Hội thảo tổng kết các hoạt động cảnh giác dược của ba chương trình y tế quốc gia năm 2013  11/1/2013 11:37:39 PM

Đây là một trong các hoạt động của Dự án “Hỗ trợ hệ thống y tế” do Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS, Lao và Sốt rét tài trợ.

         Ngày 18/10/2013, tại Nhà khách Văn phòng Quốc hội, 27A-Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Trung tâm Quốc gia về Thông tin thuốc và các phản ứng bất lợi của thuốc (Trung tâm DI&ADR) đã tổ chức thành công hội thảo tổng kết các hoạt động cảnh giác dược của ba chương trình y tế Quốc gia: chương trình Phòng chống Sốt rét Quốc gia, chương trình phòng chống Lao Quốc gia và chương trình phòng chống HIV/AIDS Quốc gia. Đây là một trong các hoạt động của Dự án “Hỗ trợ hệ thống y tế” do Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS, Lao và Sốt rét tài trợ.

         Đến dự hội thảo có TS. Nguyễn Hoàng Anh (Phó Giám đốc Trung tâm DI&ADR, chủ trì hội thảo), TS. Bùi Quang Phúc (đại diện chương trình Phòng chống Sốt rét Quốc gia), PGS. TS. Vũ Xuân Phú (Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, đại diện chương trình phòng chống Lao Quốc gia), TS. Lê Thị Hường (Cục Phòng chống HIV/AIDS), các đại biểu của 3 chương trình mục tiêu Quốc gia, đại biểu các Trung tâm Phòng chống Sốt rét tỉnh Bình Phước, Ninh Thuận, Khánh Hòa và Quảng Nam, đại biểu các Bệnh viện Lao và bệnh phổi Bắc Giang, Quảng Ninh, Cần Thơ, Nam Định, bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên, bệnh viện 71 Trung ương - Thanh Hóa, bệnh viện Phạm Ngọc Thạch - TP. Hồ Chí Minh, bệnh viện Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh, bệnh viện Đống Đa - Hà Nội, bệnh viện 09 - Hà Nội, đại biểu các Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Khánh Hòa, Hải Dương, Trung tâm DI&ADR Quốc gia, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (BS. Trần Công Đại. TS. Cornelia Hennig), đại diện các tổ chức MSH (ThS. Nguyễn Thị Vũ Thành) và SCMS (TS. Hà Thị Hương).


TS. Bùi Quang Phúc (thứ 3 từ trái sang), đại diện chương trình Phòng chống sốt rét
Quốc gia tham dự Hội thảo

PGS. TS. Vũ Xuân Phú, đại diện chương trình phòng chống Lao Quốc gia phát biểu tại Hội thảo


           Chương trình bắt đầu bằng bài phát biểu khai mạc của TS. Nguyễn Hoàng Anh, trong đó có nhấn mạnh đến vai trò và sự hợp tác của ba chương trình y tế trong việc triển khai các hoạt động của dự án. Sau đó, đại diện các chương trình y tế báo cáo tổng kết các hoạt động đã thực hiện được trong năm tính đến tháng 10/2013.

           Năm 2013 là một năm đầy khởi sắc của chương trình Phòng chống sốt rét đối với các hoạt động cảnh giác dược, cụ thể: chương trình đã tổ chức thành công khóa tập huấn đào tạo cảnh giác dược cấp độ 2 cho 40 cán bộ y tế; đã gửi 109 báo cáo tự nguyện phản ứng bất lợi (ADR) của thuốc sốt rét tới Trung tâm DI&ADR Quốc gia; đã tham gia thẩm định báo cáo ADR thuốc sốt rét; tham gia xây dựng đề cương hoạt động giai đoạn 2 (2014-2016); đã xây dựng mẫu báo cáo ADR và hướng dẫn báo cáo ADR của thuốc trong điều trị sốt rét, đang chờ xin ý kiến chuyên gia; tham gia xây dựng tài liệu đào tạo cảnh giác dược (đang chỉnh sửa bản nháp theo góp ý); bước đầu tham gia xây dựng hướng dẫn an toàn thuốc chuẩn Quốc gia; đã nhận các bản tin cảnh giác dược số 1, 2, 3 và 4 (40 bản mỗi loại), 230 tờ rơi, 5 áp phích từ Trung tâm DI&ADR, đã gửi một phần các bản tin và ấn phẩm đó cho cán bộ của chương trình Phòng chống sốt rét; đã đăng một bài báo trên Tạp chí Phòng chống bệnh sốt rét và các bệnh ký sinh trùng và một bản tin về hoạt động cảnh giác dược trên website www.nimpe.vn. Ngoài ra, chương trình đã thực hiện một số hoạt động khác liên quan đến cảnh giác dược, nhưng được tài trợ từ các nguồn kinh phí không phải Dự án “Hỗ trợ hệ thống y tế”, như: hoạt động giám sát chất lượng thuốc sốt rét và kháng sinh (Hội đồng Dược điển Mỹ, Quỹ toàn cầu dành cho chương trình phòng chống sốt rét), nghiên cứu kháng thuốc, hội thảo kêu gọi ngừng sản xuất và sử dụng các dẫn xuất artemisinin dạng đơn thuần (Tổ chức Y tế thế giới).


TS. Nguyễn Thị Minh Thu, đại diện chương trình Phòng chống Sốt rét Quốc gia báo cáo tổng kết hoạt động năm 2013

          Sau báo cáo của ba chương trình Y tế là các báo cáo tổng kết hoạt động giám sát chủ động phản ứng có hại và độc tính của thuốc kháng virus tại một số cơ sở trọng điểm.

          Trong phần thảo luận, TS. Bùi Quang Phúc đã phát biểu: việc theo dõi phản ứng bất lợi của thuốc điều trị sốt rét gặp nhiều khó khăn và bị hạn chế do việc điều trị bệnh nhân thường ở tuyến xã, trong khi đó cán bộ y tế tuyến xã chưa được tập huấn về cảnh giác dược và chưa có thói quen báo cáo ADR của thuốc. Mặt khác, tỷ lệ bệnh nhân được phát thuốc tự điều trị cao, khi gặp ADR của thuốc, nếu không nghiêm trọng đến mức nhập viện, bệnh nhân cũng không có thói quen báo cáo với thầy thuốc. Do đó, số lượng báo cáo tự nguyện ADR của thuốc sốt rét còn hạn chế. Hy vọng, với nghiên cứu giám sát tích cực sẽ thực hiện trong năm 2014 và 2015, thông tin về ADR của thuốc sốt rét sẽ nhiều hơn.

         Cuối chương trình, TS. Nguyễn Hoàng Anh, thay mặt trung tâm DI&ADR, đã tổng kết lại các ý kiến góp ý, cảm ơn sự hợp tác của ba chương trình y tế và nhấn mạnh những đóng góp của ba chương trình cho sự thành công của dự án ở giai đoạn 1.

TS. Nguyễn Thị Minh Thu - Khoa Nghiên cứu điều trị sốt rét


Thống kê truy cập

Đang online: 182

Số lượt truy cập: 22,656,290