Nghiên cứu sinh Vũ Văn Thái bảo vệ thành công luận án tiến sĩ  6/30/2014 9:39:37 AM

Ngày 21/6/2014, tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, Nghiên cứu sinh Vũ Văn Thái đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cấp Viện chuyên ngành Ký sinh trùng và Côn trùng Y học, mã số 62 72 01 16 với đề tài “Hiệu lực của dihydroartemisinin – piperaquin và chloroquin do Việt Nam sản xuất trong điều trị sốt rét ở một số điểm sốt rét lưu hành tại Ninh Thuận và Bình Phước (2010-2012)”.

 
Nghiên cứu sinh Vũ Văn Thái bảo vệ luận án tiến sĩ

Tên đề tài luận ánHiệu lực của dihydroartemisinin – piperaquin và chloroquin do Việt Nam sản xuất trong điều trị sốt rét ở một số điểm sốt rét lưu hành tại Ninh Thuận và Bình Phước (2010-2012)”.  

Chuyên ngành:                    Ký sinh trùng và Côn trùng Y học

Mã số:                                   62 72 01 16

Nghiên cứu sinh:                 Vũ Văn Thái

Cán bộ hướng dẫn khoa học:

1.     PGS.TS. Tạ Thị Tĩnh             2. GS. TS. Phạm Văn Thức

Cơ sở đào tạo: Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương 
Mục tiêu nghiên cứu

1.      Xác định hiệu lực điều trị của dihydroartemisinin-piperaquin trong điều trị sốt rét do Plasmodium falciparum chưa biến chứng và chloroquin trong điều trị sốt rét do Plasmodium vivax tại một số điểm của Ninh Thuận và Bình Phước.

2.      Đánh giá tính nhạy cảm của Plasmodium falciparum tại Bình Phước với dihydroartemisinin, piperaquin và chloroquin bằng kỹ thuật in vitro.  

Đối tượng nghiên cứu

            Tất cả các bệnh nhân được chẩn đoán mắc sốt rét do Plasmodium falciparum  chưa biến chứng hoặc Plasmodium vivax tại địa điểm nghiên cứu đủ tiêu chuẩn lựa chọn nghiên cứu.

Phương pháp nghiên cứu

            Đây là một nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng mở, không đối chứng, không ngẫu nhiên. Giám sát hiệu lực thuốc sốt rét kết hợp với nghiên cứu ngang mô tả, đánh giá sự nhạy cảm của Plasmodium falciparum đối với dihydroartemisinin, piperaquin và chloroquin trên in vitro.

Kết quả nghiên cứu của luận án:

1.      Hiệu lực của dihydroartemisinin-piperaquin trong điều trị sốt rét Plasmodium falciparum chưa biến chứng tại Ninh Thuận và Bình Phước.

-         Hiệu lực của dihydroartemisinin-piperaquin trên in vo vẫn còn cao với sốt rét do Plasmodium falciparum chưa biến chứng với tỷ lệ đáp ứng lâm sàng và ký sinh trùng (ACPR) là 100% tại 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Phước năm 2010-2012. Tỷ lệ ký sinh trùng sốt rét còn dương tính ở ngày thứ ba sau điều trị (D3) tại Ninh Thuận là 0%; tại Bình Phước là 11,3%; trong đó tỷ lệ D3 dương tính năm 2010 là 3,1% và năm 2012 là 20%.

2.      Hiệu lực của chloroquin trong điều trị sốt rét Plasmodium vivax tại Ninh Thuận và Bình Phước.

-         Hiệu lực của chloroquin trên in vivo tại 2 điểm nghiên cứu với tỷ lệ ACPR 98,9% (chưa phân biệt tái nhiễm và tái phát bằng PCR). Trong đó tại Ninh Thuận tỷ lệ ACPR là 97,8%; tỷ lệ thất bại lâm sàng muộn/ thất bại ký sinh trùng muộn (LCF/LPF) là 2,2%; tại Bình Phước tỷ lệ ACPR là 100%.

3.      Tính nhạy cảm của Plasmodium falciparum với dihydroartemisinin, piperaquin và chloroquin bằng kỹ thuật in vitro tại Bình Phước năm 2010.

Tỷ lệ ức chế tạo thành schizonts đối với Plasmodium falciparum của dihydroartemisinin ở nồng độ 32,0 nmol/L là 95,24%. Nồng độ ức chế sự hình thành schizonts 50%, 90% và 99% (EC50, EC90 và EC99) tương ứng là 3,1nmol/L; 21,8 nmol/L và 105,6 nmol/L. Tỷ lệ ức chế 100% sự tạo thành schizonts của piperaquin ở nồng độ 800nmol/L. Với piperaquin EC50, EC90 và EC99 tương ứng là 49,2nmol/L; 222nmol/L và 758,3nmol/L. Tỷ lệ ức chế 100% sự tạo thành schizonts của chloroquin ở nồng độ 640nmol/L, với EC50, EC90 và EC99 tương ứng là 74,9nmol/L; 312,3nmol/L và 1000,2nmol/L.


Nghiên cứu sinh Vũ Văn Thái chụp ảnh lưu niệm cùng Hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp Viện

Thống kê truy cập

Đang online: 50

Số lượt truy cập: 22,786,296