất khó bỏ của người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, thêm nữa, không ít người dân sống ở các thành phố lớn lại ưa thích món lợn “cắp nách”, lợn mán, lợn mường (món tiết canh là món không thể thiếu), ông có thể nói gì với độc giả báo SK&ĐS?
 Hình ảnh ấu trùng giun xoắn nhìn dưới kính hiển vi.  (Ảnh do PGS. Đề cung cấp)

PGS.TS. Nguyễn Văn Đề:

Giun xoắn có ổ bệnh ngoài tự nhiên tồn tại nhiều ở động vật như lợn, chuột và cả động vật hoang dã. Lợn nuôi thả rông thì nguy cơ nhiễm giun xoắn càng lớn. Điều đáng lưu ý, chúng ta chưa biết ổ dịch giun xoắn tự nhiên ở đâu, ngoài những vùng đã có người mắc bệnh và tử vong do giun xoắn. Nên việc nhiễm giun xoắn do ăn thịt lợn không được nấu chín là hoàn toàn dễ xảy ra đối với người ưa thích món tiết canh, nem thính, nem chạo. Ngoài ra, cũng cần phải nói thêm ấu trùng sán lợn tồn tại khắp các địa phương trên cả nước, người không may ăn phải ấu trùng sẽ ký sinh đến não dẫn đến co giật, động kinh, liệt và các triệu chứng thần kinh khác tùy thuộc vị trí ký sinh của ấu trùng… nếu ấu trùng ở mắt có thể mù mắt.

PV: Như trên ông có đề cập, y tế cơ sở chưa được cập nhật đến các bệnh liên quan đến giun xoắn, giải pháp nào giúp đỡ họ?

PGS.TS. Nguyễn Văn Đề: Qua báo SK&ĐS, tôi muốn gửi đến các đồng nghiệp ở tuyến cơ sở, trong rất nhiều nguyên nhân gây bệnh, khi người bệnh đến với chúng ta, với một nước nhiệt đới và đang phát triển, các bạn nên lưu ý đến có rất nhiều loại ký sinh trùng gây bệnh. Và quan trọng hơn, y tế cơ sở trong rất nhiều đợt tập huấn nên được trang bị kiến thức về biểu hiện, cơ chế gây bệnh giun xoắn. Khi chúng ta đã xác định được bệnh, việc điều trị ban đầu lại rất đơn giản và rẻ tiền đó là dùng thuốc tẩy giun. Đối với người dân, tôi tiếp tục khuyến cáo, nên ăn chín, uống sôi.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nguồn suckhoedoisong.vn

Thống kê truy cập

Đang online: 86

Số lượt truy cập: 22,782,517