Nuôi muỗi để phòng bệnh...  8/6/2013 4:21:24 PM

Hơn 800 hộ dân tại đảo Trí Nguyên thuộc TP. Nha Trang, Khánh Hòa đang làm một việc tưởng như vô bổ, đó là “nuôi muỗi” để phòng bệnh SXH.

Sốt xuất huyết (SXH) là căn bệnh lây truyền qua muỗi thường bùng phát mạnh vào mùa mưa. Thời gian qua, ngành y tế các địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp phòng chống SXH như: giám sát, xử lý ổ dịch, chủ động phun hóa chất, đẩy mạnh công tác truyền thông, thả cá diệt lăng quăng... nhưng số ca mắc bệnh vẫn tăng cao. Vì vậy, mong muốn của các nhà khoa học là tìm kiếm một giải pháp phòng dịch hiệu quả hơn. Hơn 800 hộ dân tại đảo Trí Nguyên thuộc TP. Nha Trang, Khánh Hòa đang làm một việc tưởng như vô bổ, đó là “nuôi muỗi” để phòng bệnh SXH.

 

Nuôi muỗi để phòng bệnh... 1Nuôi muỗi để phòng bệnh sốt xuất huyết tại đảo Tri Nguyên TP. Nha Trang.
Theo báo cáo của Sở Y tế Khánh Hòa, số ca mắc bệnh SXH hiện đang cao nhất cả nước. Tính đến ngày 24/6, toàn tỉnh Khánh Hòa có 3.022 ca mắc bệnh SXH ở 8 huyện, thị, thành phố, có 2 trường hợp đã tử vong: so với cùng kỳ năm 2012, số ca mắc bệnh tăng 3,7 lần. Trong đó, TP. Nha Trang có số ca mắc cao nhất với 1.199 ca, tăng 4,6 lần, các địa phương còn lại đều có số ca mắc bệnh tăng, cụ thể: Cam Lâm tăng 10 lần, Cam Ranh tăng 8,2 lần, Ninh Hòa tăng 3,5 lần, Diên Khánh tăng 2,5 lần, Vạn Ninh tăng 1,2 lần, Khánh Vĩnh tăng 83 ca (năm 2012 không có ca mắc). Theo cảnh báo của Viện Pasteur Nha Trang, kết quả giám sát huyết thanh cho thấy hơn 50% mẫu dương tính với virut SXH. Điều đó cho thấy SXH trên địa bàn tỉnh đang có chiều hướng lan rộng. Dự án “Đánh giá khả năng thay thế của quần thể muỗi Aedes Aegypti mang tác nhân sinh học Wolbachia được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) chủ trì phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang và Sở Y tế Khánh Hòa thực hiện... Mục đích của dự án là thay thế loại muỗi vằn mang mầm bệnh SXH bằng loại muỗi mang vi khuẩn Wolbachia không truyền virut gây SXH. Thực hiện dự án, các nhà khoa học đã thả ấu trùng muỗi mang vi khuẩn Wolbachia ra cộng đồng để thay thế loại muỗi vằn và quần thể muỗi tự nhiên. Muỗi mang vi khuẩn Wolbachia được thả ra để giao phối với muỗi tự nhiên và sẽ đẻ ra trứng nhưng không phát triển thành muỗi hoặc sinh ra trứng có khả năng phát triển thành muỗi mang vi khuẩn Wolbachia. Dần dần, loài muỗi “có vaccin” này sẽ áp đảo, thay thế muỗi tự nhiên. Theo các nhà khoa học, quần thể muỗi tại địa phương sau 3 tháng đặt ấu trùng muỗi mang vi khuẩn Wolbachia sẽ còn ít hơn so với quần thể muỗi khi chưa làm giảm. Theo báo cáo của dự án, sau 3 tháng (từ tháng 4 đến nay) thả lăng quăng mang vi khuẩn Wolbachia tại 820 hộ dân trên đảo Trí Nguyên, tỷ lệ thay thế quần thể muỗi mang Wolbachia đạt từ 70 - 80%, tỷ lệ bọ gậy mang Wolbachia tại cộng đồng đạt 96%; từ khi thả lăng quăng, tại đảo Trí Nguyên không có ổ dịch SXH tập trung. Đặc biệt, dự án sẽ tiến hành tìm kháng thể có thể kháng vi khuẩn Wolbachia trên huyết thanh của người dân ở đảo trước và sau khi đặt ấu trùng để đưa thêm các bằng chứng khoa học khẳng định lại vi khuẩn Wolbachia không truyền sang người. Theo nhận định của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Dự án “Đánh giá khả năng thay thế của quần thể muỗi Aedes aegypti mang tác nhân sinh học Wolbachia tại một phường của tỉnh Khánh Hòa” đang thực hiện đúng tiến độ với chất lượng đảm bảo.

Theo ông Bùi Xuân Minh, Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa, trong tình hình bệnh SXH như hiện nay, ngành y tế Khánh Hòa đang tích cực chủ động phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, cùng với các cục, vụ, viện của Bộ Y tế tích cực triển khai các biện pháp phòng chống bệnh SXH. Nói về Dự án “Đánh giá khả năng thay thế của quần thể muỗi Aedes Aegypti mang tác nhân sinh học Wolbachia”, ông Minh khẳng định, đây là dự án vô cùng hữu ích, hiện ngành y tế Khánh Hòa đang phối hợp chặt chẽ để nhanh chóng sớm đưa dự án đi vào cuộc sống.

Theo suckhoedoisong.vn

Thống kê truy cập

Đang online: 26

Số lượt truy cập: 21,604,040