Ngày 27/04/2021 Viện Sốt rét Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét giai đoạn 2016 - 2020, triển khai kế hoạch năm 2021; Công bố kết quả loại trừ bệnh sốt rét năm 2020; Kế hoạch phòng chống ký sinh trùng giai đoạn 2021 - 2025.
Về dự hội nghị có PGS.TS. Phạm Lê Tuấn- Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch CCM Việt Nam; BS. Trần Công Đại-Đại diện Tổ chức Y tế thế giới
Về phía các đại diện Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng, Ban Điều hành Dự án Phòng chống và loại trừ sốt rét có PGS.TS. Trần Thanh Dương Viện trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương, PGS.TS. Lê Thành Đồng Viện trưởng Viện Sốt rét – KST-CT Tp. Hồ Chí Minh, TS. Huỳnh Hồng Quang Phó Viện trưởng Viện Sốt rét - KST-CT Quy Nhơn ; các đồng chí Phó Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương và đại biểu từ các Cục/Vụ Bộ Y tế, đại biểu các Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng, các quý vị đại biểu từ CDC các tỉnh/thành phố và Y tế các bộ/ngành.
PGS.TS. Trần Thanh Dương phát biểu khai mạc Hội nghị
Trong những năm vừa qua, được sự quan tâm đầu tư của Chính phủ, Bộ Y tế, Chính quyền các cấp, các Tổ chức quốc tế và sự phối hợp của các Bộ/Ngành, chương trình phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét ở nước ta được triển khai và đã đạt được những thành quả to lớn. Đến năm 2020, số người nhiễm ký sinh trùng sốt rét giảm 65,8% so với năm 2016 (1.422/4.161 trường hợp). Số tử vong do mắc sốt rét trong 5 năm là 11 trường hợp, đặc biệt năm 2019 không có bệnh nhân sốt rét tử vong. Số ký sinh trùng sốt rét trung bình/năm giai đoạn 2016 - 2020 giảm 75% so với giai đoạn 2011-2015 (3.921/15.692). Các chỉ tiêu về giảm tỷ lệ mắc sốt rét và khống chế tỷ lệ chết do sốt rét theo mục tiêu của Chiến lược Chiến lược Quốc gia phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 đều đã vượt chỉ tiêu đặt ra. Năm 2020, số bệnh nhân sốt rét và người có ký sinh trùng sốt rét đều giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2019: số bệnh nhân sốt rét giảm 70,6% (1.733/5.887 trường hợp), số ký sinh trùng sốt rét giảm 65,8% (1.422/4.665 trường hợp). Bệnh sốt rét hiện nay tập trung chủ yếu ở các tỉnh Bình Phước, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lăk, Đăk Nông, Phú Yên, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Bình Thuận.
Năm 2020, có thêm 10 tỉnh, thành phố đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét. Đến nay, toàn quốc có 35 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được công nhận đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét, gồm: Sơn La, Yên Bái, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lào Cai, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Bạc Liêu, Sóc Trăng.
Tuy nhiên, công tác phòng chống sốt rét hiện nay đang gặp một số khó khăn thách thức lớn, các kết quả đạt được trong công tác phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam chưa bền vững. Tình hình sốt rét còn phức tạp, tập trung ở các tỉnh miền Đông Nam bộ, miền Trung - Tây Nguyên như Gia Lai, Phú Yên, Bình Phước, Đắk Lắk, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đắk Nông, Quảng Trị, Lai Châu,… với số trường hợp mắc sốt rét vẫn ở mức cao. Trong khi đó, kinh phí cho công tác phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét từ nguồn ngân sách nhà nước và các nhà tài trợ quốc tế có nguy cơ bị cắt giảm, sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động phòng chống và loại trừ sốt rét, có thể làm gia tăng số mắc và tử vong do sốt rét, nguy cơ bùng phát dịch sốt rét ở nhiều địa phương, đặc biệt tại các vùng sốt rét lưu hành vừa và lưu hành nặng. Trong khi đó, nguồn ngân sách địa phương rất hạn chế gây khó khăn trong việc triển khai các hoạt động phòng chống và loại trừ sốt rét tại địa phương.
Đối với công tác phòng chống các bệnh ký sinh trùng: Năm 2020, có 4,5 triệu lượt trẻ 24 - 60 tháng tuổi và học sinh tiểu học đã được uống thuốc tẩy giun an toàn và đạt được độ bao phủ trên 98%. Các hoạt động điều tra, phòng chống bệnh sán lá gan lớn, sán lá gan nhỏ, sán dây và ấu trùng sán lợn, giun truyền qua đất, giun rồng, … đã được triển khai tại nhiều tỉnh có bệnh lưu hành.
Để các hoạt động phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét, phòng chống bệnh ký sinh trùng năm 2021 được triển khai có hiệu quả và đạt các mục tiêu đã đề ra theo kế hoạch giai đoạn 2021-2025 đã được Bộ Y tế phê duyệt, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến khó lường, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả và đồng bộ các giải pháp và các hoạt động phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét, phòng chống các bệnh ký sinh trùng. Tập trung vào một số lĩnh vực sau đây:
- Duy trì đầu tư ổn định từ các nguồn lực trong nước và quốc tế cho các hoạt động phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét bệnh sốt rét, phòng chống các bệnh ký sinh trùng.
- Thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng chống sốt rét, phòng chống bệnh ký sinh trùng tại các tỉnh trọng điểm theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế. Tập trung giám sát và chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng chống sốt rét tại các tỉnh trọng điểm sốt rét.
- Truyền thông giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống bệnh sốt rét, bệnh ký sinh trùng để người dân chủ động phòng chống bệnh có hiệu quả.
- Đối với 35 tỉnh, thành phố đã đạt tiêu chí loại trừ sốt rét, cần xây dựng kế hoạch để duy trì bền vững kết quả loại trừ bệnh sốt rét đã đạt được; Tiếp tục triển khai các hoạt động giám sát nhằm duy trì tình trạng không có sốt rét, tập trung giám sát, phát hiện sốt rét ngoại lai và ngăn ngừa bệnh sốt rét quay trở lại.
- Đối với 2 tỉnh Nghệ An và Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện kế hoạch loại trừ sốt rét năm 2021, cần xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các tuyến về tiêu chí loại trừ, hồ sơ, thủ tục loại trừ sốt rét.
- Đối với các tỉnh có bệnh sốt rét lưu hành đặc biệt là các vùng trọng điểm về sốt rét và sốt rét kháng thuốc, chính quyền các cấp và ngành y tế địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí hàng năm cho công tác phòng, chống và loại trừ bệnh sốt rét theo phân cấp, đáp ứng nhu cầu về nguồn lực cho công tác phòng chống và loại trừ sốt rét ở địa phương; triển khai các biện pháp phòng chống sốt rét theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Tiếp tục thực hiện các hoạt động phòng chống bệnh giun sán nhằm làm giảm tỷ lệ nhiễm, giảm tác hại của bệnh đối với cộng đồng, đặc biệt là những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như: trẻ em, phụ nữ có thai, phụ nữ tuổi sinh sản.
PGS.TS. Phạm Lê Tuấn và PGS.TS. Trần Thanh Dương trao chứng nhận loại trừ sốt rét cho các tỉnh, thành phố
PGS.TS. Trần Thanh Dương, TS. Huỳnh Hồng Quang, PGS.TS. Lê Thành Dồng trao quyết định khen thưởng của Bộ trưởng Bộ y tế cho các đơn vị và cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống và loại trừ sốt rét giai đoạn 2011-2020
Phòng Khoa học và Đào tạo