Ngày Sốt rét Thế giới, một nỗ lực hướng tới loại trừ bệnh sốt rét  4/29/2016 11:13:39 AM

NGÀY 25 THÁNG 4 NĂM 2016 | GENEVA - Một năm sau khi Hội đồng Y tế Thế giới quyết tâm loại trừ sốt rét tại ít nhất 35 quốc gia vào năm 2030, nhân Ngày Sốt rét Thế giới, Tổ chức Y tế thế giới công bố một báo cáo thể hiện rõ mục tiêu này, mặc dù tham vọng nhưng có thể đạt được.

NGÀY 25 THÁNG 4 NĂM 2016 | GENEVA - Một năm sau khi Hội đồng Y tế Thế giới quyết tâm loại trừ sốt rét tại ít nhất 35 quốc gia vào năm 2030, nhân Ngày Sốt rét Thế giới, Tổ chức Y tế thế giới công bố một báo cáo thể hiện rõ mục tiêu này, mặc dù tham vọng nhưng có thể đạt được. 

Vào năm 2015, tất cả các nước trong khu vực châu Âu theo phân vùng của Tổ chức Y tế thế giới (TCYTTG) báo cáo không có ca bệnh sốt rét nội địa (zero indigenous cases), trong khi con số này vào năm 1995 là 90.000 ca. Ngoài khu vực này, 8 quốc gia báo cáo không có ca bệnh vào năm 2014 là Argentina, Costa Rica , Iraq, Morocco, Oman, Paraguay, Sri Lanka và Tiểu các Vương quốc Ả rập Thống nhất. Tám quốc gia khác thống kê được dưới 100 trường hợp mắc sốt rét nội địa ở mỗi nước trong năm 2014. Và thêm 12 quốc gia ghi nhận có khoảng từ 100 đến 1000 trường hợp mắc sốt rét nội địa trong năm 2014. 

"Chiến lược Toàn cầu Loại trừ Bệnh Sốt rét giai đoạn 2016-2030 (Global Technical Strategy for Malaria 2016-2030)", được Hội đồng Y tế Thế giới phê duyệt năm 2015, đã kêu gọi loại trừ sốt rét lan truyền nội địa ít nhất 10 quốc gia vào năm 2020. WHO ước tính rằng 21 quốc gia có thể đạt được mục tiêu này, bao gồm 6 quốc gia ở khu vực châu Phi nơi ảnh hưởng bệnh sốt rét nặng nề nhất. 

Soi đường cho các quốc gia hướng tới loại trừ sốt rét

"Báo cáo của chúng tôi soi đường cho các quốc gia đang trên lộ trình loại trừ bệnh sốt rét", tiến sĩ Pedro Alonso, Giám đốc Chương trình Sốt rét Toàn cầu của WHO cho biết. "WHO tán đồng các quốc gia này trong khi cũng nêu bật nhu cầu cấp thiết phải có sự đầu tư lớn hơn vào những khu vực có tỷ lệ lây truyền bệnh cao, đặc biệt là ở châu Phi. Bảo vệ mạng sống của con người phải là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi" 

Kể từ năm 2000, tỷ lệ tử vong do sốt rét đã giảm 60% trên toàn cầu. Ở khu vực châu Phi theo phân vùng của TCYTTG, tỷ lệ tử vong do sốt rét đã giảm 66% ở tất cả các nhóm tuổi và 71% ở trẻ em dưới 5 tuổi. 

Các tiến bộ về khoa học kỹ thuật giúp con người tìm ra nhiều biện pháp phòng chống sốt rét mà đã được triển khai rộng rãi trong thập kỷ qua như màn tẩm hóa chất, phun tồn lưu, xét nghiệm chẩn đoán nhanh và các liệu pháp điều trị kết hợp artemisinin. 

Nhưng đạt tới cấp độ tiếp theo – loại trừ - sẽ không phải chuyện dễ dàng. Gần nửa dân số thế giới - 3,2 tỷ người - vẫn có nguy cơ mắc bệnh sốt rét. Chỉ riêng năm ngoái, 214 triệu trường hợp mắc mới được ghi nhận ở 95 quốc gia và hơn 400 000 người chết vì bệnh sốt rét. 

Hiệu quả của các biện pháp được sử dụng để phòng chống sốt rét trong những năm đầu của thế kỷ này hiện đang bị đe dọa. Hiện tượng muỗi kháng hóa chất diệt được tẩm trong màn và sử dụng trong phun tồn lưu đang gia tăng. Vì vậy, ký sinh trùng kháng thuốc cũng là một trong các mối quan tâm hàng đầu trong các loại thuốc chống sốt rét mạnh nhất. Lộ trình tiếp theo chống lại căn bệnh có thể sẽ phải cần đến các công cụ mới mà ngày nay chưa có. 

Lần đầu tiên vào năm ngoái, Cơ quan Y tế châu Âu đã công bố ý kiến đánh giá tích cực về một loại vắc xin sốt rét. Vào tháng Giêng năm 2016, WHO đề nghị thực hiện các dự án thí điểm diện rộng cho loại vắc xin này ở một số nước châu Phi. Hành động này có thể mở đường cho việc triển khai rộng hơn vào những năm tới. 

Sự cam kết mạnh mẽ về chính trị và tài chính vô cùng quan trọng

"Khoa học công nghệ phải đi đôi với sự cam kết mạnh mẽ về chính trị và tài chính," tiến sĩ Alonso cho biết thêm. 

Sự lãnh đạo tiên quyết của chính phủ các nước có sốt rét là yếu tố then chốt. Các chính phủ phải tăng cường giám sát ca bệnh để xác định các lỗ hổng trong độ bao phủ và chuẩn bị sẵn sàng hành động dựa trên những thông tin nhận được. Khi các quốc gia tiến tới loại trừ, khả năng phát hiện từng ca nhiễm ngày càng trở nên quan trọng. 

Hướng tới các mục tiêu của "Chiến lược Toàn cầu" sẽ đòi hỏi sự đầu tư lớn về tài chính trên phạm vi toàn cầu cũng như ở từng quốc gia – từ 2,5 tỷ đô la hàng năm như hiện nay lên khoảng 8,7 tỷ đô la hàng năm vào năm 2030. 

Thông qua sự quyết tâm mạnh mẽ về chính trị và tài chính, các nước có sốt rét có thể tăng tốc độ tiến trình hướng tới loại trừ bệnh sốt rét và góp phần vào chương trình phát triển rộng hơn như đã nêu trong "Chương trình Phát triển Bền vững 2030" (2030 Agenda for Sustainable Development).

Biên dịch Bùi Trang-Phòng KHĐT

Thống kê truy cập

Đang online: 29

Số lượt truy cập: 22,781,284