Ký sinh trùng P. falciparum là một trong 5 loài ký sinh trùng sốt rét (KSTSR) gây bệnh sốt rét ở người. Bệnh chiếm đa số ở nhiều vùng sốt rét lưu hành nước ta. KSTSR P. falciparum kháng thuốc đã gây nhiều khó khăn cho Chương trình Quốc gia Phòng chống Sốt rét.
Tác dụng của thuốc sốt rét đều hướng tới một enzym đích nhất định trên KST. Cơ chế kháng thuốc sốt rét ở P. falciparum đã được xác định là do đột biến gen mã hóa enzym chức năng làm thay đổi liên kết thuốc - enzyme hoặc quá trình vận chuyển thuốc qua màng sinh học của KST. Như trường hợp P. falciparum kháng autovaquone do đột biến gen mã hóa enzyme Cytochrome b (Cyt-b) ở màng ty thể. Kháng pyrimethamine, cycloquanil và sulfadoxine hoặc fansidar do đột biến gen mã hóa enzyme dihydrofolate reductase (DHFR) and dihydropteroate synthase (DHPS). Kháng chloroquine do đột biến gen CRT mã hóa protein vận chuyển qua màng không bào tiêu hóa. Hoặc đột biến gen kháng đa thuốc multidrug resistance -1 (MDR-1) mã hóa protein P-glycoprotein homologue 1 (Pgh-1) liên quan đến giảm hiệu lực các thuốc quinine, mefloquine hoặc halofantrine,
Thuốc artemisinin sử dụng rộng rãi từ 1992 đến nay đã bị kháng. Các nghiên cứu cho thấy P. falciparum kháng artemisinin hoặc dẫn xuất liên quan đến đột biến gen K13 mã hóa protein Kelch có vai trò kiểm soát quá trình oxy hóa. Đột biến gen K13 có nhiều kiểu, không giống nhau ở P. falciparum giữa các vùng địa lý.
Nghiên cứu phân tích trình tự DNA gen K13 của P. falciparum ở 20 bệnh nhân có KST xuất hiện lại sau điều trị artesunate ở khu vực biên giới Việt Nam – Campuchia thuộc 2 tỉnh Bình Phước và Đắk Nông. Kết quả cho thấy 70% số mẫu P. faciparum ở D0 và 88,2% số mẫu P. falciparum xuất hiện lại sau điều trị trong khoảng thời gian từ D11 đến D42 có 1 trong 3 đột biến kiểu P553L, V568G hoặc C580Y. Trong đó có 52,78% là đột biến kiểu P553L, 33,33% kiểu V568G và 13,89% kiểu C580Y. Đây là những dấu hiệu phân tử dùng giám sát sự phát triển và ngăn chặn P. falciparum kháng artemisinin lan rộng ra các vùng sốt rét lưu hành.
TS. Nguyễn Văn Tuấn
Khoa Sinh học phân tử