NCS Đinh Xuân Quang bảo vệ luận án tiến sĩ
Sáng 02/10/2020 tại Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương, nghiên cứu sinh Đinh Xuân Quang đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cấp Viện chuyên ngành Dịch tễ học, mã số 972 01 17. Với đề tài " Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học và kết quả điều trị nhiễm nấm trên bệnh nhân bỏng nặng tại Bệnh viện Bỏng quốc gia (2017 – 2019)”
Tên đề tài luận án: " Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học và kết quả điều trị nhiễm nấm trên bệnh nhân bỏng nặng tại Bệnh viện Bỏng quốc gia (2017 – 2019)”.
Chuyên ngành: Dịch tễ học
Mã số: 972 01 17
Nghiên cứu sinh: Đinh Xuân Quang
Cán bộ hướng dẫn khoa học:
1. PGS. TS. Lê Trần Anh 2. PGS. TS. Lê Thị Hồng Hanh
Cơ sở đào tạo: Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương
Mục tiêu, đối tượng, địa điểm nghiên cứu:
- Xác định tỷ lệ và một số yếu tố liên quan nhiễm nấm ở bệnh nhân bỏng nặng (03/2017 – 12/2019).
- Xác định thành phần loài nấm ở bệnh nhân bỏng nặng bằng phương pháp hình thái và sinh học phân tử.
- Đánh giá độ nhạy của nấm với một số thuốc kháng nấm và kết quả điều trị nhiễm nấm ở bệnh nhân bỏng nặng.
Kết luận, tính mới của luận án
1. Tỷ lệ, yếu tố liên quan nhiễm nấm ở bệnh nhân bỏng nặng điều trị tại bệnh viện Bỏng quốc gia
- Tỷ lệ nhiễm nấm: 90% trường hợp nhiễm nấm, trong đó 77,25% trường hợp nhiễm nấm xâm thực đơn thuần, 12,75% trường hợp nhiễm nấm xâm thực và xâm lấn (9,25% nhiễm nấm vết thương,
2,75% nhiễm nấm huyết, 0,75% phối hợp nhiễm nấm vết thương, nấm huyết). Tỷ lệ nhiễm nấm xâm thực, xâm lấn chưa khác biệt theo nhóm tuổi, giới ngoại trừ tỷ lệ nhiễm nấm xâm lấn ở trẻ em (1 – 15 tuổi) thấp hơn nhóm tuổi khác.
- Yếu tố liên quan nhiễm nấm:
Liên quan nhiễm nấm xâm thực: Bệnh nhân bỏng nặng có tỷ lệ nhiễm nấm cao ngay từ khi nhập viện. Không có yếu tố nào liên quan nhiễm nấm xâm thực.
Liên quan nhiễm nấm xâm lấn: Glucose máu cao (OR = 4,067), nhiễm nấm xâm thực nặng (OR = 2,790) và nằm lâu ở đơn vị hồi sức tích cực (OR = 2,572) làm tăng nguy cơ nhiễm nấm xâm lấn.
2. Thành phần loài nấm ở bệnh nhân bỏng nặng
Thành phần loài nấm gây nhiễm nấm xâm thực: 100% trường hợp nhiễm nấm xâm thực đều nhiễm nấm men, 7,78% BN nhiễm phối hợp cả nấm men, nấm sợi. Phát hiện 17 loài nấm, gồm 11 loài nấm men và 6 loài nấm sợi. Nấm men: Candida tropicalis chiếm tỷ lệ cao nhất (45,56%), sau đó là Candida albicans (41,94%). Nấm sợi: chủ yếu là Aspergillus (trong đó Aspergillus fumigatus chiếm 39,29%).
Thành phần loài gây nhiễm nấm vết thương: 72,5% trường hợp do nấm men, phổ biến nhất là Candida tropicalis (50,0%), Candida albicans (17,5%). 35% nhiễm nấm vết thương do nấm sợi, hay gặp Aspergillus fumigatus (15%), Aspergillus flavus (7,5%), ngoài ra còn gặp Fusarium solani (2,5%).
Nhiễm nấm huyết: Candida tropicalis chiếm tỷ lệ chủ yếu (64,29%), sau đó là Candida albicans (21,43%), Candida parapsilosis (14,29%).
3. Độ nhạy của nấm với thuốc kháng nấm và kết quả điều trị nhiễm nấm ở bệnh nhân bỏng nặng
- Đánh giá độ nhạy của 184 chủng nấm Candida thấy tỷ lệ nhạy cao với thuốc nhóm echinocandin (caspofungin và micafungin) tỷ lệ nhạy thấp với thuốc nhóm azole. Nấm Candida albicans chưa kháng echinocandin; 5,19% kháng fluconazol.
Nấm men không phải Candida albicans có tỷ lệ kháng cao với azole và amphoteribin B, tỷ lệ kháng echinocandin thấp.
- Đánh giá kết quả điều trị
Trên 67 bệnh nhân dùng thuốc kháng nấm: Điểm Candida score ít thay đổi. Chỉ số nấm xâm thực có xu hướng giảm so với trước khi điều trị. Thời gian sạch nấm trung bình trong mô sinh thiết là 12,71 ngày (7 đến 23 ngày); trong máu là 8,11 ngày (4 đến 12 ngày).
Trên 41 bệnh nhân nhiễm nấm xâm lấn: Tỷ lệ khỏi 65,85%. Điều trị định hướng nấm có tỷ lệ tử vong thấp hơn điều trị đặc hiệu nấm. Thời gian điều trị nấm sớm (trong vòng 14 ngày) chưa làm giảm tỷ lệ tử vong so với điều trị muộn (sau 14 ngày).
NCS Đinh Xuân Quang chụp ảnh lưu niệm cùng Hội đồng chấm luận án tiến sĩ