Nhằm mục đích chia sẻ thông tin, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, nâng cao năng lực hiểu biết về cách tìm kiếm thông tin, chiều ngày 29/09/2015, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương đã tổ chức buổi sinh hoạt khoa học cho toàn thể cán bộ Viện. Tham dự có PGS.TS Hồ Đình Trung – Phó Viện trưởng, chủ trì buổi sinh hoạt khoa học. TS. Leonard Rhine – chuyên gia về dữ liệu y tế, Lãnh đạo các Khoa, Phòng và cán bộ trong Viện tham dự.
Tại buổi sinh hoạt khoa học TS. Leonard Rhine đã trình bày cách tìm kiếm tài liệu trên 3 trang web Hinari, Google scholas, Pubmed. So sánh thuận lợi và bất lợi khi tra cứu tài liệu từ các trang web này. Đặc biệt nhấn mạnh cách tra cứu tài liệu từ Pubmed trên Hinari.
TS. Leonard Rhine trình bày tại buổi sinh hoạt khoa học
Phần tiếp theo của buổi sinh hoạt TS. Leonard Rhine đã hướng dẫn cách download phần mềm zotero trên Firefox để quản lý và trích dẫn tài liệu tham khảo.
Toàn cảnh buổi sinh hoạt khoa học
Zotero là một công cụ hữu hiệu dùng để lưu trữ, quản lý các tài liệu trên mạng, được phát triển bởi Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và công nghệ truyền thông mới (Center for History and New Media) của George Mason University, Hoa Kỳ. Kể từ phiên bản đầu tiên Zotero 1.0 ra mắt vào năm 2006, tháng 9/2008 phiên bản Zotero 1.5 ra đời với nhiều cải tiến đáng kể. Riêng tại Hoa Kỳ, đã có hơn 100 trường đại học tổ chức các buổi giới thiệu chuyên đề về cách thức sử dụng Zotero cho giảng viên và sinh viên. Tạp chí PC đã bình chọn Zotero là một trong những phần mềm ứng dụng miễn phí tốt nhất (best free software applications) trong hai năm 2007 và 2008.
Một trong những điểm ưu việt của Zotero là khả năng xây dựng tự động thư mục tài liệu tham khảo (bibliography) từ nguồn dữ liệu trực tuyến của hơn 1000 tạp chí và hàng trăm thư viện có uy tín trên giới, và các con số này đang tiếp tục gia tăng mỗi ngày. Thư mục này sau đó có thể được xuất ra dưới dạng tập văn bản theo một số qui định quốc tế khác nhau về tài liệu tham khảo, chẳng hạn như của American Psychological Association, Chicago Manual of Style, Havard Reference Format.
Công dụng và những ưu điểm của Zotero:
Trong quá trình nghiên cứu, nhu cầu tổ chức và quản lí các tài liệu tham khảo một cách hiệu quả là cần thiết. Ví dụ, các bạn có thể phải tham khảo rất nhiều bài báo khoa học cho đề tài nghiên cứu của mình. Các bài báo khoa học này cần được tải về máy lưu trữ để có thể đọc lại sau này, các ghi chú cũng cần được lưu trữ đâu đó trong quá trình đọc; ngoài ra, các thông tin khác như danh sách tác giả, hội nghị, năm xuất bản, v.v… cũng phải được lưu trong tập thư mục để sau này khi viết bài báo khoa học có thể dùng cho làm tài liệu tham khảo.
EndNote là một công cụ như vậy nhưng lại không phải là miễn phí. Trong khi đó Zotero là một cộng dụng được đính kèm trên Firefox lại miễn phí và có công dụng tương đương. Với Zotero, bạn có thể làm được rất nhiều thứ, ví dụ:
1. Zotero tích hợp với trình duyệt web nên mỗi khi bạn tìm thấy một bài báo khoa học nào trong Google Scholar, chỉ cần một kích vào đó, Zotero sẽ tự động điền các thông tin liên quan đến bài báo khoa học ví dụ như tên, danh sách tác giả, tên tạp chí, số trang, ... cho bạn. Với các thông tin này, bạn có thể trích xuất ra dưới dạng mục lục văn bản để làm danh mục tài liệu tham khảo sau này.
2. Zotero cho phép lưu trữ snapshot của các trang web; ngoài ra với chức năng đính kèm các tập tài liệu, bạn có thể lưu tài liệu dưới dạng pdf của bài báo khoa học và các tài liệu khác liên quan để giúp cho việc xem lại sau này.
3. Với việc tích hợp các bài báo khoa học ví dụ như pdf bài báo khoa học, Zotero có thể đánh chỉ mục các tài liệu được lưu trữ. Tính năng này cho phép bạn thực hiện tìm kiếm dưới dạng toàn văn một cách dễ dàng cho các tài liệu tham khảo của mình. Ví dụ, bạn có thể tìm các bài báo khoa học trong cơ sở dữ liệu của mình liên quan trực tiếp đến vấn đề nghiên cứu chẳng hạn.
4. Zotero cho phép tạo ra các báo cáo khoa học và ghi chú về thời gian xuất bản bài báo khoa học. Các báo cáo khoa học này sẽ giúp bạn xem được thông tin của một tập các tài liệu cùng với các ghi chú cùng một lúc. Các ghi chú về thời gian giúp theo dõi quá trình tiến hóa của các nghiên cứu, ví dụ bài về XYZ xuất bản năm 2007, sau đó năm 2009 XYZ được cải tiến thành XYZZ.
5. Zotero cho phép nhập/xuất, do đó rất tiện lợi cho các nhóm làm việc trong quá trình chia sẻ một cơ sở dữ liệu các tài liệu tham khảo một cách nhất quán. Có thể dùng Zotero cho các nhóm làm việc kết hợp các bạn trong và ngoài nước. Ví dụ, các bạn cùng lên danh mục các tài liệu tham khảo, sau đó, các bạn ngoài nước với điều kiện của mình có thể tải tài liệu có bản quyền về, cuối cùng là cập nhật cho tất cả mọi người trong nhóm.
Như vậy với Zotero, bạn không cần phải quan tâm nhiều về mặt vật lí, ví dụ như tài liệu lưu trữ ở đâu, đặt tên như thế nào cho dễ nhớ, mối liên quan giữa các tài liệu như thế nào, tổ chức ghi chú như thế nào để dễ sử dụng lại sau này, ect. Mọi thứ đều được Zotero đơn giản hóa với một giao diện thân thiện và dễ dùng. Có thể nói Zotero là một công cụ rất hữu hiệu cho những người làm nghiên cứu.
Ban biên tập Website