Tên đề tài luận án: “Nghiên cứu thực trạng sán lá gan lớn ở người và hiệu quả một số biện pháp can thiệp tại cộng đồng dân cư tỉnh Quảng Nam (2009-2011)”.
Chuyên ngành: Ký sinh trùng y học; mã số: 62 72 65 01
Họ và tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Văn văn.
Bệnh sán lá gan lớn (SLGL) là bệnh lây truyền từ động vật sang người, bệnh mới nổi trong thời gian gần đây. Nguyên nhân gây bệnh do hai loài sán lá gan lớn Fasciola hepatica (F. hepatica) và Fasciola gigantica (F. gigantica). Là bệnh ký sinh trùng truyền qua đường tiêu hóa, có phân bố rộng rãi về cao độ, kinh độ và vĩ độ. Không có châu lục nào là không có bệnh SLGL và nơi nào có bệnh sán lá gan lớn ở gia súc nơi đó tồn tại các ca bệnh ở người. Tính đến nay chưa có công trình nào nghiên cứu một cách có hệ thống về tình trạng nhiễm SLGL cũng như các biện pháp can thiệp phù hợp tại cộng đồng ở tỉnh Quảng Nam. Do vậy đề tài của nghiên cứu sinh (NCS) Nguyễn Văn Văn được triển khai, với các mục tiêu nghiên cứu sau:
1. Xác định tỷ lệ nhiễm và một số yết tố nguy cơ liên quan đến nhiễm bệnh sán lá gan lớn ở người tại tỉnh Quảng Nam.
2. Xác định một số đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng ở bệnh nhân sán lá gan lớn được phát hiện.
3. Đánh giá hiệu quả một số biện pháp can thiệp phòng chống bệnh sán lá gan lớn tại cộng đồng dân cư tỉnh Quảng Nam.
Cán bộ hướng dẫn khoa học:
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng, hướng dẫn 1.
PGS.TS Lê Xuân Hùng, hướng dẫn 2.
* Đề tài được thiết kế bằng hai phương pháp:
- Thiết kế nghiên cứu dịch tễ học mô tả có phân tích.
- Thiết kế nghiên cứu cứu bệnh – chứng.
* Nội dung và kết quả của luận án bao gồm:
Chương 1: Tổng quan tài liệu, 32 trang.
Chương 2: Đối tượng và phương pháp nghiên cứu, 21trang.
Chương 3: Kết quả nghiên cứu 28 trang.
Bàn luận: 30 trang, kết luận 2 trang, kiến nghị 1 trang, đóng góp mới của đề tài 1 trang, danh mục công trình liên quan đến luận án 1 trang, tài liệu tham khảo 15 trang.
Luận án sử dụng 152 tài liệu tham khảo, trong đó 48 tài liệu bằng tiếng việt, 104 tài liệu bằng tiếng Anh.
Để đạt được kết quả nghiên cứu, NCS Nguyễn Văn Văn đã điều tra phân bố tại 36 thôn thuộc 18 xã của 6 huyện được chọn trong tỉnh Quảng Nam để xác định thực trạng sán lá gan lớn và các yếu tố nguy cơ có liên quan nhiễm bệnh SLGL. Hai xã thuộc huyện Thăng Bình, xã Bình Chánh (xã can thiệp) và xã Bình Quý (xã đối chứng), thực hiện nghiên cứu can thiệp ở độ tuổi từ 6 trở lên từ 11/2009 đến tháng 10/2011.
Các thành viên trong Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ gồm:
1. GS.TS. Lê Bách Quang (Chủ tịch hội đồng);
2. PGS.TS. Lê Thị Tuyết (Phản biện 1);
3. PGS.TS. Trần Quốc Kham (Phản biện 2);
4. PGS.TS.Đoàn Huy Hậu (Phản biện 3);
5. PGS.TS.Tạ Thị Tĩnh (Ủy viên hội động).
6. PGS.TS. Nguyễn Văn Đề (Ủy viên hội đồng);
7. TS. Cao Bá Lợi (Thư ký hội đồng).
Sau 3 giờ làm việc nghiêm túc và khẩn trương, Hội đồng đánh giá luận án đã đáp ứng đủ yêu cầu của luận án tiến sĩ y học chuyên ngành Ký sinh trùng y học với kết quả 7/7 phiếu tán thành (đạt 100%).
Luận án của NCS Nguyễn Văn Văn là công trình nghiên cứu khoa học về dịch tễ học, đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng các ca bệnh SLGL có ý nghĩa thực tiễn, tính khoa học, tính cấp thiết và tính mới. Là kết quả của một công trình nghiên cứu nghiêm túc và công phu với số liệu phong phú. Luận án có giá trị đóng góp, đánh giá tình trạng nhiễm SLGL trên quy mô một tỉnh, khẳng định hiệu quả điều trị thuốc triclabendazole 10 mg/kg. Công trình là cơ sở khoa học cho công tác phòng chống bệnh SLGL tại địa phương và là tài liệu tham khảo có giá trị trong nghiên cứu khoa học và giảng dạy tại các trường đại học.
Toàn cảnh buổi bảo vệ luận án Tiến Sỹ:
Ban biên tập Website