Với các tỉnh là điểm nóng về bệnh sốt rét, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị cần lập kế hoạch và tập trung biện pháp can thiệp mạnh tại các địa bàn trọng điểm sốt rét để loại trừ sốt rét; Giám sát chặt chẽ vùng có dân di biến động.
Ngày 22/3, tại Hà Nội, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương phối hợp với Văn phòng Bộ Y tế tổ chức Hội nghị đánh giá công tác phòng chống sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng năm 2022; Triển khai kế hoạch năm 2023 và thúc đẩy loại trừ sốt rét tại Việt Nam. PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì hội nghị.
PG.TS. Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ y tế phát biểu tại Hội nghị
Đã có 42 tỉnh, thành loại trừ bệnh sốt rét
Theo báo cáo của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, năm 2022 có 6 tỉnh: Bắc Kạn, Hòa Bình, Huế, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Cà Mau đạt tiêu chí loại trừ sốt rét, nâng tổng số địa phương loại trừ sốt rét lên 42 tỉnh, thành phố.
Tuy nhiên, công tác phòng chống và loại trừ sốt rét hiện nay vẫn đang đối diện khó khăn thách thức. Tình hình sốt rét còn diễn biến phức tạp ở ở một số tỉnh như: Lai Châu, Gia Lai, Phú Yên, Đắk Lắk, Bình Thuận, các yếu tố nguy cơ để bệnh sốt rét bùng phát như: Tập quán đi rừng, ngủ rẫy; Dân di biến động, giao lưu trong nước, hoặc người từ nước có bệnh sốt rét lưu hành trở về; Ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc; côn trùng kháng hóa chất...
Trong khi đó, hiện nay sốt rét kháng thuốc, sốt rét biên giới, di biến động dân, muỗi kháng hóa chất, nguồn kinh phí đầu tư cho công tác phòng, chống và loại trừ bệnh sốt rét từ nguồn ngân sách nhà nước và các nhà tài trợ quốc tế giảm dần, nguồn ngân sách địa phương huy động còn hạn chế so với yêu cầu theo tinh thần phân cấp ngân sách của Luật ngân sách và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế; hướng dẫn chi tiêu chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt gây khó khăn trong việc triển khai các hoạt động phòng, chống và loại trừ sốt rét tại địa phương.
TS Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho hay, nguy cơ sốt rét quay trở lại là rất lớn nếu không có những biện pháp phòng chống hiệu quả, kịp thời. Sốt rét chủ yếu xuất hiện tại vùng người dân, đồng bào dân tộc ít người, lao động thời vụ tại các nương rẫy, còn có thói quen đi rừng, ngủ rẫy, người dân chưa có ý thức phòng, chống bệnh. Trong năm 2022 đã có 455 bệnh nhân sốt rét, trong đó có một trường hợp tử vong.
Toàn cảnh Hội nghị
Không được chủ quan, lơ là để duy trì thành quả bền vững và phòng sốt rét quay trở lại
Để công tác phòng, chống và loại trừ sốt rét, phòng, chống các bệnh ký sinh trùng, bệnh do côn trùng đạt được các mục tiêu năm 2023 đề ra, phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát, cập nhật các hướng dẫn chuyên môn phù hợp với tình hình bệnh sốt rét, bệnh ký sinh trùng, côn trùng hiện nay, trình Bộ Y tế ban hành.
Đồng thời tiến hành các nghiên cứu khoa học để có bằng chứng cho lập kế hoạch và can thiệp hiệu quả; Nghiên cứu áp dụng các mô hình mới, hiệu quả, đặc biệt là các mô hình áp dụng vào các khu vực khó khăn, xa xôi hẻo lánh,… để hoàn thành chặng đường cuối cùng loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam.
Đối với các tỉnh, thành phố, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương yêu cầu rà soát bố trí nhân lực để bảo đảm cho hoạt động phòng chống sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng tuyến tỉnh và tuyến huyện.
"Đối với các tỉnh là điểm nóng về bệnh sốt rét cần lập kế hoạch và tập trung biện pháp can thiệp mạnh tại các địa bàn trọng điểm sốt rét để loại trừ sốt rét; Giám sát chặt chẽ vùng có dân di biến động; Tăng cường giám sát ca bệnh, giám sát muỗi truyền bệnh sốt rét; Tăng cường đào tạo, tập huấn cho lực lượng y tế cơ sở về chẩn đoán và điều trị kịp thời bệnh nhân sốt rét, nhất là sốt rét ngoại nhập, cùng đó đẩy mạnh truyền thông giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức của người dân chủ động bảo vệ cá nhân, gia đình và cộng đồng"- Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, lãnh đạo các Vụ/Cục/Văn phòng Bộ Y tế và
lãnh đạo Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương tại Hội nghị
Đối với các tỉnh, thành phố đã đạt tiêu chí loại trừ sốt rét, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh không được chủ quan, lơ là, cần xây dựng kế hoạch để duy trì thành quả bền vững và phòng sốt rét quay trở lại; Tiếp tục triển khai các hoạt động giám sát chủ động, đặc biệt đối với dân di biến động, giao lưu biên giới, người lao động từ Châu Phi về.
Đồng thời rà soát bố trí nhân lực để bảo đảm cho hoạt động phòng, chống sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng tuyến tỉnh và tuyến huyện; Để đảm bảo nguồn tài chính cho hoạt động phòng, chống sốt rét đề nghị chính quyền các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí hàng năm cho công tác phòng, chống và loại trừ bệnh sốt rét theo phân cấp.
Về công tác phòng, chống các bệnh ký sinh trùng, cần tiếp tục thực hiện các hoạt động phòng, chống nhằm làm giảm tỷ lệ nhiễm, giảm tác hại của bệnh ký sinh trùng đặc biệt là đối với những nhóm đối tượng nhạy cảm với tác hại của bệnh như: trẻ em, phụ nữ có thai, phụ nữ tuổi sinh sản. Nghiên cứu, phát triển các biện pháp chẩn đoán, điều trị có hiệu quả các bệnh ký sinh trùng.
TS. Hoàng Đình Cảnh - Viện trưởng Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương
phát biểu tại Hội nghị
Cũng tại hội nghị, thay mặt Lãnh đạo Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương trân trọng cảm ơn sự đồng hành, hỗ trợ, giúp đỡ của các Tổ chức quốc tế trong nhiều năm qua đối với công tác phòng, chống bệnh tật ở Việt Nam nói chung và công tác phòng chống sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng nói riêng.
"Tôi đề nghị các tổ chức quốc tế tiếp tục quan tâm đầu tư ngân sách, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật để công tác phòng, chống và loại trừ sốt rét, phòng chống bệnh ký sinh trùng và côn trùng ở Việt Nam đạt được các mục tiêu đề ra"- Thứ trưởng Bộ Y tế bày tỏ.
Nguồn: suckhoedoisong