Những tháng ngày điều chế vắc xin sốt rét của GS. Đặng Văng Ngữ tại chiến trường khốc liệt  11/7/2023 11:22:11 PM

Chúng tôi, những người học trò của Giáo sư Đặng Văn Ngữ, cũng là những thành viên trong đoàn nghiên cứu sốt rét, đã cùng Giáo sư làm việc tại chiến trường B - Trị Thiên Huế khốc liệt năm ấy, tụ họp tại Viện sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng dâng hương tưởng nhớ đến người thầy đáng kính.

 Những nỗi buồn, nỗi tiếc thương cùng với những ký ức xưa về người thầy, người cha - vị Giáo sư mà chúng tôi luôn yêu thương kính trọng cứ ùa về trong mỗi chúng tôi.


Giáo sư Đặng Văn Ngữ tại khoa Ký sinh trùng, trường Y - Dược

Giáo sư Đặng Văn Ngữ đã tổ chức đoàn nghiên cứu sốt rét vào chiến trường Trị Thiên Huế và đã hi sinh tại đây vào 14h00 ngày 01/4/1967, sau một loạt bom B52 rải thảm tàn khốc xuống nơi Giáo sư đang làm việc trong rừng núi Trường Sơn. Sự ra đi của vị Giáo sư kính yêu là sự mất mát to lớn, là nỗi tiếc thương vô hạn của mọi người.

 Cách đây gần 60 năm, từ ngày ấy, Giáo sư đã có hướng đi đúng đắn và độc đáo trong việc sử dụng tuyến nước bọt muỗi có thoa trùng tự nhiên để làm vắc-xin sốt rét thoa trùng. Năm 2023, đã có một số quốc gia châu Phi sử dụng vắc-xin thoa trùng sốt rét có hiệu quả, điều này đã thôi thúc chúng tôi viết lại kết quả nghiên cứu vắc-xin sốt rét thực địa tại Vĩnh Linh do Giáo sư Đặng Văn Ngữ chỉ đạo và trực tiếp tham gia cụ thể từng công đoạn nghiên cứu.

Chính kết quả của đợt nghiên cứu này đã đưa đến quyết định của Giáo sư vào chiến trường Trị Thiên Huế ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất vắc-xin thoa trùng sốt rét tự nhiên, tiêm trực tiếp cho bộ đội để phòng chống sốt rét.


Những người học trò và cũng là thành viên trong đoàn nghiên cứu sốt rét cùng vào chiến trường B với Giáo sư Đặng Văn Ngữ tụ họp tại Viện sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương tưởng nhớ người thầy.

 Lập kế hoạch nghiên cứu

Chuẩn bị và trao đổi ý tưởng khoa học

Cuối tháng 4/1966, đoàn nghiên cứu sốt rét được thành lập. Các thành viên trong đoàn nghiên cứu bao gồm: Giáo sư Đặng Văn Ngữ, các bác sĩ Nguyễn Thị Hợi, Trần Thị Lịch và Nguyễn Văn Sản.

Trước ngày khởi hành, Giáo sư Ngữ đã có buổi trao đổi với đoàn về bệnh sốt rét, tổn thất của các chiến sĩ bộ đội phải đối mặt nơi chiến trường do bệnh sốt rét gây ra. Nhiều chiến sĩ đã mắc sốt rét ác tính và hi sinh đã ảnh hưởng trầm trọng đến sức chiến đấu của bộ đội. Đoàn nghiên cứu đã trao đổi về tầm quan trọng, yêu cầu, mục đích của chuyến nghiên cứu, các kiến thức về chống sốt rét và về vắc-xin thoa trùng sốt rét. Đoàn nghiên cứu đã hiểu được tầm quan trọng của chuyến đi thực địa, những yêu cầu mà Đoàn nghiên cứu cần làm để có kết quả nghiên cứu tốt nhất.

Giáo sư Đặng Văn Ngữ đã đề cập đến kinh nghiệm chống sốt rét thành công tại các tỉnh phía Bắc không áp dụng được với tình hình bệnh sốt rét của bộ đội Trường Sơn. Sốt rét tại các tỉnh phía Bắc do muỗi An. minimus tiêu máu trong nhà truyền bệnh có thể bị diệt bởi DDT phun 2m trở xuống mặt trong tường vách.

Trong khi đó, bệnh sốt rét Trường Sơn lại do muỗi An. balabacensis tiêu máu ngoài trời truyền bệnh. Mọi hoạt động, chiến đấu của bộ đội gắn liền với núi rừng Trường Sơn, ngủ nghỉ bằng võng mắc trong rừng, trong hầm và luôn phải di chuyển nhiều nơi. Do đó, cần phải có biện pháp hữu hiệu phù hợp nhất phòng chống sốt rét Trường Sơn bằng vắc-xin thoa trùng sốt rét lấy từ thiên nhiên tại các vùng sốt rét lưu hành nặng.

 Giáo sư Đặng Văn Ngữ giải thích: thể thoa trùng trong muỗi là thể có kháng nguyên bền vững nhất, có thể tạo ra kháng thể chống lại nó và ít có biến dị kháng nguyên, mà vắc-xin thể hồng cầu thì biến dị, không bền vững.

Xây dựng quy trình thực hiện mục tiêu, yêu cầu nghiên cứu thực địa

Bắt muỗi, định loại và mổ lấy tuyến nước bọt tìm thoa trùng; kết quả đưa ra nhận xét là tại điểm sốt rét lưu hành nặng có thể bắt được nhiều muỗi không.

 Điều chế vắc-xin từ tuyến nước bọt có thoa trùng, kết quả đưa ra nhận xét là vắc-xin điều chế từ tuyến nước bọt muỗi nhiễm thoa trùng thiên nhiên dùng cho người có an toàn không.

 Theo dõi kết quả tiêm thông qua xét nghiệm máu của một số người được tiêm vắc-xin và một số người không được tiêm vắc xin cùng sinh hoạt tại điểm sốt rét này. Kết quả đưa ra nhận xét là vắc xin thoa trùng trong tuyến nước bọt thiên nhiên có hiệu quả không.

Từ đó, đoàn đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho mỗi thành viên:

 Nguyễn Thị Hợi: Chịu trách nhiệm khám, điều trị và theo dõi bệnh nhân sốt rét; xét nghiệm máu hàng ngày và theo dõi đánh giá tình hình. Ngoài ra, cũng tham gia bắt muỗi vào buổi tối.

 Trần Thị Lịch: Bắt muỗi, mổ muỗi tìm thoa trùng.

Nguyễn Văn Sản: Bắt muỗi và tham gia công tác điều trị cùng Nguyễn Thị Hợi.

Dương Văn Đắc: Bắt muỗi.

 Dâng nén tâm nhang tưởng nhớ Giáo sư Đặng Văn Ngữ - người thầy đáng kính

Triển khai kế hoạch nghiên cứu tại Vĩnh Linh

 Chọn địa điểm nghiên cứu

Đoàn đi trên chiếc xe U-oát do Dương Văn Đắc lái 7 ngày từ Hà Nội vào Vĩnh Linh. Đường xá, cầu đường bị máy bay địch đánh phá hư hỏng rất nặng. Xe chỉ chạy được vào ban đêm, ban ngày thì tìm nơi trú ẩn.

Tới Vĩnh Linh, máy bay địch đánh phá khốc liệt hơn những nơi khác, vì đây là vùng giới tuyến địch ngăn chặn không cho quân ta vận chuyển hàng hoá và người vào chiến trường miền Nam. Tại Vĩnh Linh, Giáo sư chọn địa điểm nghiên cứu là Quân y viện 43, đóng tại xã Vĩnh Khê, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Bình, có nhiệm vụ điều trị cho bộ đội từ miền Nam ra.

Bệnh nhân ở đây nằm điều trị tại các lán được làm bằng gỗ rừng, mái lợp bằng lá tranh, xung quanh vách lán ken nứa và được che kín bằng phèn lá “đùng đình” để ánh sáng không lọt ra bên ngoài, tránh gây sự chú ý cho máy bay địch. Mỗi lán có 6-8 bệnh nhân, các lán cách nhau từ 50-80m.

Bắt muỗi và mổ muỗi

Người bắt muỗi thường ngồi cách lán bệnh nhân 2-4m, mỗi lán có một người ngồi bắt và thời gian bắt từ 6-8h tối. Người bắt muỗi sẽ xắn quần cao qua đầu gối để làm mồi, khi muỗi đậu dùng đèn pin soi, lấy ống nghiệm to nhẹ nhàng chụp bắt muỗi. Bắt muỗi luân phiên hôm nay lán này, hôm sau lán khác, mấy ngày sau lại quay trở lại bắt.

Giáo sư cũng tham gia bắt muỗi, ngày nào cũng ngồi 1 lán để bắt. Chúng tôi đề nghị với Giáo sư không đi bắt muỗi tối, công việc này để mọi người trong đoàn thực hiện, nhưng Giáo sư không nghe. Giáo sư nói có nhiều người bắt thì sẽ nhiều muỗi, số muỗi bắt được phụ thuộc vào thời tiết mỗi ngày, khoảng trên 10 con, có ngày không bắt được con muỗi nào.

Tôi được phân công mổ muỗi và soi tuyến nước bọt tìm thoa trùng. Công việc mổ muỗi tôi đã thực hiện nhiều, còn soi tuyến nước bọt thì chưa bao giờ gặp thoa trùng. Giáo sư đã dành nhiều thời gian để thực hiện phần việc này. Ngày đầu làm nhiệm vụ, Giáo sư đã quan sát tôi thực hiện quy trình kỹ thuật mổ muỗi lấy tuyến nước bọt rất kĩ lưỡng. Tôi hồi hộp đợi ý kiến từ Giáo sư, nhưng không có phản hồi.

Muỗi bắt về chủ yếu là An. balabacensis, sau đó được phân loại rồi gây mê từng con bằng ete. Tiến hành mổ muỗi trên kính lúp hai mắt để bàn. Muỗi đã gây mê được đặt lên một giọt nước muối sinh lý 9%o trên lam kính đầu tiên, được cắt cánh và chân. Sau đó muỗi được chuyển sang giọt nước muối sinh lý trên lam kính thứ 2. Ở đây, muỗi bị tách đầu kéo theo tuyến nước bọt. Việc tách lấy 6 tuyến nước bọt ra đòi hỏi sự khéo léo và tập trung cao độ. Sau đó, tuyến nước bọt được tách ra khỏi đầu, chuyển sang giọt nước muối trên lam kính thứ 3 rồi chuyển sang kính hiển vi để Giáo sư soi tìm thoa trùng.

Sau khi xem lam kính tuyến nước bọt tìm thoa trùng, Giáo sư chuyển cho tôi xem và dặn dò tôi rằng khi soi cần phải bình tĩnh, tập trung, chú ý, kiên trì, quan sát kĩ để thấy được tất cả đặc điểm của các tuyến nước bọt. Mỗi lần xem tuyến nước bọt muỗi, Giáo sư đều yêu cầu tôi nói lại những gì tôi thấy được khi soi tuyến.

Một hôm, Giáo sư có yêu cầu tôi xem một bộ tuyến nước bọt và chú ý xem có điều gì khác lạ không. Tôi quan sát kĩ lưỡng, và nhận thấy bộ tuyến nước bọt này kháng với các bộ tuyến nước bọt khác tôi đã xem: kích thước tuyến hơi căng đều hơn, nhìn kĩ thấy các khoang tuyến có nhiều hình thoi màu trắng trong xếp đều, phần tuyến bị rách có hiện tượng sóng động đậy rất nhẹ. Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy hiện tượng này trên tuyến nước bọt muỗi.

 Điều chế vắc-xin và thử tiêm trên người

Từ ngày phát hiện ra bộ tuyến nước bọt muỗi có thoa trùng, tất cả các bộ tuyến nước bọt muỗi có thoa trùng đều được giữ lại để điều chế vắc-xin.  Mỗi bộ tuyến nước bọt được cho vào 0,5ml phenol 1% (1/2 ml có 10 giọt nước). Muỗi bắt được chủ yếu là An. balabacensis.

Số tuyến nước bọt có thoa trùng được lưu giữ lại đóng trong lọ dung dịch phenol 1%. Mỗi liều tiêm cho người là 0,5 ml vắc xin/ người (mỗi người nhận 1 bộ tuyến nước bọt muỗi/ mỗi lần tiêm). Số lượng vắc-xin đã lưu giữ được đủ tiêm, Giáo sư Đặng Văn Ngữ quyết định tiêm thử vắc-xin cho người.

Lần tiêm vắc-xin đầu tiên, Giáo sư nhất quyết yêu cầu là người được tiêm trước rồi mới đến người khác tiêm. Chúng tôi đề nghị là người tiêm trước, nhưng Giáo sư nhất định không nghe và yêu cầu không ai có thêm ý kiến nào nữa. Chúng tôi hồi hộp chứng kiến Giáo sư nhận mũi tiêm vắc-xin thử nghiệm trên người đầu tiên đó. Tất cả mọi người đều lo lắng, sợ hãi, yên lặng chờ đợi cho đến khi hoàn thành mũi tiêm an toàn. Quân Y viện 43 cũng chuẩn bị đầy đủ các phương tiện cấp cứu đề phòng sự cố xảy ra. Sau đó, các thành viên trong đoàn nghiên cứu lần lượt tiêm vắc-xin thử nghiệm.

Sau một thời gian, khi có đủ vắc-xin tiêm cho 10 người. Chúng tôi lựa chọn ra 20 nhân viên của Quân Y viện 43 có mọi điều kiện sinh hoạt đời sống như nhau. 10 người được tiêm vắc-xin sốt rét, và 10 người không tiêm để đối chứng. Trước khi tiêm, 20 người được chọn đã được kiểm tra sức khoẻ, xét nghiệm máu và có kết quả âm tính với ký sinh trùng sốt rét. Sau khi tiêm, cứ 2 tuần/lần, những người tham gia được xét nghiệm máu tìm ký sinh trùng sốt rét.

Theo dõi và đánh giá kết quả vắc-xin

Sau một tháng theo dõi, 10 người được tiêm vắc-xin không ai bị sốt, trong xét nghiệm máu không có ký sinh trùng sốt rét, còn 10 người không tiêm vắc-xin có 2 người bị sốt và xét nghiệm máu có ký sinh trùng sốt rét.

Tháng tiếp theo, 10 người tiêm vắc-xin không ai bị sốt, trong xét nghiệm máu không có ký sinh trùng sốt rét, còn 10 người không tiêm vắc-xin có 1 người bị sốt và xét nghiệm máu có ký sinh trùng sốt rét.

Sang tháng thứ 3, 10 người tiêm vắc-xin không ai bị sốt, trong xét nghiệm máu không có ký sinh trùng sốt rét, còn 10 người không tiêm vắc-xin có 1 người bị sốt và xét nghiệm máu có ký sinh trùng sốt rét.

Theo dõi 5 người trong đoàn nghiên cứu, không ai bị sốt, trong xét nghiệm máu không có ký sinh trùng sốt rét. Ngoài ra, Đoàn nghiên cứu và Quân y viện 43 vẫn tiếp tục tiêm thêm cho một số người, tuy nhiên, do thời gian không có, những trường hợp này không tiến hành theo dõi kết quả.

Bác sĩ Hợi chịu trách nhiệm xét nghiệm máu hàng ngày để theo dõi, đánh giá tình hình bệnh nhân sốt rét, số lượng ký sinh trùng trong hồng cầu, điều trị bệnh nhân sốt rét (kết hợp thuốc sốt rét với Filatov lách trâu); theo dõi những bệnh nhân có ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc, điều trị sốt rét kháng thuốc và xét nghiệm máu của nhóm người được tiêm vắc-xin cùng nhóm người đối chứng.


Ban thờ GS Đặng Văn Ngữ trang trọng tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương






Một số kỷ vật của GS Đặng Văn Ngữ tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương

 Đánh giá kết quả đợt nghiên cứu vắc-xin sốt rét thoa trùng thực địa Vĩnh Linh

 Bắt được số muỗi truyền sốt rét An. balabacensis không ít, song chưa xác định được cách bắt tối ưu để có được số lượng nhiều;

Tỷ lệ muỗi mang thoa trùng sốt rét tương đối cao, đã quy chuẩn được cách mổ muỗi lấy tuyến nước bọt làm vắc-xin, và đã tiêm thử vắc-xin này cho người an toàn;

Theo dõi 15 người được tiêm vắc xin, có đối chứng thấy sau nhiều tháng những người được tiêm vắc xin không bị nhiễm sốt rét, những người đối chứng không được tiêm vắc xin có 4 người mắc sốt rét. Tất cả những người này cùng ở vùng sốt rét lưu hành nặng như nhau.

Kết quả nghiên cứu vắc-xin sốt rét thoa trùng thực địa tại Vĩnh Linh đã có kết quả, qua đó Giáo sư Ngữ Đặng Văn Ngữ có niềm tin vào vắc-xin sốt rét thoa trùng lấy từ tuyến nước bọt muỗi nhiễm tự nhiên có khả năng phòng sốt rét. Việc này đã thôi thúc Giáo sư nhanh chóng lên đường vào chính trường miền Nam Trị Thiên Huế, tiếp tục nghiên cứu, sản xuất vắc-xin sốt rét thoa trùng tại chỗ để tiêm cho bộ đội đang chiến đấu gắn với núi rừng Trường Sơn.

Sau chuyến đi thực địa, khi về Hà Nội vào cuối tháng 9/1966, Giáo sư đã ngay lập tức có ý kiến đề nghị Bộ Y tế, Thủ tướng Chính phủ xin được vào chiến trường Trị Thiên Huế để tiếp tục công việc nghiên cứu và sản xuất vắc-xin thoa trùng sốt rét cho bộ đội và nhân dân vùng sốt rét. Dù nhiều lần đề nghị nhưng không được chấp thuận, Giáo sư vẫn kiên trì thuyết phục bằng lòng quyết tâm, sự nhiệt huyết, khát khao mong muốn được góp sức vào công cuộc giải phóng đất nước, cuối cùng nguyện vọng của Giáo sư đã được chấp nhận.

Giáo sư khẩn trương thành lập đoàn đi trong sự phấn khởi và vui mừng. Đoàn gồm có 12 người, 7 nam và 5 nữ, cùng Giáo sư vào chiến trường để làm việc. Giáo sư quan tâm, giúp đỡ, giải quyết những khó khăn vướng mắc cho các thành viên đoàn. Giáo sư còn tổ chức phát động phong trào mọi người trong viện làm đơn xung phong xin vào chiến trường công tác, tạo nên khí thế hừng hực toàn viện.

Chỉ còn 3 tháng để chuẩn bị và tập luyện sức khoẻ cho chuyến đi hành quân gian nan vất vả với 30kg đeo nặng trên vai. Sự hăng say và lòng nhiệt huyết của Giáo sư đã truyền động lực và cảm hứng cho chúng tôi.

Tôi còn nhớ, hôm được gọi lên gặp Giáo sư, qua những lời hỏi ban đầu, Giáo sư nói: “Kỳ này cô vào chiến trường tiếp tục công việc mổ muỗi làm vắc-xin. Công việc cần cô. Tôi sẽ cho người đón 2 con cô sơ tán ở Ninh Bình lên”. Sự quan tâm của Giáo sư đã làm tôi bất ngờ và rất cảm động, trong lòng thầm cảm ơn Giáo sư.


Tượng GS Đặng Văn Ngữ tại sân Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương

Bài viết của bác sĩ Trần Thị Lịch


Thống kê truy cập

Đang online: 224

Số lượt truy cập: 21,984,957