Mối đe dọa mang tên “thành thị”  3/5/2012 12:21:06 PM

Ô nhiễm, ký sinh trùng, nấm mốc, vi khuẩn, virut… tuy vô hình nhưng chúng có mặt ở khắp mọi góc ngách của thành phố, trong công viên, trên cả tầng cao nhất của các tòa nhà. Chúng chờ chực để tấn công những cư dân sống trong thành phố. Kinh đô của ánh sáng, nhà cao tầng và cuộc sống tiện nghi đang ẩn chứa một sự trả thù nghiêm khắc từ thiên nhiên.

 Cái giá cho sự tiện nghi
Có thể nói dân thành thị có cuộc sống tốt hơn hẳn so với dân nông thôn: sung túc hơn, nhiều triển vọng trong công việc, đồ ăn thức uống phong phú hơn, có hệ thống chăm sóc sức khỏe và điều kiện vệ sinh tốt hơn. Song, cuộc sống thành thị cũng làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh tật hơn mà nguyên nhân sâu xa là lối sống năng động và môi trường sống đầy rẫy những nguy cơ, ô nhiễm. Nghiên cứu của TS. Glyn Lewis ở Viện Tâm thần học Luân Đôn (Anh) cho thấy: Nam giới sinh trưởng tại các đô thị có tỷ lệ mắc bệnh tâm thần phân liệt cao gấp đôi đàn ông nông thôn.
 
Người thành phố cũng có nguy cơ mắc chứng trầm cảm và rối loạn lưỡng cực hoặc rối loạn lo âu lần lượt cao hơn 39% và 21% so với người ở nông thôn. Đó là do người dân thành thị luôn phải đương đầu với những yếu tố gây căng thẳng tinh thần (stress) như áp lực cuộc sống, công việc... trong khi cuộc sống của người nông thôn ít áp lực và ôn hòa hơn.
 Khói bụi và ô nhiễm là nguyên nhân gây nhiều bệnh tật cho người dân thành thị.

Theo thống kê của Liên hợp quốc, hiện 50% dân số thế giới tập trung ở các đô thị và dự báo đến năm 2050, tỷ lệ này sẽ tăng lên 70%. Khi các thành phố trở nên đông đúc hơn thì mức độ ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm ánh sáng cũng ngày một trầm trọng hơn. .

Năm 1973, cú sốc dầu hỏa đầu tiên. Giá dầu tăng vọt làm chao đảo nền kinh tế thế giới. Cuộc khủng hoảng năng lượng đã biến đổi sâu sắc bộ mặt của sự ô nhiễm bầu khí quyển bằng cách góp phần vào việc chọn lựa một loại nhiên liệu kinh tế hơn nhưng có khí thải độc hại hơn, đó là xăng. Hiện nay, chính các hạt nhỏ nhất sinh ra từ sự đốt cháy xăng của các phương tiện giao thông đã đặt ra những vấn đề bi thảm nhất liên quan đến sức khỏe con người.
 
Các chuyên gia thuộc Đại học Granada (Tây Ban Nha) nhận thấy, thai phụ ở thành thị và em bé trong bụng có nồng độ chất ô nhiễm xenoestrogen trong máu cao hơn thai phụ và thai nhi ở nông thôn. Xenoestrogen là hóa chất công nghiệp ảnh hưởng đến cơ thể chúng ta giống như hormon sinh dục nữ oestrogen. Chúng có rất nhiều trong khói xe và môi trường sống quanh các khu công nghiệp. Không chỉ khiến thai nhi phát triển bất thường, chúng còn có thể gây ra các bệnh như béo phì, hiếu động thái quá, dậy thì sớm, các vấn đề về sinh sản và các bệnh ung thư ở phổi, vú và tiền liệt tuyến.
 
Chất lượng cuộc sống ở thành thị cao hơn nông thôn. Chính vì thế mà trẻ em sinh ra và lớn lên ở thành phố phải đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe hơn. Trẻ em thành phố có nguy cơ mắc chứng ăn uống vô độ cao gấp 5 lần bạn bè ở miền quê. Ăn uống đầy đủ nhưng ít vận động dễ dẫn đến thừa cân, béo phì - nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh: tăng huyết áp, tim mạch, tiểu đường, xương khớp, ung thư. Không dừng lại ở đó, chúng ta còn phải trả giá đắt cho sự phát triển công nghệ ồ ạt.
 
Máy vi tính và tivi được sử dụng thoải mái và có mặt ở khắp mọi nhà là nguyên nhân gây ra cho trẻ em sự rối loạn phát triển thần kinh tập tính và trì trệ trí thông minh.Người dân thành thị ngay từ khi ra đời đã ít được tiếp xúc với môi trường trong lành và thiên nhiên nên hệ miễn dịch mất cơ hội phát triển sức đề kháng với vi khuẩn. Vì vậy, người thành thị dễ mắc các bệnh về đường hô hấp và hệ tiêu hóa hơn so với người miền quê. Cuộc sống thành thị còn buộc trẻ nhỏ thường xuyên ở trong nhà và vì vậy mà có hại cho sức khỏe, trước hết là đôi mắt.

Và những kẻ thù nguy hiểm khác

Ống thoát khí của vô vàn máy điều hòa không khí thải ra một làn sương mù gồm những hạt nước nóng li ti. Mà trong nước từ 20 - 450C sẽ phát triển loài vi khuẩn Legionelle - nguyên nhân của chứng bệnh viêm  phổi nặng.

Cùng với đó, hơi nóng và độ ẩm từ các máy điều hòa còn tạo điều kiện thuận lợi cho vô số vi sinh vật phát triển, gây nên một chứng dị ứng, đặc biệt là trẻ em. Tại Mỹ, số bệnh nhân hen suyễn đã tăng gấp đôi kể từ năm 1990.

Độ ẩm ở thành thị được 250 loại nấm mốc ưa chuộng và chúng hả hê phát triển. Loài nấm Aspergilus mà chúng ta thường xuyên hít bào tử của nó vào phổi là đáng ngại nhất. Chúng có rất nhiều trong không khí và đối diện với hệ miễn dịch yếu ớt của chúng ta. Loài nấm này có thể xâm nhập hệ hô hấp rồi tấn công đến các cơ quan thiết yếu khác.

Ngoài ra thành thị là nơi tập trung dân cư trong một diện tích hạn hẹp, dễ làm phát sinh các vụ dịch. Điển hình là dịch cúm hằng năm. Tuy thường không nghiêm trọng, nhưng trong mỗi thế kỷ, loài virut cúm lại đột biến 4 lần, gây ra các trận dịch lớn. Với sự toàn cầu hóa như hiện nay, chắc chắn các trận dịch sẽ bành chướng với tốc độ chưa từng thấy.

Tuy nhiên, cư dân thành thị cũng không nên vì thế mà hoảng sợ. Vị thầy thuốc nổi tiếng Paracelse vào thế kỷ 16 từng nói rằng: Tất cả đều là chất độc và chẳng có gì là chất độc. Chính liều lượng mới làm nên chất độc. Đối diện với các mối đe dọa từ môi trường thành thị, nếu chúng ta biết cách tự bảo vệ mình và cùng chung tay bảo vệ thành phố thì các mối đe dọa sẽ còn rất ít cơ hội để hoành hành.

Ban biên tập (Theo Figaro Magazine) 

Thống kê truy cập

Đang online: 172

Số lượt truy cập: 22,782,603