TS. Phạm Vĩnh Thanh, Khoa Dịch tễ sốt rét, Viện sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương trình bày báo cáo trong hội thảo
Với tình hình trên, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương đã có nhiều văn bản chỉ đạo các Trung tâm kiểm soát bệnh tật, Trung tâm phòng chống sốt rét triển khai các biện pháp ngăn chặn sốt rét gia tăng như tăng cường phát hiện sớm bệnh nhân sốt rét, điều trị triệt để các trường hợp bệnh có ký sinh trùng theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế ban hành, tăng cường điều tra trường hợp bệnh, ổ bệnh tại địa phương, triển khai xử lý ổ bệnh bằng các hình thức như cấp màn tẩm hóa chất tồn lưu dài, cấp kem xua và tuyên truyền về phòng chống bệnh sốt rét cho người dân có nguy cơ cao.
Tình hình sốt rét đến nay đã cơ bản được kiểm soát, sốt rét tại 3 tỉnh trong tháng 3 đã giảm nhiều so với tháng 1 và tháng 2. Tuy nhiên, nguy cơ sốt rét tăng trở lại vào những tháng cuối năm là rất cao, chương trình quốc gia phòng chống sốt rét cần có sự chuẩn bị tốt đặc biệt cần triển khai công tác phun, tẩm hóa chất, truyền thông trước khi vào mùa truyền bệnh.
Tại hội thảo, các dự án đang thực hiện hoạt động hỗ trợ phòng chống sốt rét cũng đã chia sẻ kết quả hoạt động trong năm 2018 và 3 tháng đầu năm 2019. Trong đó, dự án Sáng kiến khu vực ngăn chặn và loại trừ sốt rét kháng Artemisinin (RAI2E) là dự án hỗ trợ đắc lực cho chương trình quốc gia, thực hiện tại 36 tỉnh có sốt rét lưu hành, tháng 3 năm 2019 dự án đã cấp hơn 1,2 triệu màn tẩm hóa chất tồn lưu dài cho người dân vùng sốt rét, bên cạnh đó hỗ trợ các hoạt động như chẩn đoán, điều trị, giám sát, đánh giá, truyền thông, phòng chống vector và nâng cao năng lực hệ thống sốt rét. Đối với các dự án như Việt MCI, HPA, PSI hiện đang can thiệp tại một số tỉnh như Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Bình Phước. Các dự án tập trung chủ yếu vào đối tượng dân di biến động và y tế tư nhân. Tại hội thảo, các đại biểu đã thống nhất tăng cường giám sát dịch tễ sốt rét, phát hiện và điều trị sớm không để sốt rét ác tính và tử vong do sốt rét xảy ra; Quản lý và theo dõi các đối tượng đi rừng, làm rẫy, ngủ rẫy để kịp thời tổ chức điều tra, xử lý khi có diễn biến bất thường. Đối với các dự án, cần xác định rõ đối tượng đi rừng, ngủ rừng với đi rẫy, ngủ rẫy để từ đó có số liệu báo cáo chính xác cho chương trình quốc gia để có các giải pháp phù hợp nhằm đạt được mục tiêu chung là loại trừ sốt rét vào năm 2030.
Trung Kiên - Khoa Dịch tễ Sốt rét