Phòng bệnh viêm xoang mùa lạnh  2/17/2012 7:56:16 PM

Mùa lạnh về thì các bệnh thuộc đường hô hấp dễ mắc phải và hay bị tái phát, trong đó viêm xoang là một bệnh cần được quan tâm nhiều. Bệnh viêm xoang gặp ở mọi lứa tuổi và khi thời tiết thay đổi bệnh thường dễ xuất hiện đặc biệt là viêm xoang dị ứng mạn tính.

 Biểu hiện của bệnh
Xoang là những khoang trống của xương sọ. Các khoang trống đó được tạo nên quanh hốc mũi. Do cấu tạo của xoang là các hộp rỗng nên chúng có khả năng làm giảm trọng lượng của khối hộp sọ và tham gia điều hòa không khí. Các xoang còn có nhiệm vụ hết sức quan trọng là làm ấm không khí mỗi khi thời tiết lạnh và làm mát không khí khi trời nóng nhờ vào sự điều hòa của hệ thống mao mạch của xoang.
 

 
Người bị viêm xoang cần đeo khẩu trang khi ra đường

Xoang có thể bị bệnh bởi cơ chế dị ứng nên được gọi là viêm xoang dị ứng. Viêm xoang dị ứng phụ thuộc vào các loại dị nguyên (kháng nguyên) xâm nhập vào trong xoang đặc biệt là các loại dị nguyên mang tính chất dị ứng mạnh và rất lạ đối với cơ thể như phấn hoa, lông chó, mèo, ký sinh trùng như bọ, mạt, ve và gặp phải cơ thể có cơ địa dị ứng thì bệnh sẽ xuất hiện sớm hơn, nặng hơn. Khi thời tiết chuyển mùa như thời tiết thay đổi từ nóng chuyển sang lạnh, gió mùa đông bắc, áp thấp nhiệt đới, ẩm ướt thì xuất hiện ngứa mũi, hắt hơi, đau đầu, đau dọc theo sống mũi, các chất nhầy của xoang sẽ chảy xuống họng làm cho người bệnh có cảm giác rất khó chịu. Viêm xoang dị ứng ít khi có sốt trừ khi có bội nhiễm vi sinh vật. Nếu bị viêm xoang do nhiễm vi sinh vật (vi khuẩn hoặc vi rút hoặc vi nấm) thì được gọi là viêm xoang nhiễm trùng. Viêm xoang nhiễm trùng thường có sốt nhẹ, nhưng đôi khi có sốt cao, rét run, đau nhức đầu, kèm theo viêm một số bộ phận thuộc đường hô hấp khác như viêm mũi, họng, viêm amidan, có trường hợp gây viêm tai. Nếu để viêm xoang mạn tính thì việc điều trị sẽ gặp không ít khó khăn và cũng có nhiều nguy cơ gây biến chứng nguy hiểm, ví dụ như rối loạn tiền đình, rối loạn tuần hoàn não. 

Phòng bệnh

Phòng bệnh viêm xoang cũng tương tự như phòng mắc các bệnh về đường hô hấp. Vì vậy, khi thời tiết thay đổi cần mặc ấm, nhất là vùng cổ, ngực, mũi. Không tắm nước lạnh mà cần tắm nước nóng. Khi tắm cần tắm trong buồng kín gió. Tắm xong cần lau thân mình và đầu, mặt, cổ thật khô và mặc quần áo ngay. Cần vệ sinh họng, miệng hàng ngày như đánh răng trước và sau khi ngủ dậy, sau mỗi bữa ăn và súc họng nước muối sinh lý. Nếu giữ được họng, miệng không bị viêm thì hạn chế rất nhiều đến việc bị viêm xoang cũng như bệnh viêm xoang tái phát, bởi vì hệ thống xoang và các bộ phận đường hô hấp trên liên thông với nhau. Những người đã bị viêm xoang mạn tính và cả người bình thường thì hàng ngày nên nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý. Đối với trẻ em và người cao tuổi càng cần thực hiện tốt vệ sinh sạch sẽ đường hô hấp trên một cách thường xuyên càng tốt.

Mỗi khi đi ra đường, ngoài việc mặc ấm thì cần đeo khẩu trang, nên dùng loại có khả năng hạn chế sự xâm nhập của bụi. Khi nghi ngờ bị viêm xoang hoặc viêm đường hô hấp, cần đi khám bác sĩ ngay, tốt nhất là khám bác sĩ chuyên khoa tai, mũi, họng. Người bị viêm xoang và viêm xoang tái phát cần thiết điều trị theo đơn của bác sĩ, tuân thủ đầy đủ các loại thuốc, không tự động giảm liều hoặc tăng liều và không được thay thế thuốc này bằng thuốc khác. Không nên tự mua thuốc kháng sinh để điều trị bệnh viêm xoang nếu làm như vậy sẽ lợi bất cập hại, nghĩa là bệnh không khỏi mà có khi còn tăng lên hoặc gây tai biến rất nguy hiểm.

Những trường hợp viêm xoang mạn tính tái phát, khi thời tiết thay đổi do chuyển mùa cũng không nên dùng đơn của bác sĩ khám lần trước để điều trị cho lần tái phát này hoặc dùng đơn của người khác cũng có triệu chứng tương tự để điều trị cho mình. Ngoài ra, nếu dùng kháng sinh không đúng chỉ định của bác sĩ có thể làm cho vi khuẩn kháng lại thuốc kháng sinh dẫn đến những lần bệnh tái phát mà nguyên nhân cũng do vi khuẩn hoặc bội nhiễm vi khuẩn thì việc điều trị rất khó khăn.

Theo Suckhoedoisong.vn
PGS.TTƯT. BÙI MAI HƯƠNG

Thống kê truy cập

Đang online: 698

Số lượt truy cập: 23,125,587