GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại buổi Lễ
Theo thống kê của Bộ Y tế tại Việt Nam, trong năm 2018, số mắc bệnh tay chân miệng giảm 18,9%, sốt xuất huyết giảm 53,6% so với năm 2017, bệnh sởi số mắc vẫn thấp hơn trung bình giai đoạn 2013-2017. Tuy nhiên thời gian gần đây bắt đầu có sự gia tăng bệnh tay chân miệng và sởi tại một số địa bàn nơi có tập trung đồng dân cư, có sự giao lưu đi lại lớn, điều kiện sinh sống chật hẹp, chưa bảo đảm vệ sinh, ý thức người dân chưa cao ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội...
Phát biểu tại lễ phát động GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: hiện đang là thời gian cao điểm với điều kiện thời tiết khí hậu rất thuận lợi cho dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh, phát triển và làm tăng nguy cơ bùng phát dịch. Trên thực tế đã xảy ra các trường hợp mắc bệnh rải rác tại một số địa phương nơi có tập trung đông dân cư, gia tăng giao thương, đi lại, ở vùng khó khăn, vùng có tỷ lệ tiêm chủng còn thấp. Dự báo trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh có thể sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp như tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát cục bộ, nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống_Thứ trưởng nhấn mạnh.
Đồng chí Thứ trưởng cùng các vị đại biểu thăm quan nơi thực hành tiêm bổ sung vắc xin phòng sởi - rubella cho trẻ tại Trường mầm non Dịch Vọng Hậu
Trước diễn biến và nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong thời gian tới để chủ động phòng, chống dịch bệnh, không để bùng phát và lan rộng trong thời gian tới, đồng chí Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị: Các tỉnh, thành phố quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống dịch và triển khai tổ chức chiến dịch phòng chống bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết trên địa bàn toàn tỉnh để tạo hiệu ứng tích cực vận động mọi người dân cùng tham gia; các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội cần tham gia mạnh mẽ và có chỉ đạo xuyên suốt từ cấp tỉnh, thành phố đến cấp cơ sở, huy động sự tham gia một cách mạnh mẽ, đồng bộ trong công tác phòng chống dịch; bên cạnh đó Ngành Y tế chủ động theo dõi diễn biến tình hình bệnh dịch để tham mưu chính quyền và xây dựng kế hoạch ứng phó kịp thời và hiệu quả cũng như thực hiện tốt công tác giám sát, phát hiện sớm và xử lý bệnh dịch kịp thời; đồng thời các cơ quan truyền thông báo chí cùng phối hợp và đồng hành trong việc đưa tin, truyền thông, truyền tải khuyến cáo của Bộ Y tế về các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là đối với bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết tới toàn thể người dân và cộng đồng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và Ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội
thăm quan nơi thực rửa tay bằng xà phòng của các bé
Nhân dịp này đồng chí Thứ trưởng kêu gọi người dân và các bậc phụ huynh cần chủ động thực hiện các biện pháp chống dịch bao gồm:
- Thực hiện rửa tay bằng xà phòng nhiều lần trong ngày để tạo thành thói quen và nếp sống vệ sinh phòng chống dịch bệnh
- Các bậc phụ huynh đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch đối với các bệnh
- Để phòng chống bệnh sốt xuất huyết cần triển khai thực hiện diệt lăng quăng/bọ gậy hàng tuần; đậy kín các dụng cụ chứa nước và lật úp, loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng; áp dụng các biện pháp diệt và phòng chống muỗi thường xuyên.
Đồng chí Thứ trưởng cùng các vị đại biểu trò chuyện cùng các cô giáo tại nơi thực hành lau rửa đồ chơi,
dụng cụ của trẻ
Toàn cảnh buổi Lễ
Tại chiến dịch phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết năm 2018 có các hoạt động như: Thực hành vệ sinh khử khuẩn tại khu học tập, vui chơi của trẻ, bao gồm: rửa tay bằng xà phòng, lau rửa đồ chơi, dụng cụ của trẻ, lau rửa sàn nhà tại Trường mầm non Dịch Vọng Hậu, Số 2 Trần Quốc Hoàn, quận Cầu Giấy; thực hành tiêm bổ sung vắc xin phòng sởi - rubella cho trẻ tại Trường mầm non Dịch Vọng Hậu; thăm, kiểm tra các hộ gia đình về thực hành các biện pháp loại trừ ổ lăng quăng (bọ gậy) phòng, chống bệnh sốt xuất huyết tại tổ 1, phường Dịch Vọng; phun hóa chất diệt muỗi ở cụm dân cư tổ 11, nhà văn hóa, bãi đất trống, công trường xây dựng tại phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội. Thông qua chiến dịch truyền thông này, Ngành Y tế kêu gọi sự tham gia tích cực của chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị, xã hội và người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh./.
Nguồn: Bộ Y tế