Bệnh lý thận do sốt rét  3/10/2012 3:02:26 PM

Nếu bị mắc bệnh sốt rét, người bệnh có thể bị tổn thương ở cơ quan thận. Dù bị nhiễm bất kỳ chủng loại ký sinh trùng sốt rét Plasmodium nào, khi ký sinh trùng xâm nhập cơ thể sẽ gây nên bệnh lý viêm thận ở các mức độ nặng, nhẹ khác nhau tùy theo thể bệnh sốt rét mắc phải.

Các bệnh lý tại thận do ký sinh trùng sốt rét

Cơ quan thận của người bị mắc bệnh sốt rét có thể ảnh hưởng và gây nên những tai biến tùy theo chủng loại ký sinh trùng sốt rét bị nhiễm. Bệnh lý tạo ra đều do cơ chế bệnh sinh miễn dịch.

Bệnh lý suy thận cấp thường gặp trong các trường hợp bị nhiễm chủng loại ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum khi tỉ lệ hồng cầu nhiễm ký sinh trùng cao nhưng cơ chế sinh lý bệnh chính là nguyên nhân thứ phát đối với các rối loạn toàn thân, nhất là khi có tình trạng sốc giảm huyết áp, làm giảm lượng máu tới thận. Giải phẫu bệnh cho thấy có sự hoại tử ống thận rồi sau đó có tái sinh. Nếu có phù kẽ thì thường do mạch máu bao quanh ứ đầy thực bào nuốt hồng cầu bị nhiễm ký sinh trùng. 

Trong sốt rét tiểu huyết cầu tố, sự dung giải đột ngột một lượng lớn hồng cầu có thể làm tắc mao mạch cầu thận, nhất là khi huyết cầu tố hemoglobin gặp nước tiểu axít biến thành tinh thể hematin làm tắc ống thận, dẫn đến tình trạng đi tiểu ít hay vô niệu cùng với urê huyết cao. Ở đây cũng cần phân biệt loại dung huyết tự nhiên này với loại dung huyết do uống thuốc điều trị sốt rét ở người bẩm sinh thiếu men G6PD (Glucose 6 Phosphate Dehydrogenase).

Ảnh sưu tầm

Bệnh lý viêm cầu thận cấp

Do bị nhiễm loại ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum xuất hiện khi bị mắc bệnh sốt rét với protein niệu và đôi khi có huyết niệu nhẹ. Có tình trạng lắng đọng IgM trên thành mạch, khi thoát ra được thì nó có đặc hiệu với kháng nguyên của ký sinh trùng; ngoài ra còn có thể thấy cả phức hợp miễn dịch lưu hành và giảm thành phần bổ thể. Vì vậy cơ chế sinh lý bệnh tai biến cơ quan thận này được cho là do nguyên nhân miễn dịch.

Bệnh lý viêm cầu thận tiến triển kinh diễn do bị nhiễm chủng loại ký sinh trùng sốt rét Plasmodium malariae có những biểu hiện do cơ chế miễn dịch rõ hơn như có lắng đọng rõ ràng IgG hay IgM hoặc cả hai loại ở cầu thận. Đôi khi còn phát hiện được cả C3, IC. Tổn thương mô học ban đầu có thể được ghi nhận như dày cục bộ hay lan tràn thành mạch máu cầu thận, sau đó tiến triển dần thành trong hóa và xơ hóa. Trên kính hiển vi điện tử cho thấy có dấu hiệu những lắng đọng ở màng cơ bản của cầu thận. Trường hợp này có tiên lượng bệnh không tốt vì bệnh sẽ tiến triển qua hội chứng thận hư và dẫn đến suy thận.

Tổn thương thận trong các thể sốt rét

Đối với sốt rét thể thông thường
Khi bị mắc bệnh sốt rét thể thông thường, thận của người bệnh hơi to, có màu đỏ thẫm. Quan sát trên tiêu bản sinh thiết thấy các mạch máu nhỏ trong nhu mô thận bị sung huyết, tăng sinh tế bào gian mạch cầu thận cục bộ hay lan tỏa nhẹ; có dấu hiệu xâm nhập viêm rất thưa thớt cạnh cầu thận. Đây là hình ảnh của viêm cầu thận tăng sinh tế bào gian mạch. Sau khi được điều trị khỏi bệnh sốt rét, các tổn thương ở cơ quan thận sẽ mất dần.

Đối với sốt rét dai dẳng
Khi bị mắc bệnh sốt rét dai dẳng, bệnh tái đi tái lại nhiều lần; ký sinh trùng sốt rét tạo ra phức hợp kháng nguyên - kháng thể lắng đọng ở vách mao mạch cầu thận ở dưới nội mô hoặc trong màng đáy làm cho màng đáy cầu thận dày ra. Ở cầu thận có phản ứng tăng sinh bạch cầu đơn nhân, đa nhân. Tổn thương này gọi là viêm cầu thận màng tăng sinh. Nếu tình trạng viêm kéo dài sẽ dẫn đến xơ hóa cầu thận cục bộ hoặc lan tỏa, ống thận bị thoái hóa và teo lại. Chức năng lọc máu của cầu thần bị suy giảm.

Đối với sốt rét ác tính
Khi bị sốt rét ác tính, người bệnh bị biến đổi vi tuần hoàn thể hiện rất rõ ở cơ quan thận. Các mao mạch tiểu cầu thận và kẽ thận bị giãn rộng, chứa nhiều hồng cầu nhiễm ký sinh trùng sốt rét. Có thể thấy hiện tượng đông máu trong nội mạch rải rác ở nhu mô thận. Tế bào nội mô các mạch máu tăng sinh. Màng đáy tiểu cầu thận dày không đều. Bị ứ phù ở khoang nang Bowmann và khe các ống thận. Liên bào ống thận thiếu ôxy sẽ bị thoái hóa dạng hạt, hốc... hoặc bị hoại tử, bong tróc vào lòng ống thận. Trong ống thận có trụ hình.

Quan sát bằng kính hiển vi miễn dịch huỳnh quang có thể thấy lắng đọng phức hợp miễn dịch ở cầu thận và ống thận, kháng nguyên sốt rét, các globulin miễn dịch IgM, IgG, C3...; đôi khi C19, C4... Khi bị sốt rét cấp tính, tình trạng lắng đọng chủ yếu xảy ra ở vùng gian mạch cầu thận. Nếu bệnh nhân đã có quá trình bị mắc bệnh sốt rét trước đó thì tình trạng lắng đọng ở vách mao mạch dưới dạng các hạt nhỏ thô hoặc các vạch đậm, ngắn. Chính sự lắng đọng này sẽ dần dần làm dày màng đáy, hạn chế khả năng lọc của cầu thận, gây nên bệnh lý thiểu niệu, vô niệu, suy thận cấp.

Nếu mắc bệnh sốt rét, người bệnh có thể tổn thương thận.
 
 
Đối với sốt rét tiểu huyết cầu tố
Sốt rét tiểu huyết cầu tố được xem là một biến chứng nguy kịch và trầm trọng của bệnh sốt rét do nhiễm chủng loại ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum. Bệnh lý tan hồng cầu trong lòng mạch rất nhiều gây nên triệu chứng vàng da, nước tiểu ít, có màu đỏ sẫm như nước vối vì chứa nhiều huyết cầu tố hemoglobin.

Sinh thiết thận có thể thấy tế bào biểu mô ống thận bị thoái hóa, hoại tử cấp tính, bong tróc. Trong lòng ống thận có cặn huyết cầu tố hemoglobin. Trình trạng bệnh lý này sẽ làm cho urê máu cao, bệnh nhân bị suy thận cấp và trụy tim mạch dẫn đến tử vong.

Khi bị mắc bệnh sốt rét, nhiều cơ quan trong cơ thể con người sẽ trực tiếp hay gián tiếp tham gia vào cơ chế chống trả hoặc có thể bị ảnh hưởng gián tiếp. Ngoài cơ quan thận, các rối loạn tại những cơ quan khác như cơ quan cấu tạo máu, lách, gan, phổi... cũng có thể bị tổn thương. Khi nhiều cơ quan bị ảnh hưởng, có rối loạn chức năng và biến chứng trầm trọng thì tiên lượng của bệnh nhân rất xấu như các trường hợp sốt rét ác tính thể đa phủ tạng. Vì vậy khi đối diện với bệnh nhân bị mắc bệnh sốt rét, cần quan tâm đến sự rối loạn tại các cơ quan để có biện pháp xử trí phù hợp.  


TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh       

 

Thống kê truy cập

Đang online: 18

Số lượt truy cập: 22,659,015