NCS Đoàn Thúy Hòa bảo vệ luận án tiến sĩ
Sáng 16/10/2020 tại Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương, nghiên cứu sinh Đoàn Thúy Hòa đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cấp Viện chuyên ngành Dịch tễ học, mã số 972 01 17. Với đề tài " Nghiên cứu một số đặc điểm dịch tễ, thành phần loài sán lá gan nhỏ, sán lá ruột nhỏ tại 2 huyện Kim Sơn và yên Khánh, tỉnh tỉnh Ninh Bình năm 2016-2019”
Tên đề tài luận án: " Nghiên cứu một số đặc điểm dịch tễ, thành phần loài sán lá gan nhỏ, sán lá ruột nhỏ tại 2 huyện Kim Sơn và yên Khánh, tỉnh tỉnh Ninh Bình năm 2016-2019”.
Chuyên ngành: Dịch tễ học
Mã số: 972 01 17
Nghiên cứu sinh: Đoàn Thúy Hòa
Cán bộ hướng dẫn khoa học:
1. PGS. TS. Lê Trần Anh 2. PGS.TS. Lê Thị Hồng Hanh
Cơ sở đào tạo: Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương
Mục tiêu, đối tượng, địa điểm nghiên cứu:
- Xác định một số đặc điểm dịch tễ sán lá gan nhỏ, sán lá ruột nhỏ tại 2 huyện Kim Sơn và Yên Khánh tỉnh Ninh Bình, năm 2016.
- Xác định thành phần loài sán lá gan nhỏ, sán lá ruột nhỏ bằng hình thái và kỹ thuật sinh học phân tử tại điểm nghiên cứu.
Kết luận, tính mới của luận án
1. Xác định một số đặc điểm dịch tễ sán lá gan nhỏ, sán lá ruột nhỏ tại 2 huyện Kim Sơn và Yên Khánh tỉnh Ninh Bình, năm 2016
1.1. Đặc điểm dịch tễ nhiễm sán lá gan nhỏ, sán lá ruột trên người:
Qua nghiên cứu 400 người từ 15 tuổi trở lên, sinh sống lâu dài tại địa phương, nghiên cứu có một số kết luận sau:
- Tỷ lệ và cường độ nhiễm
+ Tỷ lệ nhiễm sán lá gan nhỏ, sán lá ruột nhỏ là 19,5%; Huyện Kim Sơn tỉ lệ nhiễm 20,1%; Huyện yên Khánh 18,9%. Không có sự khác biệt tỷ lệ nhiễm giữa hai huyện. Tỷ lệ nhiễm ở nam giới (26,6%) cao hơn ở nữ (8,3%) (p< 0,001).
+ Cường độ nhiễm sán trung bình là 517,06 trứng/g phân; đa số (87,2%) đối tượng nhiễm nhẹ, không có đối tượng nào nhiễm mức độ nặng. Cường độ nhiễm sán trung bình ở nam cao hơn ở nữ.
- Kiến thức, thái độ, thực hành của người dân về phòng chống sán lá gan nhỏ, sán lá ruột nhỏ tại địa điểm nghiên cứu
+ Tỉ lệ dân đã từng nghe thông tin về sán tương đối cao (72,5%) trong đó:
68,8% biết sán lây truyền qua ăn gỏi cá, 69,3% biết ăn cá chín có thể phòng bệnh, tỷ lệ biết về tác hại của sán còn thấp. 74,3% đối tượng sẽ không ăn gỏi cá nếu biết ăn sẽ nhiễm bệnh nguy hiểm.
+ 73,3% đối tượng ăn gỏi cá, tỷ lệ nam giới ăn gỏi cao hơn nữ giới. Các loài cá thường được sử dụng để ăn gỏi là cá mòi (62,25%), cá mè (52,75%), cá chép (34,75%), cá trắm (32%). Người dân ăn gỏi cá vì nhiều lý do, ở nhiều địa điểm cũng như cá ở nhiều nguồn khác nhau.
- Yếu tố liên quan nhiễm sán lá gan nhỏ, sán lá ruột trên người
+ Người ăn gỏi cá có nguy cơ nhiễm sán cao gấp 6,8 lần không ăn gỏi cá.
+ Chưa thấy sự liên quan giữa nhóm tuổi, nghề nghiệp, trình độ học vấn, điều kiện sống (sống gần ao hồ, sông; có hố xí hợp vệ sinh, nuôi chó mèo); các hành vi ăn rau sống; uống nước lã, đi chân đất; vệ sinh xuống ao với nhiễm sán.
1.2. Đặc điểm dịch tễ nhiễm nang ấu trùng sán lá gan nhỏ, sán lá ruột nhỏ trên cá tại hai huyện Kim Sơn và Yên Khánh, Ninh Bình
- Nghiên cứu 345 con cá thuộc 6 loài (cá chép, mè, trắm, trôi, rô phi, mòi), kết quả cho thấy: Tỷ lệ nhiễm nang ấu trùng chung là 44,1%. Cá chép (86,5%): Cá Trắm (78,4%): Cá mè (66,7%) là 3 loài cá có tỷ lệ nhiễm cao nhất. 5 loài cá nước ngọt đều nhiễm nang ấu trùng. Cá mòi không nhiễm ấu trùng sán.
- Cường độ nhiễm sán trên cá là 1,24 nang ấu trùng/gam cá; Cao nhất ở cá trắm: 6,4 nang ấu trùng/gam, thấp nhất là cá trôi: 0,0004 nang ấu trùng/gam.
2. Thành phần sán lá gan nhỏ, sán lá ruột nhỏ tại hai huyện Kim Sơn và Yên Khánh, Ninh Bình
2.1. Thành phần SLGN, SLRN ở người
- Kết quả định danh dựa vào đặc điểm hình thái và sinh học phân tử (42,85% mẫu phân cho sản phẩm PCR, phân tích hai chỉ thị ITS2 và cox1) tất cả trứng sán thu được đều là Clonorchis sinensis.
- Kết quả định danh hình thái và sinh học phân tử (phân tích gen vùng ITS2) sán trưởng thành thu được là sán lá gan nhỏ Clonorchis sinensis.
2.2. Thành phần SLGN, SLRN ở cá
Thu thập được 18.323 nang ấu trùng của 5 loài cá nước ngọt định danh phát hiện được 3 loài sán, trong đó nang ấu trùng của SLRN Haplorchis pumilio chiếm 99,84%, SLRN Haplorchis taichui 0,14% và SLGN Clonorchis sinensis 0,02%.
Nang ấu trùng của SLRN Haplorchis pumilio xuất hiện trên cả 5 loài cá nước ngọt; Riêng cá trắm xuất hiện nang ấu trùng của cả ba loài sán Haplorchis pumilio, Haplorchis taichui, Clonorchis sinensis.
Cường độ nhiễm cao nhất là của Haplorchis pumilio (1,0591 nang ấu trùng/gam cá), thấp nhất là của Clonorchis sinensis (0,0002 nang ấu trùng/gam cá).
NCS Đoàn Thúy Hòa chụp ảnh lưu niệm cùng Hội đồng chấm luận án tiến sĩ