Khóa đào tạo được tổ chức tại Viện Pasteur, thành phố Phnompenh, Campuchia từ ngày 19/3 – 23/3/2007. Thành phần tham gia khóa đào tạo gồm 11 thành viên đến từ 8 nước trong khu vực: Trung Quốc, Philippin, Malaysia, Indonesia, Campuchia, PNG, Thái lan và Việt nam. Giảng viên là các giáo sư và chuyên viên của Tổ chức y tế Thế giới, Pháp, Áo và Mỹ.
Mục đích:
1. Chia sẻ kinh nghiệm và khó khăn đối với thử nghiệm in vitro đang sử dụng tại mỗi nước.
2. Đào tạo các phương pháp in vitro mới (ELISA pLDH, HRPII, SYBER green) trong đánh giá sự nhậy cảm của P.falciparum với thuốc sốt rét.
3. Tăng cường sự chuẩn hóa và giám sát chất lượng các thử nghiệm in vitro tại thực địa.
4. Phát triển thử nghiệm in vitro trên các phân lập tại phòng thí nghiệm để cung cấp các thông tin hữu ích cho chương trình phòng chống sốt rét quốc gia.
Vấn đề quan trọng hiện nay là chuẩn hóa các phương pháp sử dụng, đặc biệt là phương pháp nuôi cấy ký sinh trùng sốt rét, báo cáo kết quả và giám sát chất lượng các thử nghiệm. Kinh nghiệm cho thấy có tới 20 tác nhân ảnh hưởng đến sự
đáp ứng (IC50) của thuốc. Ví dụ như thể tích hồng cầu, mật độ ký sinh trùng ban đầu và dịch treo, thể tích phân bố trong các giếng thử, loại môi trường, huyết thanh và các chất thay thế…Các kỹ thuật mới hiện nay phát triển dựa trên kỹ thuật miễn dịch hấp phụ men với kháng thể trực tiếp chống lại lactate dehydrogenase của Plasmodium hoặc protein II giàu histidin hay sử dụng hợp chất huỳnh quang (SYBER green) xác định ADN của ký sinh trùng.
Qua khóa đào tạo, các thành viên đã nắm rõ được các thuận lợi và khó khăn của từng kỹ thuật và có thể tự chọn cho mình một kỹ thuật thích hợp dựa trên điều kiện kinh tế của mỗi nước. Dưới đây là một số khó khăn và thuận lợi của từng kỹ thuật:
1. Kỹ thuật dùng đồng vị phóng xạ: Có thể đo sự tổng hợp ADN của ký sinh trùng thông qua [3H] hypoxanthine. Mật độ ký sinh trùng ban đầu đưa vào thử nghiệm yêu cầu cao >0,1%. Sử dụng hóa chất độc hại, giá thành hóa chất và máy móc cao (máy rửa và đọc tế bào).
2. Micro test kit của WHO (Mark III): Tốn nhiều thời gian nếu mật độ ký sinh trùng thấp. Có độ nhạy cao, mật độ ký sinh trùng <0,01%. Có sự dao động giữa những người đọc kết quả nên đôi khi làm giảm độ chính xác. Dễ dàng thực hiện với các phân lập tại thực địa. Khó xác định với các phân lập trong phòng thí nghiệm. Giá thành thấp và kỹ thuật không phức tạp, kỹ thuật đạt tiêu chuẩn quốc tế nhưng việc vận chuyển và bảo quản các phiến nhựa đã gắn thuốc rất khó khăn (bảo quản lạnh) nhất là với các thuốc có thời gian bán thải ngắn (artemisinin và dẫn chất).
3. Kỹ thuật ELIZA (pLDH và HRP II) xác định sự sống sót của ký sinh trùng sử dụng các phiến nhựa gắn kháng thể đơn dòng (mAb) sẵn có. Bộ kit sẵn có, dễ dàng sử dụng đối với các phân lập trong phòng thí nghiệm và tại thực địa.
ỹ thuật có độ chính xác và độ nhạy cao (mật độ ký sinh trùng ban đầu 0,001%). Sử dụng máy ELIZA để đọc kết quả. Kết quả tương quan với in vivo và các kỹ thuật truyền thống (isotopic và micro test kit). Là kỹ thuật có thể thay thế các kỹ thuật truyền thống.
4. Kỹ thuật huỳnh quang: Xác định và đo AND của ký sinh trùng bằng các hợp chất huỳnh quang (Pico green, SYBR green I). Sử dụng máy GENios Plus để đọc kết quả. Kỹ thuật đơn giản, kém nhạy hơn ELIZA. Có các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả như bạch cầu, môi trường nuôi cấy RPMI.
Bs. Ngô Việt Thành