Ngày 16/11/2018, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Tung ương đã tổ chức Hội nghị khoa học thường niên về Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng năm 2018. Hội nghị nhằm chia sẻ các kết quả nghiên cứu khoa học và các sản phẩm khoa học công nghệ về lĩnh vực phòng chống bệnh sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng truyền bệnh.
Tham dự Hội nghị có Đại diện hội Ký sinh trùng, Hội Côn trùng học Việt Nam; Đại biểu các Trường Đại học Y-Dược; Các Nghiên cứu sinh; Cán bộ Khoa học Viện Sốt rét - Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương; Đại diện các Bệnh viện Đa khoa; Lãnh đạo Sở Y tế, Lãnh đạo các Trung tâm PCSR/YTDP.
Phát biểu khai mạc hội nghị, TS. Nguyễn Quang Thiều – Phó Viện trưởng nhấn mạnh. Hội nghị khoa học về Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng là cơ hội để các tổ chức, cá nhân chia sẻ thông tin khoa học. Các công trình nghiên cứu về bệnh Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng, các kết quả nghiên cứu và những ý kiến đóng góp của quý vị đại biểu, các nhà khoa học trong hội nghị hôm nay góp phần nâng cao chất lượng hội nghị, đồng thời là tiền đề cho việc duy trì và tiếp tục hội nghị khoa học cho những năm thiếp theo.
ThS. Nguyễn Quý Anh – Phó Trưởng Khoa Dịch tễ Sốt rét báo cáo tại Hội nghị
Hội nghị khoa học năm nay là dịp trao đổi các vấn đề ưu tiên và định hướng nghiên cứu khoa học nhằm tìm ra những giải pháp tăng cường nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng. Trong đó bệnh sốt rét, nghiên cứu các giải pháp tăng cường hiệu quả công tác giám sát, phát hiện sớm ca bệnh, tập trung vào nhóm đối tượng nguy cơ cao, nhóm dân di cư, đi rừng, ngủ rẫy, qua lại biên giới. Đồng thời nghiên cứu về muỗi truyền sốt rét, các phác đồ, thuốc điều trị hiệu quả nhằm tăng cường ngăn chặn tình trạng muỗi kháng hóa chất. Ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc, có thể nghiên cứu tìm ra thuốc điều trị mới, tiếp tục nghiên cứu vắc xin phòng bệnh sốt rét là cơ sở để giảm số lượng bệnh nhân mắc sốt rét và giảm số tử vong. Đối với bệnh ký sinh trùng các nghiên cứu tập trung và đánh giá thực trạng bệnh, các phác đồ điều trị và giải pháp truyền thông phòng chống các bệnh ký sinh trùng. Với côn trùng, nghiên cứu các hình thái, sinh thái của côn trùng y học, vai trò truyền bệnh và các biện pháp phòng chống hiệu quả. Kiểm soát nguy cơ lan truyền dịch bệnh do côn trùng truyền cần được nghiên cứu, trao đổi và thảo luận. Các giải pháp tăng cường nghiên cứu là cơ sở khoa học để Viện, Chương trình quốc gia phòng chống sốt rét và chương trình phòng chống giun sán tham mưu cho vùng tế các giải pháp kỹ thuật phòng chống trong lĩnh vực sốt rét bệnh ký sinh trùng côn trùng truyền bệnh.
TS. Đỗ Trung Dũng- Trưởng Khoa Ký sinh trùng trình bày tại Hội nghị
Tại Hội nghị, các nhà khoa học, các chuyên gia về sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng đã nghe các báo cáo viên trình bày về tình hình Sốt rét trên Thế giới và Việt Nam; Cập nhật chiến lược phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét; Tình hình các bệnh Ký sinh trùng trên Thế giới và Việt Nam; Các chiến lược phòng chống và loại trừ bệnh Ký sinh trùng; Tình hình côn trùng truyền bệnh tại Việt Nam; Các biện pháp mới giám sát và phòng chống côn trùng truyền bệnh; Tình hình sốt rét kháng thuốc và các biện pháp phòng chống kháng hiện nay; Những hợp chất thiên nhiên sử dụng trong phòng chống côn trùng; Những thuận lợi và khó khăn trong việc nghiên cứu, ứng dụng; Những phương pháp mới cập nhật để chẩn đoán ký sinh trùng truyền bệnh; Những thuận lợi và khó khăn trong việc phát triển kỹ thuật chẩn đoán; Định hướng nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực ký sinh trùng, côn trùng giai đoạn 2018 – 2023
Các đại biểu đã thảo luận về kết quả nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực phòng chống bệnh sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng trong thời gian qua và thống nhất cần tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới. Khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn kinh phí Nhà nước cấp cho các hoạt động phòng chống bệnh sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng trong đó có hoạt động nghiên cứu khoa học không đáp ứng nhu cầu trong khi nguồn tài trợ quốc tế ngày càng thu hẹp.
Vì vậy, các đơn vị từ Trung ương đến địa phương cần hết sức nỗ lực, vận động đầu tư từ các nguồn lực tại chỗ, nguồn lực hợp tác quốc tế cho công tác nghiên cứu khoa học về phòng chống bệnh sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng.