Ngày 9 tháng 8 năm 2016 tại Hà Nội, được sự tài trợ của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương tổ chức buổi “Hội thảo khoa học chia sẻ kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu gần đây trong phòng chống sốt rét cho dân di biến động”.
Chủ trì hội thảo có PGS.TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương và ông David Kningt, Trưởng phái đoàn Tổ chức Di cư Quốc tế tại Việt Nam (IOM), BS. Trần Công Đại, Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam.
Cùng với sự tham dự của đại diện các tổ chức quốc tế và các Dự án: Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Thái Lan; Chuyên gia Văn phòng IOM tại Bangkok; Đại diện của chương trình chăm sóc sức khỏe của IOM tại Myanmar; Đại diện tổ chức PSI (Population Services International) Đại diện Tổ chức Sáng kiến Tiếp cận Y tế Clinton; Đại diện Dự án Vysnova; Đại diện Dự án “Hành động vì sức khỏe và chống đói nghèo”.
Về phía Việt Nam có: Đại điện Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, đại diện Cục Quân Y, Bộ Quốc phòng. Các chuyên gia của Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng trung ương; Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Quy Nhơn. Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TP Hồ Chí Minh. Các đồng chí lãnh đạo Trung tâm PCSR/YTDP của các tỉnh: Lạng Sơn, Bắc Kạn, Nghệ An, Thanh Hóa, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Tĩnh, Bình Phước, Gia Lai, Khánh Hòa, Đắk Nông, Phú Yên, Sóc Trăng và Cà Mau.
Toàn cảnh hội thảo
Khai mạc hội thảo, PGS.TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng đề cập đến tính cấp thiết, những vấn đề thuận lợi và khó khăn hiện tại của Chương trình phòng chống sốt rét nói chung và vấn đề phòng chống sốt rét cho người dân di cư nói riêng đang diễn ra. Vấn đề cần đặt ra là cộng đồng dân cư đặc biệt là cộng đồng dân cư có nguy cơ cao mắc sốt rét như: dân di cư tự do, dân đi rừng, ngủ rẫy, dân giao lưu qua biên giới, dân đào đãi vàng, đá quý... chúng ta cần cung cấp dịch vụ y tế ra sao? Cần có những hành động cụ thể gì? Để người dân di cư có thể dễ dàng tiếp cận với dịch vụ y tế phòng chống sốt rét có hiệu quả nhất? Đây là vấn đề quan trọng góp phần duy trì các thành quả PCSR trong hàng chục năm qua ở Việt Nam. Đặc biệt nó còn có ý nghĩa hơn khi hiện nay Việt Nam cùng các nước trong khu vực đang nỗ lực tiến tới loại trừ sốt rét vào năm 2030.
PGS.TS. Trần Thanh Dương Viện trưởng Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương
phát biểu khai mạc hội thảo
Hội thảo đã nghe 3 bài trình bày kết quả nghiên cứu trong nước của Viện Sốt rét - Ký sinh trung - Côn trùng Trung ương, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn, Viện xã hội học, 4 bài trình bày của diễn giả quốc tế đến từ Thái Lan và Myanmar và Tổ chức Y tế thế giới tại Thái Lan. Các báo cáo trên cho thấy thành tựu đã đạt được cho dân di biến động, phương pháp tiếp cận được với người di cư, biện pháp cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và phòng chống sốt rét, chính sách, cam kết của các Chính phủ thuộc khu vực Tiểu vùng Sông Mekong Mở rộng (GMS) về chính sách chăm sóc y tế bao gồm dịch vụ phòng chống sốt rét cho người di cư và đã có rất nhiều ý kiến góp ý, những kinh nghiệm đang triển khai tại các địa phương được đưa ra.
Bế mạc hội thảo, PGS.TS Trần Thanh Dương đã tổng kết những ý kiến đóng góp và đưa ra khuyến nghị:
- Quản lý tốt người di biến động cả trong và ngoài nước.
- Tăng cường công tác truyền thông phòng chống sốt rét cho dân di biến động
- Xây dựng cơ sở hạ tầng, cung cấp trang thiết bị cho các cơ sở y tế đảm bảo đủ thuốc, đủ phương tiện xét nghiệm, đủ tài liệu truyền thông.
- Nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế, đặc biệt tập trung vào những cán bộ tại cơ sở.
- Tập trung nghiên cứu khoa học nhằm tìm ra biện pháp hiệu quả phòng chống sốt rét cho dân di biến động.
- Cần có những ký kết hợp tác với các nước có đường biên giới chung với Việt Nam để cùng có những biện pháp quản lý chung người dân di cư.
- Tăng cường hợp tác quốc tế thực hiện các biện pháp phòng chống sốt rét cho dân di biến động.
BS. Đặng Việt Dũng - Khoa Dịch tễ sốt rét