Ngày 13/5/2015, được sự tài trợ của Tổ chức Y tế thế giới, Bộ Y tế đã tổ chức “Hội thảo quốc gia về đầu tư bền vững cho công tác phòng chống sốt rét”. Hội thảo do PGS. TS. Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng chủ trì.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng phát biểu khai mạc Hội thảo
Dự Hội thảo gồm các Đại biểu của Văn phòng Chính phủ, Uỷ Ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; Vụ Hành chính sự nghiệp - Bộ Tài chính, Vụ Lao động, Văn hoá, Xã hội - Bộ kế Hoạch và Đầu tư; Cục quản lý Lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB-XH; Lãnh đạo Bộ Y tế, Lãnh đạo các Cục, Vụ trực thuộc Bộ Y tế, Lãnh đạo các Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng; Đại diện Y tế các Bộ/Ngành: Giao thông vận tải, Xây dựng, Công an, Quốc phòng, Nông nghiệp và PTNT, Tài nguyên - Môi trường; Tổ chức Y tế thế giới, đại diện các tổ chức quốc tế PSI, CHAI, IOM, PATH; Các Cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội.
Tại Hội nghị, PGS. TS. Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương đã báo cáo nhu cầu đầu tư bền vững cho công tác phòng chống sốt rét ở Việt Nam. Đại diện của Tổ chức Y tế thế giới báo cáo về tình hình đầu tư cho công tác phòng chống và loại trừ sốt rét của các nước trong khu vực.
PGS.TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Sốt rét-KST-CT Trung ương báo cáo tại Hội thảo
Các báo cáo và tham luận cho thấy:
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự tham gia tích cực của các Bộ/ngành và đơn vị liên quan, công tác phòng chống bệnh sốt rét ở nước ta trong nhiều năm vừa qua đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể góp phần làm giảm gánh nặng bệnh tật do bệnh sốt rét gây ra và đóng góp thành tích không nhỏ vào phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tỷ lệ mắc bệnh sốt rét đã giảm từ 155/10.000 dân vào năm 1991 xuống còn 3/10.000 dân vào năm 2014, số bệnh nhân tử vong do sốt rét giảm từ gần 5.000 người xuống còn 6 người, hàng năm có khoảng 11 triệu người trong vùng sốt rét lưu hành được bảo vệ bằng hóa chất diệt muỗi, cấp và phát khoảng 1 triệu liều thuốc sốt rét miễn phí. Tuy nhiên, Bộ Y tế vẫn quan ngại bệnh sốt rét có nguy cơ bùng phát, gia tăng số mắc và tử vong và có thể gây thành dịch do:
- Sự biến động lớn dân cư giữa các vùng trong nước và với các quốc gia láng giềng từ vùng không còn sốt rét vào vùng sốt rét lưu hành để làm kinh tế ngày càng phức tạp khó quản lý vì vậy làm gia tăng nguy cơ mắc và lan rộng ký sinh trùng sốt rét.
- Đã xuất hiện ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc ở nhiều địa phương và có nguy cơ lan rộng tới những địa phương khác trên toàn quốc.
- Muỗi truyền bệnh sốt rét kháng hóa chất diệt muỗi ở nhiều vùng làm giảm hiệu quả của các biện pháp phòng bệnh sốt rét.
Trong giai đoạn vừa qua, để tiến tới mục tiêu loại trừ sốt rét, Bộ Y tế đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Quyết định số 1920/QĐ-TTg ngày 27/10/2011 phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng chống và loại trừ sốt rét giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030, làm cơ sở để Nhà nước đầu tư từ kinh phí hàng năm cho Dự án Phòng chống sốt rét từ 56 - 96 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước và huy động hàng chục triệu Đô la từ các nhà tài trợ và đối tác quốc tế. Sự đầu tư của Nhà nước và các nhà tài trợ quốc tế đã cung cấp đủ trang thiết bị, vật tư, hóa chất và thuốc sốt rét để thực hiện mục tiêu phòng chống và loại trừ sốt rét.
Tuy nhiên, trong những năm tới kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước và các nhà tài trợ quốc tế có nguy cơ cắt giảm mạnh sẽ gây khó khăn trong việc triển khai các hoạt động phòng chống sốt rét dẫn đến có thể gây tăng cao số mắc và tử vong do sốt rét, nguy cơ bùng phát dịch sốt rét ở nhiều địa phương và sốt rét kháng thuốc lan rộng, bệnh sốt rét sẽ có những diễn biến phức tạp và khó lường, đặc biệt tại các vùng sốt rét lưu hành và lưu hành nặng.
Ủy viên thường trực Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Khá phát biểu tại Hội thảo.
Vì vậy, để chủ động trong công tác phòng chống sốt rét đảm bảo thực hiện thắng lợi của mục tiêu của Chiến lược quốc gia phòng chống và loại trừ sốt rét giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030, Chương trình phòng chống sốt rét rất cần được Nhà nước và các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế cũng như chính quyền địa phương các cấp tiếp tục đầu tư cho công tác phòng chống sốt rét để:
- Triển khai thực hiện quyết liệt Quyết định số 1920/QĐ-TTg ngày 27/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030.
- Thực hiện đầy đủ cam kết của Chính phủ Việt Nam với Liên Hợp quốc về thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ về phòng chống sốt rét đó là: Giảm mắc, giảm chết và duy trì ổn định thành quả phòng chống sốt rét trong những năm tới; cam kết và khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới về chiến lược phòng chống sốt rét và phòng chống sốt rét kháng thuốc; cam kết trong Liên minh các nhà Lãnh đạo khu vực Châu Á Thái Bình Dương (APLMA) về loại trừ sốt rét vào năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Thủ tướng Úc đồng chủ trì.
- Tăng cường phối hợp đa ngành trong công tác phòng chống sốt rét (Quốc phòng, Công an, Xây dựng, Giao thông, Lâm nghiệp, Thuỷ điện,...), đặc biệt ở các địa phương có sốt rét lưu hành và sốt rét lưu hành nặng.
- Huy động nguồn lực từ các Bộ/ngành, chính quyền địa phương và các thành phần kinh tế để đảm bảo cho các hoạt động phòng chống sốt rét được triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả.
Toàn cảnh Hội thảo
Ban biên tập Website