Hội thảo đánh giá công tác ngăn chặn sốt rét kháng thuốc tại Tp Hồ Chí Minh.  7/25/2012 8:51:29 AM

Ngày 20/7/2012, tại thành phố Hồ Chí Minh, Viện Sốt rét-KST-CT Trung ương tổ chức Hội thảo đánh giá công tác ngăn chặn sốt rét kháng thuốc năm 2011, 6 tháng đầu năm 2012 và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2012


PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng - Viện Trưởng Viện Sốt rét - KST -CT Trung Ương khai mạc hội nghị

 Hội thảo có sự tham dự của đại diện Cục Y tế Dự phòng, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế; Viện Sốt rét-KST-CT Trung ương, Viện Sốt rét-KST-CT Tp. Hồ Chí Minh, Viện Sốt rét-KST-CT Qui Nhơn, Sở Y tế Bình Phước, Trung tâm PCSR/YTDP các tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng và Đăk Nông; TTYT các huyện tỉnh Bình Phước, huyện ĐăkR Lấp, huyện Tuy Đức (tỉnh Đak Nông), huyện Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng) và có cả sự tham gia của đại biểu đến từ 3 xã vùng I áp dụng các biện pháp ngăn chặn sốt rét kháng thuốc là Đăk Nhau, Bù Gia Mập và xã Đăk Ơ.

Báo cáo tại Hội thảo đã nhìn lại việc thực hiện kế hoạch ngăn chặn sốt rét kháng thuốc trong năm 2011, 6 tháng đầu năm 2012, đặc biệt nêu lên những kết quả, những khó khăn trong quá trình thực hiện các hoạt động và thảo luận về các giải pháp khắc phục khó khăn trong thời gian tới.


Ths Nguyễn Quang Thiều - Phó Viện trưởng Viện Sốt rét - KST - CT Trung ương báo cáo tại hội nghị
 
Những khó khăn chung được nêu lên chủ yếu là: 1) Khu vực 3 tỉnh can thiệp biện pháp ngăn chặn có lượng dân giao lưu quá lớn, không những là y tế mà chính quyền địa phương vẫn chưa thể quản lý được đối tượng này. 2) Việc áp dụng các biện pháp can thiệp bằng phun, tẩm hóa chất diệt muỗi đặc biệt là tẩm màn chưa được người dân thực sự hưởng ứng. Tỷ lệ bao phủ của tẩm màn hiện nay còn thấp. 3) Hoạt động lấy lam ngày D3 rất khó thực hiện do người bệnh thường điều trị ngoại trú, sau khi uống thuốc ngày D0, người bệnh trở về nơi cư trú và không quay lại để theo dõi trong khi đó cán bộ y tế cơ sở mỏng không thể quản lý được bệnh nhân.

Qua quá trình thảo luận sôi nổi, Hội thảo đã thống nhất một số giải pháp khắc phục cho các vấn đề nêu trên như phối kết hợp với chính quyền địa phương kiểm soát tốt đối tượng giao lưu (công nhân là theo mùa vụ) bằng cách tiếp cận với các chủ hộ gia đình có thuê nhân công, báo cáo và hợp tác trong quá trình theo dõi sau điều trị nếu bị nhiễm bệnh; Tổ chức chiến dịch phun, tẩm màn hóa chất diệt muỗi vào đầu mùa khô (đầu tháng 10) bằng cách tổ chức chiến dịch truyền thông có hiệu quả, tổ chức đội phun, tẩm do cán bộ TTYT huyện, trạm y tế xã thực hiện dưới sự giám sát chặt chẽ của các cán bộ Viện Sốt rét-KST-CT Trung ương, Viện Sốt rét-KST-CT Tp Hồ Chí Minh và Trung tâm PCSR/YTDP các tỉnh đảm bảo độ bao phủ phun, tẩm phải đạt trên 95% trong vùng có chỉ định. Việc lấy lam ngày D3 sẽ thực hiện với tất cả bệnh nhân điều trị nội trú, riêng ngoại trú sẽ phối hợp với các chủ hộ gia đình có thuê nhân công (nếu là dân giao lưu) để thu thập lam máu.

Bên cạnh những vấn đề nêu trên, Hội thảo cũng đã bàn về các vấn đề khác như vai trò của Y tế tư nhân trong hoạt động ngăn chặn đặc biệt là bán thuốc artesunat đơn thuần, nguồn kinh phí cho các hoạt động ngăn chặn kháng thuốc… Các phát biểu của đại diện Tổ chức Y tế thế giới, Cục quản lý Dược, Cục Y tế dự phòng đã chỉ rõ việc cấm sản xuất và sử dụng artemisinin đơn thuần phải đến năm 2015 mới thực hiện được trệt để  (mặc dù việc cấp phép cho các công ty dược sản xuất artemisinin đơn thuần đã chấm dứt vào năm 2010). Các Sở y tế và Trung tâm PCSR/YTDP các tỉnh phải khuyến cáo và có chỉ đạo cho y tế tư nhân trong việc không được bán thuốc artemisinin đơn thuần.

Mặc dù nguồn kinh phí Quốc gia hỗ trợ cho công tác ngăn chặn sốt rét kháng thuốc không nhiều, tuy nhiên các đơn vị phải biết lựa chọn ưu tiên cho các hoạt động không dàn trải gây lãng phí và không đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó kêu gọi các nhà đầu tư hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động chiều sâu như Tổ chức Y tế thế giới, Quỹ toàn cầu.

 
Ths Nguyễn Quý Anh

 

Thống kê truy cập

Đang online: 52

Số lượt truy cập: 22,014,786