Vùng sốt rét lưu hành và nguy cơ sốt rét ác tính  5/2/2012 2:04:24 PM

Những người có thời gian sinh sống lâu năm tại các vùng sốt rét lưu hành và bị mắc bệnh sốt rét nhiều lần được chữa khỏi, tuy nhiên hiện nay đã chuyển về vùng đồng bằng, thành phố để thay đổi nơi cư trú nhưng vẫn lo lắng về hậu quả của bệnh đã mắc phải trước đây. Vậy hậu quả gì do bệnh sốt rét gây nên?

Sống lâu ở vùng sốt rét có hậu quả gì?

Nếu người sinh sống lâu năm ở trong các vùng sốt rét lưu hành như ở khu vực rừng núi, Tây Nguyên và bị mắc bệnh sốt rét do việc phòng chống bệnh không tích cực sẽ bị mắc bệnh sốt rét; bệnh có thể tái nhiễm và tái phát nhiều lần. Sau khi rời vùng sốt rét lưu hành trở về đồng bằng, thành phố; ra khỏi vùng sốt rét lưu hành thì ký sinh trùng sốt rét sẽ chết dần và bệnh sẽ hết dần. Đời sống của ký sinh trùng sốt rét trong cơ thể người có thời gian hạn định, thay đổi tùy theo từng loại ký sinh trùng. Tuổi thọ của ký sinh trùng sốt rét plasmodium falciparum từ 6 tháng đến 1 năm nhưng phần lớn không quá 6 tháng; tuổi thọ của ký sinh trùng sốt rét plasmodium vivax từ 1,5 - 2 năm, trung bình là 1,5 năm. Khi bị mắc bệnh sốt rét, nếu không điều trị mà bệnh nhân có sức đề kháng tốt thì ký sinh trùng sốt rét trong máu sẽ tự chết đi sau thời gian vượt quá tuổi thọ của nó.
 Một trong những bệnh nhân sốt rét ác tính bị biến chứng phải điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. HCM. Ảnh: Thiên Chương
Tuy nhiên, sau thời gian bị mắc bệnh sốt rét vẫn còn có thể tồn tại những rối loạn chức năng và tổn thương mạn tính ở các phủ tạng. Đây là hậu quả của bệnh sốt rét mắc phải, còn gọi là trạng thái bệnh lý sau sốt rét nhưng không thể xem là bệnh sốt rét mạn tính vì không còn phát hiện được ký sinh trùng sốt rét khi xét nghiệm máu. Có tài liệu cho rằng đây là tình trạng sốt rét phủ tạng tiến triển.

Biến chứng và hậu quả của bệnh sốt rét thường gặp là rối loạn chức năng gan, viêm gan mạn tính, xơ gan, lách to, viêm thận tạm thời, phù nề, thiếu máu thiếu sắt, thiếu acid folic trong máu, hạ đường huyết, viêm đau dây thần kinh... Vì vậy, người bị mắc bệnh sốt rét cần phải được kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện các biến chứng, hậu quả sau khi mắc bệnh sốt rét đã nhiều lần để có hướng điều trị phù hợp mặc dù đã chuyển nơi cư trú về đồng bằng, thành phố; ra khỏi vùng sốt rét lưu hành.

Các yếu tố nguy cơ gây sốt rét ác tính

Khi bị mắc bệnh sốt rét, một số trường hợp người bệnh có các yếu tố nguy cơ dễ chuyển sang sốt rét ác tính. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể bị tử vong. Bệnh nhân sốt rét có các yếu tố nguy cơ dễ chuyển sang sốt rét ác tính được xếp thành 4 nhóm như: (1) Địa lý, khí hậu có liên quan đến vùng sốt rét, mùa truyền bệnh sốt rét; (2) Điều kiện, hoàn cảnh, sinh hoạt, lao động; (3) Đặc điểm thuộc về cá thể, quần thể có liên quan đến thời gian ở vùng sốt rét, tiền sử sốt rét, lứa tuổi, thể trạng... và (4) Biện pháp can thiệp có liên quan đến việc phát hiện, điều trị sớm hay muộn. Các nhà khoa học nghiên cứu trên nhiều bệnh nhân đã ghi nhận được những yếu tố nguy cơ quan trọng là:

Sốt rét ác tính dễ phát triển và xảy ra ở những người trong tiền sử chưa bị mắc bệnh sốt rét lần nào hoặc mới mắc bệnh sốt rét khoảng từ 1 - 6 lần.

Những người từ vùng không có sốt rét mới vào vùng có sốt rét lưu hành trong thời gian dưới 6 tháng dễ bị mắc sốt rét ác tính hơn so với người đã ở lâu trong vùng sốt rét từ 6 - 12 tháng trở lên. Vì vậy so cùng một lứa tuổi, người dân tộc Kinh sống ở vùng đồng bằng, thành phố dễ bị mắc sốt rét ác tính khi đi vào vùng sốt rét hơn những người dân tộc thiểu số sinh sống đã lâu ở vùng rừng núi có sốt rét lưu hành.

Người bị mắc bệnh sốt rét khi đang lao động nặng nhọc như khai thác lâm sản ở trong rừng, làm nương rẫy, đào đãi vàng, đá quý... dễ chuyển sang sốt rét ác tính hơn so với việc làm, lao động nhẹ ở quanh nhà.

Một số trường hợp người mắc bệnh khi đang đi ở dọc đường, xa cơ sở y tế trong lúc vận chuyển, mang vác, về nghỉ phép, kéo đường dây điện lưới, thông tin viễn thông hoặc quá trình đi trinh sát, tuần tra... dễ bị sốt rét ác tính hơn những người đang ở tại nhà, tại cơ quan, đơn vị hay an dưỡng nghỉ ngơi ở các nơi gần cơ sở y tế.

Các yếu tố nguy cơ gây sốt rét ác tính đã nêu ở trên là vấn đề đã khẳng định vai trò, vị trí của mạng lưới y tế ở các tuyến, nhất là tuyến cơ sở trong nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân cần được phát triển và mở rộng khắp nơi ở các cơ sở, nhất là cơ sở tuyến đầu.  Các nhà khoa học cũng nghiên cứu ghi nhận tại những vùng sốt rét lưu hành có chủng loại ký sinh trùng sốt rét plasmodium falciparum chiếm ưu thế với tỷ lệ cơ cấu trên 70% và ở những thời điểm khi đang có dịch sốt rét xảy ra cũng là những yếu tố nguy cơ gây sốt rét ác tính nhưng có giá trị thấp hơn. Trong mùa truyền bệnh sốt rét và ngoài mùa truyền bệnh sốt rét, các yếu tố nguy cơ gây sốt rét ác tính gần như tương đương nhau.  

Bs. Nguyễn Võ Hinh

Thống kê truy cập

Đang online: 484

Số lượt truy cập: 22,993,577